Trang chủ Quốc tế Hằng Hà – Con sông thiêng

Hằng Hà – Con sông thiêng

77

Nếu đi dọc theo bờ sông từ thượng nguồn về đến biển, qua nhiều cảnh trí khác nhau thì du khách sẽ chứng kiến nhiều cảnh lạ. Ngày xưa, trong kinh điển thường nói đến “Hằng hà sa số” (Ganga Nadi Valukà), ắt hẳn đức Thế Tôn thường đi dọc theo những bãi cát, thường ở vùng hạ nguồn.


Con sông thiêng này xuất phát từ dãy Hy Mã Lạp Sơn, có tới ba nguồn lớn  chập nhau tại Devaprayag và từ đó mới mang tên sông Hằng. Một nguồn chính của sông Hằng xuất phát từ Gangotri, cao 6771 m. Từ đây đến Devaprayag nhánh này mang tên Bhagirati (Theo huyền thoại: ngày nọ có một vị thánh nhân tên là Bhagirata khẩn cầu con sông của thượng giới hãy hiện xuống cho cõi trần). Sông Hằng chảy ra đến tận vịnh Bengale, xuyên qua vùng thánh địa Bihar, nơi bao bậc thánh nhân ra đời và hoạt động.


Phía đông của cao nguyên Tây Tạng là chỗ xuất phát của nhiều con sông lớn nữa, trong đó có Hoàng Hà, Trường Giang và Cửu Long. Hoàng Hà và Trường Giang là hai con sông trọng yếu nhất của Trung Quốc, dòng chảy của chúng là quê hương của một nền văn hóa thâm hậu nhất của loài người mà về sau tôi sẽ đi thăm. Còn Cửu Long là nguồn sống của nhiều nước miền Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nếu lấy cao nguyên Tây Tạng làm tâm điểm, vẽ một vòng tròn bán kính chưa đến ngàn cây số thì vòng tròn đó bao gồm tất cả nguồn cội của những con sông nói ở trên. Chỉ điều đó thôi đã gây cho tôi một lòng kính sợ đối với cao nguyên Tây Tạng, “nóc nhà của thế giới” .   Đoạn chuyển thành sông Hằng này là một nơi tấp nập người qua kẻ lại, du khách khá nhiều. Đây được xem là một đoạn sông thiêng nhất, hai bên bờ khá nhiều đền thờ. Tín đồ Ấn Độ giáo tắm gội rất nhiều dù trời đang lạnh. Thú vị thay khi thấy trẻ con bị cha mẹ dội nước lên đầu, chúng run cầm cập.  Tại sông Hằng, trẻ con miễn cưỡng để dội nước, còn người lớn xuống sông bơi lặn, mặt mày thành khẩn. Hai bên bờ sông người ta xây kè xi măng với hàng chục dây xích sắt để tín đồ níu lại, khỏi bị nước cuốn trôi.


Ngài Huyền Trang  đến sông thăm sông Hằng vào khoảng năm 630, viết trong Đại Đường Tây Vực ký: “Gần nguồn sông rộng khoảng ba lý, đến cửa sông bề rộng khoảng mười lý. Nước sông xanh đậm, màu nước luôn luôn thay đổi… Ai tắm sông này người đó sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi, ai chết ở sông này sẽ được sinh về cõi trời” . Đối với người dân bản địa, dù theo Ấn Giáo hay Phật Giáo, nếu được ngâm mình dưới dòng nước con sông thiêng liêng nầy, trước khi trở về với cát bụi vô thường, quả là điều đại hạnh, do suy nghĩ đến dòng chảy đến một vùng thiêng liêng nào đó trong trí tưởng của mình. Nhiều người cố tranh thủ những ngày cuối đời để tắm dưới con sông thiêng, thì bao nhiêu tội lỗi trên trần gian suốt cuộc đời của mình sẽ được xoá sạch. Nhiều gia đình có người thân quá vãng thì tìm đủ mọi cách để mang thi hài đến  rửa gội nước dòng sông thiêng, trước khi mang đi hỏa táng ở những lò dựng lên dọc hai bờ sông. Họ cũng tin sẽ được toại nguyện cùng một ý nghĩa như trên. Đi dọc theo những bến của sông Hằng, đâu đâu cũng thấy hàng hàng lớp lớp người tắm gội, đốt xác thả trôi sông, nơi thì dừng lại để cầu nguyện, ban sáng thường ngồi bên bờ để thiền định. Những người từ phương xa đến đây chỉ mong sao tránh được tội lỗi, một khi qua bên kia cõi đời. Nhiều lều trại dựng hai bên bờ.


Người Ấn Độ thường đi từ cực nầy đến cực khác. Ngày nay, Ấn Độ là một trong những quốc gia hàng đầu về ngành sản xuất và phát minh những linh kiện về tin học; ngược lại, đức tín ngưỡng đến cực đoan của người dân, dù là Bà La Môn hay Sát Đế Lỵ vẫn sùng bái dòng sông Hằng đến độ ấy.


Sông Hằng là một trong ba dòng sông lớn nhất của Ấn Độ. Sông này bắt nguồn từ dãy Hy Mã Lạp Sơn, chảy theo hướng Đông Nam 800km, đến miền Đông Bengale, hợp với dòng sông Brahmapoutra rồi chảy vào Ấn Độ Dương.  Lưu lượng của sông nầy rất lớn ở thượng nguồn, khi qua vùng Tây Tạng, nhưng càng đi về vùng bình nguyên và tam giác châu thì giảm dần. Chiều dài của ông vào khoảng 3,100 cây số và đến hạ nguyên thì toả ra nhiều chi lưu khác. Vùng thượng lưu trong lãnh địa Ấn Độ vốn là trung tâm của nền văn minh cổ Ấn Độ trong thời đại Hypanishas. Còn về trung lưu của con sông lại là trung tâm văn minh Ấn vào thời đại Áo Nghĩa Thư như các nhà tiền sử học thường minh định điều đó.


Vào thời kỳ xuất hiện đức Thế Tôn thì hai bên bờ sông Hằng đã trở thành những tụ điểm giáo hóa của Ngài trải dài theo thời gian. Có thể nhận định qua những chiếc cột đá được khắc vào thời vua A Dục (Asoka). Có đến 312 cột đá được tìm thấy trong vòng nửa  thế kỷ gần lại đây. Nhiều miếu đền thờ Phật và các đại để tử của Ngài dựng lên dọc theo bờ sông vùng hạ lưu đã biến vùng nầy trở nên linh thiêng thêm. Ngày nay,  nhiều đô thị đã mọc lên  hai bên bờ, dân cư đông đúc, buôn bán phồn thịnh tại những vùng mà Phật Giáo đồ trong và ngoài nước xem là vùng thánh địa.


Nếu từ Bồ Đề Đạo Tràng đi về phía sông Hằng, sẽ ngang qua hai địa điểm lừng danh là vườn Lộc Uyển (Sarnath) nơi đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên cho năm đệ tử của ngài; thứ đến là đô thị Varanasi, nằm ngay bên bờ sông thiêng. Varanasi được nhắc nhở đến nhiều vì những thị dân ở đây sinh hoạt liên quan đến việc tế tự ở sông Hằng: cung cấp cho các lò hoả thiêu, vật lễ cho những ngày hội lớn; tổ chức diễn xướng quanh năm về thần Chết và cầu nguyện giải thoát. Có thể tìm ở đây tất cả những nhu cầu cần thiết cho các lễ hội nầy. Để  phục vụ cho du khách từ mọi miền trên thế giới đến thăm sông Hằng, Varanasi ngày nay đã dựng lên nhiều khách sạn lớn, những trung tâm giải trí, những điểm cầu nguyện,  vô số những chiếc thuyền rồng đi xuôi ngược trên sông. “Trăm con đường đền đổ về Varanasi” , đó là lợi điểm lớn nhất của “thành phố linh thiêng” nầy. Những dịch vụ sôi nổi về lò thiêu, đưa xác, dâng lễ Thần, siêu độ người quá vãng, mọi cung cấp thật hoàn mỹ, nhanh chóng, đủ mọi giá tiền cho các đẳng cấp khác nhau. Thật hiếm một đô thị nào trên thế giới phục vụ kiểu đó.


Varanasi chính là thành phố Ba La Nại (Baranès) mà chúng ta thường nghe nhắc đến rất nhiều trong kinh điển Phật Giáo về những giai đoạn chuyển pháp luân của đức Thế Tôn.  Vào thời Trung Cổ, nước này có tên là Kasùia, thời cận đại tên là Vanarès. Theo những dẫn giải trong “Đại Đường Tây Vực Ký” tập 7,  thì:  “Đô thành của nước này nằm bên bờ phía Tây sông Hằng, dân cư đông đúc, tánh tình hiền hậu, lịch sự, phần nhiều tin theo ngoại đạo, số ít theo Phật giáo. Tăng đồ phần đông học theo giáo pháp của Chánh lượng bộ thuộc Tiểu thừa. Phía Đông Bắc của thành này có sông Ba La Tỷ (Varara), phía Tây con sông có tháp vua A Dục. Cách sông này hơn 5km về hướng Đông Bắc có một cái nền cũ, tương truyền đây là nơi mà Bồ tát Di Lặc và Bồ tát Mã Minh được thọ ký. Tây Bắc thành là vườn Lộc Uyển. Đức Phật về sau cũng thường lui tới đây giáo hóa. Đây là một trong sáu địa điểm lớn mà Đức Phật từng đến thuyết pháp. Trong thành có đến vài ngàn ngôi đền Ấn giáo, nổi tiếng hơn cả là chùa Vàng…”  (trích đoạn). Những ghi chép của ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ VII đủ sức thu hút du khách tìm đến thành phố cổ xưa bên bờ sông Hằng.


Tính chất thiêng liêng của thành phố này đã đóng một vai trò lịch sử trong chiều hướng phát triển đời sống tâm linh cho cả người dân Ấn thời xưa và mãi đến ngày nay. Vào thời kỳ đức Phật, Ba La Nại có lẽ là một thành phố rất lớn vì ngài A Nan khi thỉnh cầu đức Phật nhập diệt nơi một trong 6 thành phố lớn này có đề cập đến thành phố Ba La Nại mà lúc bấy giờ tên là Kasi: “Bạch đức Thế tôn! sao Ngài không chọn chỗ nhập diệt ở các thành phố lớn như: Sravasti, Campa, Rajagrha, Saketa, Kausambi và Kasi mà ngài lại chọn nơi một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh này”.


Trong cuốn “Tây Vực Ký” ngài Huyền Trang cũng ghi một số nét về thành phố Ba La Nại này “Ba La Nại tọa lạc về hướng tây sông Hằng rộng khoảng 4000 lý, dân chúng sống đông đúc ở vùng này, rất nhiều gia đình giàu có và nơi họ ở thường có nhiều bảo vật quý giá. Người dân tại vùng này rất nhân ái, thanh nhã và ham học. Đa số họ là người không có tín ngưỡng tuy nhiên họ cũng rất tôn kính giáo pháp đức Phật. Thời tiết dễ chịu, mùa màng phong nhiêu, cây cỏ xum xê và rừng rậm có ở khắp mọi nơi. Đối với Phật giáo thì tính chất thiêng liêng ở đây được thiết lập kể từ khi đức Phật khởi chuyển pháp luân tại Lộc Uyển (cách Ba La Nại khoảng 7 dặm). Lộc Uyển được khởi sự  biết đến kể từ thời gian đó. Theo như kinh truyện ghi chép thì Lộc Uyển không chỉ là nơi đức Phật Thích Ca thị hiện chuyển bánh xe pháp trong hiện tại mà cả 1000 chư Phật trong hiện kiếp này cũng đã và sẽ chuyển bánh xe pháp tại đây”.


Thời đại vua A Dục cũng là thời đại mà nền nghệ thuật đạt đến điểm cao nhất. Những nhà nghệ thuật thuộc Mathura đã cung cấp nhiều mẫu tượng độc đáo và trang trí cho những đền tháp tại Lộc Uyển. Khi vua Kanishka trùng tu những tự viện ở Lộc Uyển và xây dựng những tu viện mới vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch thì ảnh hưởng của nghệ thuật Mathura vẫn còn tiếp tục. Năm 87 sau Tây lịch, vị tăng Bala người Mathura đã tạc và cúng dường một pho tượng Bồ Tát to lớn được chạm khắc bằng cát đỏ. Nhưng có thể nói truyền thống nghệ thuật này đạt được những đường nét thẩm mỹ cao nhất là vào triều đại của những hoàng đế Gupta (thế kỷ thứ IV đến thứ VI sau Tây lịch). Trong thời đại này ngôi điện thờ trung tâm được mở rộng và bề mặt của tháp Dharmekkha được làm lại bằng đá có chạm khắc một cách thanh nhã.


Ngài Pháp Hiển từ Trung Hoa sang học tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ V có ghi lại rằng: Vào thời gian ngài đến Lộc Uyển lúc ấy có hai tự viện và 4 ngôi tháp lớn, cũng có một số đông tăng sĩ tu học tại đâyẠ. Rải rác đó đây trong Lộc Uyển có một số ngôi tháp đánh dấu nơi mà vạn ức năm xa xưa đức Phật Thích ca và ngài Di Lặc được thọ ký về sự giác ngộ của họ trong tương lai. 


Trong các ký sự ghi lại những di tích Phật giáo ở Ấn Độ thì tập ký sự của ngài Huyền Trang được đánh giá cao hơn hết vì ngài đã ghi chép lại đầy đủ và chi tiết mọi sự kiện trong thời gian ngài viếng thăm Ấn Độ kể cả phong tục, văn hóa, thời tiết, và tinh thần của người dân bản xứ. Ở  Lộc Uyển,  ngài cũng tả chi ly về các di tích tại đây: “Nội trong khuôn viên của nó mà thôi cũng đã có nhiều di tích đánh dấu sự hiện hữu của đức Phật và ba trăm điện thờ cùng với tháp. Nào nơi đây đức Thế Tôn đã tắm, nơi kia đức Thế Tôn rửa chiếc bình bát khất thực. Một nơi khác là nơi ngài thường giặt y áo. Rồi những tháp lớn nhỏ xung quanh đánh dấu các truyền tích về những đời tái sanh trước của Ngài. Nơi đây trong một kiếp quá khứ Bồ Tát đã từng làm con voi sáu ngà, rồi một kiếp khác làm con chim, nơi kia Ngài đã từng làm một con nai chúa và một chỗ khác có tháp đánh dấu Ngài trong một kiếp làm thỏ đã bố thí thân mạng mình làm thức ăn cho một người đi đường đang đói khát”. 


“Khi chúng tôi (ngài Huyền Trang) đến viếng nơi này thì Lộc Uyển có khoảng 30 tự viện và 3000 tăng sĩ tu theo truyền thống Samatiya (Chánh Lượng Bộ). Cũng có hàng trăm ngôi đền thờ Deva thuộc Ấn giáo và 10.000 du sĩ ngoại đạo. Họ tôn thờ đấng Đại Thiên và thực hành các pháp tu khổ hạnh như cắt tóc, buộc tóc, thân không mặc quần áo và trét tro đầy người. Bằng những pháp tu ấy họ mong cầu được giác ngộ giải thoát vòng sinh tử”.


Cách dòng sông Varana về hướng đông bắc khoảng 10 lý, có một tự viện rất lớn khác. Tự viện này gồm có tám dãy phòng nối nhau với những bức tường bao quanh. Tại đây những tháp lớn với các lan can được xây dựng với một kiến trúc rất tinh vi. Gần đó có một tịnh xá khác cao khoảng 200 feet. Tất cả kiến trúc này được xây bằng đá nhưng những tháp bên trong thì xây bằng gạch. Chính giữa tịnh xá có đặt một tượng Phật bằng đồng theo tư thế đang chuyển pháp luân.


Phật giáo thịnh đạt và phát triển trong một thời gian dài ở Lộc Uyển là do sự ủng hộ của các hàng vua chúa và những tầng lớp trung lưu giàu có. Đến thời gian cực thịnh Lộc Uyển đã trở thành một trung tâm nghệ thuật và giáo dục cũng như những hoạt động tín ngưỡng. Tuy nhiên các ảnh hưởng này đã mất dần kể từ cuối thế kỷ thứ XII sau khi quân đội Hồi giáo sang xâm chiếm Ấn Độ. Sử liệu ghi lại rằng Lộc Uyển bị phá hoại và điêu tàn nặng nhất trong thời gian này. Cuộc tấn công đầu tiên do một ông vua Hồi giáo tên là Mohamet và trong lần đánh chiếm này ông ta đã cho phá tan hàng trăm ngôi chùa tại Ba La Nại và Lộc Uyển, giết đức vua và phá tan thành phố. Lịch sử ghi lại rằng cả một trung tâm thánh địa Phật giáo rộng lớn đã trở thành đỏ thắm bởi màu máu. Sau khi cướp bóc ông ta đã cho chở về nước hơn 1400 con lạc đà chứa đầy châu báu. Lần đánh cướp thứ hai của một ông vua Hồi giáo khác tên là Kutubuddin xảy ra vào năm 1194 đã biến thành phố Ba La Nại và Lộc Uyển thành bình địa hoang tàn.  Kể từ thời gian đó Lộc Uyển đã dần dần trở thành một nơi của lãng quên, của hoang tàn đổ nát.


Lịch sử Lộc Uyển và thành phố Ba La Nại đã chìm vào quên lãng trong suốt những thế kỷ sau đó. Ánh sáng của nơi thiêng liêng này hé dần bắt đầu vào thế kỷ XIIX năm 1794 khi một quan viên của thành phố Ba La Nại do xây cất dinh thự đã sai những người thợ vào khu vực Lộc Uyển để lấy gạch đá đem về. Khi đống gạch nơi tháp bị kéo sập người ta tìm thấy một hộp đá trong có chứa xương và một tấm thẻ bài.  Theo cuốn “The Holy places of Buddha” thì: Lúc những người thợ kéo sập đống gạch đá nơi ngôi tháp, họ tìm thấy một hộp bằng đá nằm rất sâu bên trong cùng với nhiều mảnh tượng và các tấm thẻ bài, một hình tượng đức Phật được chạm khắc với niên đại Samvat 1083. Bên trong hộp này có một chiếc hộp khác bằng cẩm thạch trong có chứa xương Xá lợi Phật, một số ngọc trai, hồng ngọc, vòng tai bằng vàng và bạc. Hộp cẩm thạch được giao cho một viên chức hành chính Ronathan Dunkan, nhưng ông ta không nhận được hộp bằng đá. Cunningham nhà khảo cổ học người Đức đã tìm cách xác định vị trí của hộp bằng đá này nhưng không tìm ra các sử liệu nào ghi chép về nó. Những hình tượng, các thẻ bài và pho tượng Phật cũng biến mất. Người ta tiến hành việc tìm kiếm pho tượng Phật và sau cùng nó được tìm thấy bị bể  bên trong những tảng đá khác bị dời khỏi ngôi tháp. Trong nỗ lực truy tìm chiếc hộp bằng đá, Cunningham đã đến một người công nhân già và theo lời ông ta kể thì ông ta đã để lại chiếc hộp ấy nơi chỗ cũ của nó. Theo sự hướng dẫn của ông ta cuối cùng Cunnningham đã đào lại được chiếc hộp đá đó.


Các cuộc khai quật do nhà khảo cổ học Cunningham đưa ra ánh sáng hầu hết các di tích của Phật giáo mà trong suốt nhiều thế kỷ qua đã bị quân đội Hồi giáo tàn phá và vùi lấp. Cũng trong các cuộc khai quật này người ta đã đào bới được nhiều nền móng tháp và tự viện cổ xưa. Một số tháp có niên đại vào thời đại vua A Dục trong khi một số hàng rào bao lơn có niên đại vào thời kỳ Sunga, xác định rằng các tháp Dharmarajika, Dhamekkha đã từng được bao quanh bởi những bao lơn có hình dáng giống như đại tháp ở Sanchi. Những bia ký được tìm thấy nơi đây cũng ghi nhận rằng tháp Dharmarajika và Dharmachakra đã được sửa sang bởi Sthirabala và Vasantabala trong năm 1026 theo lời yêu cầu của nhà vua Mahibala. 


Mật độ dân số ở Varanasi đông đến khủng khiếp, Xe rickshaw phải nhích từng mét. Những khu phố cực kỳ phức tạp che bớt cái nắng chan chan và nóng hầm hập dưới những hàng quán bày bán đủ thứ từ vải vóc đến hoa trái. Ở đây vẫn còn xử dụng những máy dệt bằng tay thô sơ từ nhiều thế kỷ trước, vì thế người Tây phương rất thích đến những nơi này. Những khúc lụa với những gam màu sặc sỡ đều được để giá bằng đô-la rất đắt. Buổi sáng bên bờ sông Hằng, trong màn sương đêm dày đặc, hàng ngàn người đã cởi quần áo đứng tắm bên bờ sông. Vài ngọn đèn hiu hắt đủ thấy bóng của những tòa lâu đài cổ chạy dọc suốt bờ sông. Mọi người, mua một tràng hoa vạn thọ đeo vào cổ và xuống một chiếc xuồng để chạy dọc bờ sông. Vô vàn những ngọn nến được thả trên sông để cầu nguyện cho những hương hồn người chết vừa được thiêu gần đâu đó. Trên tường những tòa lâu đài cổ, hình tượng của những vị thần Shiva, Visnu khổng lồ cùng những hình thù quái dị nhìn xuống dòng sông.


Vô số những đạo sĩ Hindu ngâm mình dưới dòng nước lạnh cắt da, hướng về phía mặt trời cầu nguyện. Có kẻ đứng im lìm bất động như đang luyện tập một pháp tu; có kẻ dùng hai tay vốc nước tát về phía mặt trời với một động tác khá điệu nghệ và kỳ lạ… Đủ thứ màu sắc tôn giáo trên một khúc sông này. Trong bầu không khí rộn ràng và không gian nhá nhem buổi sớm, nếu ngưới nào mẫn cảm, chắc chắn sẽ bị một cú sốc về tinh thần khi đối diện với vô số những ảnh tượng kỳ lạ bên sông. Khi trời vừa sáng, xuồng đã đi đến một chỗ thiêu xác người chết. Với người Ấn, được tắm dưới dòng sông thiêng trước khi trở về cát bụi là một đại hạnh. Nhiều người ở xa, sau khi chết thi hài cũng được đưa về đây để tắm nước sông trước khi đưa lên bờ hỏa táng. Nhiều người nghèo không có điều kiện thì sẽ chất củi thiêu ở một nơi nào đó, rồi đem tro về rải trên dòng nước sông Hằng. Thời đức Phật, Ngài đã từng phê phán tập tục này rằng: “Nếu nước sông Hằng có thể rửa sạch tội lỗi, thì những tôm cá, các loài thủy tộc ở dưới sông ấy trong sạch hơn con người sao?” Từ nghìn xưa đã có một bậc vĩ nhân Ấn Độ nói lời như thế, vậy mà đến ngày nay tập tục ấy vẫn thịnh hành như chẳng thể nào xóa được.


Đằng kia một xác chết đang được khiêng xuống sông. Thi hài được phủ một tấm vải đỏ, nằm trên cáng tre. Đến bờ sông người ta nhúng cả xác chết xuống sông, tát nước lên thi thể đang phủ vải, rồi khiêng lên đặt trên một đống củi đã đốt sẵn. Không một tiếng khóc của thân nhân, đặc biệt thân nhân đến dự lễ hỏa thiêu đều là đàn ông, phụ nữ không được đi theo đến nơi này, đó là luật. Người ta không cho chụp hình cảnh thiêu người chết ở đây, ngay cả khi khiêng xuống sông người ta cũng tuyệt đối không cho chụp ảnh. Bên trên chỗ giàn thiêu có một dãy lầu, đó là nơi mà những người già neo đơn, biết mình gần chết nên đến ở tại đây để… chờ chết, đồng thời xin tiền du khách để mua củi thiêu xác của mình.


Ấn tượng mạnh nhất là khi trở lại với dòng sông. Một xác chết nổi lình bình trong tư thế gập người lại úp mặt xuống dòng sông. Đó là một Holiman – có bốn hạng người được thả xuống sông Hằng mà không cần thiêu xác: Một trẻ sơ sinh, người bị trúng độc, người bị rắn cắn và một bậc thánh. Cách xác chết ấy chỉ vài mét, bao nhiêu người vẫn đang tắm, đang vốc nước súc miệng tự nhiên như chẳng hề có khái niệm vệ sinh.


Theo nghiên cứu của các nhà môi trường học, nước sông Hằng không hề bị ô nhiễm mặc dù mỗi ngày có hàng ngàn xác chết được thả suốt chiều dài của sông. Chỉ có quanh xác chết vài phân là có vi khuẩn, sau đó những vi khuẩn này cũng tự hủy. Một giàn hỏa vừa đặt xác người mới nhúng nước sông lên, nghiêm trang đứng quan sát giây phút con người hóa thành tro bụi mà thực hành Cửu tưởng quán. Hơn ở đâu hết, người Ấn Độ xem cái chết nhẹ như lông hồng. Sáng chết, chiều thiêu, không ma chay, không đình đám, không khóc lóc kêu than, không mộ phần an táng. Bên bờ sông, những chú chó chực chờ những phần thi thể còn lại do những người nghèo vì  ít củi đốt nên để thi thể không cháy hết. Đến chứng kiến những xác chết bên bờ sông Hằng, hẳn ai cũng sẽ rút ra được bài học cần thiết cho bản thân. Trên đường đi Vaisali (Tỳ Xá Li), đến gần thành phố Pattna (Hoa thị thành) có một chiếc cầu dài nhất châu Á (7 km) – cầu mang tên Thánh Gandhi – đó là chiếc cầu bắt ngang sông Hằng. Sông ở đây rất cạn, nhiều đoạn chỉ là bãi cát, cát sông vàng và mịn, nhiều Hằng hà sa số…