Nguyên văn bản chính
“Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:
– Có bốn loại lạc, này Gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tuỳ thời gian, tuỳ thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc sở hữu, Lạc thọ dụng, Lạc không mắc nợ, Lạc không phạm tội.
Và này Gia chủ, thế nào là Lạc sở hữu?
Ở đây, này Gia chủ, tài sản của người thiện nam tử thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích luỹ được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích luỹ được do sức mạnh cánh tay…thâu hoạch đúng pháp”. Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là Lạc sở hữu.
Và này Gia chủ, thế nào là Lạc tài sản?
Ở đây, này Gia chủ, thiện nam tử thọ hưởng những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích luỹ được…thâu hoạch đúng pháp và làm các việc phước đức. Vị ấy nghĩ: “Ta thọ hưởng những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn…thâu hoạch đúng pháp và ta làm các phước đức”. Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là Lạc tài sản.
Và này Gia chủ, thế nào là Lạc không mắc nợ?
Ở đây, này Gia chủ, vị thiện nam tử không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều. Vị ấy nghĩ: “Ta không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều”. Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là Lạc không mắc nợ.
Và này Gia chủ, thế nào là Lạc không phạm tội?
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu thân hành không phạm tội, thành tựu khẩu hành không phạm tội, thành tựu ý hành không phạm tội. Vị ấy nghĩ: “Ta thành tựu thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội”. Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là Lạc không phạm tội.
Có bốn loại lạc này, này Gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tuỳ thời gian, tuỳ thời cơ, khởi lên cho vị ấy”.
Bài kinh thật ngắn gọn, thiết thực và rõ ràng, được Đức Phật giảng dạy cho cư sĩ Cấp Cô Độc, một đại thương gia người Kosala làm ăn phát đạt, có nhiều mối giao thương xuyên quốc gia dưới thời Phật tại thế. Bài kinh nói đến kết quả hạnh phúc an lạc của hoạt động kinh doanh, cơ bản khuyến khích con người sinh sống làm ăn chân chính đúng pháp. Như vậy, theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể xem bài kinh là một quan niệm Phật giáo về kinh tế và là một xác chứng về mục đích kinh tế theo quan điểm Phật giáo.
Chúng tôi không lặp lại ý nghĩa thế nào là làm ăn chân chính đúng pháp bởi văn cảnh bài kinh đã nói khá rõ. Chúng tôi chỉ muốn nói đến bốn loại lạc, kết quả của đường lối làm ăn đúng pháp, bởi chỉ có làm ăn chân chính đúng pháp thì con người mới có được bốn loại lạc trên.
Thứ nhất là Lạc sở hữu, nghĩa là niềm vui của tâm thức khi biết rằng mình thu hoạch được tài sản do nỗ lực làm ăn chân chính đúng pháp.
Thứ hai là Lạc thọ dụng, nghĩa là niềm vui của việc sử dụng tài sản hợp lý vào việc sinh sống thoải mái tiện ích cho cá nhân, giúp cho gia đình, vợ con, thân nhân, bạn bè và nhiều người khác được thoải mái tiện ích, hoặc đóng góp vào các công trình phúc lợi xã hội như bố thí, làm từ thiện…
Thứ ba là Lạc không mắc nợ, nghĩa là niềm vui của tâm thức khi biết rằng mình không mắc nợ ai điều gì, do làm ăn chân chính hợp pháp và do kinh doanh không thua lỗ.
Thứ tư là Lạc không phạm tội, nghĩa là niềm vui của tâm thức khi hiểu ra rằng mình làm ăn giàu có nhưng chân chính, không phạm pháp, sống không lỗi lầm, được tự do tự tại trong cuộc sống giàu sang, sung túc với thân, khẩu, ý khéo tu tập. Thân, khẩu, ý khéo tu tập ở đây đồng nghĩa với việc thực hành 10 thiện nghiệp, gồm: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham lam, không giận dữ, có chính kiến.
Điểm đáng ý là bốn loại lạc ở trên cơ bản được phát sinh do việc kinh doanh làm ăn sinh lợi, nhưng đó là thiện lạc, lạc an ổn, lạc không đáng sợ hãi, bởi chúng là những niềm vui của tâm thức phát sinh trên cơ sở nỗ lực làm ăn đúng pháp, tiêu xài hợp lý, không nợ nần, biết chia sẻ bố thí và biết làm lành lánh dữ. Xem ra, việc kinh doanh làm ăn cũng mang đến cho con người nhiều niềm vui lớn, nếu biết nỗ lực đúng đắn và dụng tâm chính đáng. Từ bài kinh, chúng ta có thể nói rằng, kinh doanh cũng là một lẽ sống tu tập (đó là Chánh mạng ở trong Bát chánh đạo) mà mọi người có thể vận dụng để hưởng được hạnh phúc an lạc thật sự.
Đọc bài kinh, chúng ta thấy rằng đạo Phật không chối bỏ việc làm giàu và cảm giác thoải mái của sự giàu sang vật chất, nhưng đạo Phật khuyên con người phải biết làm giàu chính đáng và biết sử dụng nguồn lợi tức một cách hợp lý và có lợi ích để tự thân được hạnh phúc an lạc và giúp cho cuộc đời được hạnh phúc an lạc. Nói khác đi, đạo Phật thừa nhận giá trị hạnh phúc vật chất và cho rằng con người có thể thừa hưởng nhiều niềm vui hay hạnh phúc an lạc trên cơ sở kinh doanh làm ăn đúng pháp và sống với tâm rộng mở, không lỗi lầm.
Bài kinh là quà tặng khai tâm của Đức Phật dành cho đại thương gia Cấp Cô Độc nhân dịp vị này lần đầu tiên đến yết kiến Ngài. Những dịp sau đó, Đức Thế Tôn còn dạy cho đại thương gia Cấp Cô Độc nhiều pháp môn tu tập khác hướng thượng hơn để giúp cho vị cư sĩ tín tâm này thăng tiến và đời sống tâm linh và tuệ giác giải thoát. Nhiều tài liệu còn lưu lại trong Kinh tạng và Luật tạng Pàli cho biết cư sĩ đại thương gia Cấp Cô Độc đã dốc tâm thực hành lời Phật dạy và đã đạt được nhiều lợi ích lớn.
Ông nỗ lực làm ăn chân chính, thu được nhiều tài sản lớn, sống hạnh phúc an lạc trong Chánh pháp, giúp cho nhiều người được hạnh phúc an lạc, làm giàu cho ngân khố quốc gia. Ông đã xây cất nhiều tinh xá để Đức Phật và Tăng chúng của Ngài có chỗ cư trú và thuyết pháp: một việc làm gián tiếp khiến cho dân chúng được tiến bộ về đạo đức tâm linh và giúp cho xứ sở Kosala được thái bình thịnh vượng.
Có thể nói rằng, ông Cấp Cô Độc là mẫu người cư sĩ Phật tử rất thành đạt về phương diện kinh doanh, giao tế xã hội và hưởng được nhiều phúc lạc lớn nhờ khéo vận dụng giáo lý của Đức Phật vào cuộc sống. Tài liệu Tăng Chi Bộ mô tả ông là “người hưởng dục do tầm cầu tài sản đúng pháp, không dùng sức mạnh, tự mình an lạc, hân hoan, chia sẻ, làm các công đức, hưởng thọ các tài sản ấy nhưng không tham đắm, không đắm say, không mê loạn, thấy được sự nguy hại, có xuất ly với trí tuệ”.
Chúng ta đang nỗ lực và kỳ vọng thực hiện bằng được các mục tiêu hạnh phúc an lạc mà từ xa xưa cư sĩ Cấp Cô Độc đã từng thực nghiệm thành công, nhờ tuân thủ những lời dạy của Đức Phật. Mong ước hiện tại của người Việt Nam trong xu thế phát triển và làm giàu không phải mới và không phải không có cơ sở. Chúng ta được thừa hưởng nhiều kinh nghiệm quý giá từ lịch sử, trong đó có bài pháp căn bản do Đức Phật dạy cho đại thương gia Cấp Cô Độc.
Điều chúng ta cần lưu tâm và tuyệt đối tin tưởng là mọi nỗ lực làm ăn của chúng ta phải thật chính đáng và phải được thực hiện trên cơ sở chân chính, không lỗi lầm. Có như vậy thì sự giàu sang của chúng ta mới có ý nghĩa và mới đem đến hạnh phúc an lạc thực sự. Có nỗ lực chính đáng tức có kết quả hạnh phúc chính đáng. Chúng tôi xin kết thúc bài viết này bằng 4 bài kệ của Đức Phật nói vè “Điềm lành tối thượng” (Mahàmangala) thuộc Kinh Tập với hy vọng chia sẻ cùng mọi người cách thức thực hiện các vận may hạnh phúc đang chờ đợi người Việt Nam chúng ta, thông qua các nỗ lực học tập, kinh doanh làm ăn chân chính đúng pháp, đi đôi với một nếp sống trong sáng, hướng thiện:
1. “Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện học tập,
Nói những lời khéo nói,
Là điềm lành tối thượng”.
2. “Hiếu dưỡng mẹ và cha,
Nuôi dưỡng vợ và con,
Làm nghề không rắc rối,
Là điềm lành tối thượng”.
3. “Bố thí, hành đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp không lỗi lầm,
Là điềm lành tối thượng”.
4. “Chấm dứt, từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong pháp, không phóng dật,
Là điềm lành tối thượng”.(1)
1. Kinh không nợ, Tăng Chi Bộ
2. Kinh Người hưởng dục, Tăng Chi Bộ
3. Kinh Điềm lành tối thượng, Kinh tập, Tiểu Bộ