Trang chủ Thời đại Xã hội Hạnh phúc theo lời Phật dạy

Hạnh phúc theo lời Phật dạy

1202

Mong muốn có được một đời sống hạnh phúc an lạc lâu dài là tâm lý muôn thuở của con người. Mặc dù quan niệm và cảm thức về hạnh phúc không hoàn toàn giống nhau giữa con người và con người do nghiệp duyên sai biệt, nhân loại có mẫu số chung là mong cầu hạnh phúc 1.

Ai cũng mong muốn hạnh phúc nhưng không phải ai cũng biết cách thực hiện hạnh phúc 2. Đó chính là lý do Đức Phật xuất hiện ở thế gian này, không phải vì mục đích gì khác ngoài việc chỉ bày cho nhân loại con đường đưa đến hạnh phúc an lạc lâu dài. Kinh Tăng chi bộ xác nhận Như Lai ra đời vì hạnh phúc cho đa số, vì an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài người 3. Ngài xuất hiện ở đời khiến cho số đông xa lìa phi pháp, an trú diệu pháp 4.

Một hôm những người Koliya tìm đến Đức Phật và thưa với Ngài: “- Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ thọ hưởng những dục vọng, sống hệ phược với vợ con, dùng các hương chiên-đàn ở Kàsi, đeo và dùng các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, thọ lãnh vàng và bạc; bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, thuyết như thế nào để những pháp ấy đem đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại, và hạnh phúc an lạc trong tương lai” 5.

Đáp lời thỉnh nguyện của dân chúng Koliya, Đức Thế Tôn thuyết giảng: “- Này Byagghapajja, có bốn pháp này đưa đến hạnh phúc hiện tại, an lạc hiện tại cho thiện nam tử. Thế nào là bốn?

Đầy đủ sự tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa. Này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ sự tháo vát?

Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử làm nghề gì để sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì; trong các nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mệt, biết suy tư hiểu phương tiện vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm; này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ sự tháo vát.

Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ phòng hộ? Ở đây, này Byagghapajja, những tài sản của thiện nam tử do tháo vát tinh tấn thâu hoạch được, do sức mạnh bàn tay cất chứa được, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, vị ấy giữ gìn chúng, phòng hộ và bảo vệ: ‘Làm thế nào các tài sản này của ta không bị vua mang đi, không bị trộm cướp mang đi, không bị lửa đốt, không bị nước cuốn trôi, không bị các người con thừa tự không khả ái cướp đoạt’.

Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ sự phòng hộ. Và này Byagghapajja, thế nào là làm bạn với thiện? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống tại làng hay tại thị trấn. Tại đấy có gia chủ hay con người gia chủ, theo lời Phật dạy những trẻ được nuôi lớn trong giới đức, hay những người lớn tuổi được lớn lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, vị ấy làm quen, nói chuyện, thảo luận. Với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy học tập với đầy đủ lòng tin. Với những người đầy đủ giới đức, vị ấy học tập với đầy đủ giới đức. Với những người đầy đủ bố thí, vị ấy học tập với đầy đủ bố thí. Với những người đầy đủ trí tuệ, vị ấy học tập với đầy đủ trí tuệ.

Này Byagghapajja, đây gọi là làm bạn với thiện. Và này Byagghapajja, thế nào là sống thăng bằng, điều hòa? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn sẻn. Vị ấy suy nghĩ: ‘Đây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như vậy; không phải đây là tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như vậy’. Ví như, này Byagghapajja, người cầm cân hay đệ tử người cầm cân, sau khi cầm cân biết rằng: ‘Với chừng ấy, cân nặng xuống, hay với chừng ấy, cân bổng lên’.

Cũng vậy, này Byagghapajja, thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn sẻn. Vị ấy suy nghĩ: ‘Đây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như vậy; không phải đây là tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như vậy’. Này Byagghapajja, nếu thiện nam tử này tiền nhập vào ít, nhưng sống nếp sống rộng rãi, hoang phí, thời người ta nói về người ấy như sau: ‘Người thiện nam tử này ăn tài sản của vị ấy như ăn trái cây sung’.

Này Byagghapajja, nếu người thiện nam tử này có tiền nhập lớn, nhưng sống nếp sống cơ cực, thời người ta sẽ nói về vị ấy như sau: ‘Người thiện nam tử này sẽ chết như người chết đói’. Khi nào, này Byagghapajja, thiện nam tử này, sau khi biết tài sản nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn sẻn? Vị ấy suy nghĩ: ‘Đây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như vậy; không phải đây là tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như vậy’. Này Byagghapajja, đây gọi là nếp sống thăng bằng điều hòa.

Như vậy, này Byagghapajja, có bốn cửa xuất để tiêu phí tài sản thâu nhập: ‘Đam mê đàn bà; đam mê rượu chè; đam mê cờ bạc; bạn bè kẻ ác, thân hữu kẻ ác, giao du kẻ ác’. Ví như, này Byagghapajja, một hồ nước lớn, có bốn cửa nước chảy vào, có bốn cửa nước chảy ra, có người đóng lại các cửa nước chảy vào, mở ra các cửa nước chảy ra, trời lại không mưa đúng lúc, như vậy, này Byagghapajja, chờ đợi là hồ nước ấy bị giảm thiểu, không có tăng trưởng. Cũng vậy, này Byagghapajja, có bốn cửa xuất để tiêu phí tài sản được thâu nhập:’Đam mê đàn bà; đam mê rượu chè; đam mê cờ bạc; bạn bè kẻ ác, thân hữu kẻ ác, giao du kẻ ác’.

Như vậy, Này Byagghapajja, có bốn cửa vào để tài sản được hưng khởi: ‘Không say đắm đàn bà; không say đắm rượu chè; không say đắm cờ bạc; bạn bè với thiện, thân hữu với thiện, giao du với thiện’. Ví như, này Byagghapajja, một hồ nước lớn, có bốn cửa nước chảy vào, có bốn cửa nước chảy ra, có người đóng lại các cửa nước chảy ra, mở ra các cửa nước chảy vào, và trời lại mưa đúng lúc, như vậy, này Byagghapajja, chờ đợi là hồ nước ấy tăng trưởng, không có giảm thiểu. Cũng vậy, này Byagghapajja, có bốn cửa vào để tài sản được hưng khởi: ‘Không say đắm đàn bà; không say đắm rượu chè; không say đắm cờ bạc; bạn bè với thiện, thân hữu với thiện, giao du với thiện’.

Bốn pháp này, này Byagghapajja, đưa đến hạnh phúc hiện tại. Có bốn pháp này, này Byagghapajja, đưa đến hạnh phúc tương lai, an lạc tương lai cho thiện nam tử. Thế nào là bốn?

Đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ trí tuệ. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ lòng tin?

Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: ‘Đây là Thế Tôn… bậc A-la-hán… Phật, Thế Tôn’. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ lòng tin. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ giới đức?

Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ giới đức. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ bố thí?

Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống ở gia đình, với tâm không bị cấu uế, xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay mở rộng, vui thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích chia sẻ vật bố thí. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ bố thí. Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ trí tuệ?

Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với thánh thể nhập, chơn chánh chấm dứt khổ đau. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ trí tuệ.

Tháo vát trong công việc,
Không phóng dật, nhanh nhẹn,
Sống đời sống thăng bằng,
Giữ tài sản thâu được,
Có tin, đầy đủ giới,
Bố thí, không xan tham,
Rửa sạch đường thượng đạo,
An toàn trong tương lai.
Đây chính là tám pháp,
Bậc tín chủ tìm cầu,
Bậc chân thật tuyên bố,
Đưa đến lạc hai đời:
Hạnh phúc cho hiện tại,
Và an lạc tương lai”6.

Lời Phật cho thấy có tám thiện pháp hay tám đức tính để xây dựng hạnh phúc vững bền, nghĩa là bảo đảm một đời sống thoải mái về vật chất và an lạc về tinh thần được tiến triển ổn định lâu dài, cả đời này và đời sau. Đó là đầy đủ tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa, đầy đủ tín tâm, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.

Đầy đủ tháo vát, nghĩa là thiện xảo trong công việc làm ăn, siêng năng cần mẫn, khéo tìm ra giải pháp tối ưu để tự mình giải quyết công việc có hiệu quả và vận dụng nguồn lực lao động có hiệu quả.

Đầy đủ phòng hộ, tức là biết cách gìn giữ và bảo vệ hợp pháp các tài sản chính đáng của mình, không để cho các thế lực dòm ngó, không để cho kẻ trộm đục khoét, không để cho thiên tai hỏa hoạn thiêu hủy, không để cho con cái hư hỏng phá tán.

Làm bạn với thiện, nghĩa là có sự thân cận và giao thiệp thường xuyên với những người hiền đức để học hỏi và phát huy các phẩm chất đạo đức giác ngộ như tín tâm, giới đức, bố thí, trí tuệ.

Sống thăng bằng điều hòa, nghĩa là biết sử dụng hợp lý các tài sản hay lợi nhuận làm ra đúng pháp để sống một đời sống thích đáng, không phung phí cũng không bỏn sẻn. Nói cách khác, người gia chủ cần phải biết cân đối trong thu chi để sinh sống thoải mái hữu ích và để bảo đảm công việc làm ăn được tiến triển vững bền.

Đầy đủ lòng tin, nghĩa là có lòng tin tưởng tôn kính đối với Tam bảo: Phật-Pháp-Tăng.
Đầy đủ giới đức, tức là sống nếp sống đạo đức trong sáng của người tại gia cư sĩ, như không sát hại chúng sinh, không gian tham trộm cắp, không tà tư tà hạnh, không nói dối, không rượu chè nghiện ngập.

Đầy đủ bố thí, tức là mở tâm bố thí, cúng dường, làm các việc từ thiện hay việc công ích nhằm chia sẻ nỗi khó khăn vất vả của người khác hay góp phần bảo vệ môi trường sống và nâng cao phúc lợi cho cộng đồng.

Đầy đủ trí tuệ, nghĩa là nuôi dưỡng, phát huy và thể hiện sự hiểu biết sáng suốt về lẽ thiện ác, về luật nhân quả, về cách thức hướng dẫn đời sống an lạc hay về phương pháp loại trừ phiền não khổ đau cho tự thân và cho người khác.

Xét tám thiện pháp hay tám đức tính được đề cập ở trên, chúng ta thấy Đức Phật rất thực tế và sâu sắc khi quan niệm về đời sống hạnh phúc của người tại gia cư sĩ. Ngài đề xuất việc thực hành tám thiện pháp cốt yếu nhấn mạnh đến hai yếu tố căn bản và thiết thực gắn liền với đời sống hạnh phúc của người gia chủ, tức là yếu tố kinh tế vật chất (đầy đủ tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa) cần phải được nỗ lực tạo dựng và duy trì ổn định, đi đôi với yếu tố đạo đức tâm linh (đầy đủ tín tâm, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ) cần phải được chú tâm nuôi dưỡng và phát huy.

Chính hai yếu tố này, nghĩa là kinh tế và đạo đức được cân nhắc và vận dụng đầy đủ, đặt nền móng cho một đời sống phát triển ổn định hài hòa, tạo điều kiện cho cá nhân phát huy các tiềm năng sáng suốt và phẩm chất đạo đức hướng thượng, cho phép người gia chủ xây dựng và thưởng thức một đời sống hạnh phúc an lạc lâu dài. Bản kinh Không nợ thuộc Tăng chi bộ đề cập một người gia chủ biết nỗ lực đầu tư làm ăn hợp pháp, thu hoạch nhiều tài sản, rồi dùng lợi tức ấy nuôi sống gia đình vợ con, phụng dưỡng mẹ cha, chia sẻ bố thí cho nhiều người khác và làm các việc công đức, nhờ đó có được bốn loại lạc 7:

1. Lạc sở hữu: Nghĩa là cảm thức thoải mái hạnh phúc khi nghĩ đến tài sản mình sở hữu được là nhờ chân chánh nỗ lực làm lụng và tích lũy, nhờ vào công sức lao động chính đáng, nhờ tinh tấn thâu hoạch đúng pháp.

2. Lạc tài sản: Cảm giác hân hoan hạnh phúc khi sử dụng hợp lý nguồn tài sản làm ra đúng pháp vào việc chi tiêu sinh sống hàng ngày và làm các việc phước đức.

3. Lạc không mắc nợ: Cảm thức thanh thản an lạc khi quán sát và biết rằng mình không có mắc nợ ai một điều gì, vật chất, tình cảm hay pháp luật, dù ít hay nhiều.

4. Lạc không phạm tội: Cảm giác thoải mái an ổn gắn liền với đời sống chân chánh, hiền thiện, không lỗi lầm – thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội.

Kinh Pháp cú nói như vầy về lợi ích đời này và lợi lạc đời sau của người gia chủ sống nếp sống chân chánh, hiền thiện, có tín tâm, có giới đức, có bố thí, có trí tuệ:

Nay vui, đời sau vui,
Làm thiện, hai đời vui;
Nó vui, nó an vui,
Thấy nghiệp tịnh mình làm 8.
Nay sướng, đời sau sướng,
Làm phước, hai đời sướng;
Nó sướng: ‘Ta làm thiện’,
Sanh cõi lành, sướng hơn 9.

Nhìn chung, những lời Phật dạy cho dân chúng Koliya là biểu mẫu của một lẽ sống hạnh phúc an lạc tiến triển vững bền, được xây dựng trên Thánh đạo, thiện pháp, thuộc bản chất hiền thiện, giác ngộ, giải thoát, an lạc, xứng đáng được học hỏi và chấp trì bởi những người tại gia cư sĩ. Biểu mẫu bởi tám đức tính trên vừa là lối sống chân chánh mang lại hạnh phúc hiện tại vừa là lẽ sống sáng suốt đưa đến giác ngộ trong tương lai, một hướng đi của hạnh phúc tương đối (phước báo hữu lậu) đưa đến an lạc tuyệt đối (Niết-bàn vô lậu), hoàn toàn thích hợp cho đời sống của người tại gia cư sĩ. Người gia chủ khéo thiết lập cuộc sống của mình theo lời Phật dạy thì quyết chắc có được một tiến trình hiện hữu an lạc tuần tự đi đến giác ngộ.

Đức Phật khuyên những người gia chủ Koliya thực hành tám thiện pháp hay tám đức tính, gồm bốn pháp xây dựng hạnh phúc hiện tại và bốn pháp đưa đến hạnh phúc tương lai, tức đã tuyên bố Thánh đạo cho người tại gia cư sĩ tuần tự đi đến giác ngộ trong vai trò trách nhiệm của người gia chủ.

Kinh tạng Pàli nói đến trường hợp một số vị cư sĩ như Anàthapindika, Citta, Hatthaka, Ugga, Mendaka 10, cha mẹ Nakula 11, Visàkhà 12, Velukantakì 13 dự phần vào hàng Thánh giả, quyết chắc đi đến giác ngộ, nhờ khéo thực hành lời Phật dạy trong địa vị người gia chủ.

Điều đáng lưu ý là tám thiện pháp trên luôn luôn có sự trợ duyên cho nhau tạo nên một hệ thống phát triển ổn định và hài hòa về các mặt tích cực hiền thiện của cuộc sống, có khả năng giúp cho người tại gia cư sĩ tạo lập một cuộc sống hạnh phúc vững bền theo nghĩa đạt được sự thoải mái ổn định về điều kiện kinh tế và tiến triển sâu về mặt đạo đức giải thoát.

Hẳn nhiên, một hệ thống phát triển hài hòa như vậy về con người cũng gián tiếp tạo nên những chuyển biến tốt đẹp và hài hòa về mặt xã hội bởi tính tương tác tích cực của các yếu tố bên trong nó. Do yếu tố đạo đức được chú ý nhấn mạnh gắn liền với yếu tố kinh tế trong nguyên lý vận hành, nên hệ thống xây dựng cuộc sống hạnh phúc gồm tám yếu tố này là tuyệt đối căn bản cho hướng phát triển vững bền của đời sống con người và xã hội nói chung. Đây hẳn là hướng đi của hạnh phúc an lạc mang tính ổn định lâu dài mà thuật ngữ đạo Phật gọi là “pháp hành đưa đến chiến thắng hai đời” 14, tức là hạnh phúc đời này và an lạc đời sau.

Cũng cần ghi nhận thêm rằng đạo Phật tin tưởng vào luật nhân quả cũng như khả năng giác ngộ của con người, quan niệm có đời sau, có sự diễn tiến của sự sống tương lai, tốt hay xấu hoàn toàn do lối sống thiện hay bất thiện của chúng sinh quyết định, do đó mọi giải pháp được đề xuất bởi đạo Phật đều được đặt trên nền tảng đạo đức hướng thượng nhắm đến mục tiêu giác ngộ, xem đó là hướng đi lợi lạc lâu dài cho con người. Đức Phật khuyên người gia chủ nỗ lực tầm cầu tài sản đúng pháp, không dùng sức mạnh (sự gian dối phi pháp). Sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, không dùng sức mạnh, vị ấy tự mình an lạc, hân hoan chia sẻ, làm các công đức, hưởng thọ các tài sản ấy với tâm không tham đắm, không đắm say, không mê loạn, thấy được sự nguy hại, có xuất ly với trí tuệ 15.

Thọ dụng tài sản với tâm không tham đắm, không đắm say, không mê loạn, thấy được sự nguy hại, có xuất ly với trí tuệ tức là biểu hiện của tâm ly dục, giải thoát trong đời sống người gia chủ, dấu hiệu của tăng thượng tâm, tăng thượng trí tuệ ở những vị bắt đầu nhận ra vị ngọt của cuộc đời (các dục lạc), thấy rõ sự nguy hại của tâm mê đắm vị ngọt và nỗ lực nhiếp phục lòng tham, thực hành sự xuất ly cuộc đời (thoát ly khổ đau luân hồi).

Như vậy, bậc Giác ngộ quan niệm hạnh phúc thế gian là tương đối, chỉ là phương tiện để cho con người tiếp tục nỗ lực tu tập nhằm đạt đến hạnh phúc Niếtbàn tuyệt đối. Ngài dạy người gia chủ nỗ lực làm ăn sinh sống đúng pháp, khéo bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn lợi tức để bảo đảm đời sống hạnh phúc gia đình; đồng thời, nỗ lực thực thi nếp sống có tín tâm, có giới đức, có bố thí, có trí tuệ để thiết lập và quyết chắc mục tiêu giác ngộ. Xem ra thì con đường thực hiện hạnh phúc gồm tám thiện pháp là tuyệt đối căn bản và lợi ích lâu dài cho đời sống của người tại gia cư sĩ, một hướng đi nói rõ tính chất thiết thực có cứu cánh của lời Phật dạy dành cho những người gia chủ. Người cư sĩ gia chủ sống đời sống hạnh phúc gia đình mà không quên mục tiêu giác ngộ ở phía trước.

Diệu Huyền

Chú thích:
1. Kinh Pháp cú, kệ số 131-132.
2. Đại kinh Pháp hành, Trung bộ.
3. Kinh Như Lai, Tăng chi bộ.
4. Kinh Một pháp, Tăng chi bộ.
5&6. Kinh Dìghajjànu, người Koliya, Tăng chi bộ.
7. Kinh Không nợ, Tăng chi bộ.
8. Kinh Pháp cú, kệ số 16.
9. Kinh Pháp cú, kệ số 18.
10. Kinh Thấy được Bất tử, Tăng chi bộ.
11. Kinh Cha mẹ của Nakula, Tăng chi bộ.
12. Kinh Ở đời này, Tăng chi bộ.
13. Kinh Mẹ của Nanda, Tăng chi bộ.
14. Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Trường bộ.
15. Kinh Người hưởng dục, Tăng chi bộ.