Hành trình của một vị Giáo thọ Sư

    82

    Cách đây 40 năm, khi Phật học viện Huệ Nghiêm vừa được thành lập, trong số 300 Tăng sinh của khóa học đầu tiên có một học Tăng trẻ, pháp danh là Minh Thông, quê ở Trà Ôn cũng vừa kịp thi đỗ vào Học viện, bắt đầu một quá trình tu học nội trú nghiêm cẩn của một vị Tăng lữ. Từ đó, tại Phật học viện Huệ Nghiêm, thầy Minh Thông hết lòng dùi mài kinh sử lần lượt hết Sơ trung 1, rồi Sơ trung 2, tất cả phải mất 7 năm để hoàn tất chương trình trung cấp Phật học. Năm 1971, Thầy thi vào cấp Cao đẳng Phật học tại Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, với học trình kéo dài 8 năm nhằm đào tạo bậc tiến sĩ Phật học. Năm 1975, nước nhà hoàn toàn thống nhát, PGVN cũng chuyển mình bước sang giai đoạn mới và Viện Phật học Huệ Nghiêm được đổi thành tu viện.


    Những năm sau đó thầy cùng Tăng chúng ở tu viện thay phiên nhau nhập thất chuyên tu, nhằm tự trau dồi, rèn luyện trưởng dưỡng đạo tâm. Mãi đến năm 1990 thầy mới bắt đầu phụ trách đứng lớp, giảng dạy môn Luật học cho Tăng Ni sinh. Hiện nay thầy là Phó ban Tăng sự T.Ư kiêm Ủy viên Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư GHPGVN. Nói về những ngày đầu của sự nghiệp giáo thọ sư, thầy cho biết: “Tôi bắt đầu công việc đi dạy rất trễ, bởi để làm được một người thầy tốt thì trước hết mình phải là một học trò tốt, phải tự tu dưỡng rèn luyện chính mình cả hai mặt trí lẫn huệ”.


    Trong thời gian hướng dãn Tăng Ni sinh các cấp về môn Luật học, thầy nhận thấy môn học rất khô khan, có nhiều điểm đã lỗi thời không còn phù hợp với thời đại, do những điều được Đức Phật chế định đến nay đã hơn 25 thế kỷ. Vì thế để giúp cho người học có thể lĩnh hội và hành trì giới học một cách dễ dàng hơn, trong các bài giảng thầy thường dùng nhiều hình ảnh để minh họa hoặc đưa vào nhiều dẫn chứng sống động giữa đạo và đời. Hơn thế nữa, thầy còn giữ mục giải đáp những gút mắc quanh các vấn đề về Luật học trên tuần báo Giác Ngộ. Mục này về sau được tác giả Thích Thiện Chơn kết lại thành tập “Theo dấu chân xưa”, được xem như cuốn cẩm nang cho những ai muốn tu dưỡng về giới luật của đạo Phật.


    Điều thú vị là sau gần 20 năm đứng lớp và 40 năm nội trú ở tu viện Huệ Nghiêm, thầy vẫn giữ nếp sống đạm bạc của một học Tăng ngày nào. Cũng gian phòng trên dưới 30m2 với đồ đạc cũ kỹ đơn sơ. Cũng những bức thư họa ố vàng, ngoằn ngoèo nét bút và những bức tường được phủ kín bằng cơ man nào là sách!


    Hôm tôi tìm đến thăm thầy vào một buổi chiều đầu mùa Đông. Gió hun hút thổi dọc qua những hành lang vắng. Không gian mênh mông và tĩnh mịch. Thầy tươi cười vừa pha trà tiếp khách vừa cho biết: “Tôi có nhiều học trò nhưng không có đệ tử. Vì thế nên những việc nấu nướng giặt giũ cá nhân, tôi phải tự làm lấy. Bù lại, tôi được cảm thấy thảnh thơi”. Phải chăng đó cũng là một trong những truyền thống của Phật học viện là: “Truyền hiền chứ không tuyền tử lưu tôn?”. Và nhân đó thầy bộc bạch thêm: “Ngoài cương vị là tu sĩ, thầy còn là một nhà giáo, nên thầy luôn đau đáu ưu tư trước việc Tăng Ni trẻ bây giờ có khuynh hướng chạy theo bằng cấp và học vị của thế học mà kém quan tâm những cốt lõi của nội điển và trau dồi chữ Hán. Buồn thay, bộ Tam tạng kinh điển với những lời Phật dạy sâu sắc được chuyển dịch bằng Hán tự, giờ đây chỉ còn trang trí trong tủ thờ, bởi Tăng Ni trẻ đa số hầu như giới hạn về Hán ngữ. Nhìn về quá khứ, các Phật học viện từ Báo Quốc, Ấn Quang, Hải Đức đến Huệ Nghiêm, tất cả đều là những cái nôi đào tạo nội trú Tăng Ni trẻ đầy uy tín của Giáo hội. Quý chư tôn đức Tăng, Ni được đào tạo, trưởng thành và xuất thân từ đó, qua thời gian, hầu hết đều chứng tỏ là những vị Tăng sĩ có thực tài, thực đức, đã và đang góp phần xây dựng Giáo hội. Vì vậy thầy mong mỏi Giáo hội làm sống lại tinh thần tu học nội trú của Phật học viện, một biện pháp cũng nhằm giải quyết bài toán Tăng Ni sinh trẻ cư trú ở nhà ngoài. Bên cạnh đó, Giáo hội cũng cần nghiên cứu thêm nên chăng cần có một trường “chuyên” về đào tạo và hành trì về giới luật nhằm giúp cho Tăng Ni trẻ biết và truyền thừa giới luật của Đức Như Lai để giữ mình thanh tịnh và góp phần trang nghiêm đoàn thể thanh tịnh, đồng thời cũng nhằm phục hồi lại đạo hạnh ở một bộ phận Tăng Ni trẻ ngày nay, với phương châm: “Đạo đức cần được phát triển song song với tài năng”.