Xin ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của tôi khi hành hương về đất Phật, đến với Tứ động tâm và các Thánh tích – nơi đánh dấu sự có mặt của Tam Bảo trong cuộc đời này.
Vì không phải là một bài viết thiên về nghiên cứu, nên những địa danh, thuật ngữ, ngôn từ mà tôi dùng chỉ nôm na, tương đối. Tôi sẽ không nhắc lại những gì thuộc về sử liệu (kể cả lịch sử và truyền thuyết), những điều này các bạn có thể tham khảo trong các tài liệu sách vở trên nhiều phương tiện, tôi chỉ ghi ra đây những cảm nhận, suy nghĩ của mình, mong chia sẻ và được sự chia sẻ từ các thiện hữu tri thức, hy vọng đem lại chút lợi lạc bổ ích nào đó cho tất cả chúng ta.
Sử sách, ngay cả việc hiện tại cũng chưa chắc đã hoàn toàn chính xác bởi nhiều lý do, ẩn khúc, nhận thức chủ quan khác biệt… Cho nên, nếu chấp nhặt vào các dữ liệu được truyền bá từ nhiều đời, ắt sẽ dẫn đến những lệch lạc sai lầm.
Những nhân vật vĩ đại được người đời kính ngưỡng, thường bị tô vẽ vào lý lịch rất nhiều điều. Những điều ấy nhằm tôn vinh, thần thánh hóa nhân vật được kính ngưỡng. Con người vốn thích những điều vi diệu, phi thường; hình như chỉ có những điều vi diệu, phi thường mới đem lại cho con người sự sùng bái tuyệt đối, thỏa mãn cái tâm tham vi tế, vô hạn. Lạ vậy! Người ta khản cổ kêu gào sự thật, nhưng luôn hườm sẵn trên tay nhiều thứ huyền ảo để khoác lên sự thật. Tô vẽ, trang điểm, thậm chí trùm phủ sự thật cho kín mít chừng nào thì người ta càng cảm thấy giá trị của sự thật cao chừng nấy!
Khi đức Phật Thích Ca ra đời, biết bao câu chuyện đã được kể lại xung quanh sự đản sinh của ngài. Những câu chuyện mang ý nghĩa biểu tượng, đậm chất văn hóa truyền thống ấy đã trở thành truyền thuyết thiêng liêng. Đó chỉ là biện pháp phương tiện, đánh vào tâm lý thích sự huyền bí, vi diệu của con người để dễ dàng câu dắt, xây dựng và củng cố niềm tin. Tôi rất băn khoăn, không biết có nhất thiết phải dùng biện pháp thế không? Ngẫm đi nghĩ lại, thấy cũng chẳng cần băn khăn làm gì. Có mặt trong cõi này, con người vốn đã bẩm sinh tham, sân, si, nên mọi “sản phẩm” từ con người và phục vụ cho con người đều ít nhiều có tính chất ấy. Đành phải thở dài chấp nhận với tâm tùy thuận vậy.
Đứng trước những điều khó phân thật giả, đành vịn vào tinh thần “bất khả tư nghì”, cho là trí tuệ mình non kém, chưa thể với tới được những điều vượt quá tầm hiểu biết của mình, để khỏi phải loay hoay vất vả tìm kiếm sự thật – mà đâu phải sự thật nào cũng cần thiết hiển lộ đâu, có những sự thật không nhất thiết phải phân định thì tốn công tìm kiếm để làm gì. Ví dụ chi tiết quan trọng nổi bật trong truyền thuyết về sự đản sinh của đức Phật, khiến nhiều người nhiệt tình tìm hiểu lý giải rất công phu, đó là chi tiết thái tử hài nhi đi bảy bước trên hoa sen và câu nói: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn…”. Tôi rất tôn trọng các nghiên cứu lý giải với mục đích làm phong phú những tình tiết liên quan đến lịch sử cuộc đời đức Phật, hầu mang lại những bài học ẩn dụ, làm rõ hơn tư tưởng giáo pháp của ngài. Tuy nhiên, chúng ta nên dành sự tập trung tìm hiểu sâu sắc vào những lời giảng sau khi ngài đã chứng ngộ thì thiết thực hơn, bởi đó mới là những điều mà Phật muốn chúng ta học hỏi, hành trì, tu tập. Còn những chi tiết truyền thuyết, chỉ cần hiểu với nghĩa ẩn dụ, khái quát, mang tính biểu tượng; không cần phải phân tích quá nhiều; vì nếu không khéo, bày ra càng nhiều vấn đề, càng nhiều cách lý giải, đôi khi lại càng sai, sa vào đa văn, gây hoang mang, lợi bất cập hại.
Tôi đến chiêm bái thánh tích Lâm-tì-ni với niềm tin đây là khu vực ngày xưa đã diễn ra sự kiện quan trọng: Từ nơi này, thế giới có một bậc đạo sư – người đã đưa ra đường lối tu tập giải thoát khỏi đau khổ luân hồi. Nói vui theo kiểu “khoa học vũ trụ” thì đây là nơi được chọn cho cuộc đặt chân xuống trái đất của một vị ngoài hành tinh. Vị ấy có tâm từ bi vô hạn, vì thương loài người, vạn vật trên trái đất đang lúng túng trong khổ đau, nên đã tìm đến, ghé qua, thị hiện độ sinh. Vị ấy đã chọn điểm này trên trái đất vì ở đây đang phát triển đạo Bà-la-môn – một tôn giáo có vài khái niệm văn tự gần giống với giáo pháp mà ngài sẽ khai thông truyền bá. Vị ấy đã chọn phương pháp giáo dục trực quan, lấy bản thân mình làm tấm gương thực tế; quyết định tham gia một kiếp sống như kiểu loài người: sinh ra, lớn lên, tu tập và giác ngộ.
Trong tâm thế của người phật tử, háo hức và xúc động ngập tràn, tôi mong được đặt chân lên mảnh đất mà ngày xưa đức bổn sư đã từng có mặt. Ngồi trên chiếc xe thô sơ – như xe lôi đạp ở miền đồng bằng sông Cửu Long – do một thanh niên Nê-pal điều khiển; lúc la lúc lắc qua con đường dẫn từ cổng đến khu vực trung tâm, tôi cảm thấy vui và hài lòng vì người ta đã để xe ô-tô đậu xa bên ngoài, cho mọi người dùng phương tiện thô sơ để vào khu thánh tích, nhằm tạo một không gian khác biệt và một bước chuyển tiếp cảm giác, để người tham quan có sự chuẩn bị, cảm nhận tốt hơn. Từ cổng vào khu trung tâm, đoạn đường tuy không dài lắm nhưng cũng đủ cho tôi quán tưởng đến cảnh hoàng hậu Ma-da ngày xưa… chắc người cũng ngồi trên chiếc xe ngựa, đi qua những đoạn đường thế này để đến đây. Giá mà Ban quản lý di tích cho làm cái dịch vụ xe ngựa trang trí kiểu xưa cổ ấy để đưa khách tham quan vào khu di tích thì còn hay nữa. Nhưng thôi, dẫu sao, được ngồi trên chuyến xe lúc lắc đi vào Lâm-tì-ni thế này cũng đủ làm cho ta phần nào liên tưởng được rồi. Biết mong ước những điều hoàn mỹ, nhưng cũng phải biết vừa lòng chấp nhận và hoan hỉ với những gì ta có. Hãy để tâm nhẹ nhàng, để mắt ngắm nhìn khung cảnh xung quanh, để mũi hít thở không khí trong trẻo nơi này và thả hồn về quá khứ…
“Nam mô Phật Thích Ca Mâu Ni…” chúng tôi chắp tay, cùng niệm danh hiệu đức bổn sư và đi những bước nhẹ nhàng vào khu vực thánh tích. Hình ảnh tập thể có tổ chức, trang nghiêm do đoàn hành hương chúng tôi tạo ra làm cho một góc khu vực thánh tích có không khí thiêng liêng và đẹp đẽ hơn. Bản thân chúng tôi nếu đi riêng lẻ, chắc chắn sẽ khó có được cảm xúc tốt như thế. Quả đúng là nương tựa vào tăng thân, chúng ta sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Đi hành hương, nếu được đi cùng thầy giỏi bạn hay thì ý nghĩa và lợi ích của chuyến đi sẽ tăng lên gấp bội.
Trung tâm của khu di tích là đền thờ thánh mẫu Ma-da. Nơi này ngày xưa người ta đã dựng lên ngôi đền đánh dấu sự kiện đức Phật ra đời, có tảng đá khắc biểu tượng dấu chân Phật và bức tranh đá kể về sự tích hoàng hậu hạ sinh thái tử. Nhìn những di chỉ do người xưa dựng lên để tưởng nhớ, đánh dấu nơi đản sinh đức Phật, lòng tôi dâng lên một niềm cảm kích và biết ơn. Nếu không có những tấm lòng, bàn tay ấy, thì qua thời gian, có lẽ người sau sẽ khó minh định được nhiều vấn đề của các sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra.
Đền thờ hiện nay được xây dựng theo kiến trúc rất đặc biệt, không giống như kiểu các đền thờ mà tôi hay nhìn thấy. Gọi là đền nhưng thực ra chỉ là bốn bức tường bao quanh khu vực khảo cổ, hết sức đơn giản, không có hoa văn, vòm cửa cầu kỳ. Ngôi đền này mới xây năm 2003, theo kiểu ngôi đền cũ được phục dựng nhiều lần trước đó. Không biết có phải do những nhà khảo cổ cũng chưa xác định được hình ảnh ngôi đền thánh mẫu Ma-da lần đầu như thế nào, nên tạm thời dựng ngôi đền chỉ mang tính thực tế là để che mưa che nắng bảo vệ cho khu vực khảo cổ, bởi cách kiến trúc giản đơn và mái trần rất thấp.
Được khảo cổ khai quật phát hiện từ năm 1896, đến nay khu vực Lâm-tì-ni đã qua nhiều lần qui hoạch, xây dựng và bảo vệ của chính quyền sở tại và các tổ chức Phật giáo quốc tế. Đối với những người theo đạo Phật thì đây là một thánh tích thiêng liêng; đối với các nhà nghiên cứu, khảo cổ thì đây là một công trình vô cùng quí giá và quan trọng; đối với chính quyền sở tại, cho dù không theo đạo Phật, chắc cũng hiểu rằng đất nước họ đã vinh hạnh sở hữu một di tích vô giá, bởi Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử ảnh hưởng đến nhiều người trên thế giới. Thế nhưng việc tôn tạo Lâm-tì-ni hiện nay vẫn chưa được thực hiện xứng đáng với tầm vóc của nó, trong khi đó, xung quanh khu vực này, nhiều ngôi chùa của các nước đã được cấp đất xây dựng rất hoành tráng (chùa Việt Nam Phật quốc tự do hòa thượng Huyền Diệu xây ở đây cũng rất “hiên ngang” sánh vai cùng bạn bè quốc tế). Lý do – theo tôi nghĩ – là chưa được sự quan tâm đúng mức của nước sở tại; chưa có sự thống nhất, quyết tâm của các tổ chức Phật giáo thế giới. Thôi thì chúng ta tự an ủi rằng: Nếu chưa tôn tạo lại được một Lâm-tì-ni xứng tầm, hãy cứ tạm để yên như thế. Đối với các di tích, những gì nhắm chưa làm tốt được thì hãy để yên cho mẹ Đất bảo vệ, chớ đừng trùng tu lấy có, ẩu tả, thiếu hiểu biết… thì càng tệ hại, gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Đến với Lâm-tì-ni, đa phần là khách hành hương, các phái đoàn tăng ni phật tử từ khắp thế giới; ai nấy với tâm hoan hỉ, thành kính thiêng liêng nên tất cả những gì chưa hoàn hảo đều được dễ dàng khỏa lấp; ít ai cảm thấy bức xúc, khó chịu khi đứng trước những hoạt động khá xô bồ ở đây. Chúng tôi thật phiền lòng khi nhìn thấy dưới gốc cây bồ đề cổ thụ rất đẹp của Lâm-tì-ni người ta lập một bệ thờ nho nhỏ để thờ cúng, trông nhếch nhác. Hồ nước gọi là nơi thánh mẫu Ma-da tắm ngày xưa thì chỉ được xây đơn giản và nước không được xử lý giữ gìn sạch sẽ. Trụ đá của vua A-dục cũng chỉ được bảo vệ sơ sài. Những người hành hương tự do treo vắt các thứ đồ cúng lễ khắp nơi và quăng tiền lẻ, vàng mã xuống chiếc lồng kính bảo vệ tảng đá khắc hình dấu chân Phật. Là người phật tử, khi đi hành hương chiêm bái các di tích, chùa chiền, chúng ta nên ý thức giữ gìn sự tôn nghiêm, tôn trọng sự thanh tịnh; đó chính là sự cúng dường, thể hiện tấm lòng thành kính của mình một cách tốt nhất, cao quí nhất. Đừng phô diễn cái tôi tham lam ích kỷ mê tín của mình. Có những người đi chùa đốt nhang như hun khói, vắt hoa vào vai, vào cổ, bắt các tượng Phật và Bồ tát phải đeo vác tùm lum. Nhất là ở các đền chùa miền Bắc, nhìn những tôn tượng trong tư thế oai nghi mà trên tay thì kẹp mấy đồng tiền lẻ, trông thật phản cảm, thảm thương!!!
Những tệ nạn ấy ảnh hưởng rất lớn và dần dà lâu ngày sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ về cơ sở vật chất, hiện trạng của các di tích mà trầm trọng hơn là sự sai lệch về nhận thức tâm linh. Phật giáo ngày nay áp dụng tinh thần “hằng thuận chúng sinh” có lẽ đã vượt ra quá xa phạm vi cho phép. Điều này làm cho Chánh pháp ngày càng bị bóp méo, lu mờ.
Đi hành hương, chiêm bái Phật tích, khi lễ bái, nếu có cầu nguyện, tôi mong mọi người hãy bổ sung vào lời cầu nguyện của mình một điều hết sức tối thiết rằng: Mong cho các thánh tích được quan tâm, giữ gìn, tôn tạo tốt hơn nữa. Và thay vì đi du lịch những nơi ăn chơi phung phí, hãy khuyến khích người thân, bạn bè đi hành hương Phật tích; ngoài việc mang lại lợi ích tâm linh cho bản thân, chúng ta còn có thể góp phần vào việc tạo động cơ, thúc đẩy chính quyền sở tại quan tâm đầu tư vào việc tôn tạo các nơi ấy nhiều hơn; đó cũng là một cách góp phần vào việc hoằng dương Phật pháp.
Đi chiêm bái thánh tích, chúng ta sẽ cảm thấy kính tin và gần gũi Tam Bảo nhiều hơn; rút ra những bài học thực tế từ cuộc đời thật của bậc giác ngộ, có được chánh kiến đúng như thật. Từ đó, xác tín rằng, nếu quyết tâm thay đổi, thì với khả năng và tuệ giác tiềm ẩn của con người, chúng ta sẽ có được sự giác ngộ như đức Phật.
(Còn tiếp)
Theo: Thu Nguyệt Website