Trang chủ Tin tức Hải Dương: Lễ hội mùa xuân tổ đình Đống Cao

Hải Dương: Lễ hội mùa xuân tổ đình Đống Cao

113

Ông Huỳnh Tuấn Dương – Phó chủ tịch UBMTTQ VN tỉnh Hải Dương, đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố Hải Dương, xã Tân Hưng, Ban Trị sự PG tỉnh cùng đông đảo Tăng Ni Phật tử và du khách đã về dự hội. 

Đã thành truyền thống từ nhiều năm nay, cứ đến ngày rằm tháng 2, ngay từ buổi chiều, đông đảo bà con đồng bào Phật tử đã tụ hội về dự lễ kỷ niệm đức Phật Thích Ca thị hiện Niết Bàn, sau đó ngủ lại để ngày hôm sau dự lễ Khai hội và lễ Huý nhật Thánh Tổ Thiền Sư.

Năm nay, năm thứ 12 hội xuân chùa Đống Cao đang dần được phục dựng với các nội dung cả phần lễ và phần hội vẫn đang tiếp tục được tìm hiểu sưu tầm, khôi phục, dàn dựng.

Theo các văn bia còn lại, chùa Đống Cao được xây dựng bởi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên bước đường vân du hành đạo của Người. Ban đầu chùa chỉ là một thảo am phối thờ Phật và chư vị Thần Linh. Trải qua nhiều đời trụ trì, nhưng nổi bật lên có Thánh Tổ Thiền Sư Như Cảm (Thời Hậu Lê) – người đã có công trùng hưng truyền thống của Tổ đình theo đúng tư tưởng hành đạo của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (đã có bài viết giới thiệu về hành trạng của Ngài).

Trong lễ Khai hội sáng nay, sau diễn văn khai mạc lễ hội do đại diện chính quyền địa phương lễ hội tuyên bố, Thượng toạ Thích Thanh Vân – trưởng BTS tỉnh hội, viện chủ tổ đình Đống Cao giới thiệu sơ lược lịch sử chùa và báo cáo những thành quả đã đạt được của chư tăng tổ đình trong năm 2011.

Tiếp theo thời Lý, thời Trần, Phật Giáo Việt Nam rất thịnh hành. Trần Nhân Tông, vị vua từng lãnh đạo thắng lợi 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Ngài đã dành 8 năm cuối đời nghiên cứu Đạo Phật. Với tinh thần độc lập tự chủ, muốn có một tôn giáo mang màu sắc dân tộc, Ngài đã cùng các đệ tử sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử -một thiền phái có tư tưởng và hành đông tích cực – Đạo Phật nhập thế.

Ra đời trong một thời gian ngắn, Thiền phái trúc lâm Yên Tử đã phát triển và ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội đương thời. Đặc biệt, ý thức tự lực, tự cường dân tộc đã được hậu thế ngày nay đánh giá rất cao – một di sản quý giá cần được trân trọng và gìn giữ.

Sau khi Tam tổ Trúc Lâm thị hiện Niết Bàn, Thiền phái Trúc Lâm còn xuất hiện nhiều các bậc cao Tăng thạc đức xuất chúng. Cũng có lúc bị thăng trầm theo thời gian và thế sự. Sau một thời gian lắng xuống Thiền phái lại được chấn hưng bởi đức Tuệ Đăng Tăng thống Chân Nguyên thiền sư.

Chân Nguyên thiền sư đã có công phục hồi và chấn hưng phong trào tu tập theo tư tưởng của Trúc lâm thiền phái, Ngài tiếp tục sự nghiệp khai tràng thuyết pháp và tiếp tăng độ chúng. Ngài đạo tạo ra rất nhiều các bậc danh tăng thời bấy giờ, trong đó có Thiền Sư Như Cảm.

Thiền Sư Như Cảm sau một thời gian tu hành tại Chùa Long Động – thiền viện Trúc Lâm Yên Tử ngày nay, đã về trụ trì và hành đạo, xiển dương chính pháp thiền phái tại chùa Đống Cao. Ngài đã an nhiên hoá thân vào ngày 17 tháng 2 năm ất mão ( 1735 – niên hiệu Long Đức thứ 4).

Với công lao to lớn của Ngài đối với Tổ đình và thiền phái, Tứ chúng đệ tử đã xây tháp cúng dàng để lưu giữ xá lợi muôn đời thờ phụng. Ngày Viên tịch của Ngài từ đó trở thành dịp lễ hội mùa xuân của Tổ đình Đống Cao. Lễ hội đã và đang được phục dựng với nhiều hoạt động phong phú cả về phần lễ và phần hội.

Sáng cùng ngày BTC cũng được cung đón ông Bùi Thanh Quyến – Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương quang lâm trồng cây Bồ Đề cầu nguyện quốc thái dân an. Ông Huỳnh Tuấn Dương thay mặt trung ương UBMTTQVN trao tặng bằng khen tới TT Thích Thanh Vân do có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc năm 2011.