Trang chủ Tin tức Hà Tĩnh:Lễ bổ nhiệm trụ trì Chùa Thiên Tượng

Hà Tĩnh:Lễ bổ nhiệm trụ trì Chùa Thiên Tượng

151
Về chứng minh và tham dự buổi lễ hôm nay có: Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm – PCT HĐTS kiêm trưởng ban Hoằng pháp TWGH PGVN, trưởng BTSPG tỉnh Hà tĩnh; Đại đức Thích Viên Như – Phó BTS kiêm Chánh thư ký tỉnh hội PG Hà Tĩnh cùng chư tôn đức trong thường trực BTS tỉnh hội PG Hà Tĩnh.

Về phía lãnh đạo chính quyền có: Ông Lê Văn Bình – Ủy viên ban thường vụ Thị Ủy, Phó Chủ Tịch UBND Thị xã Hồng Lĩnh; Ông Đặng Ngọc Huấn – Ủy viên ban thường vụ Thị Ủy, Trưởng ban dân vận; Ông Lê Bá Lợi – Ủy viên ban thường vụ Thị Ủy, Chủ tịch UBMTTQ Thị Xã; Bà Nguyễn Thị Khanh – Bí thư Đảng ủy Phường Trung Lương cùng các ban ngành lãnh đạo Thị xã Hồng Lĩnh, phường Trung Lương và đông đảo đồng bào phật tử của 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An cùng về tham dự.

Chùa Thiên Tượng là 1 di tích danh thắng của VN đã được xếp hạng Di tích Quốc gia do Bộ Văn hóa thông tin ra quyết định ngày 19/1/2004. Chùa được kiến tạo từ thế kỷ 14, thời đại nhà Trần, là 1 ngôi cổ tự danh lam nổi tiếng thời bấy giờ và được xếp thứ 2 sau di tích Chùa Hương ở Can Lộc. Sở dĩ tên Chùa là Thiên Tượng vì Chùa tọa lạc trên khuôn viên ở độ cao 227m so với mặt nước biển trên mái Tây núi Hồng Lĩnh, phía Tây có 1 tảng đá hình dáng voi trời án ngự. Chùa là 1 điểm thu hút khách thập phương về chiêm bái và thưởng ngoạn cảnh vật mà thiên nhiên đã ban tặng một bức tranh kỳ thú. Chúng ta hãy lắng nghe câu ca truyền miệng như sau:
Muốn vui lên Chùa Thiên Tượng.
 Ấy là vì: Chùa Thiên Tượng bóng xanh cảnh lạ.
Vốn thợ trời tạc đá nên voi.
Ăn trầu nhớ miếng cau khô
Trèo lên Thiên Tượng nhớ cô bán hàng.

Trải mấy trăm năm từ đời Trần – Lê rồi triều Nguyễn, tiếng chuông Thiên Tượng vẫn nối nhịp cầu tâm linh cho bao thế hệ người dân. Nơi đây cũng đã in dấu bước chân của các đấng quân vương, trọng thần và bao tài tử thi nhân lỗi lạc. Từ thám hoa Nguyễn Huy Oánh, đến Uy viễn Tướng quân Nguyễn Công Trứ hay Vua Thiệu Trị.v.v.. bất kì ai đặt chân đến nơi đây đều có cảm hứng tạo nên những vần thi ca đầy xúc cảm:

 
Trái xem thế giới khắp ba nghìn
Đòi một là đây chốn tượng thiên
Ánh ỏi chim ca vang tiếng kệ
Nhặt khoan tiếng suối tỏ rừng thiền
 
Hoặc: Sương bủa non cao biết 1 màu
Lầu hoa chùa đẹp thảy tìm đâu
Tuyết mờ voi đá am thanh vắng
Trăng rọi khe rồng núi trắng phau
.
(Nhà sử học Thái Kim Đỉnh dịch và giới thiệu)

Chùa Thiên Tượng là nơi dừng chân Hoằng pháp độ sinh của 1 Thiền Sư nổi tiếng hiệu là Chuyết Công. Vào năm 1631 khi Ngài đi thiên lý từ đàng trong ra Bắc Hà mà đã được tài liệu sử luận PGVN đề cập và đã được hội đồng khoa học nhà nước thẩm định. Ngài Chuyết Công đại sư đã dừng chân tại Chùa Thiên Tượng để hành đạo và giáo hóa thu nạp rất nhiều đồ chúng nơi này trong 3 năm trước khi ra Bắc trụ trì Chùa Bút Tháp và Phật Tích ở Bắc Ninh ngày nay.

Năm Ất Dậu 1855, sau biến cố kinh thành Huế, Vua Hàm Nghi chạy ra Hà Tĩnh phát động phong trào Cần Vương, Chùa Thiên Tượng là nơi hoạt động của những nhà chí sĩ yêu nước và được các vị Sư ở đây che chở, trợ cấp tiền, gạo phục vụ cho nghĩa quân như Cụ Phan Đình Phùng, tướng Cao Thắng… Khi bị lộ, giặc Pháp và tay sai đốt Chùa. Chùa bị giặc đốt thì nhân dân lại phục dựng, vì đây là chốn nương tựa tâm linh của mọi người.

Đến thời kỳ 1930-1931, Đảng cộng sản VN ra đời, nơi đây là căn cứ của tổ chức hoạt động, các vị Sư và phật tử trợ giúp lương thực, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng kháng chiến chống Pháp. Một lần nữa ngôi Chùa lại bị tàn phá, các vị sư bị hành hạ tàn nhẫn nhưng họ vẫn không ngả lòng, quyết bảo vệ tổ chức. Chính có sự đùm bọc che chở đó nên các vị sư đã được ghi vào sử sách. Đảng cộng sản VN kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, trên báo nhân dân số ra ngày 2/2/1990 có đăng bài nhan đề “các nhà sư đi với Đảng” của tác giả Nguyễn Việt Hồng nói cụ thể về lịch sử ngôi Chùa Thiên Tượng có công đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến chống Pháp, mà công lao ấy lại thuộc về các vị Sư tu hành. Điều đó chứng tỏ giữa đạo và đời hòa quyện với nhau khăng khít là vậy.