Trang chủ Tin tức Hải Dương: Chùa Tường Vu khởi đúc tượng Phật

Hải Dương: Chùa Tường Vu khởi đúc tượng Phật

239

Ngày Chủ nhật 10-1( Tức 26-11 Kỷ Sửu) Tăng ni cùng đông đảo Phật tử Chùa Tường Vu-xã Cộng Hòa- huyện Kim Thành đã long trọng tổ chức Đại lễ đúc tượng Thích Ca thuyết pháp. Hòa thượng-Pháp sư Thích Thiện Trí -Ủy viên Thường trực Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam(TWGHPGVN); Thượng tọa Thích Thanh Vân-Ủy viên TWGHPGVN, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương đã quang lâm về dự.

Chùa Tường Vu, có tên chữ là Thiên Phúc Tự. Xa xưa, chùa được xây dựng ở bên bờ sông Kinh Thày. Cũng giống như bao ngôi chùa khác của Việt Nam, đây là một công trình kiến trúc độc đáo làm nơi thờ Phật nên luôn giữ được vẻ cổ kính, u tịch, trang nghiêm nhưng rất đẹp, cảnh sắc tốt tươi. Năm 2000, nhà sư trụ trì là Thích Quảng An đã mua đất, mở mang được khuôn viên, tu bổ lại ngôi chùa, tòa tam bảo cùng tòa tam quan khá bề thế bằng tiền của nhà chùa và công đức của nhân dân địa phương…… Chùa Thiên Phúc đã gần trở lại như xưa, mang nét đẹp văn hoá dân tộc. Đó cũng là một công trình của con người góp thêm vào bức tranh toàn cảnh của làng quê được hoàn mỹ.

Thể theo nguyện vọng của Tăng ni Phật tử mong muốn có một pho tượng Phật Thích Ca lớn bằng đồng để thờ trong tòa Tam bảo cho tương xứng với quy mô và lịch sử của ngôi chùa. Được sự đồng thuận của chính quyền các cấp, TWGHPGVN cùng Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương. Đại đức Thích Quảng An cùng tăng ni Phật tử tổ chức đi vận động và đã nhận được ủng hộ của một số doanh nghiệp, một số tổ chức cùng nhân dân…bày tỏ tín tâm, phát tâm công đức bằng tinh thần và vật chất để quyết định đúc pho tượng đồng lớn Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp.

Các nghệ nhân đúc đồng ở Tống Xá, Vạn Điểm (huyện Ý Yên-Nam Định) một trong những cái nôi của nghề đúc đồng ở nước ta, với hàng chục công trình-tác phẩm tượng tầm cỡ quốc gia đã được chính những nghệ nhân nơi này thực hiện bằng chính hoa tay, tâm sức của họ, đã được mời thể hiện và đúc pho tượng đặc biệt này.

Được biết, làng Tống Xá,Vạn Điểm xưa chỉ đúc những mặt hàng đơn giản như đồ thờ cúng, đỉnh đồng, lư hương. Đến nay, sản phẩm của họ ngày càng đa dạng, tinh xảo hơn với những bức tượng Phật, danh nhân, lãnh tụ.v.v… Đó là những công trình nặng hàng chục, hàng trăm tấn, thể hiện tinh thần, ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại…

Nghề đúc đồng đã rất vất vả, nguy hiểm, nhưng lại cần phải thật tỉ mỉ, tinh xảo mới tạo ra được sản phẩm hoàn hảo. Người thợ đúc phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cách chọn đất xây lò, nhóm lửa, chọn đồng đến làm khuôn, nấu chảy các mẻ đồng… Tất cả phải được thực hiện thận trọng, chuẩn xác để đảm bảo cho sản phẩm…công đoạn quan trọng nhất và cũng quyết định nhất trong quá trình sản xuất là lúc rót đồng vào khuôn. “Gần như người thợ gửi gắm cả tâm hồn, sức lực của mình vào tác phẩm”.

Được biết khi hoàn thành, pho tượng đồng này có chiều cao là 3m7, nặng 4,5 tấn, trị giá trên1,2 tỷ đồng và sẽ được rước đặt trong tòa Tam bảo của chùa Thiên Phúc. Đây là việc làm mang đậm ý nghĩa, đồng thời thể hiện sâu sắc trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa. Tâm niệm của Tăng ni-Phật tử, đây còn là công trình của lòng dân hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội./.