Thực hiện thông tư hướng dẫn của Hội đồng trị sự TWGH, thực hiện chỉ đạo của BTS tỉnh hội. Sáng ngày 26 tháng 4 năm Nhâm Thìn, nhằm ngày 16 tháng 05 năm 2012, tại nhà văn hoá trung tâm huyện Tứ Kỳ sẽ chính thức diễn ra đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện khoá VII (nhiệm kỳ 2012 – 2017) của Ban đại diện Phật giáo huyện Tứ Kỳ. ( Đây là Ban đại diện Phật giáo cấp huyện đầu tiên của Phật giáo Hải Dương tổ chức Đại hội đại biểu nhiệm kỳ mới.
Trước thềm Đại hội Phật giáo huyện Tứ Kỳ nhiệm kỳ 2012 – 2017, để chuẩn bị bước vào ngày khai mạc chính thức, nhiều ngày nay Ban tổ chức đại hội đã tổ chức các hoạt động Phật sự xã hội để chào mừng và chiều mai sẽ tổ chức đại hội trù bị .
PV Phattuvietnam.net đã có buổi làm việc với Đại đức Thích Thanh Cường – Chánh VP Ban trị sự tỉnh hội, chánh đại diện Phật giáo huyện Tứ Kỳ. Mặc dù công tác chuẩn bị đại hội đang bận rộn, nhưng Đại đức cũng vui lòng dành cho PV Phattuvietnam.net chúng tôi một buổi làm việc.
PV: Thưa Đại đức, trước thềm đại hội đại biểu Phật giáo của huyện nhà, Đại đức có thể cho chúng con biết một số nét nổi bật của các hoạt động Phật sự xã hội trong nhiệm kỳ qua?
Đại đức Thích Thanh Cường: Vâng, kính thưa quý vị trong 5 năm qua của nhiệm kỳ VI, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh hội Phật giáo Hải Dương, Tăng Ni ban đại diện Phật giáo Tứ Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu trong các công tác Phật sự xã hội. Những thành quả đó đã góp phần không nhỏ vào sự ổn định và phát triển kinh tế chính trị xã hội trên địa bàn. Góp phần xây dựng quê hương Tứ Kỳ ngày một văn minh giàu đẹp, đời sống nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc.
Trong nhiệm kỳ qua, chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó nổi bật nhất là công tác từ thiện xã hội và công tác quản lý Tăng Ni tự viện.
PV: Đại đức có thể cho biết rõ hơn về công tác từ thiện xã hội và quản lý Tăng Ni tự viện?
Đại đức Thích Thanh Cường: Với tấm lòng từ bi hỷ xả của Đạo Phật và truyền thống thương yêu đùm bọc của dân tộc. Ban đại diện Phật giáo huyện Tứ Kỳ luôn phát huy lòng nhân ái cao cả, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân tộc, tham gia các quỹ từ thiện xã hội, nuôi dưỡng người già cô đơn, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi… Trong 5 năm tổng số tiền Tăng Ni trong huyện ủng hộ lên đến con số 1 tỷ 500 triệu đồng. Nổi bật có đại đức Thích Thanh Lương nuôi 8 cháu bé mồ côi, sư thầy Như Thảo nuôi 3 cháu mồ côi.
Về công tác quản lý Tăng Ni tự viện (Tăng sự), đây là hoạt động trọng tâm của Giáo hội, Ban đại diện luôn quan tâm tạo mọi điều kiện cho Tăng Ni có đủ điều kiện thuyên chuyển về sinh hoạt và trụ trì tại các chùa trên địa bàn. Tạo điều kiện cho các cháu thiện nam thiện nữ phát tâm xuất gia tu học. Các thủ tục nhập tu được nhanh chóng hoàn thiện. Năm 2007: Toàn huyện có 14 vị Tăng Ni, đến nay đã tăng lên số lượng 44 vị thuộc quản lý của Phật giáo Tứ Kỳ. Với 100 ngôi chùa trên địa bàn, đến nay chúng tôi đã đạt được 40 ngôi có Sư trụ trì và kiêm nhiệm. Còn lại chúng tôi đã thành lập Ban hộ tự và hoạt động rất có hiệu quả…. Trên toàn huyện đã có 13.167 tín đồ Phật tử quy y Tam Bảo.
Một công tác nữa không thể không vui mừng báo cáo với quý vị. Đó là công tác xây dựng chùa cảnh. Với con số lên đến trên 43 tỷ dành cho công tác trùng tu tôn tạo chùa cảnh cho thấy nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho đồng bào Phật tử đã ngày một được quan tâm đồng thời thể hiện tinh thần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của cha ông…
PV: Những thành tựu đó là thành quả tự thân của Ban đại diện hay thành quả chung của Tăng Ni trong huyện?
Đại đức Thích Thanh Cường: Những thành tựu đã đạt được là kết quả do Ban đại diện cùng các thành viên có đường hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp với đạo và đời trong xu thế phát triển của xã hội theo phương châm “ Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Với sự nhiệt huyết của tất cả các thành viên. Hết lòng vì Phật sự chung, vượt qua mọi khó khăn, Phật giáo Tứ Kỳ đã và đang phát huy tinh thần “ Đoàn kết hoà hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội”
PV: Xin hỏi Đại đức, Những thành tựu đó là do Phật giáo Tứ Kỳ nhận những ưu ái, quan tâm từ chính quyền địa phương hay chỉ là những hoạt động tự thân của Tăng Ni Phật tử Phật giáo?
Đại đức Thích Thanh Cường: Những thành tựu đã đạt được trước hết là do sự quan tâm giúp đỡ và chỉ đạo sát sao của BTS tỉnh hội Phật giáo Hải Dương. Đồng thời chúng tôi không thể không kể đến sự quan tâm giúp đỡ từ quý vị lãnh đạo huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ và các ban ngành của huyện. Đây là trợ duyên quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo Tứ Kỳ lên tầm cao mới. Đáp lại thịnh tình đó, Tăng Ni trong huyện cũng tích cực tham gia các công tác xã hội từ cấp địa phương đến cấp huyện để góp phần trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương đất nước. 70% Tăng Ni tham gia từ đại biểu HĐND đến uỷ viên UBMTTQ huyện, xã và nhiều đoàn thể khác…
PV: Đại đức có thể đưa ra một sự giúp đỡ cụ thể của chính quyền đối với hoạt động Phật sự gần đây nhất?
Đại đức Thích Thanh Cường: Ngay trong dịp chúng tôi chuẩn bị đại hội, sau khi có tờ trình của Ban đại diện, UBND huyện đã chỉ đạo cho đài phát thanh huyện tổ chức đưa tin phát thanh các hoạt động trước, trong và sau đại hội. TT Văn hoá thông tin huyện giúp đỡ các công tác trang trí khánh tiết hội trường cũng như tổ chức giúp việc treo cờ tổ quốc, cờ Phật giáo trên địa bàn Thị trấn nơi tổ chức Đại hội. Công an huyện tổ chức giúp các công tác trị an và an toàn giao thông trong những ngày diễn ra đại hội. Công tác Y tế giao cho Bệnh viện huyện. Trực tiếp lãnh đạo huyện giúp công tác đón tiếp khách mời UBND tỉnh và tỉnh hội Phật giáo. Phật giáo chỉ còn đến để vui với những thành quả và lo dự đại hội (cười)
PV: Đó là những ưu điểm, thế còn những hạn chế. Đại đức có thể chia sẻ?
Đại đức Thích Thanh Cường: (Đại đức trầm ngâm và ưu tư khi trả lời) Điều chúng tôi trăn trở nhất là số lượng Tăng Ni còn quá ít và non trẻ chưa tinh thông về nghiệp vụ hành chính đạo. Dẫn đến việc triển khai các hoạt động Phật sự xã hội còn chậm. Nhiều ngôi chùa vùng sâu vùng xa vẫn còn chưa có Tăng Ni trụ trì nên các hoạt động còn tự phát và có thể coi là những vùng trắng của Phật giáo. Điều này chúng tôi sẽ cố gắng để nhiệm kỳ tới sẽ vững mạnh đi lên trong mạng mạch của Phật giáo cũng như tiến kịp trào lưu của Đất nước.
PV: Như đại đức nói là tiến kịp trào lưu của Đất nước. Chúng con xin hỏi đại đức 1 câu cuối cùng. Trước yêu cầu mới của tình hình đất nước và địa phương, Ban đại diện Phật giáo Tứ Kỳ đã có những định hướng lớn nào để thực hiện tốt phương châm của Phật giáo Việt Nam “ đồng hành cùng dân tộc”?
Đại đức Thích Thanh Cường: Qua 5 năm hoạt động chúng tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm cho công cuộc hoằng dương chính pháp. Chúng tôi sẽ cố gắng phát huy vai trò trách nhiệm của mỗi thành viên, tăng cường hoạt động và đẩy mạnh các phong trào. Ngoài các hoạt động chung theo chỉ đạo của TWGH và Ban trị sự, chúng tôi đã đặt ra 4 tiêu chí chính cho nhiệm kỳ mới.
Một là lấy văn hoá để hoằng dương Phật pháp
Hai là lấy giáo dục để bồi dưỡng nhân tài
Ba là lấy từ thiện để đem lại phúc lợi cho xã hội
Bốn là lấy sự tu hành để tịnh hoá thân tâm.
Đây sẽ là 4 mục tiêu xuyên suốt quá trình hoạt động nhiệm kỳ mới của Phật giáo Tứ Kỳ.
PV: Nãy giờ chúng con thấy Đại đức chỉ chia sẻ về Phật sự chung. Đại đức có thể cho chúng con biết những hoạt động nổi bật của cá nhân đại đức?
Đại đức Thích Thanh Cường (cười): Những hoạt động của cá nhân tôi cũng chính là hoạt động chung của Ban đại diện. Xin phép không kể lể tỷ mỷ. (PV: xin nêu riêng, với tư các là Chánh VP BTS, chánh đại diện Phật giáo huyện Đại đức Thích Thanh Cường luôn đi đầu trong các phong trào. Tham gia các tổ chức chính quyền nhiều nhiệm kỳ là uỷ viên UBMTTQ huyện Tứ Kỳ, hiện Đại đức tham gia là Uỷ viên UBMTTQ tỉnh khoá 14, uỷ viên Ban chấp hành hội LHTN tỉnh Hải Dương. Con số tham gia từ thiện của đại đức trong nhiệm kỳ qua là 1 tỷ đồng)
PV: Xin thành kính tri ân Đại đức đã dành cho Phattuvietnam.net buổi làm việc. Kính chúc đại đức lời chúc Phật sự viên thành. Chúc cho Phật giáo Tứ Kỳ ngày một khởi sắc.