Với những đóng góp trong xã hội hóa thông tin, đưa tin học đến với cộng đồng, Đại Đức Thích Quảng Tâm đã được Tổng biên tập báo E-Chip Nguyễn Anh Tuấn tặng danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”.
Qua tìm hiểu, thầy Thích Quảng Tâm, cho biết, lúc đầu chỉ là một sự ham thích thành tựu khoa học về phía cá nhân. Nhờ chiếc máy tính 486 chạy hệ điều hành Window 95 của một người bạn ở Củ Chi tặng, thầy Tâm đã mày mò tự học và làm chủ được một số kiến thức cơ bản về tin học.
Thầy suy nghĩ từ chỗ chỉ học để biết đến chỗ biết thì muốn chia sẻ là một ranh giới không lớn lắm nên với những hiểu của mình, thầy dạy lại cho các cậu học trò nghèo đang nương tựa trong chùa. Rồi “đứng lớp” giảng dạy cho các em như một nhu cầu tự nhiên, tất yếu.
Không chỉ dạy học trò nghèo trong chùa, lớp xóa mù tin học của thầy Tâm còn thu nạp cả những đứa trẻ trong xóm… Lúc này, cả một thị trấn trung tâm của huyện Thủ Thừa chỉ có hai trung tâm tin học. Một của tư nhân khoảng trên dưới 10 máy, nhưng học phí rất đắt. Trung tâm còn lại của Nhà nước, chỉ mở vào ban ngày. Thế cho nên, nhiều nhân viên cán bộ muốn đi học cũng đành phải bó tay. Trong hoàn cảnh đó, trung tâm tin học của chùa Long Thạnh với chỉ… 1 máy tính duy nhất đã trở thành một giải pháp tối ưu.
Lớp xóa mù tin học đầu tiên của chùa Long Thạnh được tổ chức vào năm 2002, sau khi trường THCS Long Thạnh và ba trường tiểu học Long Thuận, Tân Thành A, Tân Thành B được trang bị máy tính. Có máy ai cũng mừng song tất cả giáo viên mù tịt về tin học. Biết chuyện, Đại đức Thích Quảng Tâm ngồi lại bàn bạc với một số Phật tử rồi bắt đầu vận động, quyên góp máy tính cũ để mở lớp xóa mù tin học miễn phí.
Bấy giờ, chỉ có hai người là Thầy Tâm và thầy Thích Quảng Minh thay nhau đứng lớp. Sau này, tiếng lành đồn xa, thêm nhiều người khác tìm đến góp sức như: thầy Thích Minh Hiếu (chùa Tân Khánh, thị xã Tân An), cô Thư (Công ty Bảo Minh), thầy Diệu (UBDSKH tỉnh Long An)… Họ đều ở thị xã Tân An, thay phiên nhau về Thủ Thừa dạy. Những người tham gia phổ cập tin học với tinh thần thiện nguyện như thế càng ngày càng đông.
Ông Trần Hồng Long -Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Thủ Thừa, tâm sự: “Nếu không có những lớp học đó ngay cả tôi cũng đành chịu mù vi tính vì về thị xã Tân An học thì xa quá còn ra ngoài học thì không có tiền. Dự các lớp này, người học không ngại chuyện tuổi tác đã lớn, theo không kịp chương trình vì ai cũng vậy”.
Bây giờ quy mô trung tâm đã lớn hơn rất nhiều, phòng máy của nhà chùa đã có đến 18 chiếc. Máy móc hư hỏng, chỉ cần “ới một tiếng” đã có thân hữu sẵn sàng giúp đỡ. Thế nên bây giờ, trung tâm tin học của thầy Tâm không chỉ giúp xóa mù tin học cho người dân địa phương mà còn tổ chức cho các học viên, con em trong thị trấn thi chứng chỉ, theo giáo trình của Trung tâm Đào tạo tin học tỉnh Long An.
Đối với nhiều học viên khó khăn, nhà chùa còn giúp đỡ bằng cách gánh thay cho phần lệ phí thi lấy bằng. Thầy Quảng Tâm cho biết thêm, năm 2008 nhà chùa vận động mạnh thường quân xây dựng, mở rộng phòng máy lên thành trung tâm, đồng thời, nâng cấp học nghề cho học viên từ học vi tín văn phòng lên sửa chửa, lập trình viên…
Ngoài việc dạy miễn phí tin học, chùa Long Thạnh là tổ ấm của 60 em từ các xã vùng xa trong tỉnh Long An, có cả các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Tiền Giang, Hà nội, TP HCM được chùa nuôi ăn và cho theo học tại các trường trong thị trấn. Đêm xuống, chùa Long Thạnh trở thành nơi mà những người không có cơ hội đến trường tìm tới để dự các lớp phổ cập và bổ túc văn hóa do ba giáo viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thủ Thừa và hai giáo viên tình nguyện đảm trách.
Theo quan sát của chúng tôi, dù số lượt người vào, ra khá đông song chùa Long Thạnh vẫn giữ được sự yên tĩnh thường gặp của nơi thanh tự. Chùa Long Thạnh thật sự là nơi tu luyện đạo đức, bồi dưỡng trí thức cho mọi người, góp phần đáng kể trong việc xã hội hóa công nghệ thông tin. Thành quả đó mà tất cả người dân và chính quyền nơi đây không ai không thể không nhắc đến công lao rất lớn của hiệp sĩ công nghệ thông tin Thích Quảng Tâm.