TT.Thích Thanh Vân – trưởng BTS tỉnh hội, ĐĐ Thích Thanh Cường, Chánh Văn phòng BTS tỉnh hội, chư tôn đức Tăng Ni trong Ban chức sự hạ trường cơ sở 2 cùng với gần 1000 Phật tử gần xa đã về tham dự.
Tại đại lễ, lời đạo từ của Thượng tọa Thích Thanh Vân giúp mọi người hiểu trọn vẹn hơn thế nào là hiếu đạo cũng như ý nghĩa của mùa Vu lan báo hiếu.
Trong bài pháp TT đã nhắc lại lời dạy của Ðức Phật, trước khi dạy môn đệ làm Hiền Thánh, cũng rất xem trọng tư cách làm người. Con người khi sống trong xã hội là “sống cùng, sống với”, không ai có thể đơn độc mà tồn tại và phát triển.
Nói khác đi, mỗi người chúng ta đều chịu nhiều ơn nặng, từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt. Ðạo Phật đề cập đến Tứ trọng ân (ơn cha mẹ, ơn Thầy Tổ, ơn Tổ quốc và ơn chúng sinh), và ngày Vu lan là dịp tôn vinh những ân tình ân nghĩa ấy.
Trong cuộc sống, không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, và không có bất hạnh nào lớn hơn bất hạnh của kẻ mồ côi. Hình ảnh người cha lao động cần mẫn sớm hôm, người mẹ dịu hiền chăm chút các con từng miếng ăn giấc ngủ, đã từng và mãi là những cung bậc êm đềm của bài hợp xướng gia đình.
Căn bản đạo đức cũng bắt đầu từ sự giáo dục của gia đình, vì cha mẹ là chuẩn mực của các con từ lúc còn thơ ấu. Và mãi mãi về sau, dù ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng thấy cha mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Có thể lúc ta thành công trong sự nghiệp hay hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi, ta không cảm nhận rõ điều này. Nhưng khi gặp cảnh ngộ không may, khi bị sóng đời dập vùi tơi tả, khi hoàn toàn mất niềm tin đối với người xung quanh, ta mới chợt hiểu rằng, nơi một góc trời xa yêu dấu, cha mẹ vẫn là chiếc nôi ấm cho mình ru giấc ngủ sâu, là vòng tay êm xóa tan hết nơi mình mọi buồn đau hận tủi. Ân sủng thiêng liêng ấy, tình cảm bao la bất tận ấy, ta có thể tìm được nơi đâu, ngoài cha mẹ của mình?
Người con xa quê hương, vất vả mưu sinh, có lúc phải tạm quên cha mẹ. Cũng có khi do mải vui với vợ con bạn bè, nên tình quê bị lui xuống hàng thứ yếu. Nhưng một hôm nào đó, khi cuộc vui đã tàn, còn một mình ta trong đêm khuya vắng lặng, nhìn ánh trăng cô đơn dưới dòng sông, ta chợt nhớ về làng cũ. Ta chợt nhớ về hai đấng sinh thành tuổi cao sức yếu, ngày ngày tựa cửa trông ngóng tin con. Ðau lòng lắm khi thấy mình chưa đền đáp một phần nhỏ công ơn sâu dày của cha mẹ. Vội vã trở về mong chuộc lại lỗi lầm, thì hỡi ôi, cha mẹ đã không còn! Hối hận cách mấy, khóc than cỡ nào cũng không thể kéo lại thời gian đã mất. Nỗi đau này, niềm hối tiếc này đến bao giờ mới nguôi ngoai!
Ngày nay, trong xu thế khôi phục và phát huy truyền thống văn hóa đạo đức, các quan hệ xã hội càng được đề cao. Trong đó, quan hệ thầy – trò được đặt lên hàng đầu. Phần đông gia đình phải bận rộn về sinh kế, nên việc dạy dỗ con em đều phó thác cho thầy cô. Vì thế, môi trường giáo dục chủ yếu về chữ nghĩa lẫn đạo đức là nhà trường.
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Người dạy ta một chữ là thầy ta, dạy nửa chữ cũng là thầy. Nhờ thầy, ta mới tiếp cận với tri thức loài người, mới hòa nhập với đời sống văn minh, mới có nghề nghiệp ổn định.
Ở thời đại hiện nay, khi thế giới ngày càng thu hẹp, con người càng xích lại gần nhau nhờ những phương tiện truyền thông và giao thông tiên tiến, tri thức lại càng cần thiết để bắt kịp và thích nghi với đà tiến hóa của xã hội. Do vậy, vai trò của thầy cô càng trở nên quan trọng không thể thiếu, đối với quan điểm thế gian.
Buổi lễ kết thúc trong sự hòa hợp thương yêu, thắm tình hiếu đạo của người con Phật.