Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Hạnh nhẫn nhục

Hạnh nhẫn nhục

753

Vậy từ nay, trong gia đình hay ngoài xã hội chúng ta hãy áp dụng hạnh nhẫn nhục một cách linh hoạt và kịp thời nhé! Ví dụ, trước đây có người chửi mắng thì mình liền nỗi sân lên chửi lại người ta. Nay đã biết đạo Tỉnh Thức rồi thì không chửi lại hay sân hận gì nữa. Người ta chửi thì mình nên bình tĩnh để xem lại có lỗi gì trong chuyện này không? Nếu có lỗi thì người ta chửi là đúng rồi? Họ chính là ân nhân của ta! Vì họ đã giúp ta sửa lại tật xấu để tiêu nghiệp. Nghiệp xấu nếu không tiêu hết thì sẽ rơi vào ba đường ác là điều khó tránh khỏi. Ta phải cám ơn họ mới phải vì họ đã chỉ dạy cho ta chỗ sai, chỗ chưa hoàn hảo để tu sửa lại cho đúng và tiêu đi ác nghiệp. Nhờ họ mà mỗi ngày ta một hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn. Nhưng nếu người ta chửi sai rồi thì sao? Thì chúng ta cũng không cần chấp, không sân giận làm gì! Vì mỗi lần sân giận sẽ làm mình mất kiềm chế, rất mệt người, dễ sanh bệnh, tổn thọ vô ích. Hiện nay khoa học cho thấy sân hận rất tổn hại cho gan và tim mạch. Phật dạy, Nhân của sân hận thường là Quả của con đường đoạ vào Địa ngục, súc sanh. Tham lam, bỏn xẻn thì đoạ Ngạ quỷ đói khát. Si mê thường rơi vào Súc sanh… 

Nếu là người thân trong gia đình chửi mắng ta vô cớ thì sao? Thì chúng ta nên đợi đến lúc họ hết nóng giận sẽ lựa lời giải thích phải trái. Người ta thường nói: “Giận quá mất khôn” mà. Nếu là người ngoài thì chấp để làm gì cho phiền não? Gặp những trường hợp thế này chúng ta nên cảm thương nhiều hơn mới phải và cũng đừng quên là cầu mong cho họ sớm gặp Phật pháp tu học, sám hối để vượt qua nghiệp chướng và không còn phải chịu khổ đau. Hơn nữa, ít ra chúng ta phải nên nhận thấy trong sự bực tức hay khó chịu của người khác ít nhiều đều có một phần lỗi của mình. 

Trong gia đình mà ai cũng nhắc nhở cùng nhau áp dụng hạnh nhẫn nhục thì làm gì có chuyện cãi vã, xô đẩy dẫn đến li hôn hay chia rẽ? Nếu bước đầu khó làm, thì viết ra mấy chữ thật to: “Hãy tỉnh thức!” cùng với hình tượng khuôn mặt cười bên cạnh dán trong nhà để chỗ mọi thành viên trong gia đình dễ nhìn thấy và thực hiện theo. Hoặc có thể nên dán: “Hãy Tỉnh Thức! A Di Đà Phật!” thì hiệu quả sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Như mới hai năm trước đây, chính tôi khi chưa biết Phật pháp, mỗi lần chạy xe ra đường gặp người đi ngang nhiên giữa đường, bấm còi mấy lần mà họ không chịu tránh. Gặp tình huống đó, mỗi lần tôi vượt lên được thì sẽ ép người này vào lề ngay cho bỏ ghét.  Mỗi lần như vậy tôi thường rất bực tức, sân hận, mất hết tỉnh táo và rất mệt. Từ khi đến với Phật pháp, học được hạnh nhẫn nhục, tôi và gia đình liền thực hành ngay. Bây giờ mỗi khi ra đường gặp trường hợp như vậy phải biết thương họ nhiều hơn là giận họ. Phải đặt trường hợp mình vào chính họ thì mới hiểu cho họ được. Vì ít nhất thì cũng có một lần nào đó trong đời, mình cũng đã từng rơi vào tình trạng giống như họ. Chúng ta nên nghĩ thế này: “Có lẽ người này hôm nay đang có việc gì buồn đây, hay tâm họ đang có điều gì bất an, không bình thường thì mới làm như vậy! Vì nếu là người bình thường thì đâu có làm những việc bất bình thường như vậy?” Nếu sân giận lên với họ tâm ta sẽ rất phiền não. Ép vào lề không may tai nạn xảy ra thì cả ta và họ đều khổ, mà người khổ nhất lại là ta. Không biết lỗi phải thế nào chứ chắc chắn phải bị giữ xe, phải vào bệnh viện nuôi họ trước đã. Sau đó lại phải tốn tiền sửa xe. Không biết bao nhiêu khổ luỵ do vô minh không hiểu biết đạo lý mà gây ra!

Bây giờ, mỗi khi gặp trường hợp như vậy, chúng ta hãy nên nhường nhịn cho nhau và cũng đừng quên cầu mong cho họ sớm bình an trở lại thì tốt hơn là sân giận. Sau đó, đường họ họ đi, đường ta ta đi. Có mất mát gì của mình đâu? Làm được vậy, thân tâm thanh tịnh. Tánh mạng, tài sản được bảo toàn, lòng từ bi tăng trưởng, đạo nghiệp chóng viên thành. Tất cả mọi nơi, mọi lúc đều có thể trở thành đạo tràng thanh tịnh của chúng ta. Đây mới là chân thật dụng công trong tu hành giải thoát vậy!

Tóm lại, chúng ta không nên giận ai, mà phải thực hành hạnh nhẫn nhục. Hãy biết sống tha thứ cho tất cả mọi người và quán tất cả mọi chúng sanh đều là Phật như lời Phật dạy: “Mọi chúng sanh đều có Phật tánh và là Phật vị lai”. Như chúng ta đã biết, Đại hạnh đầu tiên trong Mười Đại Hạnh của Phổ Hiền Bồ-tát trong Kinh Hoa Nghiêm cũng đã dạy: “Lễ kính chư Phật”.

Chư Phật ở đây, không phải chỉ có chư Phật trong quá khứ, hình tượng Phật, Bồ-tát trong chùa chiền, nơi mọi người thường cung kính lễ bái mà còn là chư Phật trong hiện tại và cả vị lai nữa. Đó chính là tất cả chúng sinh. Hiểu được hạnh nguyện này của Phổ Hiền Bồ-tát, chúng ta sẽ biết cung kính với tất cả mọi người, mọi chúng sanh và phải hết sức tỉnh thức, nhẫn nhục đúng pháp trong mọi điều kiện mà tự độ, độ tha và tự lợi, lợi tha. Tu hành là trong mọi lúc, mọi nơi, từ đi đứng nằm ngồi, làm việc, lời ăn tiếng nói… từng giây, từng niệm thì mới có hiệu quả thiết thực. Dần dần chúng ta sẽ nhận ra mình còn nhiều thiếu sót, yếu kém. Sai lầm ở chỗ nào thì sửa chữa ngay chỗ ấy để lần sau không còn tái phạm nữa. Đó gọi là chân thật tu hành.

Thế nào gọi là sự nhẫn nhục đúng pháp? Người thế gian thường nghĩ nhẫn tức là nhục nhưng thực tế không phải vậy! Nhẫn nhục có hai loại: An nhẫn và Khổ nhẫn. Nếu có sự hiểu Đạo, hiểu đúng lẽ thật của bản thân và vạn pháp, hiểu rõ về nhân quả báo ứng, luân hồi sẽ thấy ngay nhẫn mà không thấy nhẫn thì liền được an vui. Đó gọi là an nhẫn. Còn nếu không hiểu Đạo, tuy thấy nhẫn nhưng chẳng qua chỉ là sự kìm chế cho qua chuyện chứ trong lòng thì vẫn luôn uất hận, ăn không ngon, ngủ không yên, thậm chí đôi khi còn cố tìm cơ hội để báo thù. Đó gọi là khổ nhẫn. Người học Phật chúng ta cần phải thấy an nhẫn chứ không có khổ nhẫn. Mỗi lần đối nhân xử thế, gặp những điều bất trắc trong cuộc sống, chúng ta nên quán như Kinh Phạm Võng dạy: “Tất cả người nam đều là cha ta, tất cả người nữ đều là mẹ ta”.

Và nên hiểu rằng: “Người khác không bao giờ có lỗi, lỗi là ở chính mình” thì mọi việc sẽ dễ dàng, cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu hơn. Bệnh tật có thể tiêu trừ, thân tâm khoẻ mạnh. Hạnh phúc và an lạc tất sẽ hiện tiền! Những lời dạy trên là có liên quan đến nhân quả ba đời mà chúng ta sẽ học sau này thì sẽ thấy nhẫn mà không nhẫn, liền được an nhẫn. Và cao hơn nữa, sau này khi tu học về Trí tuệ Bát-Nhã, chúng ta sẽ nhẫn được tất cả những gì mà thế gian khó nhẫn. Vì lúc đó, sẽ biết rất rõ tất cả chúng ta, Phật, chúng sanh xưa nay vốn đồng một bản thể bình đẳng nên liền có thể thành tựu Nhẫn Nhục Ba-la-mật. Cùng với Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ gọi là Lục độ Ba-la-mật của Bồ-tát. 
                                            ***
Trong thời Đức Phật còn tại thế, cũng có rất nhiều câu chuyện về Hạnh Nhẫn Nhục mà chúng ta nên học. Rất nhiều lần bị người khác ganh ghét, tìm cách mắng chửi, vu oan, ám hại nhưng Đức Phật vẫn luôn từ bi và không hề oán ghét, lại còn khen “Tất cả đều là thiện tri thức của ta” và Phật nói nhờ họ mà Ngài tu mau thành Đạo… Chuyện một lần trên đường khất thực, có người theo sau chửi mắng thậm tệ, nhưng Ngài vẫn an nhiên bước đi. Họ liền lên trước Phật và hỏi: Ông có nghe tôi chửi không? Đức Phật bảo: Ta có nghe! Họ bảo: Nghe sao ông không nói gì? Phật nói: Này hiền giả, khi hiền giả cho ai một món quà, người ấy không nhận thì món quà ấy thuộc về ai? Họ bảo: Đương nhiên là vẫn thuộc về tôi rồi! Phật đáp: Cũng như vậy, hiền giả chửi tôi không nhận lấy một lời nào thì nó thuộc về ai?…  Thật quá đỗi tuyệt vời! Chúng ta cần phải nên học theo vậy!