Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Hộ pháp là hoằng pháp

Hộ pháp là hoằng pháp

144

Trong phần phản hồi bài viết “Bài học từ cải đạo qua đốt chùa, chặt đầu tượng Phật ở Hàn Quốc”, bạn đọc “PhanQuocBinh” có đề nghị Ban biên tập trang Phattuvietnam.net và cá nhân tôi giải đáp về một thắc mắc, liên quan đến việc đúng sai của quan niệm hộ pháp.

Theo thông tin mà độc giả nói trên gửi đến thì Ban Chủ nhiệm chùa Quan Âm Cát, P.5, TP Vũng Tàu trong khi thảo luận ý kiến với một Phật tử cho rằng các thông tin “trên mạng” (xin lưu ý, trên mạng nói chung, không phải chỉ riêng từ trang tin điện tử Phattuvietnam.net) về việc cải đạo tín đồ Phật giáo và các sự kiện liên hệ đến việc này làm một Phật tử suy tư, lo lắng, đưa đến những hành động “tâm hộ pháp nhưng là kẻ phá hoại đoàn kết trong Phật giáo”.

Rất tiếc là thông tin cũng còn chung chung, không thuận lợi để người đọc nắm ngay trọn vấn đề, để có thể bám sát nội dung trả lời chi tiết.

Đây cũng là thông tin từ một phía, có liên hệ đến một tập thể (Ban Chủ nhiệm chùa Quan Âm Cát), cho nên dù trả lời theo như lời hứa chung với đông đảo bạn đọc, nhưng tôi cũng xin bày tỏ sự thận trọng, và đây cũng chỉ là ý kiến của cá nhân tôi.

Mong rằng, chúng tôi nhận được thông tin từ Ban Chủ nhiệm chùa Quan Âm Cát để có được sự phản ánh nhiều chiều, bảo đảm được tính khách quan khi thảo luận vấn đề.

Chúng tôi không dám bàn luận, đánh giá những ý kiến trên mạng nói chung về vấn đề cải đạo, vì chắc chắn là rất nhiều mà chúng tôi không thể nắm hết được.

Có thể có những thông tin nào đó có thể cường điệu quá, nên gây “suy tư lo lắng làm mất thời gian nhiều”.

Riêng đối với những thông tin về việc cải đạo đăng trên Phattuvietnam.net, thì chúng tôi thấy là tuy có gia tăng, nhưng so với sự gia tăng chung của số lượng tin, bài, thì sự gia tăng trong so sánh tương đối không lớn, và hầu hết đều đáng tin cậy.

Thông tin từ bài viết hầu hết đều có dẫn nguồn. Thông tin từ phản hồi bạn đọc tuy một số trường hợp không thể kiểm chứng các câu chuyện kể lại, nhưng đều là những chuyện có thể xảy ra, có cơ sở để tin cậy.

Vì vậy, kính mong Ban Chủ nhiệm chùa Quan Âm Cát quan tâm đến các thông tin từ trang Phattuvietnam.net, cũng như từ những trang web Phật giáo có uy tín khác như Giác Ngộ, Thư viện Hoa Sen, Điểm Nhìn… về mọi phương diện, trong đó gồm cả thông tin về việc cải đạo tín đồ Phật giáo, để biết rõ về hiện trạng Phật giáo chúng ta.

Trên tinh thần chính kiến, chính tư duy, thì những thông tin lạc quan, tích cực thì chúng ta cùng hoan hỷ, còn đối với những thông tin phản ánh hiện trạng  tín đồ Phật giáo đang bị cải đạo, thì người Phật tử có lấy đó làm điều “suy tư, lo lắng, làm mất thời gian nhiều” thì cũng là chuyện bình thường.

Nếu thản nhiên, dửng dung, vô cảm mới là chuyện không bình thường.

Xuyên suốt tinh thần các bộ kinh Phật là lời đức Phật giao trách nhiệm hộ pháp cho người Phật tử tại gia, hoằng pháp cho tăng đoàn xuất gia.

Không nên hiểu hộ pháp chỉ là lo cúng tịnh tài, hương đăng, tứ sự lên ngôi Tam bảo. Hộ pháp với nghĩa rộng lớn hơn là bảo vệ sự trường tồn của chính pháp (trong đó việc cúng dường tịnh tài vật chất chỉ là một phần).

Hộ pháp hiểu theo nghĩa có trách nhiệm làm cho đạo pháp vững bền, hưng thịnh, trường tồn, “Phật nhật tăng huy/Pháp luân thường chuyển” thì gắn bó chặt chẽ với việc hoằng pháp, làm cho chính pháp hoằng truyền rộng rãi, người phát tâm tu Phật, quy ngưỡng giáo pháp ngày càng nhiều.

Vì vậy, dù hoằng pháp hay hộ pháp, thì cũng cần thông tin chính xác về tinh trạng hoằng hóa đạo pháp, để mà xác định tư duy, kiến giải của mình một cách đúng đắn.

Đạo thịnh mà nói suy cũng không được.

Đạo suy mà nói là thịnh, không cần quan tâm, là gián tiếp làm  cho đạo pháp suy vi hơn nữa.

Cả hai điều đó đều không phải là chính kiến, chính tư duy, là “như thị tri kiến” (biết và lý giải đúng như sự thật).

Vì vậy, người Phật tử có mất thời gian nhiều để có được sự hiểu biết đúng đắn về thực trạng Phật pháp, là điều cần phải khuyến khích, để họ lo tròn nhiệm vụ hộ pháp.

Thực trạng đạo Phật tại Việt Nam như thế nào? Trong bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một số thông tin, để tất cả chúng ta cùng suy nghĩ.

Năm 1963, trong hoàn cảnh diễn ra pháp  nạn lịch sử, con số ước lượng tín đồ Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, và cũng phù hợp với ước lượng chung của cả nước,  là hơn 90%.

Con số này không phải là con số thổi phồng, vì nó được nhiều nguồn có giá trị xác nhận. Ở đây chỉ xin dẫn lại nhận định của một học giả linh mục tiếng tăm, ông Trần Tam Tĩnh.

Trong quyển Thập giá và lưỡi gươm, Nhà xuất bản Trẻ TPHCM, 1998, trang 31, dẫn lại bởi tiến sĩ Vũ Minh Tuyên, qua công trình “Cơ duyên tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, thì dưới thời Ngô Đình Diệm “…trong một nước chỉ có 1% Công giáo, mà tại Quốc Hội có tới 30% dân biểu Công giáo, với ba vị chủ tịch Quốc hội liên tiếp là công giáo…”.

Ở đây, chúng ta chú ý xác định năm 1963, 1% dân số Việt Nam là công giáo.

Theo ước lượng tương ứng, thì số lượng tín đồ Tin Lành ở mức khoảng 1/10 tín đồ Thiên Chúa La Mã (Công giáo), tức khoảng 0,1% dân số.

Như đã nói, tỷ lệ tín đồ Phật giáo thời bấy giờ ước khoảng hơn 90%.

Nhưng tỷ lệ ước lượng tín đồ Phật giáo cứ giảm dần với thời gian từ hơn 90%, xuống 80%, 70%, 60%, 50%, 40%, 30%… rồi 18%.

Mới đây Từ điển Bách khoa trên mạng wikipedia, mục từ “Religion in Vietnam” đã đưa ra một con số mới, rất thấp: “other give figures as low as 9%”.

9%! Tức là từ hơn 90% giảm xuống còn 9%, chỉ còn 1/10, trong chưa tới nửa thế kỷ.

Nhìn sang các tôn giáo khác thì sao? Trong mục từ “Christianity in Vietnam”, cũng ở từ điển nói trên cho biết theo điều tra dân số mới nhất từ chính phủ, là 8% người theo Cơ Đốc giáo (7% Công giáo và 1% là Tin Lành). Nguyên văn: “The newest census of Government show that is 8% (7% Catholic and 1% Protestant)."

Như vậy, cùng với số giảm tín đồ tương ứng của tín đồ Phật giáo, là sự gia tăng tương ứng tín đồ Cơ đốc giáo.

Đây là kết quả của nửa thế kỷ cải đạo mà bây giờ chúng ta mới nói nhiều tới.

Những con số trên chỉ là con số thống kê khai báo. Nó không hẳn chính xác tuyệt đối, nhất là những ước lượng về tín đồ Phật giáo Việt Nam. Nhưng nó cũng không phải không có giá trị gì hết.

Nó cho thấy một xu hướng, tỷ lệ tín đồ các tôn giáo khác cải đạo tín đồ Phật giáo thì giảm. Giảm tỷ lệ bao nhiêu thì còn có những ước lượng khác biệt. Nhưng điều hiển nhiên là giảm! Giảm rõ ràng! Và có thể nói là giảm mạnh.

Như vậy, đây không phải lo xa, lo mất thời gian vô ích, mà là cái lo gần, trước mắt, nhãn tiền.

Nếu theo con số mà 9% Wikipedia dù sao cũng đưa ra với sự thận trọng, nhưng cũng không phải là không có cơ sở để từ điển này ghi nhận, thì chỉ còn 1% nữa thôi, là Phật giáo không còn là tôn giáo đa số của người Việt Nam và thêm 1% nửa, là Phật giáo trở thành tôn giáo thiểu số ở Việt Nam.

Trở lại câu hỏi của bạn đọc “PhanQuocBinh” mà chúng ta đang thảo luận câu trả lời ở đây, thì nếu không “suy tư lo lắng mất nhiều thời gian” thì chỉ qua vài thế hệ ở Việt Nam sẽ không còn người tu Phật.

Phật giáo Hàn Quốc đã là tôn giáo thiểu số nếu so với Cơ đốc giáo nói chung (22,8% so với 29,2%), nhưng không đến nỗi xuống đến mức… 9% như Wikipedia ghi nhận, hay 18% trong một thống kê được cho là chính thức từ điều tra dân số, theo một bài viết trước đây đã đăng trên Phattuvietnam.net.

Nếu theo các thông tin như trên, thực trạng Phật giáo Việt Nam là đáng ngại hơn so với  Phật giáo Hàn Quốc.

Có điều, những sự việc đã xảy ra như Phật giáo Hàn Quốc chưa xảy ra cho Phật giáo Việt Nam, vì quan điểm chính sách tôn giáo của nhà nước Việt Nam khác hẳn với Hàn Quốc. Vì vậy, trong diễn biến thiểu số hóa, Phật giáo Việt Nam vẫn còn được hưởng sự bảo vệ.

Tuy nhiên, những con số thông báo về diễn biến thiểu số hóa là điềm báo rất xấu cho Phật giáo Việt Nam.

Sự ổn định của Phật giáo Việt Nam đang nằm ở thế chông chênh, vì người tin vào chính pháp ngày càng giảm sút, người cải đạo sang tôn giáo khác, trong đó có một số không nhỏ quá khích cực đoan diễn biến theo chiều hướng tăng.

Vấn đề nhãn tiền như vậy, mà không suy tư, thì mới thật là không bình thường.

Ngày tết vừa rồi, có nhiều câu chuyện kể bi đát về gia đình có người cải đạo. Con cháu đã cải đạo về nhà cha mẹ thăm tết không chịu làm lễ bàn thờ ông bà, nói rằng thờ cúng ông bà là thờ cúng ngẫu tượng, là một cách liên hệ với người chết, tức là ma quỷ. Nói họp mặt gia đình thì họ chịu, chứ dứt khoát từ chối rước ông bà, cúng ông bà.

Họ có cho ba má tiền lì xì hậu hỷ thì cũng bảo rằng đã làm tròn nghĩa vụ hiếu đễ, vì khi ba mẹ trăm tuổi, sẽ không có chuyện thờ kính, cúng giỗ gì cả.

Bi kịch cải đạo đã gõ cửa từng gia đình chúng ta, cho nên trên thì lo cho Đạo pháp, dưới thì lo cho chính gia đình chúng ta.

Vấn đề nếu đề cập đến việc cải đạo là “gây chia rẽ mất đoàn kết trong Phật giáo” đã được một bạn đọc có ý kiến thảo luận. Tôi nhất trí với ý kiến thảo luận đó, nên thiết tưởng không cần đề cập tới.

Mà thay vào đó, một lần nữa chúng ta nói chuyện HỘ PHÁP CHÍNH LÀ HOẰNG PHÁP.

Để gia tăng số tín đồ Phật giáo làm cho nhiều người tin theo đạo Phật, đảo ngược xu thế thiểu số hóa tín đồ Phật giáo hiện nay, thì cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong hoạt động hoằng pháp.

Nói hộ pháp theo nghĩa là ngăn chận diễn biến cải đạo dễ có ý kiến không thống nhất, vì từ trước đến nay, khái niệm hộ pháp của người cư sĩ giới hạn lại trong việc cúng dường.

Như vậy, thay vì nói hộ pháp, thì nói hoằng pháp, nỗ lực lo sao cho số người quy ngưỡng Đạo pháp tăng lên, thì tăng ni Phật tử chúng ta dễ thống nhất với nhau hơn.

Mong rằng bài trả lời riêng cho câu hỏi của một độc giả này là lời giải đáp chung cho những khác biệt còn có trong Phật tử chúng ta về việc ngăn chận việc cải đạo tín đồ Phật giáo.

Điều đó, với lời phục nguyện hàng ngày của chúng ta: “Phật nhật tăng huy/Pháp luân thường chuyển” cũng là một.

MT