Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Hiện đại hóa PG: Công trình lâu dài và cấp bách

Hiện đại hóa PG: Công trình lâu dài và cấp bách

92

Người ta có thể có hai cách nhìn khác biệt về đạo Phật :

– Hoặc như một giáo lý hay một triết lý vĩnh cửu, vượt khỏi thời gian và không gian, không bị hạn chế bởi lịch sử, không đổi thay với thời cuộc. Một đạo Phật bất biến, lâng lâng như trên một đám mây, vượt lên khỏi trần thế.

– Hoặc như một triết lý hay một tôn giáo nằm trong một bối cảnh lịch sử nhất định, phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử xã hội, và luôn luôn biến chuyển với thời cuộc. Một đạo Phật linh động, hòa mình trong khung cảnh sống, gắn liền với xã hội loài người.

Ðối với người Phật tử thấm nhuần lẽ vô thường, duyên khởi, thì chỉ có cách nhìn sau này là hợp lý. Ðạo Phật, một phong trào khởi xướng cách đây hơn 2500 năm, đã đương nhiên trở thành một công trình tập thể, đa nguyên và đa dạng, không ngừng phát triển qua các thời đại.

Ðể mượn một hình ảnh, chúng ta có thể nhìn đạo Phật như một cây cổ thụ xum xuê cành lá, với cội rễ bám chặt vào những nền tảng cổ truyền, và những chồi non không ngừng vươn mọc. Ðạo Phật cũng có thể nhìn như một giòng sông hùng vĩ, chảy qua bao nhiêu rừng núi, đổi thay từng giây phút, nhưng vẫn là giòng sông. Và cũng như cây cổ thụ phải đâm chồi, giòng sông phải uốn khúc mới có thể tồn tại được, đạo Phật cũng phải đổi thay, phải thích nghi với thực tại, tức là phải hiện đại hóa.

Trong sự tiến hóa này, những người Phật tử, tu sĩ cũng như cư sĩ, đều đóng một vai trò quan trọng, vì vừa là người kế thừa đạo Phật, vừa có bổn phận đóng góp tích cực vào công cuộc đổi thay.

Nhìn lại quá khứ

Phong trào canh tân đạo Phật, khởi xướng bởi pháp sư Thái Hư bên Trung Quốc năm 1930, nhằm "cách mạng giáo lý, giáo chế và giáo sản", tính ra đến nay đã được hai phần ba thế kỷ.

Tại Việt-Nam, đạo Phật cũng đã có phong trào phục hưng, cải tổ, và sau những biến cố năm 1963 tại miền Trung và miền Nam, cũng đã bắt đầu vươn mình lên trong một nguồn sinh khí mới. Những công trình nổi bật là sự thống nhất Phật Giáo Việt-Nam giữa Nam Tông và Bắc Tông, sự thành lập Viện Hóa Ðạo, Viện Cao Ðẳng Phật Học, trường Ðại Học Vạn Hạnh, và nhiều Phật học viện khác, tạo nên những điều kiện thuận tiện cho việc nghiên cứu Phật học cũng như sự phổ biến giáo lý qua những sách báo, bài giảng, băng giảng…

Nhưng chiến tranh, thời cuộc, và những thăng trầm của lịch sử đã không cho phép đạo Phật Việt-Nam được canh tân thực sự. Ngày hôm nay, chúng ta phải thực tế công nhận rằng đạo Phật Việt-Nam, trong tình trạng hiện tại, không có khả năng đáp ứng những nhu cầu của một thế giới đang chuyển mình một cách mãnh liệt.

Lý do thất bại

Sở dĩ đạo Phật Việt-Nam từ mấy chục năm qua đã không phát triển được theo chiều hướng hiện đại hóa, một phần lớn là vì những lý do bên ngoài, như chiến tranh và hậu quả của chiến tranh, tình trạng nghèo nàn lạc hậu của đất nước, và những chèn ép của các chính quyền với những cấm đoán hoạt động xã hội văn hóa, nhằm thu giảm ảnh hưởng của đạo Phật trên quần chúng. Nếu cởi mở là điều kiện tiên quyết của đổi mới, thì đạo Phật cũng phải được tự do hoạt động mới có thể phát huy được tiềm lực của mình, và điều đó không nhằm ngoài mục đích mang lại hạnh phúc cho dân tộc.

Nhưng chúng ta cũng phải công nhận rằng có những lý do bên trong. Ðó là sự thiếu đồng nhất của những người Phật tử, sự chia rẽ giữa các tăng ni cũng như các cư sĩ, trong lý thuyết cũng như trong hành động. Ðó là sự thiếu ý chí canh tân, thiếu quyết tâm trong công cuộc hiện đại hóa đạo Phật. Chúng ta thiếu cái dũng của đức Phật Thích Ca khi ngài quyết tâm ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ đề cho đến khi hoàn toàn giác ngộ.

Chúng ta cũng thiếu cái trí của các tổ sư Thiền, biết buông thả, biết trút những gánh nặng của ngàn năm truyền thống, để gạn lọc lấy cái tinh hoa của đạo Phật, đem đạo Phật nhẹ nhàng, trong sáng áp dụng vào cuộc đời. Chúng ta còn bám vào những kinh điển, những từ ngữ nhai đi nhai lại, những tập quán quen thuộc từ hồi nhỏ, những lễ nghĩa thầy trò cứng nhắc tới mức không dám đặt lại vấn đề, dù chỉ là trên lý thuyết.

Một ý nguyện chung

Ðể gợi lại tinh thần canh tân đạo Phật, tôi xin được trích dẫn vài dòng trong cuốn "Ðạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày" xuất bản năm 1973 :

"Giáo lý của đức Phật phù hợp với các điều kiện sinh hoạt tâm lý, kinh tế và xã hội của con người cho nên được gọi là một giáo lý khế cơ… Phật giáo là một tôn giáo không bảo thủ, biết cởi mở và khai phóng để mở rộng chân trời tương lai (…) Thái độ bảo thủ vì thói quen, vì thành kiến và cố chấp là một thái độ trái ngược với tinh thần cởi mở và tiến bộ của đạo Phật. Người Phật tử không thể nhắm mắt làm theo tất cả những điều mà người xưa đã làm, lấy cớ "xưa bày, nay làm".

Người Phật tử phải xét xem những điều do người xưa bày ra hiện còn có giá trị trong hoàn cảnh hiện tại hay không. Nếu còn thì ta vẫn tiếp tục thi hành. Nhưng nếu những điều ấy không còn giá trị nữa thì ta phải bỏ và tìm ra những điều khác thích hợp với ta hơn (…)

Ðạo Phật không phải là của riêng của một số người ẩn dật nơi tự viện. Ðạo Phật là của mọi lớp người: của thiếu nhi, của thanh niên, của phụ nữ, của lao động trí thức và lao động chân tay.

Ðạo Phật chỉ có sinh lực khi nào giáo lý đạo Phật được áp dụng trong đời sống hàng ngày, trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chính trị, kinh tế, tổ chức, trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống gia đình, quốc gia và xã hội".

Hơn hai chục năm đã qua, đọc lại những dòng này, tôi không khỏi bùi ngùi và phấn khởi. Bùi ngùi vì thấy thời gian trôi qua quá nhanh, lôi cuốn theo bao nhiêu hy sinh, cam khổ của các tăng ni Phật tử, mà vẫn chưa thấy một dấu hiệu gì đạo Phật được canh tân, phát huy thực sự. Nhưng cũng phấn khởi vì cảm thấy ý nguyện của bao nhiêu thế hệ Phật tử vẫn đồng nhất và còn nguyên vẹn, đó là hiện đại hóa đạo Phật và đem đạo Phật đi vào cuộc đời.

Tình trạng thế giới

Nhìn chung, nhân loại đang sống một giai đoạn đặc biệt của lịch sử, không phải là lúc "tận cùng của lịch sử" như Fukuyama đã tuyên bố, mà là một giai đoạn nổi bật vì ba hiện tượng chính:

Thứ nhất, sự gia tốc của lịch sử. Thế kỷ sắp qua đầy rẫy những chiến tranh, diệt chủng, đồng thời những khám phá khoa học, những trao đổi văn hóa, những đảo lộn chính trị, xã hội, với những hậu quả không thể nào lường được, đến với một tốc độ mỗi ngày một gia tăng.

Thứ nhì, sự toàn cầu hóa (mondialisation) trong mọi lãnh vực, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Không còn một giải đất nào có thể biệt lập ra khỏi địa cầu, không còn một lãnh vực nào của cuộc sống không có những sợi giây liên đới gắn liền mình với những lãnh vực khác, cũng như hình ảnh một mạng lưới Internet khổng lồ đang đan díu tất cả vào nhau, đúng như thuyết duyên khởi của đạo Phật. Thông tin tràn ngập khắp nơi, không gì ngăn chận nổi. Con người trao đổi với nhau với tốc độ điện tử qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, điện thoại, fax, vệ tinh viễn thông…

Mặt khác, chiến tranh vẫn không ngừng tiếp diễn, không những bằng bom đạn mà còn bằng kinh tế, bằng thị trường, giữa các quốc gia, các vùng, một cách không kém phần hung bạo. Kinh tế đã trở thành toàn cầu, với vai trò trọng đại của những thị trường hối đoái, những chuyển giao công nghệ, những di chuyển xí nghiệp. Văn hóa cũng trở thành toàn cầu : trong khi tư tưởng phương Ðông bắt đầu thâm nhập phương Tây, thì lối sống phương Tây lại ồ ạt tràn ngập các nước phương Ðông.

Những vấn đề trên thế giới đã trở thành những vấn đề chung của tất cả: nạn nhân mãn, sự phá hủy môi trường, sự gia tăng chênh lệch giầu nghèo giữa các quốc gia, các tầng lớp xã hội, những vấn đề vi phạm nhân quyền, bạo động, đô thị, thất nghiệp, suy thoái gia đình và đạo đức, những vấn đề sinh học mới…

Thứ ba, sự chờ đợi chuyển hướng của thế giới, có thể gọi là một khúc quanh của lịch sử.

Hơn bao giờ hết, kinh tế hoàn toàn chế ngự mọi lãnh vực của cuộc sống. Nhưng ngược đời thay, trong khi các nước chậm tiến và các nước xã hội chủ nghĩa cũ đang lao đầu vào "kinh tế thị trường", thì ngay tại các nước tư bản, người ta đang đặt lại vấn đề về căn bản của sự phát triển. Theo nhận xét chung, tiếp tục phát triển theo chiều hướng hiện tại sẽ có khả năng đưa tới những bế tắc trầm trọng và một cuộc khủng hoảng không tiền khoáng hậu.

Con người đang hoang mang, lạc hướng, đang sống trong một bầu không khí "cuối thế kỷ", đang chờ đợi một sự chuyển hướng, một sự gẫy đoạn đưa tới một cái gì hoàn toàn mới lạ. Có thể đó là một trào lưu tư tưởng mới, một hệ thống tổ chức xã hội mới, hay là sự tổng hợp các tư tưởng cũ được thích nghi với hiện tại. Cũng có thể đó là một số giá trị tinh thần được lấy làm nền tảng cho một nền văn minh mới, một giá trị tinh thần "phổ biến, thế tục và phù hợp với khoa học", theo lời đức Ðạt Lai Lạt Ma.

Ðạo Phật có thể là một trong những giá trị tinh thần đó.

Ưu thế của đạo Phật

Sở dĩ đạo Phật có khả năng đáp ứng nhu cầu tinh thần của thế giới hiện tại là vì một số lý do:

1) Trong một thế giới đang mất dần tính chất thiêng liêng (désacralisé), mất đức tin ở Thượng đế, ở thần linh, đạo Phật xuất hiện như một con đường đặc biệt chú trọng đến con người, đặt con người vào trung tâm điểm. Khác với các tôn giáo khác, đạo Phật không phải là một tôn giáo thần khải. Ðạo Phật là một con đường tự giác, đặt niềm tin và trách nhiệm nơi con người.

2) Trong một thế giới thấm nhuần khoa học, đặt nặng vào trí tuệ, đạo Phật xuất hiện như một con đường đặc biệt dựa lên trí tuệ và có nhiều điểm phù hợp với khoa học. Ðạo Phật và khoa học gặp gỡ nhau nơi tinh thần thực tiễn, thực nghiệm, thuyết tất định (déterminisme), quan niệm hỗ tương (interdépendance) và tổng thể (holisme) của sự vật.

3) Trong một thế giới mỗi ngày một chú trọng tới những vấn đề tâm thần, đạo Phật xuất hiện như một phương pháp rèn luyện tâm thần hữu hiệu. Các nhà khoa học nhận thức đang tìm thấy trong đạo Phật một kho tàng kinh nghiệm tâm thần vô cùng quý báu. Áp dụng những kinh nghiệm này để hiểu rõ sự vận động của tâm thần, để làm chủ được cái tâm của mình, và điều trị các tâm bệnh, là một con đường đầy hứa hẹn.

4) Trong một thế giới mỗi ngày một đa dạng về văn hóa, với nhiều trào lưu nguồn gốc khác nhau, cần đến sự trao đổi trong sự tôn trọng lẫn nhau, đạo Phật xuất hiện như một truyền thống bao dung và ôn hòa, đáng làm gương mẫu.

Nhược điểm của đạo Phật

Ðó là những ưu điểm có thể làm cho đạo Phật trở thành, trên lý thuyết, một giá trị tinh thần siêu việt. Nhưng trên thực tế, đạo Phật, đặc biệt Phật giáo Việt-Nam, còn nhiều hạn chế và nhược điểm, cho nên vẫn chưa phát huy được tiềm lực của mình :

1) Ðạo Phật còn mang nặng hình ảnh một tôn giáo khó hiểu, phức tạp, một phần vì quá đa dạng, quá nhiều tông phái, đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau. Người mới đến với đạo Phật như lạc vào một mê cung, một khu rừng rậm, giữa những đạo Phật Nguyên Thủy, Thiền, Tây Tạng, Tịnh Ðộ, Duy Thức, Thiên Thai, Nhật Liên, v.v…, không biết nên đi về hướng nào.

Người ta còn có thể tự hỏi rằng có nhiều đạo Phật, hay là có những đạo Phật tuy mang tên là đạo Phật nhưng không phải là đạo Phật ? Nói như nhà học giả Henri Arvon : "Cũng như một hạt giống, không còn nhận ra được khi đã nảy mầm và trở thành một thân cây, giáo lý nguyên thủy của đức Phật, trước áp lực của nhu cầu tín ngưỡng và thần bí của con người, đã sinh ra nhiều đạo Phật khác chỉ còn giống lờ mờ so với đạo Phật ban đầu…"

2) Ðạo Phật bị coi là xa vời, thiếu thực tế, khó áp dụng trong đời sống.

Làm thế nào diệt dục trong khi cuộc đời đầy rẫy những lôi cuốn, làm thế nào định tâm trong khi cuộc sống quay cuồng, làm thế nào buông xả trong khi mỗi ngày phải vật lộn với xã hội ? Ðó là những câu hỏi của người Phật tử tầm thường như chúng ta, đứng trước khoảng cách sâu rộng giữa đạo Phật lý thuyết và đạo Phật thực tế, giữa đạo Phật của nhà tu hành và đạo Phật thế tục, giữa đạo Phật trí thức và đạo Phật dân gian.

3) Ðạo Phật còn bị mang nặng một số thành kiến tiêu cực, không phải là không có căn cứ, nhưng cần được giải trừ một cách cặn kẽ, như : "Ðạo Phật yếm thế, tiêu cực, đạo Phật chủ trương khổ hạnh, xa lánh cuộc đời, hủy diệt mọi tình cảm, đạo Phật khinh rẻ đàn bà" v.v…

4) Riêng Phật giáo Việt-Nam còn có một số đặc điểm, do chính lịch sử của mình :

– Ðó là ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo Trung Quốc, của Tịnh Ðộ và Mật Tông so với đạo Phật Nguyên Thủy và Thiền Tông, pha trộn với tín ngưỡng dân gian. Rất đông người theo đạo Phật vì truyền thống, nhưng có bao nhiêu người thực tình hiểu và sống đúng đắn đạo Phật ? Ðiển hình là từ vài năm nay tại Việt-Nam, số người đi lễ chùa càng này càng đông, đặc biệt những ngày rằm và ngày lễ. Nhưng đa số lên chùa là để cúng vái, để cầu xin cho chính bản thân và gia đình mình (tức là vẫn còn chấp ngã), chứ không phải là để tìm một con đường tự giác. Thậm chí đã có nhiều sinh hoạt mê tín, dị đoan, chữa bệnh bằng bùa phép, xuất hiện ngay tại hay bên cạnh các chùa chiền.

– Tổ chức Phật giáo Việt-Nam còn thiếu chặt chẽ, thiếu qui củ, so với các giáo hội khác, như Công giáo chẳng hạn. Tại hải ngoại, ai ai cũng có thể lập hội, xây chùa và mời một nhà tu hành tới trụ trì, miễn là có Phật tử tới cúng dường và đóng góp.

– Về nhân lực, tuy đã có nhiều cố gắng trong công trình đào tạo, nhưng Phật giáo Việt-Nam vẫn còn thiếu kém, chưa đủ tăng ni có trình độ cao học, để cùng với một số cư sĩ họp thành một đội ngũ có khả năng đáp ứng những nhu cầu nghiên cứu và giảng dậy.

Ðối tượng của công cuộc hiện đại hóa

Việc đầu tiên, là phải xác định đâu là đối tượng của công cuộc hiện đại hóa này. Ðạo Phật phải hướng về ai, và dựa lên ai ?

Thứ nhất là phải hướng về quảng đại quần chúng, nghĩa là những người nông dân, bởi vì 80 phần trăm dân số Việt-Nam sống ở thôn quê, chúng ta đều biết rõ điều đó. Ðại đa số Phật tử không phải là người trí thức, do đó phải làm sao giản dị hóa đạo Phật, làm cho đạo Phật dễ hiểu cho đến tận nông thôn. Nhưng giản dị và dễ hiểu không có nghĩa là sai lệch, là hoang đường. Truyền bá đúng đắn đạo Phật chính là đóng góp vào công việc nâng cao dân trí.

Thứ hai là hướng về tuổi trẻ. Bởi vì 50 phần trăm dân số Việt-Nam dưới 18 tuổi, đạo Phật phải là đạo Phật của tuổi trẻ, nếu muốn còn tồn tại trên giải đất này. Ðạo Phật chỉ có tương lai khi thu hút được thanh thiếu niên, khi cảm thông được những vấn đề của tuổi trẻ, khi dùng những từ ngữ trẻ trung, khi có những sinh hoạt thích hợp với thế hệ trẻ.

Thứ ba là hướng về phụ nữ. Phải đặc biệt coi trọng vai trò của người phụ nữ trong thế kỷ tới, trong sự điều hòa gia đình cũng như xã hội, và thực thi sự bình đẳng nam-nữ trong đời sống hàng ngày cũng như trong tổ chức Phật giáo.

Thứ tư là hướng về và dựa lên người cư sĩ. Ða số Phật tử là cư sĩ, chứ không phải là tu sĩ, điều đó quá hiển nhiên. Hiện đại hóa đạo Phật cũng có nghĩa là tìm một đạo Phật thích hợp với cuộc sống của người cư sĩ. Và trong công trình đó, chính người cư sĩ phải đóng một vai trò tích cực, bởi vì hơn ai hết, người cư sĩ hiểu rõ những vấn đề của chính mình và xã hội mình đang sống trong đó. Nói như vậy không có nghĩa là không coi trọng vai trò của nhà tu hành, nhưng phải công nhận rằng sự bức thiết hiện đại hóa đạo Phật phát xuất chính từ nhu cầu của xã hội thế tục chứ không phải từ đoàn thể tăng già.

Chương trình hiện đại hóa đạo Phật

Ðó là một chương trình lâu dài cần phải được xác định một cách chín chắn, để đi tới một sự nhất trí trong hành động. Tôi chỉ xin đưa ra một vài đề nghị, để làm khởi điểm cho những suy nghĩ sâu xa hơn:

1. Làm sáng tỏ thế nào là đạo Phật

Cũng như mọi công trình tập thể, việc đầu tiên là phải định nghĩa một cách sáng tỏ : thế nào là đạo Phật ? Liệu có một đạo Phật dưới nhiều hình thức khác nhau, hay có nhiều đạo Phật, hay có những đạo Phật không phải là đạo Phật ?

Người ta có thể vin vào lời đức Phật : "Có 8 vạn 4 ngàn pháp môn" để cho rằng tất cả những gì dính dáng ít nhiều tới đạo Phật đều là đạo Phật. Nhưng như vậy là coi đạo Phật như là một món hổ lốn, ai bỏ gì vào xào xáo cũng được, hoặc như là một "quán trọ Y Pha Nho" ai ra vào cũng được. Không phải cứ dán nhãn hiệu vào là thành đạo Phật, cũng như không phải cứ thờ Phật là trở thành Phật tử. Ðạo Phật có những căn bản, có một lịch sử, có những đặc tính rõ rệt.

Từ đạo Phật Nguyên Thủy là cội gốc, đạo Phật đã phân chia ra làm nhiều ngành, nhiều tông phái khác nhau, phát triển theo những chiều hướng khác nhau. Dĩ nhiên, mỗi người đều có quyền lựa chọn, tùy theo căn cơ của mình, mà đi theo ngành này hay ngành khác : người nào thấy mình thanh thản lúc tụng kinh thì theo Tịnh Ðộ, người nào thích thiền định thì theo Thiền, người cần những nghi lễ có sắc thái huyền bí thì theo Mật Tông…

Nhưng điều quan trọng là phải làm sáng tỏ những đặc điểm của mỗi ngành, đồng thời gạt bỏ những gì không phải là đạo Phật, những gì trái ngược với tinh thần đạo Phật, chẳng hạn như thờ cúng thần linh, mê tín dị đoan, cuồng tín, lợi dụng, làm tiền tín đồ, và gây bạo động, như một số giáo phái gần đây tại Nhật Bản.

2. Gạn lọc những tinh hoa của giáo lý đạo Phật

Ai ai cũng biết rằng giáo lý đạo Phật sâu rộng như rừng như biển. Nhưng cũng phải công nhận rằng có những điều quan trọng, có những điều thứ yếu, và những điều lỗi thời. Ðặt lại một số vấn đề, gạn lọc những tinh hoa, cao thâm của đạo Phật, bỏ những điều cũ kỹ, bụi bậm là một công trình tập thể và lâu dài vô cùng hệ trọng.

3. Phát triển những phương pháp tu Phật

Nên viết lại và thống nhất "Nghi thức tụng niệm" thường dùng trong những buổi lễ, tóm tắt lại những tinh hoa của giáo lý đạo Phật, dùng tiếng Việt giản dị dễ hiểu, tránh chữ Hán, bỏ những bài chú tiếng Phạn phiên âm ra chữ Hán, bỏ những khái niệm hoang đường như "linh hồn", "ma quỷ", "địa ngục", v.v… hoàn toàn lỗi thời và thiếu khoa học. Ngoài tụng niệm ra, nên phổ biến rộng rãi các phương pháp thiền định, và nghiên cứu tác dụng trên tâm thần của những phương tiện tu hành trong Mật Tông như thần chú (mantra), đồ hình (mandala) và ấn quyết (mudra).

4. Ðổi mới chương trình đào tạo tăng ni

Nên làm nhẹ bớt những môn học kinh điển, cổ xưa không còn ích lợi cho hiện tại. Ngược lại, tăng thêm phần ngoại ngữ, các môn khoa học, tâm lý, xã hội học, các vấn đề thời sự, khuyến khích học nghề, gửi đi du học. Mục đích là hiện đại hóa kiến thức của các tăng ni, và làm cho sự hiểu biết của họ mỗi ngày một gần hơn với cuộc sống.

5. Áp dụng đạo Phật trong mọi lãnh vực của cuộc sống

Ðể đi tới xác định lập trường của đạo Phật trong những lãnh vực như giáo dục, y tế, kinh tế, văn hóa, môi trường v.v… cần có sự cộng tác chặt chẽ của các tu sĩ và cư sĩ trong mọi ngành. Cố gắng tranh thủ các chính quyền địa phương để tổ chức những buổi thuyết trình, hội thảo trong khuôn khổ Phật học viện hay chùa chiền, những buổi sinh hoạt xã hội, văn hóa, trong mục đích học hỏi, trao đổi, tương trợ, thành lập những ban chuyên môn về "Các vấn đề gia đình, giáo dục", "Các bệnh tâm lý, xã hội", v.v…

6. Tổ chức lại Giáo Hội, tăng đoàn

Hướng tới một Giáo Hội thống nhất, độc lập tương đối, với một tổ chức chặt chẽ, có trên dưới, có kỷ luật, nhưng phải luân chuyển, có tính chất dân chủ, bình đẳng, có cơ quan kiểm soát. Cần sự đóng góp của các cư sĩ có khả năng về quản lý, hành chính, kinh tài. Ngoài sự cúng dường, tìm những phương thức kinh tài bằng trồng trọt, thủ công nghệ, in ấn kinh sách…

Một công trình lâu dài và cấp bách

Một trong những khẩu hiệu đang thịnh hành trong nước là "hiện đại hóa đất nước". Làm sao cho đất nước trở thành hiện đại, không còn lạc hậu so với thế giới chung quanh. Ðó là một việc cần thiết cho sự sống còn của dân tộc.

Ðạo Phật Việt-Nam cũng vậy. Ðạo Phật cần phải được hiện đại hóa để thoát khỏi tình trạng chậm tiến, chênh lệch hiện nay so với cuộc sống hàng ngày. Công trình hiện đại hóa đạo Phật quả là một công trình lâu dài, đầy chông gai cam khổ, nhất là khi Phật giáo Việt-Nam còn bị hạn chế trên nhiều mặt, trong một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, với một trình độ dân trí còn thấp kém.

Nhưng công trình đó phải được khởi sự một cách cấp bách. Vì nhu cầu của những người Phật tử, nhu cầu của đất nước, và nhu cầu của thế giới đang thúc đẩy. Hơn bao giờ hết, đạo Phật cần được hiện đại hóa. Ðó không phải là một từ ngữ suông, một khái niệm hợp thời trang. Ðó là một sự cần thiết thực sự, một công trình cấp bách trong đó mỗi người Phật tử phải cố gắng đóng góp phần nhỏ bé của mình.

Ðứng trước ngã ba đường, Phật giáo Việt-Nam phải chọn lựa :

– Hoặc giữ như cũ, cổ kính, kinh điển, nặng hình thức tín ngưỡng, xa lìa cuộc sống, không am hiểu những vấn đề của thời đại.

– Hoặc đổi mới, thực sự đi vào cuộc đời, cảm thông những vấn đề khoa học, xã hội, tâm lý đặt ra cho con người của thế kỷ sắp tới.

Nếu đã chọn lựa con đường sau này, thì người Phật tử phải quyết tâm, đồng nhất, cùng nhau xác định, trong tinh thần phá chấp, khế cơ và sáng tạo, đâu là nền tảng, tinh hoa của đạo Phật, phải can đảm tách rời những gì không phải là đạo Phật, phá bỏ những cách biệt giữa đạo và đời, để cùng nhau tạo dựng nên một đạo Phật sống động, gắn liền với thực tại.