Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách “Hiểu về trái tim”: Tâm đắc và băn khoăn

“Hiểu về trái tim”: Tâm đắc và băn khoăn

514

Tâm đắc

Hiểu về trái tim là một quyển sách về tâm lý sống, kỹ năng sống, đang được bạn đọc hết sức quan tâm, đặc biệt là giới trí thức.

Tác giả quyển sách là Minh Niệm, một nhà sư, được giới thiệu là xuất gia năm 1992, thọ giáo với thiền sư Nhất Hạnh và thiền sư Tejaniya, Mỹ, sang lập dòng Thiền Hiểu biết, kết hợp giữa tư tưởng Phật giáo Đại thừa và Thiền Nguyên thủy năm 2007, tiếp tục các hoạt động hướng dần thiền vào các năm sau.

Sách được in với số lượng kỷ lục là 100.000 bản. Sách cũng được ghi chú “Toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc phát hành cuốn sách này được đưa vào quỹ Chi hội Từ thiện Hiểu từ trái tim, nhằm gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo mổ tim và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh”. Sách dày 468 trang, giá 88.000đ

Đây là một quyển sách viết về kỹ năng sống, về tâm lý mang màu sắc Phật giáo, đề cập đến nhiều vấn đề, tương đối toàn diện đầy đủ.

Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi điểm qua mục lục quyển sách, với rất nhiều khía cạnh, vấn đề, trạng huống mà tất cả chúng ta đều gặp phải trong cuộc sống: Khổ đau – Hạnh phúc – Tình yêu – Tình thương – Tức giận – Chịu đựng – Ghen tuông – Tha thứ – Sòng phẳng – Nâng đỡ – Cô đơn – Hiến tặng – Trao thân – Tạ ơn – Nhàm chán – Kính trọng – Nghi ngờ – Lắng nghe – Phát xét – Ái ngữ – Thành kiến – Làm mới – Che đậy – Thành thật – Nguyên tắc – Tùy duyên – Tuyệt vọng – Niềm tin – Ý chí – Do dự – Thất bại – Thành công – Tham vọng – Biết đủ – Dựa dẫm – Nương tựa – Yếu đuối – Sám hối – Lười biếng – Buông xả – Tưởng tượng – Định tâm – Cảm xúc – Bình yên – Lo lắng – Thảnh thơi – Độc tài – Khiêm cung – Ích kỷ – Trách nhiệm.

Đưa cái nhìn từ Phật giáo soi rọi vào những vấn đề như vậy, Hiểu từ trái tim là một quyển sách hết sức bổ ích, có giá trị đặc biệt trong việc hình thành, hoàn thiện và truyền đạt kỹ năng sống Phật giáo đến với công chúng độc giả, đặc biệt là thanh niên, trong bối cảnh hiện nay.

Tác giả quyển sách này cũng có phong cách viết văn ngọt ngào, mềm mại, êm ái, sẻ chia của Thiền sư Nhất Hạnh. Vì vậy, đọc quyển sách, những ý kiến, quan điểm, bàn luận cứ như chảy, như thấm vào lòng người đọc.

Tuy có dáng dấp của Thiền sư Nhất Hạnh, nhưng quyển sách không phải là bản photo mờ nhạt những tác phẩm của vị thầy mà tác giả Minh Niệm đã thọ giáo.

Quyển sách là sự đào sâu, mở rộng củng cố những vấn đề mà nhà sư Nhất Hạnh đã nêu ra. Nhiều chỗ, chúng ta thấy nhiều quan điểm rất sáng tạo. Đặc biệt, cách tiếp cận giải quyết vấn đề có tính thực tế và trẻ trung hơn.

Chúng tôi định viết một bài giới thiệu về quyển sách, góp phần phổ biến những kỹ năng sống  Phật giáo, được hệ thống và diễn đạt một cách rất mới mẻ đến với bạn đọc, nhưng suy đi nghĩ lại, thấy là không cần thiết, vì chỉ cần dẫn lại lời giới thiệu quyển sách của giáo sư Trần Văn Khê, và ý kiến nhận xét của một số bạn đọc tiêu biểu in ở bìa sách là đủ. Bởi khi đọc xong quyển sách, chúng ta thấy quả thực như vậy.

Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê viết: “Để chữa lành những tổn thương và nỗi đau, cách tốt nhứt và hữu hiệu nhứt là cần hiểu rõ được trái tim, tâm hồn của mình, và của người khác, cuốn sách Hiểu về trái tim chính là cuốn sách giúp bạn đọc làm được điều đó: Hiểu rõ và chữa lành trái tim, tâm hồn của mình và của những người xung quanh, để mọi người cùng được sống trong hạnh phúc và yêu thương. Với quyển sách này, chúc bạn đọc sẽ luôn hạnh phúc và không bao giờ phải sống với một trái tim tan vỡ hay một tâm hồn tổn thương”.

Thượng tọa Thích Thiện Bảo, Trưởng Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo TPHCM, Phó Tổng Ban Biên tập Báo Giác Ngộ viết: “Trong cuộc sống, sự hiểu biết để chăm sóc chính mình là một điều tất yếu góp phần vun bồi tâm thức làm cho cuộc sống thêm tươi tắn hơn. Hiểu biết về trái tim là những chân lý có giá trị vĩnh hằng trong cuộc sống nhân sinh hữu hạn này”.

Nhà báo Trần Tử Văn, Phó Tổng Ban Biên tập Báo Công An TP.HCM viết: “Đây là một cuốn sách đặc biệt, có tính giáo dục, tự nhận thức cao, được viết từ trái tim để chữa lành những trái tim. Một cuốn sách và một chương trình từ thiện rất ý nghĩa!”

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM viết: “Đây chính là con đường của đạo Tâm, với những nguyên tắc sống hạnh phúc – một thứ “an lạc hạnh” – từ những sẻ chia chân thành của tác giả. Con đường hạnh phúc đó đòi hỏi sự khổ luyện, chứng nghiệm qua quán chiếu bản thân, từ đó thấy biết bản chất của khổ đau, phiền não, và, vượt thoát…”

Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Thanh Thiếu Niên Đài Truyền hình Việt Nam VTV viết: “Một cuốn sách hay, thực tế và rất hữu ích cho mọi người, đặc biệt đối với thanh thiếu niên và các bạn trẻ. Nếu rèn luyện được theo những điều hay như thế thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều”.

Băn khoăn

Tuy nhiên, chỉ mới đọc một phần quyển sách, chúng tôi đã có ngay câu hỏi: Trong sách, phần lớn quan điểm được lấy nền tảng từ các lời dạy của Đức Phật, nhưng không hiểu vì đâu, tác giả lại không nêu rõ xuất xuất của những quan điểm những nội dung đó.

Có thể là tác giả muốn trung hòa nội dung tôn giáo, để quyển sách không còn là một quyển sách kỹ năng sống Phật giáo, mà chỉ phảng phất màu sắc Phật giáo, để nó dễ dàng đến với bạn đọc, nhất là bạn đọc các tôn giáo khác và không tôn giáo chăng? Có thể như vậy.

Câu trả lời cho thắc mắc trên không thỏa đáng vì càng đi sâu vào tác phẩm, thì hình bóng đạo Phật càng rõ nét dần, qua những câu chuyện về các vị thiền sư, về Đức Phật, về những nội dung xác định từ Kinh Phật.

Như vậy, phải chăng, có sự sơ sót ở tác giả trong việc nêu xuất xứ quan điểm ở một số nội dung của quyển sách?

Cái gì từ đạo Phật mà hay, cần thiết nên vận dụng, thì cứ nói rõ là từ đạo Phật, có sao đâu. Nếu ngại rằng như thế có thể làm tăng yếu tố tôn giáo, gây trở ngại cho việc lan tỏa nội dung quyển sách, thì vẫn có thể thể hiện xuất xứ một cách rõ ràng bằng những chú thích với nội dung đầy đủ ở cuối sách.

Vả lại, việc chú thích đầy đủ xuất xứ nội dung được trình bày là nguyên tắc hàng đầu trong trước tác, biên soạn.

Sau khi đọc chỉ phần đầu quyển sách, một bạn đọc có nói với chúng tôi, rằng  tác giả đã có ví dụ về uống nắm muối rất hay. Tôi đã phải giải thích thêm, đó là một ví dụ rút ra từ Kinh Phật.

Nếu bạn đọc được thông tin đầy đủ rằng những quan điểm, cách tư duy vấn đề như thế, đều đến từ nội dung Kinh Phật, với xuất xứ rõ ràng, thì có lẽ tốt hơn. Người đọc sẽ được tạo điều kiện đến với đạo Phật, tìm hiểu sâu hơn về đạo Phật, để tiếp tục tự bồi đắp, hoàn thiện kỹ năng sống Phật giáo.

Chúng tôi nghĩ là tác giả không dừng ngòi bút viết về kỹ năng sống theo quan điểm Phật giáo chỉ ở quyển sách này nên xin phép được nêu băn khoăn như trên.

Cuối cùng, xin chia sẻ với bạn đọc, rằng quyển sách có bản đọc âm thanh rất hay kèm nền nhạc Trịnh Công Sơn trên Tuổi Trẻ Online, phần Media, mục “sách nói”, do nhiều nghệ sĩ, MC, văn nghệ sĩ tài danh góp giọng như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nghệ sĩ Kim Xuân, diễn viên hoa hậu Hà Kiều Anh, ca sĩ Thanh Thúy…

Bạn đọc có thể nghe đi nghe lại những câu văn ngọt ngào của quyển sách qua những giọng đọc truyền cảm, đa dạng mà sẽ không thấy chán. Càng nghe càng thấy hay, thấy thấm.

MT