Trang chủ Đời sống Hiểm họa cháy chùa từ đốt nến

Hiểm họa cháy chùa từ đốt nến

137

Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 25-8, một vụ cháy lớn đã thiêu rụi toàn bộ nội thất chánh điện ngôi chùa Bưng Cóc (300 năm tuổi, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú – Sóc Trăng). Cũng tại Sóc Trăng, đêm 13-8,  nội thất khu chánh điện của ngôi chùa cổ 800 năm Tắc Giồng (xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) bị cháy rụi. Cả 2 vụ cháy đều được xác định do nến đổ.

Trước khi bị cháy, trong chánh điện chùa Bưng Cóc có đến 24 cây nến “khủng”, mỗi cây nặng gần 10 kg và nhà chùa đang đốt 2 cây nến. Tại ngôi chùa Tắc Giồng, trước khi cháy cũng có rất nhiều cây nến to được thắp trong chánh điện.

Ở ĐBSCL có khoảng 600 ngôi chùa Khmer. Hằng năm, cứ đến ngày 15-6 âm lịch (tháng Asat của đồng bào Khmer), đồng bào Khmer Nam Bộ lại tổ chức lễ nhập hạ, còn gọi là Bun Chôl Vô Sa, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc… Lễ vật được người dân đem đến chùa để làm lễ cầu nguyện không thiếu những cây nến to để thắp suốt trong 3 tháng (từ ngày 15-6 đến 15-9 âm lịch). 

Một đại đức ở một ngôi chùa Khmer tại Sóc Trăng cho biết: “Lễ nhập hạ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sư sãi và đồng bào Khmer, tuy nhiên, mùa này các chùa cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bởi theo phong tục, vào mùa nhập hạ phải đốt nến suốt 3 tháng, không được để nến tắt.

Hiện trường vụ cháy chùa Bưng Cóc
Như vậy, có đến hàng ngàn ngọn nến được thắp suốt 3 tháng dưới hàng trăm mái chùa ở Nam Bộ vào mùa này. Để hạn chế nguy cơ cháy, thiết nghĩ các chùa có thể chỉ cần thắp một cây nến và luôn cắt cử người canh chừng”.

Theo một số trụ trì chùa ở miền Tây Nam Bộ, vào những mùa nhập hạ trước đây cũng từng có nhiều ngôi chùa bị cháy do đốt nến quá nhiều. Tuy nhiên, nhờ phát hiện kịp thời nên không xảy ra thiệt hại lớn.

Theo Người lao động