Trang chủ Quốc tế Hàn Quốc: Số hóa Mộc bản Đại Tạng kinh Phật giáo

Hàn Quốc: Số hóa Mộc bản Đại Tạng kinh Phật giáo

96

Thời đại công nghệ thông tin đã làm thay đổi đáng kể sự phát triển của nền văn minh nhân loại, sự truyền bá Phật giáo cũng bước vào thời đại kỹ thuật số.

Ngày 8/3, Cục Quản lý Di sản Văn hóa Hàn Quốc (CHA) đã công bố về việc số hóa nội dung Đại tạng kinh Cao Ly (hơn 80.000 bản kinh) tại chùa Hải Ấn, với mong muốn truyền bá nội dung kinh Phật một cách sâu rộng đến đại quần chúng.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết, các bản kinh này sẽ được số hóa, lưu trữ bằng cách thức quét – scan lưu lại trên hệ thống dữ liệu Internet, dự kiến đến năm 2025 toàn bộ nội dung Đại Tạng Kinh sẽ hoàn tất phần số hóa.

Chùa Hải Ấn thuộc Tông phái Tào Khê, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Gysangnam-do, Hàn Quốc. Hiện chùa đang lưu giữ Đại Tạng kinh lâu đời nhất và toàn diện nhất ở Hàn Quốc, nên vì vậy chùa còn có tên gọi khác là Pháp Bảo Tông Sát.

Bộ Đại Tạng kinh mộc bản này mất 16 năm mới hoàn thành, và được liệt vào danh sách bảo vật quốc gia. Hiện nay trong Điện kinh chùa Hải Ấn có tổng cộng 81.258 mộc bản nội dung Đại tạng kinh và các bản kinh khác được bảo quản nghiêm ngặt và được các học giả trên Thế giới quan tâm. Đại tạng kinh Cao ly gồm: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng.

Năm 2007, Đại Tạng Kinh Cao Ly Hàn Quốc được tổ chức UNESCO công nhận và đưa vào danh sách Di sản thế giới. Qua đó, có thể thấy được giá trị và tầm quan trong của Đại Tạng Kinh trong lịch sử đất nước Hàn Quốc.

Theo sử liệu ghi lại, năm 1236, người Mông Cổ xâm chiếm Cao Ly, để cầu nguyện Bồ tát phù hộ cho nhân dân vượt qua Quốc nạn, Hoàng đế Cao Tông phát nguyện việc khắc Đại Tạng Kinh. Đến năm 1251, việc khắc Đại Tạng Kinh đã hoàn thành. Nội dung gồm gần 1.500 chương, được khắc trên bảng gỗ dài 24 cm, rộng 60 cm và cao 2,6 đến 4 cm, với tổng số hơn 52 triệu ký tự Trung Quốc.

Do môi trường thiên nhiên thuận lợi, cũng như cách bảo tồn một cách khoa học,  Đại tạng kinh mộc bản được gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Trước đó vào thời Cao Ly, để truyền bá kinh điển Phật giáo, chư Tăng Phật giáo đã in Đại Tạng trên giấy và đóng thành tập cúng dường lưu trữ tại các chùa trên Thế giới. Tuy nhiên, các nội dung kinh điển này, các tín đồ Phật giáo tiếp cận còn hạn chế.

Cục quản lý di sản cho biết, nếu Đại tạng được số hóa thì mọi người sẽ dễ dàng tiếp cận và đọc hiểu hơn, nội dung sẽ được truyền bá một cách rộng hơn trên xa lộ thông tin toàn cầu.

TRẦN HÒA tổng hợp