Chiều nay, 25/2/2010 (nhằm ngày 12/ giêng / Canh Dần) tại tại chùa Côn Sơn, BTC lễ hội Côn Sơn Kiếp Bạc đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức lễ hội mùa xuân Côn Sơn năm 2010.
Tham dự hội nghị có TT Thích Thanh Vân – trưởng ban Trị sự tỉnh hội, ông Đặng Việt Cường – Giám đốc sở VHTT Du lịch Hải Dương cùng các thành viên BTC lễ hội ( Sở VH,TT&DL, Sở Nội Vụ, Sở Công An, Sở Giao Thông, Sở Tài Chính, Sở Y Tế, Sở Lao động thương binh và xã hội, Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ, Điện Lực Hải Dương, Tỉnh hội Phật giáo…) và các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình trong, ngoài tỉnh. Hội nghị nghe ông Nguyễn Khắc Minh – Trưởng Ban QLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc trình bày dự thảo kế hoạch và kịch bản tổ chức lễ hội.
Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc năm nay sẽ bắt đầu từ ngày 1/3 (tức ngày 16 tháng Giêng). Phần lễ dâng hương sẽ được tổ chức trong 3 ngày liên tục để nhân dân dâng lễ Tổ Đường, lễ rước nước, lễ tế đền Ngũ Nhạc, lễ Mông Sơn Thí thực cầu quốc thái dân an… Phần hội sẽ khai mạc giải Vật Côn Sơn 2010 và các hoạt động văn nghệ, thư pháp…
Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (Chí Linh – Hải Dương) là quần thể di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia. Đây là chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ Huyền Quang (1254-1334) từng tu hành và viên tịch tại chính mảnh đất này. Nơi đây cũng là chốn thiêng từng gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của hai danh nhân kiệt xuất, Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) và Anh hùng, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442).
Côn Sơn – Kiếp Bạc có 2 kỳ lễ hội, mùa xuân và mùa thu. Lễ hộimùa xuân năm nay sẽ bắt đầu từ ngày 1/3 (tức ngày 16 tháng Giêng). Đây là năm cuối cùng, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức theo đề án lễ hội truyền thống quốc gia (2006-2010) nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá phi vật thể. Và trên hết, giáo dục lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, đoàn kết trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Dự kiến, vào hội sẽ có hàng chục vạn người hành hương về trẩy hội. Công tác tổ chức, giữ bình an nơi chốn thiêng luôn luôn được đặc biệt quan tâm.
Theo báo cáo của ban Tổ chức lễ hội, mọi công việc đã được hoàn tất sẵn sàng đón khách cho ngày khai hội. Khác với những năm trước, năm nay Ban Tổ chức thành lập các tiểu ban công tác nhw Tiểu ban ANTT; Khánh lễ, tuyên truyền; Tài chính, hậu cần và Đoàn kiểm tra liên ngành…
Các tiểu ban đều do lãnh đạo các ngành Văn hoá, Công an huyện Chí Linh, Ban Quản lý khu di tích trực tiếp phụ trách, chỉ đạo. Các tiểu ban luôn thường trực 24/24h bảo đảm an toàn cho tất cả các khâu. Với mục đích cao nhất nhằm tôn vinh tư tưởng nhân nghĩa của các bậc vĩ nhân trong bình an.
Từ lâu, Côn Sơn đã trở thành điểm du lịch tâm linh quen thuộc, thấm đậm tâm hồn dân tộc Việt Nam. Chỉ nói riêng chùa Côn Sơn. Trải qua các triều đại Trần, Lê, Nguyễn, chùa Côn Sơn luôn được coi là chùa chốn Tổ "Quốc Tự" của đất nước. Ngày nay Đảng và Nhà nước ta xếp hạng là một di tích lịch sử văn hoá đặc biệt của quốc gia.
Năm nay, các nghi lễ tiếp tục được phục dựng trên nguyên tắc tôn trọng, kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống tiêu biểu cho phong cách, nếp sống của nhân dân vùng văn hóa xứ Đông, với các nội dung gồm lễ cáo yết trời đất tại đền Ngũ Nhạc, lễ tưởng niệm 676 năm ngày viên tịch của đệ tam Thánh tổ Huyền Quang, lễ rước bộ, rước nước thiêng, đàn Mông Sơn thí thực cầu an, lễ dâng hương tại đền thờ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, chùa Côn Sơn, các trò chơi dân gian và biểu diễn nghệ thuật….
Lễ hội Côn Sơn được hình thành, phát triển từ việc các Phật tử tổ chức ngày giỗ của thiền sư Huyền Quang. Tam tổ thiền phái Phật giáo Trúc Lâm gồm ba vị: Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Pháp Loa. Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái này.
Kỷ niệm ngày viên tịch của Thiền sư Huyền Quang, nhân dân từ mọi miền đất nước hành hương về trẩy hội, tưởng niệm các bậc vĩ nhân và trở thành lễ hội không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc.