Sáng ngày 02/03/2025 (nhằm ngày 3/2 năm Ất Tỵ) , tại thôn Câu Trung, xã Quang Hưng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đã long trọng diễn ra Đại lễ Hưng công động thổ trùng tu, tôn tạo xây dựng lại ngôi Tổ Đường chùa Ngô.
Quang lâm chứng minh và tham dự buổi lễ có Thượng tọa Thích Bản Điền – Ủy viên Ban hướng dẫn Phật tử TƯ GHPGVN, ủy viên thường trực, phó chánh văn phòng BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng, trưởng Ban trị sự GHPGVN huyện An Lão; Ni sư Thích Diệu Yên – Trụ trì chùa Đại Giác (quận Kiến An); Sư cô Thích Diệu Châu – Trụ trì chùa Ngô, trưởng BTC đại lễ; cùng chư tôn đức tăng ni trụ trì một số chùa trên địa bàn thành phố Hải Phòng và chư tôn đức tăng ni một số tỉnh thành lân cận.
Toàn cảnh đại lễ
Về phía chính quyền có sự hiện diện của ông: Bùi Lê Trung, phó trưởng Ban Tôn giáo Sở Nội vụ thành phố Hải Phòng, các ông bà chuyên viên Ban Tôn giáo thành phố; bà: Bùi Thị Hồng Nguyên – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Quang Hưng; bà: Nguyễn Thị Lan Anh – Ủy viên Ban thường vụ Đảng Ủy, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Hưng; ông Lê Đức Thuyến – Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch UB MTTQVN xã, cùng các ông bà đại diện cho các cấp ủy Đảng thuộc HĐND, UBND, UBMTTQVN thôn Câu Trung, xã Quang Hưng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các cơ quan ban ngành đoàn thể, đông đảo quý Phật tử, quý thiện nam tín nữ gần xa và nhân dân địa phương cũng về tham dự buổi lễ.
Bà Vũ Thị Thủy – Trưởng thôn Câu Trung phát biểu khai mạc và báo cáo dự kiến quá trình kiến thiết, xây dựng chùa Ngô
Chùa Ngô tọa lạc tại thôn Câu Trung, xã Quang Hưng, huyện An Lão là “ một căn cứ đỏ”, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Chùa Ngô là một địa chỉ nổi danh trong phong trào cách mạng tổng khởi nghĩa cách mạng tháng tám năm 1945 tại Hải Phòng. Từ một mảnh đất thuộc vùng rừng rậm đầm lầy ven sông Văn Úc, với tương truyền là đất thực ấp của Quỳnh Trân công chúa, con gái của Vua Trần Nhân Tông. Theo nội dung bìa Hậu Phật dựng năm 1721, đây chính là nơi dừng chân của Quốc Công Tiến Chế Hưng Đạo Đại Vương. Tương truyền, sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cho quân đi thăm quan tình hình dân chúng sau chiến tranh, đến ngã 3 sông Văn Úc thấy 1 gò đất nổi lên giữa cánh đồng 4 xung quanh trồng ngô, Hưng Đạo Vương đã cho quân dừng chân tại đây, nhân dân nơi đây thấy vậy bèn bẻ ngô luộc để tiếp đãi Ngài và quân lính. Sau khi Hưng Đạo Vương cùng quân lính đi khỏi nơi đây thì nhân dân liền lập Đền thờ Ngài và dựng một ngôi chùa nhỏ để thờ Phật lấy tên là “Chùa Ngô”.
Bà: Nguyễn Thị Lan Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Quang Hưng phát biểu tại buổi lễ
Trải qua biến thiên thăng trầm của thời gian và lịch sử, cũng như bị chiến tranh tàn phá, ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Ngô đã bị xuống cấp và được phục dựng lại trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ngôi Tổ đường của chùa hiện đã bị xuống cấp trầm trọng, mỗi khi mùa mưa tới, mái chùa bị dột, tường ẩm mốc nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lưu giữ tôn tượng chư Tổ và hệ thống đồ thờ, hoành phi câu đối tại Tổ đường. Bên cạnh đó, chư tăng nhiều năm nay vẫn phải ở trong một ngôi nhà tạm bợm, nhỏ hẹp nằm phía sau Tổ đường, không đảm bảo sức khỏe cho chư tăng sinh hoạt, tu học.
Thượng tọa Thích Bản Điền ban đạo từ tại buổi lễ
Chính vì lẽ đó, được sự cho phép của thầy nghiệp sư, Sư cô Thích Diệu Châu đã làm tờ trình gửi chính quyền địa phương và gửi công văn lên các cấp Giáo hội xin được phép được trùng tu, tôn tạo lại ngôi Tổ Đường chùa Ngô, với hy vọng các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân sẽ chung tay giúp đỡ, người góp công, người góp của để ngôi Ngôi Tổ Đường chùa Ngô được hoàn thành theo đúng kế hoạch, đúng tiến độ. Ngôi Tổ đường sau khi được hoàn thành sẽ là nơi để bà con Phật tử, nhân dân địa phương sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh, cũng là nơi để tưởng nhớ đến chư lịch đại Tổ Sư khai sơn tạo tự, là nơi để cho chư tăng sinh hoạt, nghỉ ngơi mỗi khi về chùa hướng dẫn Phật tử tu học.
Chư tôn đức cử hành nghi lễ niêm hương bạch Phật, trì Đại bi thập chú
Theo báo cáo của ban kiến thiết xây dựng, ngôi Tổ Đường chùa Ngô sẽ được xây dựng trên tổng diện tích gần 600m2, theo kiến trúc hình chữ “Nhị”, gồm 10 gian, hiên quyện 4 mặt, bên trong Tổ đường thờ Tam Tổ Trúc Lâm và chư lịch đại Tổ Sư khai sơn tạo tự qua các thời kỳ, cùng với đó là hệ thống tượng pháp, hoành phi câu đối theo lối kiến trúc cổ của vùng đồng bằng Duyên hải Bắc Bộ và tăng xá cho chư Tăng sinh hoạt. Dự kiến thời gian xây dựng trong khoảng 2 năm.
Khởi công động thổ xây dựng Tổ đường chùa Ngô
Dịp này, Thượng tọa Thích Bản Điền đã ban đạo từ nói lên ý nghĩa của ngôi Tổ đường và công đức của việc làm chùa, tạc tượng, đúc chuông. Thượng tọa mong công trình Tổ đường chùa Ngô sớm hoàn thành để nơi thờ tự Chư Tổ được trang nghiêm, tố hảo, Phật tử, nhân dân địa phương có nơi lễ bái, tu học và chư tăng có nơi sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe để hướng dẫn Phật tử tu học.
Tại buổi lễ, chư tôn đức tăng ni và chính quyền địa phương đã cử hành nghi lễ dâng hương bạch Phật và chính thức khởi công động thổ xây dựng ngôi Tổ Đường chùa Ngô trong không khí hoan hỷ, ấm tình đạo vị.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận:
Văn nghệ chào mừng
Phật tử về tham dự buổi lễ
Đại biểu chính quyền
Niệm Phật cầu gia bị
Đại biểu chính quyền
Bà: Vũ Thị Thủy – Trưởng thôn Câu Trung phát biểu khai mạc và báo cáo dự kiến quá trình kiến thiết, xây dựng chùa Ngô
Bà: Nguyễn Thị Lan Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Quang Hưng phát biểu tại buổi lễ
Thượng tọa Thích Bản Điền ban đạo từ tại buổi lễ
Chư tôn đức cử hành nghi lễ niêm hương bạch Phật, trì Đại bi thập chú
Khởi công động thổ xây dựng Tổ đường chùa Ngô
Thành Trung