Trang chủ Blog chùa Hải Phòng: Gần 3.000 người về tham dự Đại lễ Vu lan...

Hải Phòng: Gần 3.000 người về tham dự Đại lễ Vu lan Báo Hiếu tại chùa An Hồng

62

Sáng ngày ngày 10/8/2024 (nhằm ngày 8/7 năm Giáp Thìn), hơn 3.000 người đã vân tập về chùa An Hồng (Xã An Hồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng) để tham dự chương trình khai mạc Đại lễ kính mừng mùa Vu Lan – Báo Hiếu PL. 2568 – DL. 2024.

Quang lâm tham dự và cầu nguyện tại buổi lễ có Đại đức Thích Giác Hảo – Trụ trì chùa An Hồng, trưởng BTC đại lễ, cùng chư tôn đức Tăng Ni một số chùa của thành phố Hải Phòng và chư tôn đức tăng ni các tỉnh thành lân cận; Tham dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo huyện ủy, HĐND, UBND, UB MTTQVN huyện An Dương, xã An Hồng và gần 3.000 Phật tử, quý thiện nam, tín nữ về tham dự đại lễ.

Lễ Vu Lan (ngày rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.

Lễ hội Vu lan xuất phát từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn. Theo kinh Vu Lan Bồn, Lễ Vu Lan phát xuất từ thời Đức Phật; Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên – một trong 10 đại đệ tử xuất chúng của Đức Phật.

Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên. Lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt, là cuộc lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Dịp này, chư tăng, Phật tử chùa An Hồng tổ chức rất nhiều những hoạt động ý nghĩa như: Tổ chức khóa tu Vu Lan Báo Hiếu cho gần 500 bạn học sinh, sinh viên để các em biết hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, nghe lời thầy cô, chăm ngoan học giỏi; thực hành tứ trọng ân trong đạo Phật. Ngoài ra, còn có các hoạt động như: khóa tu 1 ngày an lạc cho các Phật tử trong và ngoài thành phố Hải Phòng, thắp nến cầu nguyện, tri ân hai đấng sinh thành, phóng sinh, tụng kinh Vu lan – Báo hiếu cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ hiện tiền được mạnh khỏe, phúc thọ tăng long; ông bà cha mẹ đã quá vãng được siêu sinh về miền Tịnh Độ.

Một nghi thức không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Vu lan – Báo hiếu là nghi thức “Bông Hồng Cài Áo”. Nghi thức này không chỉ là một phần của lễ Vu Lan mà còn mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc. Nó nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của gia đình, lòng hiếu thảo và sự tri ân đối với những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. Ai còn cha mẹ sẽ cài lên ngực áo của mình đóa hoa hồng màu đỏ, nhắc nhở rằng chúng ta vẫn còn cha mẹ, còn cả bầu trời yêu thương rộng lớn để cảm nhận niềm hạnh phúc. Nếu ai mất mẹ sẽ ngậm ngùi cài lên ngực trái của mình một bông hoa hồng màu trắng trinh nguyên, để nhắc nhở chúng ta phải luôn nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ.

Tiếp đó là nghi thức dâng hoa, dâng phẩm vật cúng dàng lên chư tôn đức Tăng Ni hiện tiền nhân mùa Vu lan – Báo Hiếu. Hồi hướng công đức cho hai đấng sinh thành luôn sống vui, sống khỏe bên con cháu.

Buổi lễ đã khép lại trong không khí đầy xúc động khi những người con tham dự đại lễ, nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ, nguyện sẽ báo đáp thâm ân cha mẹ, thực hành lời Phật dạy để báo hiếu cha mẹ theo đúng cách làm của một người Phật tử thuần thành.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận:

Tin: Thành Trung – Hình: Chùa An Hồng