Trang chủ Tết Việt Hoa đào năm ngoái

Hoa đào năm ngoái

70

"Trước sau nào thấy bóng người/Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" là hoa trong Truyện Kiều chứ không phải là hoa trong vườn đào Nhật Tân, cũng không là cành đào được cắm trang trọng giữa nhà đón Tết của người Hà Nội. Mà vì thế, cái "năm ngoái" mông lung ấy bỗng gợi lên về cái đã một đi không trở lại trong sự tiếc nuối theo kiểu "đi tìm một thời gian đã mất" của Marcel Proust!

Làm sống lại tứ thơ của Thôi Hộ, một người thơ của thế kỷ thứ IX đời nhà Đường bên Trung Quốc, Nguyễn Du biểu tả nỗi lòng Kim Trọng về thăm lại cảnh cũ chốn xưa. Đó là hai câu trong tuyệt tác "Đề đô thành Nam Trang" : " Nhân diện bất tri hà xứ khứ,   Đào hoa y cựu tiếu đông phong". [Mặt người không biết đã về chốn nào, Hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ ]. Xem ra trong nghệ thuật ngôn từ và hình ảnh thì quả là "kẻ tám lạng, người nửa cân", đều là bút pháp bậc thầy cả.  Ấy thế mà hình ảnh "hoa đào năm ngoái" của cụ Nguyễn Du cứ như là tiên tri về một cái gì đó đã mất đi, một sự nuối tiếc về một nét đẹp đang tàn phai. Mà đâu chỉ tàn phai. Một nét đẹp đang bị hủy hoại, vừa có ý thức vừa vô thức không cách gì cưỡng lại được, của một vùng hoa Hà Nội.

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông, Ảnh: VNN

Cứ mỗi lần trở về thủ đô, từ sân bay Nội Bài xuôi theo đường đê sông Hồng, không sao ngăn được nỗi buồn trước những mảnh vụn của làng hoa xưa trong hình hài của đôi ba thửa đất trồng hoa cỏn con còn sót lại, đang lạc lõng tội nghiệp trong xô bồ ngạo nghễ những tòa "bin đinh" cố ngoi cao mãi lên bên những phố xá đủ kiểu. Pha vào đó là khói rơm thui của nhà hàng "thịt chó cổ truyền" cứ như muốn xua đi những vương vấn thẩm mỹ về một vùng hoa! Thẫn thờ nhìn, để rồi không sao thoát khỏi cảm giác tiếc nuối vô vọng những kỷ niệm sâu lắng về một vùng hoa đã đi vào tâm thức người Hà Nội bao đời.

Chao ôi sao lại không giữ lại cái không thể thay thế được trong lòng người Hà Nội, giữ lại cái phần dành cho hoa, nghĩa là cho cái giá trị sâu lắng nhất của một Hà Nội ngàn năm văn vật . " (Cho hoa) còn một chút này, chẳng cầm cho vững lại giày cho tan". Một vùng đất trồng hoa, nơi vun trồng cho cái đẹp Hà Nội, vùng đào Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá đâu rồi? Nhật Tân không còn hoa đào? Người ta trả lời là đã có những vùng trồng đào mới, nơi này nơi kia. Nhưng người Hà Nội biết thưởng thức hoa thì hiểu rõ lắm, cành đào hợp với thổ ngơi, được chăm sóc với cả tâm hồn và trí lự bao đời truyền nối của nơi đây sẽ cho hương cho sắc khác hẳn với những thế phẩm cưỡng ép. Trong đời sống của người Hà Nội sao có thể không có hoa đào. Không có hoa đào Nhật Tân thì làm gì còn hương sắc Tết cổ truyền của Hà Nội qua những bước thăng trầm của lịch sử .

Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về những ngày ấy có đoạn : "Tết Đinh Hợi (1947) mở đầu cho nhiều cái Tết tiếp theo. Tiếng súng ở Măt trận đã thay cho tiếng pháo mừng xuân. Đồng bào ở giáp mặt trận vẫn có mâm cơm cúng gia tiên chiều tất niên, nén hương thắp trên ban thờ lúc giao thừa, và đặc biệt không quên những chiếc bánh chưng, cây giò, gói mứt gửi người đang chiến đấu ở mặt trận. Các chiến sĩ Liên khu 1 nhận được cả một cành đào Nhật Tân và những bó hoa tươi. Đêm 30 Tết, họ mở một đợt tiến công ở nhiều nơi trong thành phố và cắm cờ đỏ sao vàng trên Tháp Rùa để khẳng định sự có mặt của mình tại Thủ đô" .

Hương vị mùa xuân, Ảnh: VNE

Cành đào Nhật Tân trong hồi ký của vị tướng huyền thoại này đã đi vào lịch sử. Và cành đào Nhật Tân dạo nào cũng đã thăng hoa thành huyền thoại để người Hà thành kể về cành đào Nhật Tân của vua Quang Trung tặng công chúa Ngọc Hân.

Các bậc trưởng lão trong làng Nhật Tân kiêu hãnh và cảm động kể chuyện về cành đào tự tay nhà Vua chọn tại một vườn hoa ngoại thành Thăng Long còn đang vương mùi khói súng của ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789, rồi lệnh truyền cho ngựa trạm tức tốc phi về Phú Xuân để tặng người vợ yêu của mình, giúp nàng vơi đi nỗi nhớ Hà Nội.

Và rôi hôm nay cũng để nguôi ngoai bớt nỗi nhớ "hoa đào năm ngoái", xin nhắc lại câu chuyện vui trong vườn đào Nhật Tân giáp Tết năm ấy. Đối với những người Hà Nội sành điệu, để chọn được cành hoa ưng ý, thì phải lên thẳng những vườn hoa Nhật Tân. Chỉ riêng việc được phép gia chủ để lang thang trong vườn hoa, mà nhìn ngắm hoa đang trên cành, cành bắc cành nam đung đưa  lay động trước ngọn gió Xuân mang hơi lạnh cùng với những hạt mưa bụi hoặc có khi hơi nặng hạt, cũng đã là một nguồn cảm hứng khó tả của người Hà Nội trong buổi Xuân về, Tết đến.

Hoa đào mà không có ngọn gió xuân từ hướng đông, đông bắc mang hơi lạnh trong lất phất mưa phùn, thì e phải mất đến non nửa sắc Xuân! Và rồi, có một bậc thức giả của Hà Nội yêu thơ Đường , nhân ngọn gió xuân mang hơi lạnh làm đẹp thêm những cành đào bích, đào phai cánh đơn cánh kép này, đã đọc bài "Xích Bích Hoài Cổ" bất hủ của Đỗ Mục để cốt dừng lại ở hai câu mà dẫn dắt câu chuyện kỳ thú bên cành đào :

"Đông phong" bất dữ Chu Lang tiện,

Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều.

(Gió đông ví không thuận tiện cho Chu Du,

Thì đài Đồng Tước đã khóa hai nàng Kiều trong mùa xuân muộn.)

Đó là chuyện Gia Cát Lượng khích Chu Du trong Tam Quốc. Đánh vào lòng tự ái của Chu Du, Khổng Minh đã chữa lại bài phú của Tào Thực vịnh đài Đồng Tước để làm đẹp lòng Tào Tháo. Trong bài phú có câu :

Liên nhị kiều ư đông tây hề.

Nhược trang không chi nhất chuế đồng

(Liền hai cái cầu ở bên đông bên tây

Như cầu vồng ở trên không)

"Nhị kiều" là hai cây cầu ở đài Đồng Tước đã bị Khổng Minh thay chữ "kiều" là "cầu" thành "Kiều" là tên hai con gái của Kiều Công ở Giang Đông. Đại Kiều là vợ của Tôn Quyền, Tiểu Kiều là vợ của Chu Du. Lại đổi chữ "đông tây" thành "đông nam", rồi đổi chữ "lãm" là gom lại, nhốt lại, bằng chữ "lãm" là ngắm, tiếp đó đổi cả vế sau để thành câu dưới đây để đọc cho Chu Du :

Lãm nhị Kiều ư đông nam hề.

Lạc nhiêu tịch chi dữ cộng

(Nhốt hai nàng Kiều ở bên đông nam

Để sớm chiều vui vầy)

Nghe xong, Chu Du nổi cơn thịnh nộ : "ta thề cùng thằng giặc già một còn một mất"! Câu chuyện thú vị của bậc thức giả khiến cho vị chủ nhân vườn đào vừa cảm cái tình của khách xem hoa, vừa cao hứng về câu chuyện ngày xuân, đã tự tay cưa tặng vị khách cành đào phai đẹp nhất vườn trong ánh mắt hân hoan xúc động của khách thưởng hoa hôm ấy.

Vậy thì, cũng xin học đòi đổi chữ  "hoa đào năm ấy (đang) cười gió đông" nhằm tìm một cái kết có hậu cho bài báo Tết!