Có con diều vừa thả lên bị gió thổi lảo đảo nên rất thối chí và lo âu. Có con diều ráng vượt qua những cơn gió mạnh bạo rồi nó cảm thấy mưa ít hơn. Có con diều bị sét đánh nhưng nó cắn răng chịu đựng và ráng bay cao hơn nửa. Nó chợt thấy được chút trời xanh xuyên qua đám mây đen. Có con diều cứ nhắm mắt bay vượt qua được những đám mây đen, vượt qua được những cú xét đau đớn, không để những tiếng trời rầm rùng rợn làm thối chí . Rồi nó bắt đầu thấy được tia nắng ấm và bầu trời xanh mênh mông. Ðó là một thế giới tuyệt đẹp và thanh bình phía trên đám mây đen tạo giông bão. Ðó là một thế giới yên lặng và sáng suốt.
Ta có thể ví như những người dân làng phải chịu trận những cơn giông bão đau khổ cứ thay phiên nhau đập vào đời ta. Ta là cây muốn lặng mà gió không bao giờ chịu ngừng. Ta ráng kiên nhẫn đợi chờ nhưng hết cái khổ này đến cái khổ khác cứ ồ ạt đổ lên đầu ta. Ta cầu xin bão táp hãy lánh xa ta mà nó có bao giờ bảo chịu nghe đâu. Những giọt nước mắt ta như những cơn mưa thay nhau lăn dài trên đôi má khắc khổ. Cái hoàn cảnh khổ thật khó mà thay đổi. Ý chí con người như hạt cát trước cái núi của hoàn cảnh khắc nghiệt. Thật khó dùng hạt cát để dời đổi được núi. Nhưng ta còn niềm hy vọng. Ðừng nên để niềm hy vọng chết vì ta sẽ chết theo nó.
Niềm hy vọng như những sợi dây mong manh gắng liền con người với con diều. Niềm hy vọng khác với cầu xin vì ta có sự chủ động trong đó. Ta chủ động học hỏi kinh sách để làm những con diều thả lên trên trời. Ta không thay đổi được hoàn cảnh gây khổ nhưng với lòng tin và học hỏi tu tập, ta có thể vượt qua được sự đau khổ do hoàn cảnh tạo ra. Với lòng tin và hiểu đạo ta có khả năng đi xuyên qua cơn bão táp của đau khổ và sẽ theo diều bay vào vùng trời tự do và ấm cúng của bầu trời trí tuệ và mặt trời từ bi.
Bước đầu tu tập, ta cần lòng tin. Tin thầy, tin thiện tri thức, tin bạn đồng hành. Lòng tin như sợi dây gắng liền ta với con diều. Thiếu lòng tin, niềm hy vọng sẽ biến thành cầu xin. Con diều bị cắt đứt dây sẽ bay lạc lõng trong cái rừng của hiểu biết và nó không biến thành trí tuệ được. Vì thế bước khởi đầu trong hành trình vượt khổ là quy y tam bảo. Quy y là trở về nhưng nếu không tin Bụt, lời Bụt dạy và những người dạy lời Bụt thì ta không trở về quê nhà thanh bình được. Quy y rồi thì ta phải chịu khó làm diều để thả trên trời. Tu phải đi đôi với tập, có nghĩa là thực hành những gì ta học hỏi được.
Giai đoạn đầu trên con đường vượt khổ rất gian nan. Ta còn nặng nợ đời và còn nhẹ duyên đạo nên con diều ta thả dễ bị lảo đảo. Ta dễ thối chí. Nhưng khi nhìn những con diều chung quanh của thầy và bạn đồng tu, ta sẽ bớt nản lòng và tay cầm chặt hơn sợi dây hy vọng nối liền ta với con diều. Ðôi khi bước trên con đường tu tập ta sẽ gặp nhiều nghịch cảnh hơn. Nghịch cảnh như những cơn sét đánh vào con diều làm ta đau điếng. Nhưng không vì thế mà ta buôn sợi dây ra. Nghịch cảnh đến là để thử thách lòng kiên trì của ta. Hãy nắm lấy dây chặt hơn và để con diều bay cao hơn nghịch cảnh.
Khi thả diều bay cao vút mà còn nắm vững dây là ta đã tập được hạnh nhẫn nhục rồi. Nhẫn nhục thả diều khác với nhẫn nhục tầm thường. Trong hành động thả diều ta đã tập hạnh hỷ và xả. Ta vui khi nhìn con diều người khác bay cao hơn diều ta, đó là hỷ là hạnh chia sẻ. Ta phải bỏ dây ra nhiều hơn để diều được thả bay lên cao. Ta không cố chấp vào những hiểu biết của ta mà tranh cãi với người khác, đó là xả. Có hỷ xả ta mới có nhẫn nhục thật sự.
Khi thả diều bay cao vút vượt khỏi đám mây đen thì diều sẽ đến bầu trời tỉnh lặng của chân không. Khi con diều ta nhìn thấy bầu trời xanh rồi, khi diều hưởng được ánh nắng ấm rồi thì ta thật sự mới có được lòng từ bi. Thí dụ như khi ta đang bị cơn nhức răng hành hạ mà có đứa bé khóc đòi kẹo thì thật khó cho ta thông cảm với nỗi khổ của nó. Chỉ khi thân tâm thoải mái rồi thì ta mới phát triển được từ bi. Ta ngồi xuống với nó (từ) và vỗ về nó (bi). Khi ta biết thả diều rồi thì nghịch cảnh không trói buộc ta được và không còn làm ta đau khổ nửa.