Trang chủ Blog chùa Hải Phòng: Đêm văn nghệ và Hoa đăng tri ân cha mẹ...

Hải Phòng: Đêm văn nghệ và Hoa đăng tri ân cha mẹ nhân Đại lễ Vu lan Báo hiếu tại chùa Vẽ

360

Ngày nay, Vu lan Báo hiếu không chỉ là ngày lễ của những người con Phật mà nó đã trở thành lễ hội truyền thống của toàn dân. Trên tinh thần đó, tối ngày rằm tháng 7 năm Quý Mão ( nhằm ngày 30/8/2023), tại chùa Vẽ (Hoa Linh cổ tự), phường Đông Hải I, quận Hải An, thành phố Hải Phòng đã long trọng diễn ra Đêm văn nghệ và thắp nến tri ân cha mẹ kính mừng Đại lễ Vu Lan – Báo Hiếu PL. 2567 – DL. 2023

Quang lâm tham dự và chứng minh buổi lễ có: Ni Sư Thích Tâm Chính – Ủy viên thường trực ban Hoằng Pháp, ban Từ thiện – xã hội TƯ GHPGVN, trưởng ban Từ thiện – xã hội GHPGVN thành phố Hải Phòng. trụ trì chùa Vẽ, trưởng Ban tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL. 2567 – DL. 2023 tại chùa Vẽ,  chư tôn đức Ni đang tu học tại chùa Vẽ, chư tôn đức Ni trụ trì một số chùa nội, ngoại thành của thành phố Hải Phòng đang thực hiện cấm túc an cư tại trường hạ chùa Nam Hải, cùng đông đảo quý phật tử đạo tràng An Lạc, đạo tràng Đại Bi chùa Vẽ, chùa Kim Quang, quý thiện nam tín nữ gần xa và nhân dân địa phương.

Các em thanh thiếu niên Phật tử trong đội dâng hoa

Mở đầu buổi lễ là chương trình nghệ thuật đặc sắc, xuyên suốt chương trình là các ca khúc ca ngợi công sinh thành dưỡng dục của cha và mẹ, ca ngợi tình mẫu tử, tình phụ tử  do một số ca sỹ, văn nghệ sỹ đến từ đoàn Chèo Hải Phòng, đoàn nghệ thuật Quân khu 3 Hải Phòng, các ca sỹ nhí đạt giải cao tại các cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nước. Với 15 ca khúc khác nhau đã đem lại rất nhiều cung bậc cảm xúc cho người nghe.

Tiếp đó, thay mặt cho toàn thể đại chúng có mặt tại buổi lễ, các em thanh thiếu niên Phật tử chùa Vẽ và đại diện Phật tử đạo tràng An Lạc chùa Vẽ đã tổ chức lễ dâng hoa và dâng phẩm vật cúng dàng lên chư Phật, chư tôn đức Ni hiện tiền nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, nguyện hồi hướng công đức lành đó cho ông bà cha mẹ hiện tiền được tăng phúc, tăng thọ; cầu nguyện cho thân bằng quyến thuộc ông bà cha mẹ đã quá vãng được sinh về cõi lành.

Nghi lễ ” Bông Hồng Cài Áo” nhân mùa Vu Lan – Báo Hiếu

Tại buổi lễ, Ni sư Thích Tâm Chính – Trưởng Ban tổ chức đại lễ đã lên đáp từ và chia vẻ về nguồn gốc của lễ Vu Lan – Báo Hiếu. Theo đó, Lễ Hội Vu Lan – Báo Hiếu được coi là lễ hội của tình mẫu tử, tình phụ tử thiêng liêng, đồng thời cũng chính là Lễ hội của lòng tri ân, báo ân của con cái đối với cha mẹ; Vu Lan còn là dịp để mỗi người con Phật tôn vinh ân cha, nghĩa mẹ, cũng như đề cao tinh thần Hiếu đạo, nhắc nhở nhau hai chữ “tri ân’” để tìm về nguồn cội tâm linh và  duy trì hơi ấm tình người trong kiếp sống nhân sinh.

Tinh thần Hiếu đạo là căn bản đạo đức của thế gian và xuất thế gian. Cũng với ý nghĩa này, trong kinh Hạnh Phúc Đức Phật đã dạy: “Phụng dưỡng mẹ và cha, là điềm lành tối thượng”. Có thể nói, hiếu đạo là nền tảng đạo đức vững bền cho hạnh phúc gia đình và đem lại sự hài hòa trong xã hội. Do đó, phong tục dân gian thờ cúng ông bà cha mẹ khi qua đời cũng là một nét đẹp văn hóa tâm linh đáng quý, nhằm nhắc nhở và tôn vinh  hai chữ “Hiếu Thuận” này.

Đại diện Phật tử dâng phẩm vật cúng dàng

Trong kinh Tăng Chi Bộ Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường Cha Mẹ với của cải vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn Cha Mẹ. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với Cha Mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào lòng tin; đối với Cha Mẹ theo ác giới thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào thiện giới; đối với Cha Mẹ xan tham, thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với Cha Mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích, an trú vào trí tuệ, cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ cho Mẹ và Cha.”

Một nghi thức rất quan trong, không thể thiếu được trong mỗi đại lễ Vu Lan Báo Hiếu. Đó là nghi lễ “ Bông Hồng Cài Áo”. Đây cũng là chính là linh hồn của buổi lễ, là thời khắc xúc động và ý nghĩa nhất trong đại lễ vu lan. Những ai may mắn khi còn cả cha và mẹ sẽ hạnh phúc, vui sướng được cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng màu đỏ, hoa hồng màu hồng nhạt dành cho những ai còn mẹ, mất cha và bông hoa hồng màu trắng dành cho những ai kém may mắn hơn khi không còn có cha và mẹ hiện hữu trên cuộc đời. Còn bông hoa hồng màu vàng dành cho các bậc xuất trần thượng sỹ tìm cầu giác ngộ, giải thoát. Bông hồng là biểu tượng của tình yêu, của sự thanh cao, việc nghĩ nhớ đến hai bậc sinh thành và cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng cũng chính là tình cảm cao quý nhất mà con cái dành cho cha mẹ nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu.

Ni sư Thích Tâm Chính xin ánh sáng từ ban thờ Phật

Thời khắc linh thiêng nhất của buổi lễ đã tới khi chư tôn đức Ni hiện tiền cử hành nghi lễ niêm hương bạch Phật, cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Tiếp đó, Ni sư Thích Tâm Chính – Trưởng Ban tổ chức đại lễ đã đón nhận ánh sáng đầu tiên từ ban Phật rồi truyền sang cho chư tôn đức Ni hiện tiền và toàn thể đại chúng, từng ngọn nến lung linh đã dần lan tỏa khắp giảng đường, càng làm cho buổi lễ trở nên linh thiêng và huyền ảo hơn. Trên tay mỗi Phật tử là ngọn hoa đăng tượng trưng cho tình thương của cha mẹ dành cho con cái, mỗi người con sẽ thầm nguyện với lòng mình, nguyện giữ cho ngọn lửa đó, để ngọn lửa không bao giờ tắt. Ngọn đèn này cũng được xem như tình thương của cha mẹ dành cho con cái. Đó là tình thương bao la, rộng lớn, tình thương không ngơi nghỉ và thầm cầu nguyện cầu ông bà cha mẹ hiện tiền được phúc thọ tăng long, ông bà cha mẹ quá vãng được sinh về Tây Phương Cực Lạc.

Dâng đăng tri ân cha mẹ và cầu nguyện tại buổi lễ

Buổi lễ đã dần khép lại với niềm xúc động vô biên khi nghĩ nhớ về công ơn của cha mẹ đối với con cái, cũng như tình cảm của con cái đối với cha mẹ nhân mùa Vu lan Báo hiếu.

Xin giới thiệu những hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ:

Thành Trung