Xưa, có một người thù địch với một người khác, anh ta không nghĩ ra phương pháp báo thù. Cứ uất ức trong lòng mãi không lúc nào vui. Có người hỏi:
– Anh vì sao mà uất ức buồn rầu?
Anh ta trả lời:
– Có một người thường hay nói xấu tôi thậm tệ. Tôi tức giận vô cùng. Tôi hằng nghĩ cách phục mối thâm thù ấy, nhưng nghĩ mãi không ra, nên tôi tức giận và buồn khổ vô cùng.
Người kia nói:
– Có thể đọc một câu chú bí mật thì người kia chết tức khắc. Nhưng trì chú này sẽ có một triệu chứng nguy hiểm, nghĩa là sau khi trù xong chú thân anh phải chết trước. Tôi nhận thấy tốt hơn anh đừng trì, thì khỏi bị thảm cảnh người thù chưa bị hại mà chính anh đã bị hại rồi.
Người kia nghe thế không cần tính toán, suy nghĩ mà hết sức vui vừng.
– Xin ôn làm ơn dạy cho tôi câu thần chú ấy, tâm muốn báo thù của tôi mãnh liệt vô cùng; miễn sao kẻ thù của tôi có thể chết, dù thân tôi có chết trước tôi vẫn vui lòng.
Lời bàn
Một kiếp người ngẫm cho cùng cũng thật là ngắn ngủi phù du. Có nhiều người ta mới gặp hàn huyên tâm sự chưa được bao lâu, thì nay họ đã là người thiên cổ! Vậy thì gây thù kết hoán với nhau làm chi, khiến đời sống của mình sinh thêm phiền não? Tại sao mỗi người không sẵn sàng mở rộng vòng tay để yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, để đối xử tốt với nhau cho cuộc đời được tăng thêm phần ý nghĩa?
Ta đừng bắt chước những kẻ có bản tính hung hăng lúc nào cũng thích gây sự với người khác. Những người hung ác như vậy thì đâu được ai ưa, trái lại người ta còn tìm cách xa lánh.
Ta nên biết nhìn nhượng nhau để sống, một sự nhịn chín sự lành. Vẫn biết con người dù hiền đến đâu cũng có lúc nổi giận, vì trong thất tình của con người có sẵn tính “nộ” là giận! Giận cũng là bản tính bình thường nhưng nếu khi giận mà biết dằn cơn giận của mình xuống được, kiềm chế nó được là điều tốt. Dân gian có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”. Vì khi cơn giận nổi lên thì ta chẳng khác người khùng, mặt mày đó như gấc chín, mắt long lên dữ tợn, dáng vẻ hung hăng, chỉ muốn đập phá cho hả giận. Vì vậy trong kinh Hoa nghiêm Đức Phật dạy: “Ngọn lửa tham sân si đốt cháy muôn ngàn rừng công đức”. Vì vậy, nếu không khéo nhường nhịn thì hậu quả xấu tất nhiên sẽ xảy ra, gieo nhân thì gặt quả, đó là điều tất yếu.
Muốn cuộc sống được yên vui hạnh phúc, ta cũng đừng nên gây thù chuốc oán với ai! Thà mình chịu nhường nhịn, để người có lỗi sẽ có lúc nhận chân ra được lỗi lầm của họ thì họ sẽ cảm phục ta hơn, bởi vì ta đã tu tập hạnh nhẫn nhục để hóa giải những khổ cho chính mình và người khác.
Nhưng cũng không ít người vì lòng sân giận sai khiến, hủy hoại thân mình một cách đáng thương. Họ bị lòng sân hận dẫn dắt, đưa mình vào con đường hại mình hại người một cách vô cùng đáng thương và bi thảm để rồi mãi trầm luân vĩnh viễn không thôi! Xin chắp tay nguyện cầu tha lực của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền giúp họ mau mau phản tỉnh, dùng pháp từ bi thanh tịnh hòa bình để tu sửa đối trị thân tâm, khiến cho mọi người trên cuộc đời đều được an vui tự tại.