Những nỗi vui và hưởng thụ đó chỉ là tạm bợ hào nhoáng như lớp sơn bên ngoài, kỳ thật bản chất cõi đời này là không bền chắc mà chúng sanh không nhận biết cứ mãi bơi lội trong biển khổ vô minh. Duy chỉ có Đức Thế Tôn đã nhìn thấy được sự thật về chân lý cuộc đời một cách tường tận rõ ràng. Ngài đã dạy chúng ta hãy tu tập pháp “ thiểu dục tri túc” mới có được một đời sống an vui giải thoát.
Kinh Bát Đại Nhân Giác, điều giác ngộ thứ hai Đức Phật đã chỉ rõ tai hại của sự tham dục là nguồn gốc đưa đến khổ đau. Người ít ham muốn, sống thiểu dục thì thân tâm được tự tại, an lạc.
Vậy pháp “thiểu dục tri túc” là một pháp tu tập không thể thiếu đối với người tu hành nhằm ngăn chặn lòng ham muốn quá độ của chúng sanh.
“Thiểu dục” là ít muốn, “Tri túc” là biết đủ. Người có tu tập hạnh thiểu dục thì dù gặp hoàn cảnh nào cũng đều an phận tùy duyên. Đối với việc ăn mặc tự thấy mình có đủ rồi không tham cầu nhiều hơn nữa để khỏi phải khổ sở về tinh thần. Cho nên trong Khế Kinh có nói:
“Tri túc chi nhơn,
Tuy ngọa địa thượng
Du vi an lạc
Bất tri túc giả
Tuy ngọa thiên đường
Diệc bất xứng ý”
Nghĩa là:
(Người biết đủ, tuy nằm dưới đất cũng thấy an lạc
Người không biết đủ, dù ở thiên đường cũng không vừa ý)
Quả thật, khi chúng ta sống biết đủ thì tâm hồn lúc nào cũng an vui thanh thản, không lo toan tính toán việc gì, không bị phiền não sai sử, trói buộc. Ngược lại, đối với người có lòng tham quá mức, trong tâm lúc nào cũng lo lắng bất an. Dù sống trong cảnh giàu sang phú quí, quyền cao chức trọng nhưng vẫn cảm thấy thiếu thốn đủ điều. Thói thường con người luôn bị ngũ dục lôi kéo, tham muốn tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, ăn ngon, mặc đẹp… Tâm chúng ta không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đang có, luôn mong ước được nhiều và nhiều hơn. Có được 100 lại nghĩ đến 1000, được cái này lại muốn có cái khác tốt hơn, đẹp hơn … Tham vọng như nấc thang leo mãi không bao giờ dừng nghĩ. Lòng tham đó chính là căn nguyên, mầm móng đưa con người vào trong bóng tối vô minh, trong ngục tù tham ái. Nó cũng như vị ngọt của miếng đường dính trên lưỡi dao mà người tham liếm vào chắc chắn sẽ bị đứt lưỡi.Thế nên Kinh Di Giáo Đức Phật dạy : “ Này các Tỳ Kheo, các Thầy phải biết, người mà đa dục đa cầu thì càng nhiều khổ não. Người nào thiểu dục vô cầu, không tham muốn thì không khổ não.” Tham muốn ngũ dục là biển trầm luân nguy hiểm, chúng sanh như chiếc thuyền con giữa dòng biển sâu không lường được, thật đáng lo sợ cho tính mạng biết bao. Nó như người cầm đuốc đi ngược gió, tất sẽ không sao tránh khỏi cái họa cháy thân, dẫu cho khoái lạc được một chút mà suốt đời phải đau khổ, ăn năn hối hận.
“Vui cười thích thú lẽ nào
Khi đời mãi bị phủ bao lửa hồng
Trong đêm tối có hay không
Chẳng mau tìm ánh sáng hồng thoát ly”
(PC 146)
Đức Phật dạy pháp “thiểu dục tri túc” để cho hành giả thực hành sống biết đủ. Ngài dạy chúng ta con đường tu tập để tránh xa hai cực đoan hưởng thọ dục lạc và khổ hạnh ép xác. Cả hai lối tu này đều sai lệch không đưa đến mục tiêu cứu cánh. Chỉ có thực hành con đường Trung Đạo mới đem đến kết quả giải thoát mà thôi. Ngay nơi hạnh thiểu dục bình thường còn phải tu học huống là pháp thiểu dục sanh khởi công đức lành, sẽ đạt được an ổn trong đời sống. Người không biết đủ tuy giàu có nhưng vẫn nghèo thiếu, người biết đủ tuy nghèo mà vẫn giàu là vậy. Tri túc là căn bản để giữ gìn đạo nghiệp. Các bậc Bồ Tát tu hành luôn sống an bần giữ đạo, lấy trí tuệ làm mục tiêu cứu cánh.
Pháp thiểu dục ở đây nhằm giác ngộ cho kẻ ham thích khoái lạc, ích kỷ, thiếu tình thương chân chánh đối với đồng loại khổ đau, còn pháp tri túc là giác ngộ cho kẻ cố chấp hẹp hòi. Người học Phật cần phải có trí tuệ chơn chánh xứng danh là người học pháp “thiểu dục tri túc”của bậc thượng nhơn.
“Vui thay sống biết đủ!” Đẹp thay câu Phật ngôn, thú vị thay câu Phật ngôn. Nếu biết chọn lựa tu tập bằng hành vi chơn chánh thì ngay trong hiện tại sẽ được an lạc và là yếu tố căn bản vững vàng ở tương lai.