Trang chủ Diễn đàn Happy Land và chùa ở Long An: Đồng hành trên hành trình...

Happy Land và chùa ở Long An: Đồng hành trên hành trình văn hóa

171

Đưa lại tin trên thông qua bài viết này, chúng tôi, tất nhiên, không nhằm mục tiêu giới thiệu “quảng cáo” cho dự án đồ sộ nói trên, mà quy mô của nó đã làm giới du lịch quốc tế quan tâm đã ngay từ bây giờ.

Vấn đề mà chúng tôi muốn đặt ra là Phật giáo Long An, là quê hương của tôi, sẽ khai thác sự kiện này như thế nào?

Chúng ta đều biết, sau khi khu du lịch Đại Nam đi vào hoạt động, chẳng những chùa Đại Nam Quốc Tự có đông đảo khách viếng thăm mà các chùa lớn, chùa cổ của Bình Dương cũng đều thu hút đông đảo khách thập phương, là du khách sau khi đến tham quan khu du lịch Đại Nam.

Chúng ta cũng đều biết du lịch Hà Nội gắn liền với chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ… Du lịch Huế gắn liền với tên tuổi các ngôi chùa như Linh Mụ, Diệu Đế, Từ Đàm…

Mà khách đến chùa đông thì đó là một cơ hội để Phật giáo thực hiện hoằng pháp, tạo thành một kênh hoằng pháp lý tưởng.

Nay du lịch Long An có Happy Land, khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á tại huyện Bến Lức, có số du khách dự kiến là 10 triệu người/năm.

Vậy bao nhiêu người trong số 10 triệu khách du lịch Happy Land đó trong năm đến thăm những danh lam cổ tự trên đất Long An, đặc biệt là huyện Bến Lức, huyện mà ở đó Happy Land được xây dựng?

Nói cách khác, bài viết đặt vấn đề Phật giáo Long An đồng hành với Happy Land. Vấn đề “đồng hành” đã được đặt ra ở các lĩnh vực khác.

Phóng viên báo Người Lao Động trong bài viết về Happy Land đã cho chạy tít: “Happy land mang thế giới về Việt Nam, nhưng đồng thời cũng giới thiệu Văn hóa Việt Nam ra thế giới” (số báo ngày 20/9/2010). Nói đến Văn hóa Việt Nam đương nhiên là phải nói đến Phật giáo. Và trên mảnh đất mà Happy Land được xây dựng là Phật giáo địa phương Bến Lức, Phật giáo Long An.

Bài báo  dẫn trên cũng dẫn lại ý kiến của nhà sử học tiếng tăm Dương Trung Quốc : “Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: “Đây là một ý tưởng kết hợp về giá trị văn hóa nước ngoài và giới thiệu truyền thống của dân tộc, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về Văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, đất Long An anh hùng có thêm một không gian hạnh phúc, được hưởng các giá trị văn hóa của nhân loại”.”

Vấn đề “đồng hành” cũng được lãnh đạo tỉnh Long An đặt ra. Bài báo dẫn trên cũng cho biết, ông Lê Minh Hùng, phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Tỉnh Long An đánh giá: “Dự án Happy Land là một sự lựa chọn hợp lý của chủ đầu tư trong xu thế phát triển của UBND tỉnh Long An. Với quy mô 10 triệu lượt khách/năm, dự án sẽ tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại tỉnh nhà. Tỉnh Long An tin tưởng rằng dự án sẽ triển khai thành công đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng và Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung. Tỉnh Long An cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tập đoàn Khang Thông thực hiện dự án”.

Như thế, các chùa Long An, đặc biệt là các ngôi cổ tự, danh lam đồng hành thế nào trong hành trình văn hóa với Happy Land? Vấn đề không dễ mà cũng không khó. Nhiều chùa ở Long An là chùa xưa, tiêu biểu cho chùa thế kỷ XIX khu vực ĐBSCL như chùa Núi, chùa Kim Cang… Đặc biệt có chùa Tôn Thạnh đã đi vào Văn học sử: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấc lòng son gửi lại bóng trăng rằm” (Nguyễn Đình Chiểu: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).

Nhiều chùa tuy xây dựng vào đầu thế kỷ XX nhưng cũng tiêu biểu cho sinh hoạt tín ngưỡng người dân Đồng Bằng Nam Bộ, có cảnh đẹp, nằm bên ruộng lúa, ven sông (trong đó có chùa Linh Phước, ở ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Long An) là ngôi chùa chứa đầy quan tài mà người viết đã nhiều lần đề cập đến.

Như vậy, Phật giáo Long An đã có những hạt chuỗi ngọc văn hóa vô giá. Chỉ cần đánh bóng, xuyên xâu và trưng bày nó với 10 triệu du khách/năm của Happy Land. Khách đi du lịch thành khách thập phương đến chùa lễ Phật, nghe kinh, đàm đạo với nhà sư, đi dạo trong vườn chùa, nếm hương vị vú sữa, xoài, mít… cây nhà lá vườn trong chùa, thỉnh vài bản kinh để tìm hiểu về Phật giáo… thì không gì bằng!

Trong công việc nêu ra ở trên, chúng tôi có nói đến khâu đánh bóng các hạt ngọc văn hóa. Đó là công việc trùng tu, chỉnh trang, có thể bắt đầu ngay từ bây giờ. Những điều gây trở ngại để xây dựng các ngôi chùa Long An, đặc biệt là ở Bến Lức, thành điểm tham quan, hành hương cho du khách Happy land cũng cần được giải quyết.

Chẳng hạn, khách du lịch quốc tế nghĩ gì khi đến chùa Linh Phước mà gặp hàng dãy quan tài ngay trước cửa, và các ni cô thì chỉ quan tâm đến chuyện quan tài, thay vì giới thiệu về lịch sử ngôi chùa, một kiến trúc mong manh nhưng vẫn trường tồn trên mảnh đất chiến tranh ác liệt như một phép lạ.

Trùng tu, chỉnh trang không phải là đập ra xây lại bằng bê tông hay sơn vẻ hoa hòe hoa sói, mà chỉ cần làm chùa sạch hơn, trang nghiêm hơn, nhấn mạnh đến những biểu tượng sinh hoạt tín ngưỡng đặc trưng địa phương và có giá trị. Tất nhiên những thứ gây phản cảm cho du khách không thể duy trì. Đó là việc loại bỏ tỳ vết cho những hạt ngọc văn hóa.

Đồng hành trên hành trình văn hóa với Happy Land là cơ hội vàng cho Phật giáo Bến Lức, Long An.

Chúng tôi kính đề đạt nội dung đề xuất trong bài viết này lên chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội tỉnh Long An và huyện Bến Lức, cũng như Ban Tôn giáo tỉnh và toàn thể tăng ni Phật tử tỉnh Long An.

MT