Trang chủ Tin tức HN: Hoan hỉ Lễ Phật đản nơi chùa Yên Phú

HN: Hoan hỉ Lễ Phật đản nơi chùa Yên Phú

101

Tham gia buổi Lễ có: phái đoàn đại diện của Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, ông Đinh Đức Lập, Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, Hoà thượng Thích Thanh Đàm, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình, các đại diện lãnh đạo địa phương cùng tăng ni phật tử và nhân dân địa phương.

Mở đầu buổi lễ, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ủy Viên Hội đồng Trung ương Giáo Hội Phật giáo, trụ trì Chùa Yên Phú, có bài thuyết giảng cho quan khách và các tăng ni nghe về ngày Phật Đản cũng như các giáo lý nhà Phật.

Bà Yraida (Đoàn Đại sứ quán Venezuela) nói: “Tôi rất ấn tượng với buổi Lễ mừng Phật Đản này. Tôi mong rằng mình sẽ được trở lại tham dự buổi lễ vào những năm sau". Ông J Nyoman Gurnitha, cố vấn ngoại giao nước Cộng hòa Indonesia vui mừng nói: “Tôi rất vui khi tham gia những buổi lễ như thế này. Tôi thấy có chút gì đó tương đồng như Lễ Waisak ở quê hương Indonesia của chúng tôi, rất gần gũi và thân thiện”.

 

Tiếp theo là Lễ tắm Phật được diễn ra với không khí thành kính và trang nghiêm. Từng thành viên của phái đoàn các đại sứ quán cũng như các tăng ni, phật tử và du khách thập phương và nhân dân địa phương đều được tham gia nghi lễ này. Kết thúc buổi lễ, là bữa cơm trai giới hòa chung trong sự đoàn kết hữu nghị, thân ái tại nhà chùa và sự âm vang của những khúc ca Phật đạo.

Chùa Yên Phú còn có tên gọi Thanh Vân Cổ Tự, thuộc xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, nằm kề quốc lộ 1A. Tương truyền, chùa có từ thời Hai Bà Trưng, do sư bà Phương Dung, con gái ông Trương Công và bà Phùng Thị Huệ chủ trì…

Chùa Yên Phú hiện còn lưu giữ một khối lượng khá lớn di vật có giá trị lịch sử, văn hóa khảo cổ. Đó là Thần phả ghi chép sự tích Phương Dung công chúa, tướng quân Trung Vũ, Đài Liệu do Hàn lâm đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572 (niên hiệu Hồng Phúc), và bản chính, được Nội các Bộ Lại là Nguyễn Hiền sao chép lại năm 1740 (Vĩnh Hựu), gồm 23 đạo từ triều Lê Trung Hưng cho tới nhà Nguyễn, trong đó có 18 đạo sắc các triều vua Lê, 5 đạo của triều nhà Nguyễn… Ngoài ra, còn có tượng pháp, chuông đồng, hoành phi câu đối, các đồ thờ tự có giá trị.