Trang chủ Văn hóa Hình ảnh của Phật giáo Thăng Long qua 1.000 năm

Hình ảnh của Phật giáo Thăng Long qua 1.000 năm

78

Sau ba năm liên tiếp nhóm Họa sĩ Phật tử Mặc Hương triển lãm tranh với chủ đề “Sen đầu hạ” (2007-2008-2009), năm nay “Sen đầu hạ IV” lại một lần nữa tỏa ngát hương thơm để đón mừng Phật giáo thủ đô tròn một thiên niên kỷ.

Con đường của sen, theo quan niệm Phật giáo là con đường hướng tới sự giải thoát. Cũng bởi vậy, triển lãm là những hình ảnh của Phật giáo Thăng Long từ xưa tới nay với ý nghĩa thể hiện nét đẹp của cuộc sống, sự giải thoát và hướng thiện.

30 bức tranh và 3 tác phẩm điêu khắc của 14 họa sĩ Phật tử được sáng tạo bằng chất liệu đương đại, với những sắc màu tươi mới. Điều đặc biệt, trong lần triển lãm thứ tư này, tác phẩm Mandala Quán Thế Âm được nhóm họa sĩ đồng thực hiện trong hàng tháng trời, khổ lớn 1.600 x 2.400.

“Ngoài giá trị là một tác phẩm nghệ thuật Phật giáo, tác phẩm còn phản ánh sự tu tập hành trì của mỗi hành giả Kim cương thừa trên đạo lộ Giác ngộ,” Phó Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Văn hóa Thành hội Phật giáo Hà Nội Thích Minh Hiền nói về tác phẩm đặc biệt này.

Triển lãm “Sen đầu hạ IV” nằm trong chương trình Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Phật giáo Thăng Long – Hà Nội được Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thành hội Phật giáo Hà Nội tổ chức từ ngày 27/7 đến 2/8 năm 2010.

Triển lãm sẽ khai mạc lúc 17 giờ ngày 29/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật, Hà Nội, và kết thúc vào ngày 4/8. Sau đó, 33 tác phẩm sẽ tiếp tục được triển lãm ở Biệt phủ Thành Chương từ ngày 15 đến 25/8.