PTVN – “Ẩm thực chay trong chốn thiền môn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc…” — Cục Di sản Quốc gia Hàn Quốc nhận định.
Ngày 21/3, Cục Di sản Quốc gia Hàn Quốc (The National Heritage Administration) cho biết đang xem xét đưa “ẩm thực thiền môn” (Temple Food) vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Trong vòng 30 ngày tới, thông tin này sẽ được công bố rộng rãi trên trang web chính thức của cơ quan để lấy ý kiến từ công chúng. Sau đó, Ủy ban Di sản Văn hóa Phi vật thể sẽ tiến hành thẩm định và đưa ra quyết định cuối cùng về việc công nhận.
“Ẩm thực thiền môn” là chế độ ăn thường nhật của chư tăng, ni — hoàn toàn không sử dụng thịt hay ngũ tân (năm loại rau có mùi nồng), đã hiện diện và phát triển suốt hơn 1.700 năm trên bán đảo Hàn Quốc. Loại hình ẩm thực này tuân theo tinh thần từ bi và phát triển bền vững, tận dụng tối đa mọi phần của nguyên liệu, hạn chế lãng phí đến mức thấp nhất.
Nguồn gốc của ẩm thực thiền môn có thể được truy ngược về thế kỷ IV, khi Phật giáo từ Trung Hoa truyền bá sang Triều Tiên. Trải qua thời kỳ Nam Bắc Quốc (698–926), Phật giáo hưng thịnh và trở thành tôn giáo có ảnh hưởng lớn nhất, từ đó ẩm thực chốn thiền môn cũng dần ăn sâu vào đời sống tinh thần và văn hóa của người dân.
Theo truyền thông Hàn Quốc, ẩm thực chay tại các tự viện không chỉ là nét riêng của Phật giáo mà còn góp phần định hình bản sắc văn hóa ẩm thực dân tộc. Nhiều tư liệu thời Goryeo ghi chép lại các món chay trong chùa, như đậu phụ, bánh tương đậu, không chỉ phục vụ sinh hoạt thường nhật mà còn gắn bó mật thiết với cộng đồng qua các dịp lễ hội và sinh hoạt dân gian.
Cục Di sản Quốc gia nhấn mạnh: “Ẩm thực thiền môn là biểu hiện sống động của tinh thần ‘không sát sinh’, đồng thời phản ánh văn hóa ẩm thực độc đáo gắn với triết lý nhà Phật. Các món ăn sử dụng nguyên liệu bản địa, lên men theo phương pháp truyền thống, từ đó thể hiện bản sắc vùng miền đặc trưng của từng ngôi chùa – điều làm nên sự khác biệt so với ẩm thực chay ở các quốc gia khác.”
Những năm gần đây, ẩm thực thiền môn Hàn Quốc dần được quốc tế công nhận và yêu thích, đặc biệt trong xu hướng sống lành mạnh, bền vững.
Năm 2022, Học viện Ẩm thực Le Cordon Bleu (Pháp) đã ký kết hợp tác với Tông phái Tào Khê – một trong những phái Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc – để giới thiệu ẩm thực thiền môn đến với giới đầu bếp Pháp. Trường Đại học Stanford (Hoa Kỳ) cũng tổ chức các hội thảo hướng dẫn cách chế biến món ăn chay theo phương pháp thiền môn, góp phần lan tỏa tinh thần gắn bó với thiên nhiên, đề cao giá trị nguyên liệu địa phương và lòng biết ơn trong từng bữa ăn.
Một trong những biểu tượng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho ẩm thực thiền môn là Tu sĩ Jeong Kwan (Chính Khoan) – người đã chia sẻ công thức nấu ăn kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật và thiền định. Mỗi món ăn chế tác không chỉ là sự hòa quyện của hương vị mà còn là một thông điệp về mối liên hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên.
N.Đ