Trang chủ Tin tức HN: Trường hạ chùa Hưng Khánh, mùa An cư kết hạ lần...

HN: Trường hạ chùa Hưng Khánh, mùa An cư kết hạ lần thứ 5 -PL.2556

323

Ngày xưa khi Phật còn tại thế, hàng năm cứ đến mùa mưa, các Tỷ Khiêu đệ tử Phật lại vân tập về một trụ xứ An cư kết hạ để tu học Phật pháp, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức nên đây được xem là thời gian quan trọng nhất để tăng đoàn an trú nỗ lực công phu. Thành tựu thánh quả là mục tiêu cao nhất, mà hàng đệ tử xuất gia của đức Phật xưa cũng như nay phải thực hiện cho bằng được, đồng thời tạo thiện duyên cho Phật tử thiện tín thân cận cúng dàng, gieo trồng phúc điền, củng cố niềm tin nơi Chính pháp. Vì vậy, An cư là một truyền thống tốt đẹp của đạo Phật do Đức Phật chế ra.


Tiếp nối và duy trì truyền thống An cư kết hạ, kể từ năm 2008 đến nay, chư Tăng Ni của hai huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa cùng nhau vân tập về Trường hạ chùa Hưng Khánh để kết giới an cư kết hạ.

 

Năm 2012 này, có tổng số 95 Tăng Ni của hai huyện đồng an cư cũng không ra ngoài mục đích truyền thống Đạo Phật.

 

Trong ba tháng An cư, mỗi cá nhân Tăng Ni sẽ có thuận duyên để chuyển hóa tâm thức. Vì thế, mùa An cư thực chất chính là thời kỳ thuận lợi nhất trong việc thực thi đời sống hướng thượng, quyết định sự chuyển hóa tâm thức, là cơ sở thành tựu Phạm hạnh giải thoát tối hậu. Đúng như lời Đức Thế Tôn dậy trong Tăng Chi Bộ Kinh :"Hội chúng nào có các Tỷ Khiêu sống tinh tiến để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ, hội chúng này sẽ làm lợi ích cho đa số, sẽ làm tăng trưởng an lạc giải thoát ."

 

Điều hy hữu từ trước đến nay của Thành hội Phật giáo Hà Nội trong mùa An cư là năm Nhâm Thìn – P.L 2556 này tại 14 trường hạ trên địa bàn Thủ đô đồng tổ chức tác pháp bạch An Cư cho hơn 1.000 Tăng Ni vào ngày 16/4 nhuận.

 

Tại khóa an cư năm nay, Ban trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội thực hiện theo chỉ giáo của Đức Đệ tam Pháp chủ với mục tiêu bồi dưỡng, chấn chỉnh các ngôi vị trụ trì, củng cố nền tảng tông phong thiền môn đã quyết định thống nhất giảng bộ Thiền Lâm Bảo huấn cho tất cả các hành giả an cư ở 14 Trường hạ đây là bộ sách giáo khoa của Phật Giáo gồm những lời dạy quý báu răn dạy dùng trong các tự viện về cách tu tâm xử thế, những kỷ cương yếu lĩnh về cách trụ trì, hoằng đạo của các bậc Thạc đức cao Tăng. Mỗi ý tưởng, mỗi câu văn đều là những khuôn vàng thước ngọc để kẻ hậu học noi theo, đều là những tấm gương chói lọi sáng ngời để soi chung. Thế nên những người nạp tử có chí hướng kế vãng khai lai, truyền thừa Tổ nghiệp đều phải học b ộ sách này. Mục đích để Phật Pháp được xương minh, Tổ đình Tự viện được hưng thịnh, đây chính là cái hoài bão chung của những người con Phật. Kể cả Đạo cũng như Đời, ai cũng muốn Phật Pháp xương minh, Tổ quốc được thái bình, Nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Muốn vậy thì ta phải là giềng mối, phải là khuôn vàng, thước ngọc, là những bậc mô phạm để cho nhân thế lấy đó làm khuôn mẫu, quy chuẩn đạo đức…”- trích ghi theo lời dịch, giảng bài tựa Thiền Lâm Bảo Huấn trong ngày khai Pháp.

Vào ngày 14/6/2012 ( tức ngày 25/4 nhuận năm Nhâm Thìn), đại mệnh Hòa thượng đường chủ thượng Thanh hạ Bích, Ban chức sự trường hạ chùa Hưng Khánh ấn định tổ chức Lễ khai Pháp, đọc bình văn.

Sau phần  nghi thức khai Pháp, mong muốn cho tất cả đại chúng tham dự ngày khai pháp không ngừng tăng trưởng sự kính quý bộ sách Thiền Lâm Bảo Huấn hiện đang sử dụng đã được in khắc từ cách đây 160 năm (năm Tự Đức thứ 6 -1854), Thượng tọa Thích Minh Hiền- Trưởng ban giảng huấn Trường hạ đã lược dịch, giảng cơ bản bài tựa Thiền Lâm Bảo Huấn cùng những chú giải chi tiết.

Chúng tôi là hàng Phật tử có duyên được về Trường hạ dự ngày khai Pháp, được cùng sống sinh hoạt trong một ngày tại trường, hơn thế còn có phúc duyên được chung cùng Tăng Ni, Lãnh đạo chính quyền địa phương, đông đảo Phật tử được nghe Thượng tọa thuyết giảng ý nghĩa của bộ sách quý báu này.

Đông đảo thính chúng rất bất ngờ khi lần đầu được biết đến bộ sách này. Một bộ sách quý mà giá trị của bộ sách Bảo Huấn này đến nay vẫn còn nguyên giá trị, được giảng giải rất kỹ để cho tất cả những người con Phật cùng người thế gian nói chung tham khảo, học hỏi, ứng dụng, thực hành theo.

Được làm thân người đã khó, nay lại còn có phúc duyên được nghe Pháp, gặp Tăng nên hàng Phật tử chúng con xin nhất tâm dâng lời kính chúc tới toàn thể chư Tăng Ni đoàn kết an hòa tu tập trong ba tháng an cư và tạo thiện duyên cho Phật tử thân cận được gieo nhân lành, trồng trên ruộng phúc điền nhằm củng cố niềm tin nơi Chính pháp nơi chúng con, nhằm mong góp một  phần vào sự hưng thịnh của Phật pháp.

 

Chúng tôi quý trọng bộ sách Bảo Huấn này và rất ấn tượng với lời bình giảng của Thầy nên nhân đây, xin lược ghi lại lời dịch, giảng bài tựa bộ sách Thiền Lâm Bảo Huấn, nhằm gửi tới bạn đọc gần xa nếu chưa đủ duyên đến các Trường Hạ trong mùa an cư để nghe đọc và bình giảng về nội dung cuốn sách quý trên thì cũng sẽ lưu tâm, tìm hiểu để biết đến bộ sách giá trị quý báu này:

 

 Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam mô An cư hội thượng Phật Bồ Tát.

Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni

 

Đại mệnh Hòa thượng đường chủ, hôm nay, chúng ta khai Pháp và giảng tựa bộ Thiền Lâm Bảo Huấn, nội dung bộ sách này thì rất dài nhưng bài tựa thì rất cô đọng, xúc tích, chúng con xin thô dịch, dịch phần cơ bản hôm nay còn từ ngày mai sẽ giảng kỹ từng phần.

 

…Ngài thượng Tịnh hạ Thiện tới chùa Vân Cư, may mắn được một vị lão Tăng Tổ Am tặng cuốn sách Bảo Huấn do hai ngài Diệu Hỷ và Trúc Am cùng soạn tập trong một am cỏ, khi ở chùa Vân Môn đất Giang Tây vào khoảng niên hiệu Thần Hy. Rất tiếc bộ sách này đã lâu nên bị mối mọt làm rách nát, đầu sách và cuối sách không còn chu toàn. Xong những lời lẽ trong sách này lại thấy được ghi chép trong các Ngữ lục và Truyện ký nên ngài Tịnh Thiện mới thu thập lại trong khoảng mười năm trời, được tất cả hơn năm mươi thiên.

 

Tiếp đó, Ngài lại trích thêm phần Di ngữ của Tổ Dương Kỳ, Tổ Hoàng Long, rồi đến Ngữ lục của các lão Tăng như Phật Chiếu và Giản Ðường, rồi tự mình lại tiết giảm, tu chỉnh, phân loại mà hợp thành ba trăm thiên. Trong các chương này vì chỗ lựa chọn được có trước sau mà xếp đặt ở trước ở sau, chớ không theo chỗ lần lượt xưa nay. Ðại để chỉ cốt cho người học loại bỏ được thế tục, quyền lợi, nhân ngã, để đạt tới chỗ đạo đức nhân nghĩa mà thôi.

 

Lời văn và ý nghĩa của sách này thì phong phú, bình dị, không có những vết Tịnh mông lung, mơ hồ, dối trá, thực đúng là cái đầu mối để giúp người vào đạo. Vì vậy, nên ngài Tịnh Thiện cho đem khắc bản gỗ, in ấn để lưu truyền được dài lâu sâu rộng”

 

Đến đoạn Ngài Tịnh Thiện viết rất thống thiết rằng: Dư tuy lão tử khâu hác nhi chí nguyện túc hỹ.

Thầy giảng sư dịch, giảng nhấn mạnh chỗ này “…Tất sẽ có những tăng sĩ có đồng chí hướng nếu một khi thấy được việc làm này mà để tâm tùy hỷ, thì Ngài (Tịnh Thiện) dẫu già chết nơi rừng núi đi chăng nữa thì chí nguyện của Ngài cũng đã viên mãn lắm rồi.

 

Kế đó, Thầy dịch, giảng tiếp:

Bộ sách Thiền Lâm Bảo Huấn hiện này được chia thành bốn quyển, gồm ba trăm thiên, in ấn vào năm Tự Đức thứ 6, tức năm 1854 tại Việt Nam, rất quý giá về mặt nội dung tư tưởng, được xếp vào phần Ngữ Lục, đây được gọi là bộ Ngữ lục thiền gia hay còn gọi là sách giáo khoa của Phật giáo gồm những lời dạy quý báu răn dạy dùng trong các tự viện về cách tu tâm xử thế, đều là những kỷ cương yếu lĩnh về cách trụ trì, hoằng đạo của các bậc Thạc đức danh Tăng. Thế nên những người nạp tử-cách nói khiêm xưng cho những người xuất gia- có chí hướng kế vãng khai lai, truyền thừa Tổ nghiệp đều phải học hỏi và thực hành theo. 

Mỗi ý tưởng, mỗi câu văn đều là những khuôn vàng thước ngọc để kẻ hậu học noi theo, đều là những tấm gương chói lọi sáng ngời để soi chung cho hậu thế. Mỗi thiên đều là những lời vàng, thước ngọc".

 

Dịch, giảng đến đây, Thượng Tọa dừng lại, quan sát hội chúng rồi Thầy ân cần giảng tiếp như vậy:

 

Trong bộ sách này chú giải rất kỹ mọi thứ, như thế nào là đạo đức? thế nào là quy củ? thế nào là học vấn? Chúng ta thường hay nói chung chung đạo đức là làm tốt, là làm thiện. Nhưng như vậy là chưa đúng. Cũng cần xem lại và chuẩn hóa lại.

 

Trong sách Tổ dạy về đạo đức như sau: Tâm thông viết Đạo, hựu thành danh chi vị Đạo. Thân chính viết Đức, lập thân chi vị dã… Nói ngắn gọn là Tâm thông viết Đạo; Thân chính viết Đức.

 

 Nghĩa là: Đối với Tăng sỹ thì phải biết rõ Đạo vi diệu của Phật, của Tổ dạy, thấu triệt Tam tạng kinh điển. Đức của người tăng sỹ là Giới- Định – Tuệ.

Nhân đây cũng nói rộng với các vị lãnh đạo chính quyền rằng: Đạo đối với người cán bộ là phải thông hiểu tư tưởng của các nhà Lãnh đạo, trong các bộ triết học của các Triết gia mà gần gũi nhất hiện này với địa phương như là của Mác, Ăngghen, tư tưởng Hồ Chí Minh; còn Đức của người cán bộ là Cần- Kiệm- Liêm – Chính- Chí công- Vô tư. Có như vậy mới được gọi là Đạo Đức của Tăng sỹ; Đạo Đức của người cán bộ.

 

Hay như, thế gian nói cần chịu khó học hỏi, cần phải có học vấn. Vậy thưa chúng ta định nghĩa học hỏi là gì? học vấn là gì? 

 

Cũng trong sách Thiên Lâm Bảo Huấn này, Tổ giảng rất kỹ như sau: Học dĩ tụ chi. Vấn dĩ biện chi. Chúng tôi rất ấn tượng ý nghĩa do Tổ dạy.

Học tụ, vấn biện có nghĩa là học để tích tụ cho sự tu tập, tu thân. Vấn nghĩa là hỏi để làm biện minh vấn đề. Học mà không biết hỏi thì chưa làm sáng tỏ được vấn đề đang học”.

 

Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh!

 Chúng tôi xin giới thiệu một số hình ảnh trong ngày Khai Pháp tại trường hạ chùa Hưng Khánh: