Trang chủ Thời đại Truyền thông Hình ảnh “lãnh đạo đi chùa" từ góc nhìn luận truyền thông

Hình ảnh “lãnh đạo đi chùa" từ góc nhìn luận truyền thông

99

Vì vậy, chúng tôi thấy cần thiết đi sâu hơn vào khía cạnh lý luận truyền thông trong trường hợp cụ thể này.

Để đạt tới việc thực hiện có kết quả một mục tiêu truyền thông cụ thể (ở đây là mục tiêu cổ động đi chùa), thì nhiều phương thức truyền thông có thể được sử dụng, trong đó sử dụng hình ảnh tĩnh là một.

Hình ảnh tĩnh có thể được truyền thông đến đối tượng tiếp nhận bằng nhiều phương thức khác nhau: panô, áp phích, trưng bày triển lãm, in ấn trên sách báo tạp chí post card, phổ biến qua trang web, slide show, dĩa quang…

Việc báo chí, trang tin Phật giáo phổ biến hình ảnh các vị lãnh đạo đi chùa, lễ Phật như chúng ta vẫn thường thấy là một hoạt động truyền thông hình ảnh với nội dung mà ta đang bàn luận ở đây.

Như vậy, truyền thông hình ảnh lãnh đạo đi chùa lễ Phật đã là một hoạt động quen thuộc, thường xuyên của Phật giáo. “Chụp ảnh phóng to” (theo cách nói của một số phản hồi) cũng là một dạng tương tự của chụp ảnh in nhiều, hay chụp ảnh đăng cho nhiều người xem. Mục tiêu chung và trên hết vẫn là làm sao cho người xem đạt số lượng cao nhất. Trưng bày, in thành tập, in trên sách báo, đăng trên mạng, chiếu trên TV… chỉ là hình thức truyền thông, vẫn cũng phục vụ mục tiêu làm cho nhiều người xem.

Do vậy, chỉ thấy, chỉ xoáy vào mỗi chuyện phóng to trưng bày là không hiểu về truyền thông. Điều này nông cạn như bàn đến chuyện đi đến nơi nào đó, nhưng đi xe máy thì lại phê phán, nhưng đi ô tô thì lại không.

Nếu bài xích “chụp ảnh phóng to” không nói gì đến “chụp ảnh in nhiều” thì thật là kỳ cục, vì số người xem bằng 2 phương thức có khi như nhau, cũng có khi “chụp ảnh in nhiều” lại có được số lượng người xem lớn hơn bội phần so với “chụp ảnh phóng to”.

Kết quả của truyền thông là tác động lên số lượng đối tượng tiếp nhận, còn bằng phương thức gì thì tùy theo điều kiện cụ thể, hoàn cảnh. Vì không hiểu biết truyền thông, nên người ta phản ứng với hình ảnh có cùng nội dung nhưng trưng bày, triễn lãm, mà lại xem bình thường với những phương thức truyền thông khác. Trong sự hiểu biết tối thiểu về truyền thông, thì nội dung là chuyện quan trọng, còn phương thức chỉ là vấn đề phụ. Đó là chưa bàn tới dù nội dung nào, phương thức nào, thì cũng cùng một mục tiêu, một mong muốn.

Trong truyền thông cổ động bằng hình ảnh, có một phương pháp là sử dụng ảnh hoạt động của người của công chúng, người nổi tiếng. Đó có thể là các nhà lãnh đạo chính quyền các chính khách, lãnh đạo tôn giáo, đoàn thể xã hội, các danh ca, nghệ sĩ, các danh thủ thể thao, nhà văn, nhà thơ, hoa hậu, nhà khoa học…

Phải chăng, cổ động đi chùa bằng việc trưng bày hình ảnh chính khách đi chùa lễ Phật là chuyện mới đối với Phật giáo Việt Nam nên gây xôn xao, lạ lẫm? Ở nhiều nước trên thế giới người ta cổ động ăn chay bằng hình ảnh các nhân vật nổi tiếng, trong đó có các quan chức lãnh đạo quốc gia, các chính khách, là trường hợp có thể đem ví dụ cho dễ hiểu. Đài Truyền hình Vô thượng sư SMTV trước đây cổ động ăn chay bằng chương trình “Danh nhân trường chay”, trong đó có nhiều chương trình chỉ toàn là hình ảnh tĩnh, thể hiện các “danh nhân” ăn chay với nhiều hình thức. Truyền thông nội dung tương tự, việc dùng tới panô, áp phích, triển lãm ảnh, xuất bản ảnh vẫn có, tuy ít hơn vì hiệu quả không bằng TV. Trên truyền hình Thanh Hải Vô thượng sư chiếu có những đoàn xe cứu trợ thực phẩm chay treo pa nô, dán áp phích, phân phát tờ bướm “Danh nhân trường chay” để cổ động ăn chay.

Cũng với một cách làm truyền thông như vậy, Phật giáo Đài Loan cổ động phóng sinh bằng hình ảnh người của công chúng tham gia phóng sinh, với hình ảnh dẫn đầu đoàn phóng sinh là chính khách cầm quyền và đối lập (chiếu trên các kênh BLTV, DaiAi…).

Trong cách truyền thông như thế, người của công chúng (chính khách, văn nghệ sĩ, vận động viên thể thao…) càng nổi tiếng, càng được biết đến nhiều, thì tác động cành lớn, càng có hiệu quả vận động đối với công chúng.

Trên cơ sở lý luận truyền thông, ứng dụng các phương thức truyền thông như vậy, thì việc “chụp ảnh phóng to” (như cách nói của một số bạn đọc) “lãnh đạo đi chùa, lễ Phật kính tăng, trọng thị Phật giáo” là một phương thức truyền thông không có gì đáng làm lạ cả. Mục tiêu ở đây là cổ động đi chùa, tập trung vào đối tượng quan chức.

Cũng không có gì là dựa dẫm, lợi dụng, xu nịnh, ở việc những nhà vận động ăn chay dùng hình ảnh cựu tổng thống B. Clinton ăn chay để cổ động cho việc ăn chay. Đó không phải là dựa dẫm, trục lợi, hay xu nịnh ông Clinton. Nếu nói lợi dụng thì cũng có, nhưng điều đó là chính đáng, vì lợi ích chung của toàn xã hội, toàn thế giới. Tự ông B. Clinton cũng nhiều lần chủ động cổ động cho việc ăn chay và SMTV triệt để khai thác điều này.

Nói lý luận truyền thông như trên cho có bài bản. Điều đơn giản ai cũng hiểu là nếu những người nổi tiếng, người lãnh đạo, người của công chúng làm việc gì đó, thì nó sẽ có tác dụng cổ động cho việc làm đó đến với đông đảo công chúng.

Để kết thúc bài viết, xin ghi lại một câu chuyện mà một Phật tử cao tuổi đã có dịp kể lại với chúng tôi.

Đó là sự kiện sau cuộc đảo chính 1/11/1963 (chế độ Sài Gòn gọi là “cách mạng”) tại Sài Gòn, số quân nhân công chức đi lễ chùa tăng lên bội phần, trong đó nhiều quân nhân mặc quân phục tề chỉnh thường xuyên đến lễ Phật tại Việt Nam Quốc Tự.

Điều này xảy ra do việc nghi lễ viếng thăm các cơ sở tôn giáo của người lãnh đạo chính quyền Sài Gòn có thay đổi. Trước đây, tổng thống chế độ Sài Gòn chỉ đến nhà thờ, không bao giờ đến chùa. Việc lễ chùa của chính quyền được giao cho bộ trưởng nội vụ.

Sau 1/11/1963, những người lãnh đạo cao nhất của chính quyền Sài Gòn bấy giờ, trong các dịp lễ tết, đều mặc khăn đóng áo dài đến lễ Phật ở Việt Nam Quốc tự. Điều này được truyền thông qua hệ thống báo chí ở miền Nam Việt Nam, đã có tác dụng thúc đẩy nhiều người trong bộ máy chính quyền và quân đội lúc đó đến chùa lễ Phật, nghe pháp. Tình hình có thay đổi phần nào sau khi có biến động những năm sau đó. Tuy nhiên, việc đi chùa đông đảo của quân nhân công chức trong bộ máy chính quyền Sài Gòn vẫn là một xu hướng tiếp tục có tiến triển, thay đổi hẳn tình trạng trước cuối năm 1963.

Một việc thiếu hiểu biết về truyền thông nữa, là cứ nghĩ treo ảnh lên thì sẽ có vấn đề gỡ xuống. Thực ra, nói đến truyền thông là nói đến hoạt động có định hướng mục tiêu và có thời hạn. Truyền thông không phải là tôn trí trang hoàng, trưng bày vĩnh viễn trong bảo tàng. Truyền thông là những đợt cổ động, tác động, vận động, thời gian có thể dài ngắn, nhưng là có hạn định, với mục tiêu nhất định. Ngắn hạn thường là những đợt triển lãm ảnh, hay bố trí các pano ảnh, dán áp phích ảnh.

Thiếu hiểu biết, thiếu thận trọng nhưng phát ngôn bừa, bạo liệt, cay độc, ác ngữ là một biểu hiện mới trên diễn đàn mạng Phật giáo, đầu tiên phát sinh từ một cây viết thiếu trách nhiệm, hỗn hào với cả chư tôn đức.

Mong là chiều hướng không lành mạnh, không phù hợp với bản chất Phật giáo này sớm dừng lại. Đạo Phật là đạo trí tuệ và hiểu biết. Người Phật tử cần phát ngôn trên cơ sở trí tuệ và sự hiểu biết rõ ràng, thấu đáo, chín chắn. Trang tin Phật giáo không thể có những bình luận lời lẽ hấp tấp, nông cạn, hàm hồ kiểu thế tục.

MT