Mùa xuân là mùa mà vạn vật sinh sôi, mùa của sức sống, mở màn một năm mới mà mọi người luôn mong muốn thêm thật nhiều tài lộc, phát triển, sức khỏe và hạnh phúc. Vậy thì tại sao người ta lại đón xuân mới bằng sự vặt hái, chặt phá cây cành?
Sự chặt phá và chiếc dao là biểu tượng của sự chết chóc, của sát khí, của sự tàn hại… khiến cho cây cối của mùa xuân vốn là biểu tượng của sự sống bị sứt sẹo, què cụt. Người ta thấy ý nghĩa gì từ việc làm ấy?
Một số nước có tục đập bát đĩa cũ vào cuối năm để thay bát đĩa mới, tuy cá nhân tôi không thích tục đó nhưng còn có thể giải thích là người ta muốn vứt bỏ cái cũ, trong đó có cả những điều muộn phiền, xui xẻo để đón nhận cái mới với hy vọng về những điều tốt đẹp mới.
Nhưng tục hái lộc thì tuyệt nhiên tôi không tìm thấy ý nghĩa nhân văn nào trong đó! Hẳn có người sẽ bảo rằng, người ta chỉ hái một cành nhỏ thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự sống của cây, nhưng hàng vạn triệu người cùng hái cành, trong đó nhiều người còn chặt cả những cành rất to thì còn đâu là cây nữa?
Biết vậy mà để thay đổi nhận thức về tục hái lộc lại không hề đơn giản, tôi đã từng vấp phải phản ứng mạnh mẽ của người bạn thân khi phê phán tục lệ này, dẫu người đó không thể đưa ra được những lý lẽ thuyết phục hơn để phản biện ý kiến của tôi. Lại nhớ, ở nơi tôi sống đã có những câu chuyện đau lòng khi người chặt cành hái lộc bị ngã và chết đúng đêm giao thừa – tôi tự hỏi, trong trường hợp ấy, "lộc" ở đâu?
Nhiều năm qua, một số nơi đã có sáng kiến là cử người canh những gốc cây to để phòng hiện tượng chặt cành lấy lộc – thật bi hài! Và điều này có thể liên tưởng đến tục đốt pháo đã bị Nhà nước bãi bỏ nhiều năm nay: đốt ít, nghe tiếng pháo râm ran thấy vui, nhìn xác pháp đỏ thấy không khí tết. Nhưng đốt quá nhiều gây cháy nổ, chết người, điếc tai, sặc khói, chó chạy, mèo kinh… thì đã mất hẳn ý nghĩa của tục lệ.
Tôi còn nhớ hồi học phổ thông, có học sinh đốt pháo cối phá tan cả bàn học của trường. Tôi cũng tận mắt thấy một cậu bạn gần đứt lìa cả bàn tay vì đốt pháo, ngón tay lủng lẳng và máu phụt ra xối xả – ấn tượng đó khiến tôi ghê sợ đến giờ!
Chặt phá cây hái lộc cũng cần được nhìn nhận dưới góc độ Vĩ Mô như với đốt pháo, khi đã bị lạm dụng, khi cái gì có tính 2 mặt và mặt tiêu cực trở nên lấn át thì nó cần phải bị lên án, bị ngăn chặn!
Quay lại với tục hái lộc, quả tình tôi rất khó hiểu khi người ta mang về nhà một cành cây xanh tốt, mơn mởn để rồi sau mấy ngày, trở nên héo úa, tàn tạ thảm thương. Cành cây đã chết, và nhựa từ những cành bị ngắt lìa khỏi thân mẹ chính là máu của cây cứ chảy đau đớn… và tôi thầm nghĩ, nếu những cái cây cũng có linh tính thì nó sẽ đau khổ đến thế nào, còn con người, họ vui thú gì trước đau khổ của những mầm sống bị tàn phá?
Tôi đã đọc những câu chuyện về tinh cây – cái cây thành tinh, cũng đã nghe những bài nói chuyện của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng về những linh hồn ngụ trên cây… dẫu không phải là người mê tín nhưng tôi chợt liên tưởng đến những cái chết của người chặt phá cây lấy lộc mà tôi biết, và tôi rùng mình: phải chăng những vong hồn trên cây thường bám theo những cành lộc về nhà?
Mùa xuân, tôi nhớ đến Bác Hồ, người đã phát động Tết trồng cây 50 năm về trước: tôi cũng nhớ đến hình ảnh nhân vật Ô-sin nổi tiếng trong bộ phim truyền hình Nhật Bản (bộ phim đã tạo nên một hiện tượng xã hội ở VN cách đây chừng 15 năm) khi đi trồng cây theo quy định của Chính quyền đối với người dân – cách đây 70, 80 năm mà người Nhật đã thế…
Tôi khâm phục tư tưởng vĩ đại của Hồ Chủ Tịch về Tết trồng cây, một tư tưởng mà bất kỳ ai, dù thuộc phe phái nào, cũng phải kính trọng. Và không phải vô tình mà Bác nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Thay vì tiêu diệt sự sống (chặt phá cây), Tết trồng cây ươm mầm cho sự sống sinh sôi, "lộc" chính là những mầm cây nảy lên từ đất, và lộc – cũng có thể hiểu là tài lộc, phúc đức, được sinh trưởng, phát triển, chứ không lụi tàn như với tục "Bẻ lộc ngày xuân". Chưa nói đến giá trị của việc trồng cây mới môi trường, ý nghĩa nhân văn của "Tết trồng cây" là vô cùng lớn lao, cao cả!
Vậy thì tại sao chúng ta, xã hội Việt Nam, nhà nước Việt Nam, giới báo chí và truyền thông lại không hợp sức lên án hủ tục "Hái lộc đầu xuân" và khuyến khích, quảng bá cho "Tết trồng cây"???
Thân cây cũng như thân thể con người Chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết nguyên đán Canh Dần 2010. Bước sang năm mới với những ngày Đại lễ lớn của toàn dân tộc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Giao thừa, thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, một không khí thiêng liêng lan toả đến khắp vùng miền, từ non cao đến biển rộng, từng ngõ phố, từng ngôi nhà và mỗi người trong chúng ta. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là những thói quen, tật xấu nằm trong tâm thức mỗi chúng ta đến lúc cần phải thay đổi, đó là tục "hái lộc" đầu năm tại những khu vực Đền, Đình, Chùa, Miếu…và các di tích lịch sử khác. Cây cối nơi Đền,Đình, Chùa, Miếu..vốn xanh tốt tỏa bóng mát và tôn lên vẻ đẹp uy nghi của những di tích, bóng mát của cây là nơi nghỉ chân cho du khách thập phương xa gần. Thế nhưng khi 12 tiếng chuông đồng hồ đêm giao thừa vừa dứt là hàng trăm, hàng ngàn người đã leo trèo, bu quanh các cây cối xung quanh các khu di tích linh thiêng để chặt, bẻ, hái cho mình những cành cây mang về nhà để coi như có lộc may mắn đầu năm mang về nhà mình, người thấp bé thì với những cành nhỏ, người cao to thì với những cành lớn hơn, có ngưòi mang theo cả dao và chặt những cành to một cách không thương tiếc, có những cậu bé có khả năng leo trèo đã trèo lên cây vặt các cành để bán lại cho những người trong trang phục đẹp đẽ không muốn làm hỏng bộ cánh của mình. Trong khoảng thời gian chưa đến 30 phút đồng hồ, những cây cối hàng ngày tươi tốt như vốn có đã trở nên xơ xác, hoang tàn bởi bàn tay của chính con người, trong số đó không ít là những Phật tử hàng ngày vẫn lên chùa lễ Phật và tu tập. Ngoài việc phá hoại cảnh quan môi trường tại những di tích lịch sử, chốn linh thiêng, cây cối cũng như cơ thể con nguời vậy, khi chúng ta vô ý bị đứt tay, bị ngã..chúng ta đã cảm nhận nỗi đau thân xác, chúng ta bẻ cây, bẻ cành cũng để lại trên cây những vết nhựa tứa ra đó chính là máu của cây. Chúng ta tin vào việc bẻ cành hái lộc sẽ mang lại may mắn, nhưng chúng ta lại không tin vào thuyết Nhân Quả của nhà Phật? Sự may mắn, hạnh phúc do chính bản thân ta tạo ra, do nghiệp lành dữ mang lại, do phước báu ta gieo trồng, do nghiệp thiện ta vun đắp, đâu có phải phụ thuộc vào những cành cây vô tri vô giác? Thiết nghĩ các ngôi Đình, Đền, Chùa…nên có nhiều hơn nữa những buổi trò chuyện, những khoá tu tập, hoằng pháp để cho mọi người nhất là những Phật tử để họ hiểu rõ hơn những việc họ đang và đã làm, những điều nên hay không nên. Các ngôi chùa có thể chuẩn bị sẵn những thứ như:bông hoa nhỏ, trái cây, phẩm oản.. phát lộc cho mọi người, những tập vở, chiếc bút, truyện tranh Phật giáo cho những gia đình có cháu nhỏ, những hình tượng chư Phật, chư Bồ Tát, những quyển lịch có ghi lịch sử của di tích trên đó có ghi những ngày lễ, thời gian cho những khoá tu, những buổi thuyết giảng…. Mong sao trong thời gian không xa, tập tục bẻ cây hái lộc sẽ được xóa bỏ, cây cối tại chùa chiền và các di tích lịch sử sẽ không bị rỉ ra những dòng nhựa đau đớn bởi bàn tay con người. Nguyên Phước Nguyễn Tiến Lộc |