Di tích chùa Báo Ân (thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sụp đổ. Tháng 11/2018, UBND TP Hà Nội đã bổ sung kinh phí để tu bổ cấp thiết. Tuy nhiên đến nay, ngôi chùa 300 năm tuổi vẫn đang trong cảnh “màn trời chiếu đất” do chính quyền địa phương chậm chạp tu bổ.
Xót xa ngôi chùa 300 năm tuổi
Chùa Yên Nội (còn có tên là chùa Báo Ân) nằm cách trung tâm Hà Nội 20km, được xây dựng khoảng 300 năm trước. Năm 1990, chùa Báo Ân được Bộ VHTT&DL cấp Bằng công nhận di tích lịch sử, văn hóa.
“Ngày 2/3, một nhóm thợ tự ý sửa chùa, nhà chùa không hề hay biết. Thời gian mưa, thợ sửa chữa nghỉ, họ thích làm thì làm, không thì thôi. Tối hôm kia, trời mưa, người ta che đậy sơ sài, nước vào trong chùa, nhà chùa đóng cửa, người ta lại trèo tường vào, không coi nhà chùa ra gì.”
Sư thầy Thích Trọng Nghĩa – Trụ trì chùa Yên Nội
Bao quanh chùa là nước và cây xanh. Đường vào ngôi chùa nhỏ bé, cổ kính giống với quy mô khiêm nhường của ngôi chùa giữa làng quê nghèo khó cách đây 300 năm trước.
Theo lời kể của người dân Yên Nội, trước đây, ngôi chùa 4 phía đều là đầm lầy. Sư thầy trong chùa phải đi xin từng thúng đất lấp dần để lấy mặt bằng làm sân, làm lối vào chùa.
Có đất tới đâu, sư trồng chuối tới đó, rồi rọc lá bán cho người ta gói bánh lấy tiền mua từng viên gạch tích dần. Đủ gạch, sư lại nhờ người xây tường bao để dân không lấn chiếm đất chùa.
Tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm, ngôi chùa nhỏ bé đang ngày càng xiêu vẹo, tường thủng lỗ chỗ, mái ngói mốc trắng, dột nát khắp nơi; nền nhà ẩm thấp, sụt lún.
Cũng vì vậy, hai hàng tượng của chùa bằng chất liệu đất đang xuống cấp nghiêm trọng, không còn nguyên vẹn có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Ám ảnh hơn, có tượng, rơi đầu chỉ còn chiếc cọc đóng làm khung tre chồi lên.
Sư trụ trì chùa Báo Ân Thích Trọng Nghĩa cho biết: “Mái chùa đã hư hỏng nhiều, vào những dịp mưa gió nước ở trong nhà như ngoài sân. Nhiều khi mưa lớn, nước tràn vào trong khu vực chùa. Do vậy, hầu hết kiến trúc chùa đã bị hư hỏng, tượng phật trong chùa không còn nguyên vẹn. Vào những ngày lễ, sư thầy và các phật tử chỉ có thể làm lễ bên ngoài sân, vái vọng”. \
Người dân thôn Yên Nội cũng cho biết, lo sợ chùa có thể sập, phật tử, Nhân dân trong làng đã quyên góp để che chắn, chống đỡ, hạn chế sự xuống cấp của chùa, nhất là hệ thống tượng Phật, đồ thờ nhưng lực bất tòng tâm.
Sớm vào cuộc để cứu di tích
Ngày 18/3/2019, Sở VH&TT Hà Nội có văn bản số 877/SVHTT-BQLDT gửi UBND huyện Quốc Oai về việc “Di tích chùa Yên Nội, xã Đồng Quang bị xuống cấp nghiêm trọng”. Trong văn bản có nêu: Ngày 16/11/2018, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 6269/QĐ-UBND về việc bổ sung kinh phí cho các huyện, thị xã để thực hiện tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp di tích xếp hạng trên địa bàn TP năm 2018, trong đó có di tích chùa Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, được hỗ trợ kinh phí 800 triệu đồng tu bổ phần mái, tường, thanh hoành rui hạng mục tam bảo”.
Theo văn bản trên, việc bổ sung kinh phí tu bổ cấp thiết đã có từ tháng 11/2018. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đến nay phần mái của nhà chùa vẫn chưa được sửa chữa hoàn thiện, phần mái chùa bị dỡ bỏ che đậy sơ sài bằng bạt, tường được trùm ni lông. Do không được che đậy cẩn thận, bên trong chùa hiện nay ẩm thấp nghiêm trọng, thậm chí ở một số ban thờ, nấm mốc đã xuất hiện.
Việc tu bổ di tích Quốc gia chùa Báo Ân đang thể hiện nhiều bất cập trong công tác bảo tồn, rõ nhất là việc các hiện vật tượng làm bằng đất, kiến trúc làm bằng gỗ hơn 300 năm trong chùa đang phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”; xung quanh khu vực thi công không có biển cảnh báo nguy hiểm… Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để cứu di tích quốc gia chùa Báo Ân đang được bảo tồn theo cách “họ cứ thích làm thế nào thì làm” như sư thầy Thích Trọng Nghĩa nói.