Trang chủ Diễn đàn Hòa giải

Hòa giải

61

Chuyến trở về thứ 2 của thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày mùng 4 Tết được các báo trong nước đồng loạt đưa tin. Cùng với Tăng Đoàn Làng Mai, thiền sư về Việt Nam lần này là để lập ba đại Trai đàn Chẩn tế tại ba trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Việt Nam. Đại diện của Thiền sư nói trên một tờ báo rằng, Trai Đàn sẽ cầu siêu cho: “tất cả những đồng bào tử nạn trong chiến tranh, trong đó có những người chết trận; nạn nhân chiến tranh; những người bị mất tích mà hài cốt chưa tìm ra được; những người đã chết trong tù ngục và  những thuyền nhân không may bỏ mình trên biển cả”.


Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan là một pháp hội cúng chay và cầu siêu cho những vong hồn không có ai thờ tự. Nghi thức Trai đàn nhằm cầu siêu cho người chết được siêu thoát,  qua đó cũng cầu an cho người sống được an lạc, hóa giải mọi tai ương, hận thù. Tập tục này được truyền qua Việt Nam từ thời Lý. Năm 1789, sau khi “đại phá quân Thanh”, vua Quang Trung đã ban sắc lệnh làm lễ cúng cô hồn tử sĩ, kể cả cho mấy vạn quân Thanh tử trận. Năm 1802, sau khi thống nhất sơn hà, vua Gia Long cũng thiết lập đàn siêu độ cho “tướng sĩ trận vong và cô hồn thập loại”.


Cầu siêu cho những người tử nạn trong chiến tranh


Những người tử trận trong cuộc chiến tranh được nói tới trong đại lễ cầu siêu mà thiền sư Nhất Hạnh được phép tổ chức cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam là cuộc chiến đã chấm dứt cách đây gần 32 năm. Ngay trong những ngày kết thúc chiến tranh, 1/5/1975, khi gặp Đại tướng Dương Văn Minh, vị Tổng thống cuối cùng của  chính quyền Sài Gòn tại dinh Độc Lập, Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố: “Giữa chúng ta không có kẻ thắng người thua, chỉ có nhân dân Việt Nam là người chiến thắng”. Tuyên bố đó không chỉ là của riêng Tướng Trà mà là của một tầm nhìn. Thống nhất giang sơn đã khó, thống nhất lòng người sau mấy chục năm chiến tranh còn bội phần khó hơn.


Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể rằng, khi ông được điều về lãnh đạo cuộc kháng chiến ở miền Tây Nam Bộ, anh em binh vận ở đó gọi những gia đình có con em đi lính cho Chế độ Sài Gòn là gia đình “nguỵ quân” khiến cho bà con rất buồn. Ông Võ Văn Kiệt lúc đó đã yêu cầu các cán bộ thuộc quyền không được gọi như vậy nữa. Sau ngày đất nước thống nhất, Cục Báo chí – Xuất bản cũng đã có Văn thư số 06/BCXB, ngày 17/2/1976 lưu ý vấn đề này: Kính gửi các cơ quan Thông tấn xã, Đài phát thanh và Đài truyền hình, các báo chí miền, thành phố và các tỉnh. Chấp hành ý kiến của lãnh đạo, chúng tôi xin thông báo đến các đồng chí được rõ: Kể từ nay, các bài viết đăng trên báo và trên đài, ta nên thống nhất dùng chữ “những người trong quân đội và chánh quyền của chế độ cũ” thay cho chữ “nguỵ quân và nguỵ quyền Sài Gòn” đã dùng trước đây. Với một cuộc chiến tranh mà như Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng mô tả, “Lịch sử đã đặt nhiều gia đình Việt Nam vào tình thế vừa có người ở phía bên này, vừa ở phía bên kia”, thì đấy không chỉ là cách dùng từ, đấy là một thái độ chính trị đối với hàng triệu đồng bào.


Lịch sử của không ít quốc gia cũng đã từng phải trải qua những tình huống tương tự. Tại bảo tàng cuộc chiến Bắc – Nam, 1961-1965 của Mỹ, tướng bại trận miền Nam Robert Lee, vẫn được miêu tả và được biểu thị sự kính trọng như một người hùng. Người Mỹ kính trọng tướng Lee không chỉ vì quyết định đầu hàng của ông đã giúp cho cuộc chiến tranh kết thúc có hậu và sự kính trọng đó không chỉ dành cho cá nhân ông, mà còn dành cho tinh thần chiến đấu của một người Mỹ. Nhưng với cả người Mỹ, mọi chuyện cũng không đơn giản. Abraham Lincoln, vị Tổng thống lãnh đạo cuộc chiến tranh 1861-1865, người mà ngay sau cuộc chiến đã đưa ra những tuyên bố mang tính hoà giải Bắc – Nam, đã bị ám sát chưa đầy một tuần sau chiến thắng.


Trị liệu “vết thương lòng”








Soạn: HA 1046451 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tăng ni Phật tử đón thiền sư Thích Nhất Hạnh tại quê nhà

Trai đàn Giải oan “không thuần tuý là vấn đề tôn giáo” mà còn là một phương pháp trị liệu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói với báo chí trong nước: “Tôi đã đi qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tôi biết ở phía nào cũng có người trực tiếp hoặc gián tiếp gánh chịu đau khổ. Những vết thương lòng nếu không trị liệu có thể sẽ truyền lại cho con cháu”. Lịch sử thống nhất lòng người Việt Nam cũng đã không giản đơn như những tuyên bố trong những ngày chiến thắng. Có vô số “vết thương” trong lòng người Việt đã xảy ra trong chiến tranh và cũng có những “vết thương”, rất tiếc, vẫn còn xảy ra những năm sau đó.


Hai năm trước đây, trong một bức thư gửi Chủ tịch UBTU Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đặt ra vấn đề tổ chức một “Lễ cầu siêu cho vong linh những người đã chết trong chiến tranh”. Ông Võ Văn Kiệt cũng đã nhắc lại điều này trên báo chí khi ông làm lễ trồng cây Bồ Đề nhân ngày xá tội vong nhân hồi tháng 7/ 2006. Ngày 27/11/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký một quyết định quan trọng, đồng ý chuyển 58 hecta đất thuộc nghĩa địa Bình An, vốn là khu nghĩa địa của quân đội Sài Gòn trước đây sang mục đích dân sự. Quyết định này giúp cho, ngoài Trai đàn Chẩn tế, các nhà sư còn có thể tiến hành “lễ rước linh tại các nghĩa trang liệt sĩ cũng như nghĩa trang quân đội chính quyền cũ”. Nhưng, không chỉ dựa trên những quyết định ấy – sự chuyển mình của đất nước và những thay đổi về chính sách đã khiến cho những người Việt Nam, dù đang ở trong nước hay vài thập kỷ trước từng phải cất bước ra đi, không còn nhìn thấy quá nhiều khác biệt nữa – mới chính là điều kiện để những tăng ni, phật tử thiết lập được một Trai đàn Giải oan quy mô như thế này.   


Đúng như thiền sư Thích Nhất Hạnh nói, Trai đàn Giải oan “không thuần tuý là vấn đề tôn giáo”. Sự xuất hiện của những hoạt động như vậy ở trong nước là tín hiệu cho một cách nhìn mới giữa người Việt với nhau. Không phải rồi vết thương nào cũng có thể lành ngay sau một Trai đàn Chẩn tế. Thậm chí nó vẫn có thể khơi thêm một chút ngậm ngùi cho một số ít người. Nhưng những hoạt động như vậy chắc chắn sẽ mang đến nhiều hy vọng. Rồi có lẽ sẽ có một ngày, các bà mẹ Việt Nam sẽ đưa những đứa con đã mất của mình về nằm cạnh bên nhau và những đứa con lưu lạc, mong sao, cũng sẽ lần lượt trở về, ngồi lại với nhau.