Làm từ thiện – cơ hội đánh bóng tên tuổi
Chuyện người nổi tiếng ở Việt Nam đi làm từ thiện là “chuyện thường ngày ở huyện”. Không chỉ là một hoạt động có ý nghĩa mà chuyện làm từ thiện cũng phần nào giúp họ có thể “đánh bóng” tên tuổi của mình với mọi người. Công chúng sẽ cảm thấy gần gũi hơn với hình ảnh một người đẹp không ngại chân lấm tay bùn, không ngại khó, ngại khổ để tham gia vào các hoạt động tình nguyện. Tuy nhiên, hành động tuyệt vời đó nhiều khi bị lạm dụng và không còn là nghĩa cử cao đẹp nữa. Ai có thể lý giải được lý do tại sao chuyện người nổi tiếng tại Việt Nam đi làm từ thiện ngày càng không được lòng công chúng?
Trong một lần làm từ thiện tại một ngôi chùa nhưng Hoa hậu Diễm Hương lại mang nguyên một cây thông Noel đến chùa để chúc mừng. Người ta bắt đầu phì cười khi một bài báo đưa tin: “Điều này đã mang tới niềm vui và hạnh phúc cho các bé, bởi đây là lần đầu tiên các bé được tận mắt nhìn thấy cây thông Noel ngay trong chính ngôi chùa của mình…”.
Quả đúng đây là lần đầu tiên trong một ngôi chùa đạo Phật lại xuất hiện một cây thông của nhà thờ Thiên Chúa giáo. Đành rằng sự hòa hợp tôn giáo là một điều tốt mà tất cả các quốc gia, dân tộc đều hướng tới, nhưng người viết bài này tin chắc rằng Hoa hậu không nghĩ được sâu xa đến vậy. Thế nên hình ảnh này đã khiến dư luận xì xào về kiểu làm từ thiện “ngược đời” của người đẹp.
Miss Ngôi sao 2012 làm từ thiện. Chỉ người đi làm từ thiện được ngồi ghế có bàn.
|
Miss Ngôi sao 2012 có đăng một bức hình các người đẹp đi làm từ thiện gây xôn xao dư luận. Không ít những lời bình luận liên tiếp đổ về bày tỏ thái độ bức xúc của mọi người trước hành động vốn được coi là “nghĩa cử cao đẹp” này. Người ta cảm thấy khó hiểu khi các cô đi làm từ thiện môi son má phấn được ngồi bàn ghế tử tế, “cơm bưng nước rót” nhưng mấy ai để ý đến hình ảnh những cụ già lưng còng, mắt mờ, dáng hom hem, chân run run đang ngồi cạnh bên.
Còn nhớ, vụ lùm xùm chuyện các Hoa hậu làm từ thiện 1,5 triệu đồng cũng khiến dư luận phải bức xúc vì “tiền trao” thì ít mà “cháo múc” lại nhiều. Không chỉ vậy, vật phẩm mang đi “từ thiện” cũng có những chuyện cười ra nước mắt. Từng có quà là những thùng mì, bánh ngọt, sữa đã hết hạn sử dụng, những hộp trứng ung, thậm chí là những bộ quần áo đã cũ như giẻ rách. Làm từ thiện để nhường cơm sẻ áo là trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng khi mình có điều kiện sống tốt hơn, là tấm lòng, là đôi bàn tay truyền ấm áp cho nhau để tình yêu thương được kết nối một sức lan tỏa bền vững trong xã hội.
Nhiều sao mỗi lần làm từ thiện là phải tiếp thị ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông, nhưng những hành trình ý nghĩa đích thực lại là những hành trình thầm lặng nhất. Thế nhưng, không phải lúc nào hoạt động từ thiện cũng đẹp đẽ, nhân ái như chính ngôn từ xây nên nó, khi con người xem đó là đòn bẩy cho mục đích riêng; xem đó là một sự ban phát của kẻ quyền thế, giàu sang cho những phận nghèo hèn, nghĩ rằng “có là tốt rồi” hay “hàng tồn để dành làm từ thiện”… Đó chẳng khác nào dội thẳng vào đồng bào nghèo cần được giúp đỡ, cưu mang một gáo nước lạnh của sự xem thường, dửng dưng và một phần của sự ích kỷ, vô tâm.
Cư dân mạng trút “đống giẻ rách” tặng người nghèo
Trên thực tế quyên góp qua mạng xã hội cũng nảy sinh nhiều vấn đề khiến những người trực tiếp làm công tác vận chuyển, phân loại cảm thấy buồn lòng. Đơn cử như việc nhận 10 bao quần áo thì đến một nửa là đồ không dùng được không còn là chuyện hiếm. Công sức phân loại, tiêu hủy ngày càng trở nên nặng nề với các tình nguyện viên.
Thành viên trong nhóm từ thiện “Vì ta cần nhau” nói: “Chúng tôi không chê hay kén chọn quá đáng mà chỉ muốn mọi người khi chung tay giúp đỡ người nghèo cũng nên lưu ý xem đồng bào mình, con em mình ở vùng cao có mặc được những thứ này không? Những chiếc quần, chiếc áo, chăn màn có thơm tho, sạch sẽ không?”.
Khu TH-NC Hà Nội vốn được mệnh danh là khu nhà của những người kinh tế cao, thế nhưng khi quyên góp từ thiện cho đồng bào miền Trung chịu bão lũ, các tổ trưởng dân phố “đứng hình” khi thấy quần áo quyên góp là đồ lót phụ nữ đã qua sử dụng và thải loại, váy ngủ đứt quai, áo may ô thủng lỗ chỗ như tổ ong…
Việc quyên góp quần áo thì tất nhiên không thể đòi hỏi quần áo mới, vì sự giúp đỡ ở đây đa phần là người có nhiều giúp người có ít, chủ yếu thiện tâm là chính. Tuy nhiên, nếu gom quần áo quá rách nát, quá bẩn, không phù hợp hoặc giặt đi rồi cũng không dùng được rồi gửi cho các nhóm thiện nguyện như thể trút bỏ đống giẻ trong nhà thì thật đáng trách. Người nhận sẽ cảm thấy sự thương hại nhiều hơn là sự chia sẻ.
Bạn Lê Đình Dũng, thành viên Đội Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Hoạt động tình nguyện như “Đông ấm Hà Giang” vừa rồi Đội mình tổ chức thực sự rất ý nghĩa, thực tế. Vì đối tượng quyên góp đa phần là sinh viên nên bọn mình chủ yếu nhận được quần áo, sách vở. Tuy nhiên, sách vở lại toàn là giáo trình, các môn học bậc đại học nên các em nhỏ sẽ không sử dụng được”.
Anh Nguyễn Toàn Thắng, hội viên tích cực của “Từ thiện thật” (chủ nhóm là Diễn viên – MC Thành Trung) chia sẻ: “Nhóm hàng tháng sẽ trợ cấp gạo và lương thực chứ không từ thiện bằng tiền mặt. Bên mình xin trợ cấp từ các nơi, chủ yếu là quần áo, sách vở, đồ dùng… Trong đó những đồ dùng như quần áo, nồi niêu hay rổ rá thì đa phần quá cũ nát hoặc không thể sử dụng được nữa”. Nhận được “món quà”, người nghèo phải tủi thân và cảm thấy như sự bố thí, bị coi thường”.
Các cụ xưa hay nói, quý là ở tấm lòng. Tấm lòng biết cho, biết hướng tới người khác, biết cảm thông và đáp lại thành ý của người khác. “Của cho không bằng cách cho”, nghĩa là làm từ thiện cũng cần phải có văn hóa, cần phải tôn trọng người nhận.