Trang chủ Tin tức Hải Phòng: Trang nghiêm Đại lễ kính mừng Vu lan – Báo...

Hải Phòng: Trang nghiêm Đại lễ kính mừng Vu lan – Báo hiếu PL. 2568 tại trường hạ cơ sở 2 (Chùa Linh Sơn)

583

Tối 11/08/2024 (nhằm ngày 08/07 năm Giáp thìn), noi gương vạn cổ hiếu hạnh muôn đời của Tôn giả Mục Kiền Liên, chư hành giả an cư tại trường hạ cơ sở 2 (Chùa Linh Sơn) – Trường trung cao đẳng Phật học thành phố Hải Phòng,  xã Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng và đông đảo Phật tử nội, ngoại thành của thành phố đã tổ chức Đêm thắp nến tri ân, tưởng niệm chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, chư Thánh tử đạo và siêu tiến chư vị chân linh cửu huyền thất tổ, cũng như tri ân công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ nhân mùa Vu lan – Báo hiếu PL.2568 – DL. 2024.

Quang lâm chứng minh và tham dự buổi lễ thắp nến cầu nguyện có Hòa thượng Thích Thanh Giác – Phó trưởng ban thường trực Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng, thủ chúng hạ trường chùa Linh Sơn, trưởng BTC đại lễ; Thượng tọa Thích Nguyên Bình – Chánh Duy Na hạ trường cơ sở 2, chư tôn đức Tăng Ni thường trực BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng, chư tôn đức Tăng Ni đang thực hiện cấm túc an cư tại trường hạ chùa Linh Sơn, cùng đại diện chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa nội, ngoại thành của thành phố Hải Phòng.

Đông đảo chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử về tham dự đại lễ

Về phía khách mời chính quyền có sự hiện diện của ông: Dương Ngọc Anh – Trưởng ban Ban Tôn giáo Sở Nội vụ thành phố Hải Phòng, các ông bà đại diện cho phòng An ninh Nội địa Công an thành phố, đai diện lãnh đạo HĐND, UBND, UB MTTQVN huyện An Dương, xã Bắc Sơn, các ban ngành đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, cùng đông đảo quý Phật tử đang tu học tại các chùa trong thành phố và du khách thập phương, nhân dân địa phương.

Hòa thượng Thích Thanh Giác phát biểu khai mạc đại lễ

Trong truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của Dân tộc ta từ ngàn đời nay thì báo ân – báo hiếu tổ tiên, ông bà cha mẹ là một trong những việc làm quan trọng nhất trong cuộ đời của mỗi con người. Chính vì lẽ đó, trải qua hàng nghìn năm, ngày lễ Vu lan – Báo hiếu của Phật giáo, luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân nước Việt, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Ngày nay, Vu Lan – Báo hiếu không chỉ là ngày lễ của Phật giáo mà nó còn được nhân rộng ra trong toàn xã hội; là dịp để nhắc nhở mỗi người con phải luôn nhớ đến công sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ, tổ tiên trên tinh thần “Hiếu đạo”.

Các em thanh thiếu niên Phật tử chùa Vẽ trong đội dâng hoa cúng dàng và đội cài hoa hồng nhân mùa Vu Lan – Báo Hiếu

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Giác đã nhắc lại nguồn gốc của lễ Vu lan – Báo hiếu. Theo đó, Lễ Vu lan có nguồn gốc từ “Kinh Đại Bảo Tích” – một trong những tựa kinh quan trọng trong Phật giáo. Theo lời ghi chép trong kinh, lễ Vu lan có từ thời kỳ Đức Phật Thích Ca, Ngài đã truyền dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ và cho cả những thế hệ sau này. Người đầu tiên tiếp nhận là Tôn giả Mục Kiền Liên, một trong 10 đệ tử xuất chúng của Đức Phật. Kinh “Đại Bảo Tích” ghi lại rằng: Khi Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chính quả, Ngài nhớ đến người mẹ Thanh Đề đã mất nên đã dùng tuệ nhãn để kiếm mẹ khắp nơi và thấy mẹ đang bị đày đọa thành Ngạ quỷ, Ngài đã tìm mọi cách để cứu mẹ nhưng do tội của mẹ ông quá nặng nên không thể cứu được mẹ. Không còn khách nào khác, Ngài đã đến gặp Phật và được Đức Phật chỉ dạy chỉ có một cách duy nhất là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ, cùng tập trung chú nguyện thì mới có thể chuyển hóa được ác nghiệp, giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh đọa đầy, khổ sở. Vâng lời Phật dạy, Ngài Mục Kiền Liên đã cung thỉnh chư tăng, thiết lễ trai nghi cúng dàng Tam Bảo và quả thật, mẹ ông đã được siêu thoát. Từ đó, ngày lễ Vu lan – Báo hiếu được ra đời.

Thượng tọa Thích Giác Sơn dâng lời cảm niệm nhân mùa Vu lan

Bên cạnh đó, lễ Vu lan – Báo hiếu được tổ chức hằng năm, với ý nghĩa chính là để báo hiếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, nhằm nhắc nhở thế hệ sau luôn ghi nhớ và trân trọng công ơn từ những thế hệ đi trước. Đồng thời, những hoạt động trong dịp lễ này cũng là để nhắc nhở mỗi người hãy quý trọng những tháng ngày hạnh phúc bên cha mẹ, quý trọng công ơn sinh thành, dưỡng dục và làm tròn bổn phận chữ Hiếu đối với hai đấng sinh thành. Hơn nữa, đây cũng là dịp để chúng ta nhắc nhở nhau thực hành “ Tứ trọng ân” trong đạo Phật.

Ban tổ chức trao 40 phần quà với tổng số tiền 49 triệu đồng cho các thương bệnh binh, người già neo đơn đang sinh sống trên địa bàn huyện An Dương

Dịp này, Thượng tọa Thích Giác Sơn đã lên đọc lời cảm niệm nhân mùa Vu Lan – Báo Hiếu, lời cảm niệm rất xúc động, nói lên công lao trời biển của 2 đấng sinh thành, đồng thời sám hối những lỗi lầm mà con cái đã gây tạo từ nhiều đời, nhiều kiếp:

“Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

Thương con, cha cực trăm chiều

Đầu đêm sương trắng chịu nhiều gian truân

Thức khuya dậy sớm tảo tần

Con thành trai tráng cho còng lưng cha…”

Sự hy sinh cao cả của cha, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ, là sự hiến tặng rộng lớn mà không bao giờ cầu mong đáp trả. Tình thương vẫn tuôn trào như dòng suối bất tận vỗ về đời chúng con, cả đến khi cha mẹ đã sức cùng lực kiệt. Cha mẹ già hơn trăm tuổi còn thương con tám mươi, ân ái có đoạn chăng chỉ hơi thở cuối cùng. Tình nghĩa ấy, ân đức ấy bao la trời biển, lời lẽ nào nói cho hết, bút mực nào tả cho cùng.

Nghi thức cài hoa hồng không thể thiếu trong mỗi dịp Vu lan – Báo Hiếu

Nghĩa mẹ ví như dòng suối dịu mát, ngọt ngào; Công cha cao lớn, bền chắc vĩnh cửu như núi Thái Sơn, lời ca dao ví von cũng là lời tự tình của người con đối với cha mẹ ngày xưa, ngày nay và mãi mãi cho đến ngàn sau:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ Mẹ kính Cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Ngày nay chúng ta có được duyên lành gần gũi với Phật Pháp, gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên đã soi tỏ lời vàng của Chư Phật, con xin nguyện giữ mãi trong lòng,” sinh ra thời không có Phật, thờ kính Cha Mẹ là thờ kính Phật vậy”. Mùa vu lan, mùa báo hiếu, trong niềm cảm xúc lòng hiếu đạo vô biên của mọi người con Phật, chúng con xin chắp tay nguyện cầu cho những người con ngỗ nghịch đều biết đến ân sinh thành của cha mẹ, chuyển đổi tâm tính thành người con hiếu thảo.

Chư tôn đức cử hành nghi lễ dâng hương, bạch Phật

Trên tinh thần tri ân – báo ân của đạo Phật, nhân mùa Vu lan – Báo hiếu, chư tôn đức hành giả an cư tại trường hạ cơ sở 2 đã trao tặng 40 phần quà cho người già neo đơn, các gia đình chính sách, thương bệnh binh trên địa bàn huyện An Dương, với tổng số tiền là 49 triệu đồng, nhằm động viên, khích lệ bà con vươn lên trong cuộc sống, sống vui, sống khỏe, sống có ích bên con cháu…

Hòa thượng Thích Thanh Giác đón nhận ánh sáng từ bàn Phật rồi truyền sang cho chư tôn đức Tăng Ni hiện tiền

Một nghi thức không thể thiếu được trong mỗi dịp lễ Vu lan. Đó là nghi thức “Bông Hồng Cài Áo”. Những ai may mắn khi còn cả cha và mẹ sẽ hạnh phúc, vui sướng được cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng màu đỏ; hoa hồng màu hồng nhạt dành cho những ai còn mẹ, mất cha và bông hoa hồng màu trắng dành cho những ai kém may mắn hơn khi không còn cả cha và mẹ hiện hữu trên cuộc đời. Bông hoa hồng màu vàng dành cho các bậc xuất trần thượng sỹ tìm cầu giác ngộ, giải thoát. Bông hồng là biểu tượng của tình yêu, của sự thanh cao, việc nghĩ nhớ đến hai bậc sinh thành và cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng cũng chính là tình cảm cao quý nhất mà con cái dành cho cha mẹ nhân mùa Vu lan –  Báo hiếu.

Hàng ngàn Phật tử trang nghiêm thành kính, lần lượt xếp hàng niệm Phật kinh hành nhân mùa Vu lan – Báo hiếu PL. 2568

Thời khắc linh thiêng nhất của buổi lễ đã tới khi chư tôn đức cử hành nghi lễ dâng hương, bạch Phật. Tiếp đó Hòa thượng Thích Thanh Giác đã đón nhận ánh sáng đầu tiên từ ban Phật rồi truyền sang cho chư Tôn đức Tăng Ni, hành giả an cư hiện tiền, lãnh đạo chính quyền và toàn thể đại chúng, từng ngọn nến lung linh đã được thắp sáng lan tỏa khắp khuôn viên chùa, trong tiếng niệm Phật kinh hành, trầm hùng, da diết, càng làm cho buổi lễ trở nên linh thiêng và huyền ảo hơn.

Hàng ngàn ngọn nến đã được thắp sáng

Cầm ngọn nến trên tay, ánh sáng tượng trưng cho tình thương của cha mẹ dành cho con cái, mỗi người con thầm nguyện với lòng mình, nguyện giữ cho ngọn lửa đó, để ngọn lửa không bao giờ tắt. Ngọn đèn này cũng chính là tình thương của cha mẹ dành cho con cái. Đó là tình thương bao la, rộng lớn, tình thương không ngơi nghỉ và thầm cầu nguyện ông bà, cha mẹ hiện tiền được phúc thọ tăng long, ông bà cha mẹ quá vãng được sinh về miền Cực Lạc.

Chư tôn đức dâng đăng cầu nguyện

Buổi lễ đã khép lại với niềm xúc động vô biên, sau khi chư Tăng, Phật tử trang nghiêm, thành kính cầm hoa đăng trên tay, lần lượt xếp hàng đi kinh hành, niệm Phật xung quanh khuôn viên chùa Linh Sơn càng làm cho buổi lễ trở nên linh thiêng và ý nghĩa hơn.

Xin giới thiệu hình ảnh ghi nhận:

Thực hiện: Thành Trung