Trang chủ Văn hóa Du lịch Hang động Phật giáo 2.200 năm tuổi trong rừng sâu

Hang động Phật giáo 2.200 năm tuổi trong rừng sâu

750

Tại sao nó bị bỏ hoang suốt ngàn năm? Chuyện gì đã xảy ra với những tu sĩ và có gì trong kho tàng quý giá này của nhân loại. Hãy cùng khám phá hang động Ajanta của Ấn Độ.

Huyền tích bí ẩn   

Ngủ yên trong rừng sâu hơn 1.000 năm, hang động Ajanta được phát hiện vào năm 1819, do một quân sĩ người Anh trong lần đi săn đã phát hiện ra một báu vật đó chính là một quần thể các hang động huyền bí với các tượng Phật và công trình chạm khắc vào vách đá vô cùng tinh vi và tinh xảo. Công trình này được Unesco công nhận là di sản thế giới, và cho đến ngày nay hang động vẫn mang nhiều bí ẩn đối với các chuyên gia khảo cổ học: Làm sao người xưa có thể tạo ra một công trình vĩ đại như thế.

Khoảng năm 200 trước công nguyên, dưới vương triều của Ashoka đại đế, tức khoảng 300 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn, một nhóm các tăng đoàn đã tìm chốn thâm sâu cùng cốc này để tu hành. Và họ bắt tay vào đục đẽo hoàn toàn thủ công vào vách đá để làm nơi ẩn trú, thực hành các giáo lý của Đức Phật. Hang Ajanta nằm cách thành phố Aurangabad khoảng 100km về phía Bắc, thuộc bang Maharashtra của Ấn Độ, một nơi hoang vắng và xa xôi.

Chùa hang Ajanta tọa lạc ở lưng chừng núi, bên dưới hang động là dòng sông Waghora uốn khúc. Hang động được bố trí theo dạng hình móng ngựa, khoét sâu vào bên trong vách núi đá thẳng đứng cao 76m. Di tích quần thể hang động Ajanta có tất cả 30 hang, bao gồm Thánh đường Phật giáo và các khu phụ cận. Các nhà khảo cổ đã đánh dấu các hang theo số thứ tự.

Quần thể hang động Ajanta không được tạo dựng trong một thời kỳ liên tục, nên các nhà nghiên cứu phân chia các hang động theo từng thời kỳ xây dựng. Cụm hang được tạo dựng vào giai đoạn đầu thế kỷ 2 trước Công nguyên mang nhiều màu sắc của Phật giáo nguyên thủy. Cụm hang sau được xây dựng vào thế kỷ 5 mang màu sắc Phật giáo mới, và một số hang vẫn đang dang dở chưa được hoàn tất.

Mặc dù còn nhiều chỗ chưa hoàn thiện, nhưng chùa hang vẫn là một trong những công trình lớn được tạo ra do bàn tay của con người. Một trong những điểm đặc biệt của quần thể hang động này chính là một số lượng khổng lồ những bức tượng điêu khắc về đạo Phật. Đây được coi là những tác phẩm hội họa đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo ở Ấn Độ.

Đến thế kỷ thứ 7, Phật giáo ở Ấn Độ bắt đầu suy tàn và từ những cuộc loạn lạc của thời thế, chùa hang Ajanta đã bị bỏ hoang suốt hơn 1.000 năm trong vùng hoang vu hiu quạnh trong rừng già. Thậm chí có câu chuyện kể rằng, khi được tìm thấy những hang động này thì bên trong các hang chứa đầy những phân và xác động vật, hang trở thành nơi trú ẩn của các loài thú hoang.

Người ta cho rằng hang động Ajanta hoàn toàn phù hợp với những mô tả của nhà sư Đường Tam Tạng. Đường tăng Huyền Trang đã đến Nalanda, Ấn Độ để học Phật và đã đến thăm vùng Ajanta vào khoảng năm 638. Sau khi Đường tăng Huyền Trang, Tam tạng Pháp sư trở về bản quốc, ngài cảm hứng hạ bút ghi lại hồi ký với tựa đề “Đại Đường Tây vực ký”.

Bảo tàng sống của Phật giáo

Ngày nay có rất đông du khách trong nước và quốc tế đến để chiêm ngưỡng công trình điêu khắc tỉ mỉ và tinh xảo của người xưa để lại. Những chuỗi hang động chạy dọc vách núi với các dốc đá cao nên một số du khách phải thuê người mang kiệu khuân vác đi tham quan.

Đến Ajanta, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những căn phòng, tu viện, sảnh đường và các tượng Phật khổng lồ được chạm khắc vào vách đá, cùng với những cột đá nguyên khối có trang trí nhiều hoa văn. Đặc biệt là các bức bích họa vẫn còn phần nào nguyên vẹn trên cách bức vách. Tổng cộng ở Ajanta có đến 500 bức.

Các nhà khoa học cho rằng người xưa pha màu bằng việc lấy các chất khoáng từ đá và màu thiên nhiên rồi trộn với nhựa cây, sau đó vẽ lên tường. Từ chất liệu đơn sơ mà màu sắc vẫn giữ nguyên qua mấy ngàn năm dù có một chút mờ phai. Toàn bộ các bức tranh đều tập trung thể hiện cuộc đời Đức Phật và thể hiện các câu chuyện tiền thân của Ngài.

Ngoài ra, các bức tranh không chỉ giới hạn trong cuộc sống tăng viện mà còn có cả cuộc sống cung đình, cuộc sống của bao người bình dị nơi thị thành thôn xóm, thế giới chim thú, hoa lá và cả thế giới của các tiên nữ, các tạo vật thần linh trên thiên giới. Trong hang rất tối vì không có ánh sáng lọt vào, tưởng tượng cách đây hơn ngàn năm các nghệ nhân phải làm việc tỉ mỉ trong những ánh lửa le lói thế nào để vẽ nên một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc đến thế.

Ở Ajanta có 2 công trình tiêu biểu. Thứ nhất là các chaitya, là nơi cử hành các nghi thức cúng bái, thờ tự và hành lễ có kiến trúc Phật giáo nguyên thủy. Ở các chùa động thời kỳ đầu, đối tượng thờ phụng chính yếu là bảo tháp, bởi vì thời kỳ này tín ngưỡng thờ phụng tượng Phật chưa thịnh hành, Đức Phật chủ yếu được tượng trưng qua những biểu tượng như hoa sen, bánh xe pháp luân, bảo tháp… Thứ hai là các tịnh xá, nơi để các tăng đoàn nghỉ ngơi và chay tịnh.

Đến Ajanta không chỉ đơn thuần là một cuộc dạo chơi, mà đó còn là thời khắc để chúng ta sống lại quá khứ huy hoàng của Phật giáo tại Ấn Độ cách đây hơn 2.000 năm, và để ta cảm nhận về một chiều sâu của tôn giáo theo chiều dài của nhân loại. Ajanta không chỉ là một bảo tàng sống mà nó còn vươn lên trên cả một di tích, một di sản để những người đời sau hiểu được các tăng đoàn ngày xưa đã tu hành thế nào và cũng một phần ảnh hưởng đến thế hệ sau này về các kiến trúc và giáo lý được truyền lại.

Cách thức đến Ajanta chiêm bái

Từ Việt Nam, du khách có thể bay đến sân bay New Delhi hoặc Mumbai từ Hà Nội hoặc TPHCM (quá cảnh Bangkok) của hãng AirIndia, khoảng 7 triệu đồng khứ hồi, rồi tiếp tục đáp chuyến bay đến thành phố Aurangabad (khoảng 2,2 triệu đồng).

Sau đó, du khách sẽ đến trạm xe buýt thành phố để mua vé xe buýt đi đến Ajanta. Trong trường hợp khó khăn khi di chuyển, du khách có thể thuê taxi đi thẳng. Vé tham quan Ajanta là 600 ruppee (200.000 đồng). Tuy nhiên, du khách cần nắm một thông tin đó là hang Ajanta sẽ đóng cửa vào mỗi thứ 2 hàng tuần.

Phạm Hoàn Khải