Vào tháng sáu 1990, Steven Kaboggoza lúc đó 24 tuổi, rời Uganda đến Ấn Độ để học đại học. Gia đình và họ hàng của anh kỳ vọng ngày anh trở về như “một thương gia giàu có với cặp đựng giấy tờ trong tay”.
Bảy năm sau ngày ra đi, khi trở về nhà Kaboggoza lại là một thiền sinh Phật giáo với chiếc đầu cạo sạch tóc và ba lô đeo trên vai. Gia đình của anh rất ngạc nhiên trước hành lý lạ lùng của anh: trang phục và đồ nghề của thợ lặn và các cuốn sách về Phật giáo.
“Trong cuốn sách đầu tiên Gieo trồng hạt giống Pháp: Phật giáo đâm chồi tại Phi châu, Kaboggoza, với pháp danh hiện nay của mình là Buddharakkhita, viết, “ Tại Uganda, không có một ngôi chùa cũng như một vị thầy Phật giáo nào, và chắc chắn là chẳng có biển để mà lặn.” Sư cũng viết một cuốn sách khác, “Từng chút một: Thực tập giáo pháp trong đời sống hàng ngày.”
Trong hành lý kỳ lạ của đại đức Buddharakkhita có một thứ liên quan tới những kinh nghiệm đã làm thay đổi cuộc đời của sư. Đó là những cuốn sách tôn giáo nói về chuyến du hành tâm linh sau khi anh được hai tu sĩ Phật giáo trẻ người Thái đối xử, coi anh như bạn bè khi họ cùng học chung với nhau trong trường đại học. Kaboggoza cũng tham gia vào một chuyến đi để gặp đức Đại Lai Lạt Ma sau khi anh nghe những bài thuyết pháp của ngài và chúng thôi thúc anh đi để tìm gặp ngài.
Năm 1994, sau khi tham dự một khóa thiền 12 ngày tại Dharamsala, Ấn Độ, khóa thiền ấy sau đó hóa ra lại là một chuyến đi để tự khám phá bản thân. Kaboggoza từ bỏ con đường học vấn để theo con đường tâm linh. Anh cùng những người bạn đồng tu tại New Delhi nghe pháp thoại, hành thiền và đọc các cuốn sách về Giáo Pháp.
Sau một năm, Kaboggoza theo một chuyến đi hành hương rời Ấn Độ để đến Nepal và Tây Tạng, và cuối cùng đặt chân đến đất Thái, sống tại hòn đảo Koh Tao xinh đẹp. Để kiếm sống, anh làm huấn luyện viên dạy lặn. Cuộc sống thật ổn, nhưng chẳng bao lâu anh vỡ mộng và quay trở về châu Phi. Khi anh trở về nhà vào năm 1997, gia đình và bà con phát hiện ra tôn giáo mới của anh. Họ khuyên anh đốt những cuốn sách về Phật giáo và quay trở về với Cơ đốc giáo nhưng anh vẫn giữ vững lập trường của mình.
Anh cảm thấy mình thật may mắn vì anh đã trở về nhà trước năm 2004, khi thảm họa sóng thần Tsumani quét vào nơi anh từng lặn tại Thái và cướp đi nhiều sinh mạng.
Thời gian trôi qua, Kaboggoza trở nên bất an. Sư viết trong cuốn sách của mình, “Tôi thật cô đơn chẳng có người bạn tâm linh nào ở bên cạnh và tôi rời Unganda để tìm hiểu sâu thêm về Chân lý.”
Anh lưu lại Nam Phi một năm, du hành đó đây và hành thiền trước khi sang Hoa Kỳ.
Năm 1999, Kaboggoza tham dự một khóa tu ba tháng tại Hội thiền Minh Sát (IMS) tại Barre, Massachusetts, Hoa Kỳ và ở lại sau đó để hợp tác với ban điều hành cho đến năm 2000.
Năm 2001, anh đến Trung tâm thiền Tathagata (TMC) tại San Jose, California. Nơi đây anh hành thiền miên mật hơn và được huấn luyện về cách sống trong thiền viện và được truyền giới để thành một tu sĩ Phật giáo thuộc truyền thống Nguyên Thủy vào năm 2002. Anh được đặt pháp danh là Buddharakkhita.
Tháng 10 năm 2004, sư Buddharakkhita đi hành hương đến Ấn Độ, Nepal và Miến Điện.Tại Sri Lanka, chủ nhà của sư, Dhammaruwan*– từng là một cậu bé thần đồng nổi tiếng- là một Phật tử thuần thành, đưa sư hai tượng Phật để sư chọn một, làm quà đem về Uganda.
Sư quyết định chọn bức tượng lớn hơn vì pháp danh của sư, Buddharakkhita, có nghĩa là “người bảo vệ Phật bảo”.
Buddharakkhita không ngờ rằng việc mang bức tượng đã gợi quá nhiều sự hiếu kỳ của mọi người chung quanh – tại Mumbai, Ấn Độ ( trong thời gian nghỉ chân 5 giờ đồng hồ), trên máy bay, và tại trạm kiểm soát Xuất nhập cảnh của Kenya. Sư cảm thấy kiệt sức vì sự chất vấn bất tận về bức tượng. Khi sư khám phá ra rằng bức tượng đã bị tách rời ra khỏi đế vì phải xuất trình liên miên, sư chẳng còn muốn gì hơn là bảo vệ nó. Sư gói bức tượng trong chiếc y của mình.
Tại một phi trường, một viên chức xuất nhập cảnh hỏi: “Tại sao ngài lại mang bức tượng này? Hãy mở nó ra! Tôi xem nó được không? Ngài có nhét thứ gì bên trong bức tượng hay không? Ngài có dấu ma túy ở trong đó không?
Khi sư giải thích, “Nó chỉ là một tượng Phật”, sư bị viên chức nọ đánh dấu.
Trong thời gian nghỉ tại Kenyatrước khi bay đến Uganda, sư giữ bức tượng đã được gói lại trong một cái túi.
Khi sư trở về nhà, mẹ sư mừng được gặp lại sư và bà khóc vì vui sướng.
Để giữ giới luật của một tu sĩ Phật giáo, Buddharakkhita ở tại một khách sạn gần nhà chứ không phải ở trong nhà của mẹ. Nhưng trang phục tu sĩ và cách cư xử lạ lùng của sư lại lôi kéo quá nhiều sự chú ý.
Sư kể trong quyển sách mình đã làm cho hai đứa trẻ hoảng sợ ra sao. Chúng chạy tránh ra xa khỏi sư và líu nhíu nói: “Ông này sắp ăn thịt tụi mình!”
Sư nói, “Một số người Uganda nghĩ rằng tôi là một thầy mo khi họ thấy tôi với túi xách của tu sĩ và hỏi tôi đang bán gì.”
Khi sư đem một cái quạt lớn từ Myanmar về, một số người nghĩ nó là một cái khiêng để bảo vệ thân thể, trong khi những người khác tự hỏi có phải sư là vệ sĩ của nhà vua hay không.
Gia đình của sư Buddharakkhita rồi cũng chấp nhận niềm tin mới của sư. Trong vòng một tháng trở về quê nhà, năm người trong gia đình của sư trở thành những phật tử. Họ gồm mẹ, em gái và em rể của sư.
Mẹ của sư là người đầu tiên cải đạo sau khi bà thấy những phật tử khác – bốn người Thái kinh doanh một nhà hàng tại Uganda và một người chủ xí nghiệp, người Sri Lanka – đã đối xử với con trai của bà với sự kính trọng hết mực như thế nào.
Khi sư rời Uganda, số người quy y Phật bắt đầu tăng lên.
Sư kể lại trong một e-mail phỏng vấn từ Thụy Điển: “Một vài tuần trước khi tôi rời Uganda để đến Hoa Kỳ, ba cô cháu gái và một cháu trai cũng trở thành phật tử.”
Sau một năm lưu lại Hoa Kỳ, sư bay về châu Phi lần thứ hai và nhận thấy rằng mọi người vẫn còn nhìn sư với sự lạ lẫm.
Chiếc bát khất thực của nhà sư đã bị mọi người tra hỏi liên tục khi sư đi khất thực.
“Một số người nghĩ rằng tôi đang bưng một cái trông của châu Phi, một cái jemble nhỏ” . Một người bạn là người gác cổng tại đại học Nairobi nghĩ rằng cái bakuli (bát khất thực) giống cái nồi là dấu hiệu báo cho biết rằng sư đang thực hiện một chuyến hành trình dài.
Chiếc bát khất thực của sư có khi còn bi tưởng lầm là một trái banh và một quả bom.
Một người trong nhóm một số phụ nữ đang đợi để thu hoạch cà phê trong một đồn đền cà phê gần đó ngừng lại để chào sư. Một phụ nữ khác nhíu mày và bảo sư: “Tôi sợ quả bom mà ông đang ôm theo. Nó có thật là một quả bom không?”
Buddharakkhita là một thành viên chính thức của Hội nghị Phật giáo Thượng đỉnh Thế giới tại Nhật.
Khi vị sư có uy tín lần đầu tiên kể lại những câu chuyện khôi hài về cuộc đời tu sĩ của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 được tổ chức trọng thể tại Kobe, Nhật Bản vào năm 2008, sư đã khiến cho một hội chúng đông đảo gồm 300 người phải bật cười.
“Bất cứ khi nào người ta thấy tôi ôm bát khát thực là họ muốn mua nó. Đôi khi họ nghĩ tôi là một thầy mo địa phương đang bán thuốc.
Nhưng chẳng bao lâu sau, người dân địa phương bắt đầu cúng dường thực phẩm cho sư.
Đối với sư, đi khất thực là một cách để thực tập tính kham nhẫn.
“Tôi chẳng bao giờ biết mọi sự sẽ ra sao cả.Tôi trở thành trung tâm của sự chú ý tại Uganda. Người ta cứ nhìn tôi chòng chọc khi tôi đi bộ trên đường với đầu cạo trọc và mặc y ca sa.”
Ngày nay, Buddharakkhita làm việc tại hội Bhavana, West Virginia, Hoa Kỳ.
Hai năm một lần, sư trở về để gặp các phật tử tại Uganda.
Buddharakkhita, nay là chủ tịch Tăng đoàn Thanh niên Phật giáo Thế giới tại Ugandaviết: “ Mỗi lần về tôi lưu lại quê nhà từ ba đến bốn tháng. Tôi hy vọng sẽ được ở lại lâu hơn để thiết lập sự hổ trợ tại địa phương.”
Tại Uganda, sư giảng dạy Giáo Pháp tại trung tâm Phật giáo Ugandavà nhóm Thiền và Yoga Kampala.
Sư cũng dạy tại các khóa tu trên toàn thế giới tại Brazil và Hoa Kỳ.
Buddharakkhita đồng thời là giám đốc tinh thần của trung tâm thiền Flowering Lotus tại Magnolia, Mississippi và cố vấn cho hội Global Buddhist Relief (GBF), cả hai đều ở Hoa Kỳ. Buddharakkhita nói: “Năm nay, tôi chọn nhập hạ (vassa) và giảng dạy tại Thụy Điển."
Chú thích: *Dhammaruwan là một thần đồng biết đọc thông thạo kinh Pali khi mới lên hai. Để biết thêm thông tin về Dhammaruwan, mời bạn đọc viếng trang http://phatgiaonguyenthuy.com/new/download/mp3/207-dhammaruwan-cau-be-doc-kinh-pali-tu-nam-len-2.html
Tác giả: Majorie Chiew
Nguồn: Staronline