Những ngày đầu đông, thời tiết chuyển mình trở lạnh. Ngoại cảnh bên ngoài do chịu ảnh hưởng của từng đợt gió đông nên cũng thu mình cố giữ lấy hơi ấm, chờ đợi khoảnh khắc từng bừng khi nàng xuân đến.
Thế nhưng lòng người con Phật, nhất là những người con thân yêu của đấng cha lành tôn quý – Đức Từ phụ A Di Đà vẫn không hề thấy lạnh, bởi trong họ hình bóng cha lành luôn hiện diện mang đến tình thương yêu chứa chan hương xuân tinh khiết, hương xuân bất tận xuất phát từ 48 đại nguyện bao la, vi diệu.
Hương xuân đó đã làm sống lại bao tâm hồn hoang lạnh, mở ra một cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh hằng nơi Tây phương Cực lạc.
Nhân ngày Khánh đản của Ngài – Đức Phật A Di Đà, mỗi người con Phật nên nhìn lại chính mình, hãy tìm và hãy sống với đức Phật A Di Đà trong mỗi chúng ta.
Đức Phật A Di Đà, vị Phật được trong tất cả các kinh điển Đại thừa Phật giáo nhắc đến, như là vị cha lành với tâm bi vô lượng, tâm nguyện vô cùng luôn luôn và lúc nào cũng dõi mắt hướng về những đứa con lưu lạc, ngày đêm trôi lăn trong biển khổ sinh tử.
Các bản kinh có thể kể đến như kinh Bi Hoa, kinh Quán Phật Tam Muội Hải, kinh Diệu Pháp Liên Hoa (phẩm Thí Dụ), kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Niết Bàn, kinh Hoa Nghiêm, kinh Xuất Sinh Bồ Tát, kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ.v…v…
Trong số đó cần nhắc đến ba bản kinh căn bản: kinh Quán Vô Lượng Thọ , kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà.
Ý nghĩa danh hiệu Phật A Di Đà và Quốc độ của Ngài ra sao?
A Di Đà, được dịch từ Phạn âm là Amita, theo kinh A Di Đà và kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ ý nghĩa danh hiệu gồm cả ba phạm trù: Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Công Đức.
Danh xưng này bao gồm cả Tam vô lậu học, đó là: giới, định và tuệ. Ánh sáng vô lượng biểu trưng cho trí tuệ cứu cánh, thọ mạng vô lượng nói lên thiền định thâm sâu không hạn lượng, công đức vô lượng biểu hiện giới đức tròn đầy.
Ngoài ra, ý nghĩa danh hiệu này cũng gồm thâu trọn vẹn Lục độ ba la mật. Công đức vô lượng là nói đến bố thí, trì giới, nhẫn nhục tinh tấn ba la mật. Thọ mạng lâu dài không hạn lượng chính thiền định ba la mật. Ánh sáng không bị ngăn ngại, đó là trí tuệ ba la mật. Tất cả nói lên sự thành tựu các nhân hạnh tu hành đến cấp độ viên mãn của Phật.
Nhờ viên thành quả Phật mà Ngài thành tựu đại nguyện thiết lập cảnh giới Tịnh độ Tây phương tiếp dẫn chúng sinh vãng sinh Cực lạc. Trong kinh A Di Đà, đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni chỉ rõ: “Từ cõi Ta bà này cách 10 muôn ức cõi có một thế giới gọi là Cực lạc. Nơi đây, có đức Phật A Di Đà đang ngày đêm thuyết pháp hóa độ chúng sinh”.
Phong cảnh nơi đây đẹp đẽ, tươi sáng lạ thường, có cây bảy báu trang nghiêm, có hồ nước tám công đức thơm mát, có chim nói pháp nhiệm mầu, nghe pháp này sẽ tỏ ngộ được Đạo Bồ đề…
Như vậy đây là cảnh giới thực có, tuyệt đẹp được xây dựng bởi đại nguyện thâm sâu của Phật A Di Đà và chính kim khẩu của đức Phật Thích Ca giới thiệu.
Không những thế chư Phật ở sáu phương thế giới cũng đồng ngợi khen và phát ra tướng lưỡi rộng dài, minh chứng cảnh giới ấy thù thắng không hư dối.
Kinh Phật dạy rất tận tường, như vị lương y bắt đúng mạch cho đúng thuốc, còn bệnh nhân có hết bệnh hay không còn tùy vào người bệnh. Nếu không hết bệnh, lỗi không ở thầy thuốc, không ở thuốc mà lỗi ở người bệnh không chịu uống. Miệng nói muốn chữa bệnh, nhưng không nghe lời thầy thuốc, đem thuốc về bỏ đó chẳng khác nào tự mình giết mình mà mồm lại vu oan cho kẻ khác.
Thế nên, muốn thành tựu bản nguyện cứu cánh, muốn vãng sinh về cõi Tịnh độ, người niệm Phật không chỉ niệm bằng miệng, hay nói suông mà phải chính tâm tỉnh giác tìm lại đức Phật A Di Đà trong chính mình.
Niệm Phật A Di Đà, ngoài việc tri ân công đức Ngài, tưởng nhớ đến hình bóng Ngài cứu khổ ban vui cho chúng sinh, cần nên sửa đổi bản tâm, trau dồi đức hạnh, phát Bồ đề tâm, đem giá trị đích thực của lời Phật dạy vào áp dụng vào cuộc sống, xoa dịu khổ đau cho mình và người. Đó chính là sống với Phật A Di Đà trong chúng ta.
Trên căn bản, người Phật tử tu Tịnh độ, nhất định phải có đầy đủ niềm tin chân chính. Tin cái gì? Tin lời Phật Thích Ca là không hư dối, tin cõi Tịnh độ và Phật A Di Đà là thật có, tin mình có khả năng thành Phật.
Niềm tin ấy chính là chìa khóa vàng khai mở kho báu trí tuệ, là đại lộ đi vào đô thị giải thoát. Không có niềm tin, dù niệm vạn câu Phật hiệu cũng không ý nghĩa gì. Ví như người không có niềm tin vào sự học, dù có cố gắng đến đâu vẫn không đạt kết quả tốt.
Khi đã có niềm tin chân định, hành giả bắt đầu quay vào tìm Phật Di Đà trong chính mình. Bởi lẽ, muốn vãng sinh Tịnh độ, hành giả nên tập và sống đúng với những gì Phật dạy trong kinh. Nếu hiện tại ta không thấy được an lạc trong tâm do câu niệm Phật mang lại, không sống được với Cực lạc ngay dưới mỗi bước chân, ngay trong những hành động, lời nói, ý nghĩ, liệu khi về Cực lạc Tây phương ta có hòa nhập ngay được không?
Ví như người cư sỹ muốn xuất gia, trước hết phải trải qua một thời gian tập sự, tập làm người xuất gia, viễn ly đời sống gia đình, tập sống trong môi trường lục hòa của chư Tăng. Nói chung phải làm quen với môi trường ấy, nếu không làm quen chắc chắn sẽ ngỡ ngàng và khó hòa nhập.
Chúng ta đang từ địa vị phàm phu muốn tiến lên bậc Thánh, đạt thành Phật quả cũng cần nên như vậy. Nghĩa là phát Bồ đề tâm, tinh chuyên niệm Phật.
Bồ đề tâm, theo như lời Ngài Di Lặc gồm có hai phần: Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hạnh.
Hai tâm này phát sinh từ một gốc Bồ đề tâm, thiếu một trong hai sẽ không thành tựu Bồ đề tâm. Ngài Tịch Thiên dạy:
“Bậc hiền trí hiểu sâu hai thứ
Chỗ khác nhau giữa muốn và làm
Như du hành mới phát tâm
Khác xa với việc dấn thân trên đường
Trong vòng sinh tử nhiễu nhương
Bồ đề nguyện đủ đem đường an vui
Nhưng kho công đức bời bời
Là Bồ đề hạnh nơi người phát tâm”.
(trích trong Nhập Bồ Tát Hạnh. Việt dịch: Ni sư Trí Hải).
Thật vậy, việc “muốn niệm Phật” và “thực hành niệm Phật” là hai việc hoàn toàn khác nhau. Cũng như người muốn đi và người đang đi, hai người này tuy cùng có một sự đi, nhưng kẻ “muốn đi” mà không tiến hành đi thì đường đến đích vẫn còn xa lắm.
Ngài Botowa dạy “Như kẻ bệnh không bao giờ hết, như người lữ hành không bao giờ đến đích” (Giải Thoát Trong Lòng Bàn Tay. Tâm Hòa lược dịch).
Đó là tình trạng của chính chúng ta. Vì sao? Vì ta chỉ mới nói chứ chưa làm, mới muốn niệm Phật nhưng chưa thực sự niệm, phát nguyện vãng sinh Cực lạc nhưng chưa thực sự sống đúng với cảnh Cực lạc như trong kinh Phật dạy.
Cho nên, cần tiến hành song song, cân bằng giữa “muốn” và “làm”.
Nhận thức được sự khổ đau, mong manh của kiếp người, muốn chuyển hóa nội tâm đầy những độc tố tham, sân, si Ngài Tsongkhapa đã viết lên lời phát nguyện vãng sinh Cực lạc, cầu sự gia hộ của Phật A Di Đà như sau:
“Kính lạy Phật Di Đà,
Đấng Đạo sư trời người
Đấng Thọ mạng vô cùng
Với lòng đầy kính mến
Ca ngợi khả năng Ngài
Đủ đầy không thiếu sót
Con viết lên lời nguyện
Cầu vãng sinh Cực lạc
Cảnh giới rất siêu tuyệt
Được chư Phật tán dương.
Tình trạng tốt và xấu
Chướng ngại bởi vô minh
Đời sống này khởi nguyên
Từ vũ khí hận thù
Ngục luân hồi giam hãm
Tham ái và dục vọng
Là xích xiềng trói buộc
Đại dương của sinh tử
Cuồn cuộn sóng khổ đau
Bệnh tật và hư rã
Chúng sinh bị nghiền nát
Bởi sức mạnh khổ đau
Hoàn toàn ngoài ý muốn
Bị cắt xé dữ dội
Trong nanh vuốt cá sấu
Của thần chết vô tình.
Lời khóc than thảm thiết
Của tất cả chúng con
Kẻ không người che chở
Tâm chân thành tôn kính
Nguyện Từ phụ xót thương
Chứng giám lời nguyện này…”
(đoạn trích trong Bài phát nguyện vãng sinh Cực lạc do Ngài Tsongkhapa viết năm 1395. Tuệ Uyển dịch từ Anh ngữ của Robert thomas. Tâm Hòa chuyển sang thể thơ).
Lời nguyện của Ngài đã nói lên tình trạng thống khổ thê lương của tất cả chúng sinh trong cõi luân hồi. Kẻ giàu, người nghèo, kẻ quý, người tiện…không ai thoát được tình trạng trên.
Ngài đã thay thế chúng ta, thay thế những con người bất hạnh, không ai bảo vệ, viết lên những lời thệ nguyện thâm sâu, hiển bày chân tướng giả tạm của thế gian này.
Vậy hành giả nên tư duy như vậy để nhận rõ sự vô thường, xả bỏ tâm tham luyến, chuyển hóa cảnh khổ đau thành cảnh Tịnh độ.
Sau khi chân thành phát nguyện, hành giả tu niệm Phật đi vào thực hành. Việc thực hành đòi hỏi phải có một bậc thầy hướng dẫn. Vì căn bản của mọi sự thành tựu đều nằm ở nơi bậc thầy.
Quyển Giải Thoát Trong Lòng Bàn Tay, Ngài Pabongkha có dạy: “Người thực hành pháp nếu không thực sự nương tựa một bậc thầy, mà tự nghĩ rằng mình chỉ vần dựa vào kinh sách, người đó có thể đọc tụng, thiền định về chúng nhưng hoàn toàn không thành tựu được bất cứ một sự thực chứng nào cả”. (Tâm Hòa lược dịch).
Ngày nay có người nghĩ rằng pháp môn niệm Phật quá dể, chỉ cần niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” hay đọc kinh A Di Đà mà không cần nương tựa vào bậc thầy hay bậc thiện tri thức nào cả. Tu như vậy là tu mù, vì thiếu học, thiếu hiểu biết.
Nếu nói chỉ niệm danh hiệu và tụng kinh A Di Đà có thể thành Phật, chắc hẳn thế gian này biến thành Tịnh độ lâu rồi. Nhưng do chúng ta xem thường giá trị của bậc thầy hướng đạo, người có chút học thức sinh tâm ngã mạn, nghĩ mình có thể tự tu mà không cần ai chỉ dạy, như thế chẳng khác nào đứa bé mới tập đi mà không cần người thân hay cha mẹ nâng đỡ. Hậu quả sẽ là u đầu bể trán!
Vậy cần thiết nên thân cận bậc thầy hướng đạo, chỉ cho hành giả phương cách hành trì thích hợp.
Lại có người đọc kinh, thấy Phật nói lúc lâm chung chỉ cần niệm từ một đến mười niệm, chư Phật và Bồ tát sẽ hiện thân tiếp dẫn. Dựa vào đó mà xem thường, lơ là việc tu niệm, đây là điểm sai lạc của rất nhiều người.
Chúng ta nên biết rằng, không thể nào làm được một bài toán đạt kết quả cao, nếu như trước đó hoàn toàn không biết gì về toán học cả. Cũng vậy, người cả đời tham, sân, si, danh từ Phật, hay “Nam Mô” còn không biết, chưa bao giờ niệm trọn lành một câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” mà mong niệm được 10 niệm lúc lâm chung.
Lại nữa, lúc lâm chung, thân tứ đại rã tan, thần thức u mê hoảng loạn, tình cảm luyến thương, buồn giận lẫn lộn, mê mờ không biết đích xác mình còn sống hay đã chết. Lúc này giữ cho tâm bình an đã khó, nói chi niệm đếm 10 niệm mong cầu vãng sinh.
Lý giải việc này, hành giả nên tĩnh tâm quán xét ví dụ trên sẽ rõ. Lời Phật dạy hoàn toàn đúng, nhưng chỉ đúng với những hành giả tinh chuyên niệm Phật, cả đời sống với câu niệm Phật, sống với Phật của chính mình.
Mười niệm này là giọt nước làm tràn ly nước, nghĩa là lúc sống hành giả có niệm Phật, dù ít hay nhiều, đã gieo vào Tạng thức (thức thứ 8 theo trường phái Duy thức) hạt giống của câu niệm Phật, nhưng lúc lâm chung do nghiệp chướng sâu dày, không thể tự niệm, cần có người giúp sức. Bấy giờ người thân, bậc thầy, hay thiện hữu tri thức cùng nhau trợ niệm, nhờ nhân duyên ấy, người sắp lâm chung nương theo tiếng niệm Phật, khởi lên câu niệm Phật trong tâm mình, thần thức lúc này phần nào an định cùng với nguyện lực của Phật và Thánh chúng tiếp dẫn vãng sinh Tây phương Cực lạc.
Ngoài ra, người niệm Phật nên chuyên tâm đọc tụng kinh điển, tư duy quán chiếu để đưa cảnh giới Cực lạc trong kinh in sâu vào trong tâm thức của mình. Lúc niệm Phật, trước tiên chúng ta nên quán tưởng đến cảnh giới vi diệu ấy, nơi đó có Phật A Di Đà, Thánh chúng, những thiện hữu đã được vãng sinh, trong đó ta quán sát thấy hoa sen của mình đang dần hé nở.
Phật và Thánh chúng đang hiện ra quanh ta, nhờ tư duy như vậy chúng ta vừa có thể tịnh hóa được khu vực ta đang niệm Phật, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ khiến tâm nhu nhuyến, dễ dàng tiến đến niệm Phật nhất tâm. Muốn vậy chúng ta cần phải nương tựa vào bậc thầy, người hướng đạo cho chúng ta.
Khi hành giả đã thuần thục câu niệm Phật, lúc nào cũng vui sống trong cảnh giới Cực lạc do tinh tấn tư duy quán tưởng, tâm đã dịu mềm, thuần khiết, mỗi hành động đều nhiếp vào câu niệm Phật, khi đó hành giả có thể đem lợi ích này áp dụng vào đời sống, nhằm chuyển hóa cho mọi người, với mong muốn mọi người luôn có được an lạc như mình.
Ví dụ: khi gặp kẹt xe trên đường, người biết niệm Phật sẽ không vội vàng, không tỏ thái độ hối thúc người phía trước, không tìm cách chen lấn, và nghĩ đây là thời gian để ta thực tập niệm Phật, với ước nguyện mong cho mọi người thoát khỏi hiểm nạn trên đường, luôn gặp được hanh thông trong sự nghiệp cũng như con đường giải thoát.
Tâm hành giả an trú vào câu niệm Phật, cũng đồng nghĩa với việc hàn phục được con voi say của chính mình, nhờ đây mọi giới nguyện đều thành tựu cho đến thành tựu hoàn toàn Lục độ ba la mật. Vì sao?
Vì hành giả trụ tâm vào câu niệm Phật, hoàn toàn xả ly mọi tham luyến, luôn đem đến an lành cho những người mà mình tiếp xúc. Đó là Bố thí ba la mật. Trụ tâm vào câu niệm Phật hành giả luôn giữ gìn chính niệm, tỉnh giác, rõ biết những gì thân và tâm đang làm. Đó là Trì giới ba la mật. Trụ tâm vào câu niệm Phật, hành giả không bị sân si chi phối, luôn luôn kính nhường, khiêm hạ. Đó là Nhẫn nhục ba la mật. Ngày lẫn đêm câu niệm Phật luôn hiện tiền, an trú trong cảnh Tây phương ngay thực tại, đó là Tinh tấn ba la mật.
Nhờ sống với câu niệm Phật, hành giả trở lại với tự tánh thanh tịnh của mình, nhận được bản lại diện mục, nhìn thấy rõ được đức Phật A Di Đà của chính mình, đó chính là Thiền định ba la mật.
Nhờ sống với Phật A Di Đà của chính mính, hành giả tự thân chứng ngộ các pháp duyên sinh, thấy rõ thực tướng vốn không của các pháp, tùy duyên vào đời, dùng phương tiện thiện xảo hóa độ chúng sinh. Đó chính là Trí tuệ ba la mật. Người niệm Phật tuy chưa đạt đến nhất tâm bất loạn nhưng nhờ có tỉnh giác và chính niệm nên có thể hoàn thành trọn vẹn Lục độ ba la mật, hoàn thiện giai trình đạo lộ Bồ tát, tức thì Phật quả hiện tiền.
Ngài Tịch Thiên có dạy về giá trị của giữ gìn chính tri:
“Giới là giữ gìn tâm căn
Voi say không hại bằng tâm si cuồng
Tâm cuồng nếu cứ thả rong
A tỳ địa ngục sẽ trông đợi mình
Dây chính niệm buộc tâm điên dại
Ta đâu còn lo ngại điều chi
Nếu làm được vậy thường khi
Thì công đức ấy không gì quý hơn…
… Cái tâm hoan hỷ tặng trao
Thân, tài, thiệm quả cho bao hữu tình
Gọi là thí độ cao minh
Cho nên bố thí cốt hành từ tâm
…Nhờ sợ đọa theo thầy học đạo
Nhớ những lời chỉ giáo đinh ninh
Người nào có đủ đức tin
Dể làm chính niệm phát sinh nơi lòng…”
(trích Nhập Bồ Tát Hạnh. Ni Sư Trí Hải dịch)
Nhờ niệm Phật, hành giả trụ tâm vào niệm Phật, đạt được chính tri, luôn luôn rõ biết, nhờ vậy mà trí tuệ khai mở, tìm thấy đức Phật Di Đà trong chính mình, sống với giây phút hiện tại tuyệt vời ấy chính là sống với Phật của mình.
Nhờ đây người tu niệm Phật không còn bị tám ngọn gió thế gian làm suy động, an nhiên vượt thoát khổ đau dù không xa rời đau khổ. Ví như hoa sen, tuy ở trong bùn nhưng không nhiễm mùi bùn vẫn vươn lên tỏa hương thơm ngát. Tám ngọn gió là gì? Đó là: được mất, vui buồn, khen chê, vinh nhục
Lợi (đạt được): khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, tốt đẹp như có người tạo điều kiện giúp mình vật chất hay tinh thần, tâm không khởi niệm yêu thích hay khởi tâm ngã mạn cho rằng mình tu hành cao mà được như vậy.
Suy (mất đi): khi gặp cảnh không như ý, hoàn cảnh sa sút, mất mát, không khởi tâm buồn khổ, sầu bi, chán nản.
Vui: tức là tâm thản nhiên trước những thú vui thế gian, không bị dục lạc chi phối.
Buồn: tâm an nhiên khi bị khổ nạn như bị đàn áp, nhục mạ, chèn ép.v…v… tâm không khởi niệm buồn khổ, hay sân hận mong muốn trả thù.
Vinh: tức là tâm không bị mêm hoặc bởi những lời tán thán, ngợi khen đề cao.
Nhục: Tâm không chao đảo trước những lời hủy nhục, hạ báng nhân phẩm, danh dự.v…v…
Khen: Tâm không dính mắc bởi những lời xưng tụng, ca ngợi của người.
Chê: Tâm không bị lay động bởi lời chê bai, chỉ trích của người.
Làm chủ được tâm không để bị tám ngọn gió thế gian thổi ngược vào ngục tù sinh tử, đạp lên thị phi, khen chê, được mất, vui buồn, an nhiên với Tịnh độ hiện tiền, thành tựu mọi ý nguyện làm lợi ích cho đời.
Một người biết niệm Phật, biết sống với Phật của chính mình, gia đình sẽ bớt đi một kẻ xấu, thêm một người tốt. Gia đình biết niệm Phật, xã hội bớt đi một nhà tù, thêm một gia đình hạnh phúc. Xã hội biết niệm Phật, đất nước sẽ ổn định, phát triển. Quốc gia biết niệm Phật, thế giới sẽ thanh bình.
Tóm lại, hòa trong không khí mừng ngày Khánh đản đức Từ phụ A Di Đà, mỗi người chúng ta nên nhìn lại chính mình, tìm thấy được đức Phật A Di Đà đang hiện hữu và sống đúng với đức Phật trong ta.
Hãy thắp lên ngọn lửa trí tuệ, nhận diện bản chất cuộc sống là khổ đau vô thường, thiết tha phát nguyện, tinh tấn hành trì, quán chiếu sâu sắc sự nhiệm mầu an lạc nơi Tịnh độ Tây phương.
Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa của tình thương và sự hiểu biết, để con người xích lại gần nhau hơn, để chiến tranh, hận thù lùi xa, nhường chổ cho hoa từ bi nở rộ, trái đức hạnh kết tinh, người người cảm thông nhau, muôn loài hòa hợp sống.
Nguyện ánh sáng nhiệm mầu và đại nguyện của Phật A Di Đà luôn soi sáng thế gian, xua đi bao thống khổ tang thương, hàn gắn sự rạn nứt, cô đơn trong tâm hồn, dẫn lối quay về cho những ai còn phiêu bạc trong đêm dài u tối.
Xin dang đôi tay sắc vàng tuyệt đẹp, mềm mại của Ngài cứu chúng sinh thoát khỏi uy mãnh của tám ngọn gió thế gian, xin xoa dịu và mang đến sự không sợ hãi khi đối diện với tử thần.
Chúng con xin thành kính hướng nguyện lên Ngài – Đấng Từ phụ A Di Đà.
Tài liệu tham khảo
– Lược sử đức Phật A Di Đà và 48 lời nguyện. HT. Thích Thiện Hoa soạn
– Kinh A Di Đà. HT. Thích Trí Tịnh dịch
– Bài văn phát nguyện vãng sinh Cực lạc. Đạo sư Tsongkhapa soạn năm 1395. Tuệ uyển chuyển sang Việt ngữ
– Nhập bồ tát hạnh. Đạo sư Santideva (Tịch thiên). Việt dịch: Ni sư Trí Hải
– Giải thoát trong lòng bàn tay. Nguyên bản Tạng ngữ.
Và, một số tài liệu có liên quan