Mở đầu bài giảng, Hòa thượng đã nhắc lại sự kiện năm 2009 tượng Phật Ngọc hòa bình thế giới được cung rước về Việt Nam, an trí tại Tổ đình Phật Tích – Tiên Du – Bắc Ninh, Hòa thượng cũng đã có nhân duyên được thuyết giảng tại đại lễ đó theo lời thỉnh mời của Ban tổ chức. Và hôm nay, sau 7 năm, Hòa thượng cảm thấy vinh dự và hạnh phúc bởi lại một lần nữa được thuyết giảng cho đông đảo thính chúng trong “Đại lễ chiêm bái Phật Ngọc hòa bình thế giới” tại thành phố Cảng này.
Sau đó, Hòa thượng đã giải thích cho đại chúng hiểu bắt nguồn từ đâu mà có tượng Phật, tượng Phật được tạo tác như thế nào, và điểm lại những pho tượng quý trên thế giới này.
“Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng và mười phương ba đời các Đức Phật nói chung thì Đức Phật nào thành Phật cũng phải đầy đủ 3 thân: Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Hóa Thân. Pháp Thân thanh tịnh, Báo Thân viên mãn và Ứng Hóa Thân đại nguyện. Pháp Thân của Phật thanh tịnh lồng lộng khắp hư không, nói về thời gian thì khắp suốt ba đời quá khứ – hiện tại – vị lai, nói về không gian thì khắp suốt mười phương. Pháp thân này trong kinh tạng chữ Hán dùng là “thụ cùng tam tế hoành biến thập phương” tức là dọc suốt ba đời ngang suốt mười phương. Đức Phật nào mà thành Phật thì cũng có đủ cả ba thân. Hôm nay nhân sự kiện Phật giáo thành phố Hải Phòng và chùa Hồng Phúc đón nhận cung nghinh tượng Phật Ngọc hòa bình thế giới an trú tại đây cho nên chúng tôi muốn nói với các vị chuyên về thiên bách ức hóa thân tức là thân thứ ba”.
Qua đó, Hòa thượng đã lấy ví dụ trong Kinh Pháp Hoa về sự ứng hóa thân của Đức Phật là hiện theo thế giới chúng sinh đang ở mà thành. “Điều đặc biệt Ứng Hóa Thân xuống cõi Sa Bà này mang thân hình của 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Đấy là điều mà các vị Phật tử cảm nhận khi đỉnh lễ tượng Phật. Tượng Phật mà chúng ta đang chiêm ngưỡng đây là hình tượng của Đức Phật ở tại thế giới Sa Bà, thân thứ ba là Thân thiên bách ức hóa thân”.
Hòa thượng đã giải thích cho hàng Phật tử hiểu rõ tượng Phật được có từ khi Đức Phật còn tại thế. Trong lịch sử Đức Phật theo Nam truyền thì vào năm thứ 5 kể từ ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Đạo, mỗi mùa hạ trở về, Ngài cùng các đệ tử đều kết túc an cư vào mùa hạ. Nhưng mùa hạ năm thứ 5 là năm Ngài độ cho Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề xuất gia làm Tỳ Kheo Ni và thành lập nên Giáo đoàn. Cho tới năm thứ 8 Ngài muốn báo công ơn của Đức Thánh Mẫu Ma Gia – người mẹ chính của ngài, Người đã sinh ra Ngài và sau khi Ngài được 7 ngày tuổi thì Thánh Mẫu Ma Gia qua đời, được sinh lên Cung trời Đao Lợi. Cho nên hạ năm đó, Ngài rời khỏi nhân gian, lên Cung trời Đao Lợi để an cư. Lúc này, dưới nhân gian vắng bóng Phật, cũng nhân cơ này ngoại đạo tung tin Đức Phật như một ma vương lúc ẩn lúc hiện và bây giờ bị tiêu diệt. Nhưng vị Quốc vương trị vì quốc gia lúc đó là vua Ưu Điền – một vị hoàng đế rất tôn kính Đức Phật. Cho nên ông đã nghĩ ra một cách là tìm người thợ nào tạc được tượng Đức Phật lên để thờ trong Cung, để hàng ngày ông được chiêm ngưỡng và đỉnh lễ, tưởng tượng như Đức Phật còn đang tại thế. Ngay lúc đó, vua Ưu Điền đã triệu tập tất cả những người thợ giỏi nhất thời ấy về và đề nghị phải tạo được một pho tượng mà giống như Đức Phật đang tại thế. Rồi ông tìm được một cây gỗ Chiên Đàn – loại gỗ quý hiếm đắt nhất lúc đó để chuẩn bị tạo tượng Đức Phật. Nhưng tất cả thợ tượng đến đều chối từ vì không thể nào tạo hình tượng giống như Đức Phật được vì Đức Phật có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, cũng như dung nhan của Đức Phật toát lên niềm an lạc, hạnh phúc thảnh thơi mà khi chúng sinh nhìn thấy đều được cảm nhận sự phúc lạc nơi Ngài. Lúc này, một thiên thần ứng xuống làm một thợ tượng và nhận lời tạo tượng Đức Phật giống hệt Ngài. Và chính nhân duyên đó, vị thiên thần đó đã được công nhận là người tạc tượng đầu tiên. Khi ông tạc pho tượng Phật lên, ai nhìn vào cũng tưởng như Đức Phật đang ngồi đó. Sau mùa an cư năm đó, Đức Phật từ trên cung trời Đao Lợi trở về Thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài nhìn thấy tượng Phật và công nhận ngay đó chính là hình tướng của Đức Phật. Sự kiện này được ghi lại trong Kinh Công Đức Tạo Tượng trong Hán tạng mà được các nhà phiên dịch đại tài thời nhà Đường dịch ra. Ngày nay, bộ kinh này cũng được dịch ra tiếng Việt. Trước đây các bậc Tổ sư cũng như các nhà tạo tượng đều nương vào kinh đó để chạm khắc, đục vẽ lên hình tượng Đức Phật. Đây chính là nguyên do xuất xứ của pho tượng Phật đầu tiên trên thế giới này. Sau này, Phật giáo được lan truyền khắp 5 châu, các nước tôn thờ Phật giáo đều có hai công việc phải làm, đó là tạo nên chùa (tạo nên tháp) và đặt pho tượng Đức Phật, và pho tượng Phật đó được tạc theo hình dung của người xứ sở nước đó.
Qua đó, Hòa thượng cũng đã phân tích cho đại chúng hiểu tại sao tượng Phật các nước lại khác nhau về hình tướng. Nhưng bao giờ cũng có những điểm giống nhau nhất định.
Cũng nhân dịp này, Hòa thượng đã chia sẻ tới đại chúng về những pho tượng quý được thế giới công nhận tại Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc .v.v… Hòa tượng nhấn mạnh, pho tượng Phật Ngọc mà chúng ta đang chiêm ngưỡng đây được làm từ khối ngọc nguyên chất, cho nên về mặt tâm linh và về mặt vật chất đều mang lại niềm vui cho người Phật tử chúng ta. Ở nơi nào mà thờ Phật thì xứ sở đó mang lại sự an lạc hạnh phúc, hay như trong Kinh có nói “Chư Phật xuất thế, thiên hạ thái bình“.
Từ xa xưa, Đạo Phật đã rất gắn bó với dân tộc. Ông cha ta ngày xưa mỗi khi trời đại hạn cũng rước tượng Phật ra để cầu đảo vũ, đối với nhà nông thì ngày Phật Đản sinh chính là ngày họ mong chờ nhất, bởi “mùng 8 tháng 4 trời không mưa bỏ cả cày bừa mà đi ăn xin“. Đối với người đánh cá cũng mong chờ ngày đản sinh của Đức Phật bởi “mùng 8 tháng 4 bụt sinh cá đi ăn thề“. Tóm lại, sự ra đời của Đức Phật mang lại niềm vui, hạnh phúc, an lạc, giải thoát cho chúng sinh.
Vậy nên, mỗi người hãy cảm nhận được diễm phúc khi được sinh ra vào thời đất nước hòa bình, Phật pháp được hưng long, chính vì thế, Hòa thượng mong rằng các Phật tử đến chiêm ngưỡng tượng Phật thì hãy biết lắng tâm cho thanh tịnh, an lạc, trở về với Phật, được gần Phật thì hãy học theo Phật, tu thập thiện để chuyển hóa thân tâm, gạt bỏ tham – sân – si ra khỏi tâm mình để cuộc sống luôn được an lành, hạnh phúc, hay như lời Hòa thượng nhấn mạnh: “chiêm ngưỡng tượng Phật để mang lại hòa bình an lạc cho chúng sinh. Chính vì vậy mà nhà tạo tác pho tượng này mới đặt tên tượng là tượng Phật Ngọc hòa bình thế giới. Tượng tạc bằng chất liệu ngọc quý của con người bây giờ, tạc nên hình tượng Đức Phật, chúng sinh nhìn vào đó chúng sinh quán kiến chủng chủng thân – nhất thiết khổ nạn tai tiêu diệt“.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được: