Lần thứ nhất.
Năm 1970, tôi đến Uông Bí thăm người cô là người Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Sư phạm, cô được phân công dạy học ở Uông Bí. Rồi tôi chuyển vào Sài Gòn khó có cơ hội đến tỉnh Quảng Ninh nên càng không biết đến chùa Ba Vàng.
Sau này có duyên theo con đường tu tập của Phật mới điều kiện quan hệ đến các thông tin Phật giáo.
Khoảng năm 2013, tôi được một bạn hữu cho xem một đĩa DVD trong Chương trình “Phật Pháp nhiệm màu” của chùa Hoằng Pháp – TP Hồ Chí Minh. Nội dung đĩa DVD này nói về một người đàn ông trong giờ phút thoi thóp chuẩn bị quần áo mới theo tử thần thì đột ngột thoát khỏi cửa tử là nhờ niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Đĩa DVD này do chùa Hoằng Pháp và chùa Ba Vàng phối hợp thực hiện tại chùa Ba Vàng.
Hình ảnh trong DVD chủ yếu tập trung vào nhân vật Lương Văn Hiền khoảng 70 tuổi. Ông nói tiếng Pháp rất giỏi.
Tóm tắt câu chuyện hồi sinh của ông như sau:
Gần một đời người theo công giáo, khi bi bệnh nặng hàng ngày cơ thể ông rất đau đớn, đêm nào ngủ cũng mê thấy ma quỷ.
Theo ông Lương Văn Hiền kể trong Chương trình. Khi ông sắp lìa đời thì các con ông ở nước ngoài đã trở về để lo hậu sự cho ông. Các con ông đã đến chùa Ba Vàng cầu thỉnh thầy Thích Trúc Thái Minh. Thầy Trúc Thái Minh đã đến thăm thì thấy ông đã thoi thóp cận kề cái chết. Thầy khuyên ông nên niệm Nam Mô A Di Đà Phật để ra đi thanh thản thoát khỏi đau đớn. Còn các con ông nhanh chóng lập bàn thờ để hàng ngày thắp hương nguyện cầu cho ông.
Cơ thể ông teo tóp nằm bẹp dí trên giường, ông Hiền nghĩ đằng nào cũng chết thì chọn cái chết thanh thản nên và quyết định nghe lời thầy Trúc Thái Minh và các con nhất tâm nằm lầm rầm niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Hiệu quả là đêm ông ngủ rất ngon không còn mê thấy ma quỷ nữa. Thân xác không còn thấy đau nhức. Thấy vậy, các con ông khuyên ông quy y Phật, hy vọng được Phật gia hộ khỏe lại. và ông đã quy y Phật, có Pháp danh. Trong buổi giao lưu, ông Hiền đã giơ chứng điệp quy y trước mặt mọi người và nói rằng “Đây chính là giấy thông hành của tôi được hồi sinh. Đây là Passport là hộ chiếu của tôi vào thế giới khác”. Nghĩa là nếu không có thầy Trúc Thái Minh xuất hiện khuyên ông Lương Văn Hiền niệm Phật thì có thể ông chết rồi và chết trong đau đớn.
Không ngờ lời khuyến tấn của thầy Thái Minh với ông Hiền lại có lực lay chuyển tâm của một người theo Công giáo tin tưởng và đi theo Phật một cách nhanh chóng như vậy. Từ đó tôi ấn tượng với thầy Trúc Thái Minh mặc dù chỉ biết thầy khi xem DVD.
Hình ảnh chùa Ba Vàng từ thời chưa kiến thiết xây dựng
Lần thứ hai.
Năm 2013, trong dịp từ Sài Gòn ra Hà Nội thuận duyên cùng các bạn hữu đến chùa Ba Vàng dự lễ Quán đảnh A Di Đà của một vị Rinpoche từ Ấn Độ sang, tôi có cơ hội gặp trực tiếp thầy Trúc Thái Minh trong phòng thọ trai.
Quả là thầy đã có mấy mươi năm thiền định nên sự khoan thai, đĩnh đạc rất rõ ở thầy. Nói năng từ tốn, nét cười điềm đạm, gương mặt từ bi đức độ, phong thái khiêm cung. Đúng là một vị sư theo chân Phật bước ra từ giảng đường Đại học cũng thấy khác, khiến tôi thêm kính quý thầy.
Sau vụ thầy bị tai nạn về truyền thông trong vụ “giải vong”, tôi vẫn tin vào ánh sáng chân tâm của thầy Thái Minh. Ánh sáng đó như hào quang sẽ xua đi những đám mây đen trong tuổi 53 của thầy. Bởi thầy vẫn khoác áo Như Lai, thầy vẫn là ngọn đuốc lớn không một lực mạnh nào làm tắt soi dọi cho hàng vạn Phật tử vẫn hướng về thầy để tu tập cho dù con đưởng Hoằng dương Phật pháp gập ghềnh.
Hình ảnh thầy Thích Trúc Thái Minh tại Ngôi chùa Ba Vàng cũ
Thầy bước tới chùa Ba Vàng từ khi nơi đây chỉ là mái chùa đơn sơ như một đình làng. Nhờ trí tuệ có sẵn thủa chưa xuất gia và học hỏi của những bậc thầy trong dòng tu phái Trúc Lâm, thầy Thái Trúc Minh đã chuyển tải những kinh điển Phật Pháp cho Phật tử một cách chân thực, trí tuệ, thấm thía. Ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm, đã thu hút ngày càng đông đảo thiện nam, tín nữ, du khách nhất tâm đến chùa. Cũng nhờ sự trung nghĩa của các đệ tử, Phật tử cả nước, du khách trong và ngoài nước tạo công đức cùng thầy Thái Minh đã thực hiện nhiều lần chỉnh trang, tu sửa từng hạng mục trong chùa. “Nước lên, thuyền lên”, chùa càng phát triển càng nhiều Phật tử đến chùa là sự tốt lành cho xã hội được tăng trưởng, giảm đi tệ nạn xã hội từ những lời Phật dạy qua các buổi thuyết giảng của thầy Thái Minh và các Chư Tăng trong chùa. Công đức của thầy, của các Chư Tăng và đông đảo Phật tử không thể cân, đong, đo, đếm giữa đời
Tiếng lành đồn xa, nhiều các vị Cao Tăng ở Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, đoàn đại biểu Cảnh sát cấp cao Hoàng gia Thái Lan tìm đến chùa Ba Vàng thăm viếng. Nhiều vị Lãnh đạo các cấp trong nước đến thăm chùa Ba Vàng và thắp nhang đảnh lễ Phật. Nén nhang đã kết nối tâm linh không phân biệt đẳng cấp trong chùa.
Hình ảnh chùa Ba Vàng ngày nay
Không phải vị sư trụ trì nào cũng có trí tuệ, có năng lực thuyết giảng, có công đức lớn, có duyên kết nối cộng đồng đến tu tập, làm cho đông đảo Phật tử tin yêu Đức Phật, tin tưởng Phật pháp chân chính.
Công trình chùa Ba Vàng ngày nay không phải vẽ lên từ cây bút thần. Thầy Trúc Minh cũng không phải là thần thánh phù phép từ một mái chùa nghèo đơn sơ thành một quần thể kiến trúc Phật giáo đẳng cấp quốc tế ở một nơi xa xôi như Uông Bí. Mà công trình phát triển từ sự kết nối rất rất rất nhiều công đức lớn lao của thầy Thái Minh, các Chư Tăng trong chùa và đông đảo Phật tử.
Ví thử hơn mười năm qua, thầy cứ tu trong ngôi chùa cũ, chẳng thuyết giảng, chẳng cố gắng tôn tạo chùa phát triển thì Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Giáo Hội Phật Giáo Trung ương cũng chẳng thể trách cứ gì thầy. Phật tử cũng có thể đến chùa khác tu tập. Vì “An phận thủ thường” thì chẳng khổ đến thân và chẳng sai phạm gì.
Chùa Ba Vàng rất đông Phật tử tới tu học
Nhưng thầy Trúc Thái Minh thì khác. Thầy đã quên cái mạng của mình mà vì chùa, vì cộng đồng Phật tử mà có được công trình Phật giáo như ngày nay, không phải vì mong được thăng giáo phẩm, vì tiếng thơm mà vì thầy khoác áo Phật thì thầy từ hai bàn tay trần vì Phật sự mà không tính toán cho riêng mình. Vì thế, khi thầy gặp nạn tai tiếng thì Phật tử đã khóc… khóc rất nhiều. Những tiếng khóc, những hàng nước mắt, những cặp mắt đỏ hoe ấy dường như muốn lay động tới các Chư Thiên, cảm động trời đất.
Và tôi, tôi cũng muốn các Chư Thiên và trời đất cảm động với những công đức của thầy trò thầy Trúc Thái Minh để bảo vệ Phật Pháp, để Phật Pháp phát triển đồng hành cùng dân tộc.
Nguyễn Thị Ngọc Trâm