Trang chủ Thời đại Xã hội Hãy là một “lãnh đạo tỉnh thức” để vững vàng trong thế...

Hãy là một “lãnh đạo tỉnh thức” để vững vàng trong thế giới đầy biến động

Bạn có thể chọn suy nghĩ: để thành công thì phải đánh đổi hạnh phúc và sống chung với áp lực, căng thẳng... Nhưng các nhà lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Google, General Mills, Goldman Sachs, Apple, Medtronic, Aetna,... từ lâu đã chọn thử nghiệm một phương pháp mới giúp cuộc sống cân bằng, phát triển niềm hạnh phúc tự thân.

274

Lãnh đạo tỉnh thức là gì?

Khi nhắc tới “lãnh đạo tỉnh thức” số đông ở Việt Nam vẫn coi đây là một phạm trù cao siêu, không thực tế. Nhưng thực chất không phải như vậy. “Lãnh đạo tỉnh thức” (Mindful Leaders) hiểu đơn giản là những lãnh đạo thực hành chánh niệm, hướng tới phát triển khả năng tự nhận thức cao về bản thân, làm chủ suy nghĩ, chế ngự cảm xúc, từ đó có thể trở thành người dẫn dắt, người đồng hành với nhân viên bằng lòng trắc ẩn và sự đồng cảm.

Trong gần một thập niên trở lại đây, các công ty hàng đầu thế giới như Google, Intel, Yahoo, P&G, Apple… đã và đang hướng tới phát triển kỹ năng lãnh đạo tỉnh thức cho nhân viên. Goldman Sachs, đã tăng 48 bậc trong danh sách Tạp chí Fortune: “Nơi làm việc tốt nhất”, kể từ khi đưa vào các lớp học và thực hành chánh niệm. Hay Google từng phát triển một chương trình mang tên “Tìm kiếm bên trong bạn” (SIY – Search Inside Yourself). Sau một thời gian áp dụng hiệu quả tại Google, chương trình đã được triển khai trên 43 nước trên thế giới.

Những kết quả từ chương trình này đã chứng minh: cả hiệu suất công việc và trí tuệ cảm xúc (EI) của lãnh đạo, đều được cải thiện thông qua thực hành chánh niệm, thiền định. Cụ thể, 64% người tham gia làm việc tập trung và hiệu quả hơn; 67% cảm thấy bản thân bình tĩnh, vững vàng hơn trong những tình huống căng thẳng. Thậm chí tại trụ sở chính của tập đoàn Salesforce tại London (Anh), các nhà quản lý của Salesforce được xây hẳn một tầng riêng để có thể lui tới đây ngồi thiền khi họ muốn thư giãn và thoát khỏi những căng thẳng của văn phòng.

Lãnh đạo tỉnh thức” (tiếng Anh là Mindful Leaders) hiểu đơn giản là những lãnh đạo thực hành chánh niệm để phát triển khả năng tự nhận thức cao về bản thân, làm chủ suy nghĩ, chế ngự cảm xúc, kết nối và dẫn dắt người khác bằng lòng trắc ẩn và sự đồng cảm.

 

Thực hành chánh niệm (tỉnh thức) là sự chú tâm và hoàn toàn hiện diện trong khoảnh khắc hiện tại, trong mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Người thực hiện sẽ suy nghĩ ít hơn nhưng chất lượng hơn, khả năng tập trung cao hơn, biết quan sát và nhìn nhận vấn đề từ nhiều phương diện khách quan, có khả năng nhận biết và chế ngự cảm xúc, có thể tạo động lực, kết nối và thấu hiểu người khác.

Tại sao lãnh đạo cần tỉnh thức?

Trong quá trình coach (khai vấn) các quản lý và lãnh đạo, có một sự thật là rất nhiều người đang phải chịu đựng áp lực quá lớn từ nhiều phía, họ bị cuốn vào guồng quay công việc, những cuộc họp triền miên, những dự án liên tiếp… để đáp ứng những kỳ vọng (không ngừng tăng lên) của bản thân và của cả người khác. Sự thành công trở nền tỷ lệ thuận với sự mất cân bằng cuộc sống, trầm cảm, không làm chủ được cảm xúc, mất ngủ triền miên,…

Tại một thế giới không ngừng biến động, với một tương lai không thể dự đoán trước các nhà lãnh đạo hàng đầu mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về những gì quan trọng. Một lãnh đạo thành công buộc phải đáp ứng 4 yếu tố: tập trung và sáng suốt trong việc đưa ra quyết định; sáng tạo trong việc quản trị sự thay đổi bên trong doanh nghiệp; lòng trắc ẩn đối với khách hàng và nhân viên của họ; và sự can đảm để đi theo cách riêng mình đã chọn.

Theo nhà tâm lý học, tiến sĩ Daniel Goleman, cha đẻ của trí tuệ cảm xúc (hay EI), để thành công các nhà lãnh đạo cần hướng sự chú ý của mình theo 3 nấc sau: tập trung vào chính họ, những người xung quanh và thế giới bên ngoài. Chánh niệm và thiền định có thể hỗ trợ nhà lãnh đạo trong việc tập trung trí tuệ, khả năng nhận thức, từ đó liên kết chúng với những phẩm chất của trái tim như lòng trắc ẩn và lòng can đảm.

Thực hành tỉnh thức sẽ giúp các lãnh đạo đạt được sự cân bằng, xây dựng sức mạnh vững vàng từ bên trong, phát triển trí tuệ cảm xúc, từ đó giúp họ hoá giải được những áp lực từ bên ngoài một cách hiệu quả.

 

Trong chương trình SIY, Google cung cấp rất nhiều nghiên cứu, bằng chứng khoa học về cách thiền định tác động đến sự vận hành của não bộ, về tác dụng của thiền định trong việc phát triển trí tuệ cảm xúc, cân bằng cuộc sống. Những bằng chứng này là nền tảng niềm tin để các nhà lãnh đạo lỗi lạc như Steve Job (CEO của Apple); Jeff Weiner (CEO của Linkedin) hay Arianna Huffington (nhà sáng lập của trang tin The Huffington Post)… tin tưởng vào lợi ích của việc thực hành thiền định. Chánh niệm và thiền định là kỹ năng mềm, và hoàn toàn có thể học được nếu có phương pháp.

Thay vì coi thiền định chỉ là một phương pháp tu tập chỉ dành cho các Phật tử, hãy nhìn nhận đây là một phương pháp khoa học đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, được nhiều người lựa chọn vì những lợi ích tuyệt vời mà nó đem lại.

 

Thực hành chánh niệm và thiền định đem lại những lợi ích gì?

Hiệp hội Tâm lý Mỹ APP đã tổng hợp một số lợi ích được khoa học chứng minh của việc thực hiện thiền định thường xuyên như: giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ, tăng khả năng kiểm soát cảm xúc và chất lượng suy nghĩ. Trong khuôn khổ bài viết bày, tôi sẽ tập trung chia sẻ về hai lợi ích mà tôi cho là quan trọng nhất:

  • Tăng cường khả năng tập trung

Một nghiên cứu về hành vi lãnh đạo của Học viện Lãnh đạo Tỉnh thức (năm 2010) cho thấy một người trung bình có 47% thời gian để cho tâm trí lang thang, trong đó 70% không thể tập trung trong các buổi họp. Trong khi đó, lãnh đạo, những người luôn phải xử lý khối lượng công việc khổng lồ, luôn có quá nhiều quyết định phải suy nghĩ, trăn trở thì nhu cầu về việc tập trung và suy nghĩ chính xác là vô cùng quan trọng.

Thiền định và chánh niệm có khả năng giúp bạn giải quyết vấn đề này. Bản chất của thiền định là việc ý thức được tính chất toàn vẹn của mỗi giây, mỗi phút trong cuộc sống, là tiếp xúc với khoảnh khắc thực tại, những điều đang thực sự xảy ra xung quanh. Khi thực hành kỹ năng này, chúng ta sẽ luôn biết đơn giản hóa mọi việc bằng cách chú tâm vào từng việc mình đang làm, thay vì luôn lo lắng nghĩ đến tương lai hay hối tiếc về những việc trong quá khứ. Bạn sẽ biết cách tập trung vào chỉ một việc trong một khoảng thời gian nhất định, biết định hướng suy nghĩ của mình về hiện tại, không bị xao nhãng bởi các yếu tố xung quanh. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn có thể kiểm soát, cải thiện chất lượng suy nghĩ, và lựa chọn được suy nghĩ mà mình mong muốn.

Hơn nữa, khi thực hành thiền định thường xuyên, tâm trí bạn sẽ tìm được trạng thái tĩnh tại, các luồng suy nghĩ được phân tách rõ ràng, từ đó tăng cường khả năng phân tích từ nhiều khía cạnh khách quan, để đưa ra những quyết định sáng suốt và chính xác hơn.

Khi thực hành thiền định, chúng ta sẽ luôn biết đơn giản hóa mọi việc bằng cách chú tâm vào từng việc mình đang làm thay vì luôn lo lắng nghĩ đến tương lai hay hối tiếc về những việc trong quá khứ.

 

  • Tăng khả năng chế ngự và hoá giải những cảm xúc tiêu cực

Một lãnh đạo dù có giỏi đến đâu nhưng khi để những cảm xúc tiêu cực lấn át, có nghĩa là họ mất quyền kiểm soát đối với lời nói, thái độ hoặc hành vi của mình.

Trên hành trình chuyển hoá để trở thành lãnh đạo tỉnh thức, bằng việc thực hành thiền định, chúng ta sẽ học cách nhìn sâu vào thế giới nội tâm của chính mình, từ đó dần đạt được sự tự thấu hiểu, tự nhận thức và tăng cường khả năng hoá giải những cảm xúc tiêu cực. Họ sẽ có thể nhìn nhận rõ những cảm xúc diễn ra bên trong, quan sát cảm xúc từ khi nó xuất hiện, thay đổi và biến mất như thế nào. Từ đó, biết cách chế ngự những cảm xúc tiêu cực, giúp bản thân quay về và duy trì trạng thái tích cực, tạo ra năng lượng để bình tĩnh xử lý mọi công việc. Như cố Thủ tướng Anh, Wiston Churchill từng nói: “Thành công không phải là cuối cùng, thất bại không phải là chết người: lòng can đảm đi tiếp mới quan trọng”. Lòng can đảm chỉ xuất phát từ khả năng hiểu, tới tin tưởng bản thân, từ đó phát triển thành năng lượng tự tin, bản lĩnh trước những biến cố.

Thiền định không phải là trạng thái không có suy nghĩ, mà là suy nghĩ ít hơn nhưng chất lượng hơn, và khả năng kiểm soát tâm trí tốt hơn.

 

Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra năng lượng chỉ bằng việc kiểm soát chất lượng suy nghĩ và duy trì cảm xúc tích cực, bình an. Một người bình thường sẽ có trung bình khoảng 50.000 suy nghĩ mỗi ngày, khi lo lắng, căng thẳng, giận dữ số lượng suy nghĩ còn lớn hơn rất nhiều. Thiền định không phải là trạng thái không có suy nghĩ, mà là suy nghĩ ít hơn nhưng chất lượng hơn, và khả năng kiểm soát tâm trí tốt hơn. Khoa học thần kinh kết luận: trong khi thiền chúng ta tạo ra những kết nối thần kinh mới, cài đặt những suy nghĩ tích cực. Hiểu đơn giản, thiền là trạng thái trải nghiệm những cảm xúc bình an, yêu thương, hạnh phúc… Đấy là lý do vì sao suy nghĩ tích cực sẽ tạo ra cảm xúc tích cực, và chất lượng suy nghĩ ra sao tạo thành con người như vậy.

Quách Hương