Dòng sông Ngàn Phố hôm nay, nơi mà khúc sông chảy qua ngôi chùa Tượng Sơn có cảm giác như nước cũng muốn chảy chậm hơn mọi ngày thì phải. Bởi vì dòng nước kia và tất cả những sinh vật đang sống trong dòng sông này cũng muốn được nhìn thấy chùa Tượng Sơn sao hôm nay có nhiều Vị Tăng Ni đến thế? sao đông người thế, sao vui thế? Nước sông ơi! hãy tạm dừng lại chút ít thôi để cho các loài thủy tộc như chúng ta cũng muốn được nghe một lời kinh, tiếng kệ. Để cho chúng ta được xem, được nghe lời Tách Bạch của vị Tân Trụ trì ngôi chùa này. Để cho chúng ta được nghe bài kinh trong buổi cúng dường Trai Tăng hay chẩn tế Trai đàn cho những hương linh con người hay các loài ngạ quỉ xúc xanh vất vưởng đâu đây được siêu thoát. Để cho chúng ta được nghe một buổi giảng Pháp về cốt lõi của đạo Phật về Đức Phật lịch sử, về những triết lý nhân quả của Đức Phật.
Những ai hàng ngày phải ngồi trên xe máy nhích từng bước trên đường phố thì mới thấy quí từng phút được đắm mình trong thiên nhiên nơi đây. Một miền quê biên giới có con sông quê hương xanh mát bên nở bên bồi, có dãy núi xa xa, có những bãi ngô xanh mướt, chiều chiều có tiếng chuông chùa thảnh thơi ngân vang đã làm nên một miền quê an lạc, thanh bình.
Mới chỉ ngày hôm qua thôi, nắng nóng đầu mùa lên đến 33- 35 độ thì sáng nay thời tiết Hà Tĩnh, thời tiết Hương Sơn tuyệt vời đến thế, những tưởng sáng sớm những đám mây kia sẽ đổ nước, nhưng không, mây dần tan, gió mát lành lạnh, thời tiết trở lên mát mẻ dễ chịu nhiệt độ chỉ còn 25-27 độ. Người dân nơi đây bảo rằng “ thời tiết hôm nay là lý tưởng nhất trong năm ”. Ai đã hai lần có mặt tại ngôi chùa này trong vòng một tháng qua chắc đều có cảm giác Đất Trời vạn vật nơi đây cũng muốn reo vui và ủng hộ ngôi chùa này. Câu nói này hoàn toàn không quá chút nào cả. Quả đúng là như thế lần trước mưa phùn gió bấc cả tuần tới tận đêm thế mà chỉ trước giờ khánh thành chục tiếng thì thời tiết cũng lại là đẹp nhất trong mùa đông và hôm nay cũng vậy.
Vậy là cờ Phật giáo, cờ Tổ Quốc lại tung bay trước gió làm cả một quãng đường vào chùa và trước cổng chùa hòa quyện cùng mầu xanh của cây cối làm tô điểm ngôi chùa thêm trang nghiêm và đẹp đến thế. Có vị Thượng Tọa từ miền Tây ra cứ khen hoài “Chùa đẹp quá, đúng là một ngôi chùa thuầnViệt”.
Đất trời đã ủng hộ như vậy còn lòng người thì sao?
Mới chỉ một tháng thôi chúng tôi trở lại Tượng Sơn mới thấy được sự đổi thay. Căn nhà bếp với thiết bị hiện đại thay thế cho những bếp củi thế là mắt các chị không phải cay cay vì khói củi. Đêm qua các chị vẫn thức để chuẩn bị cho 100 bàn ăn và 1000 hộp cơm cho bữa ăn trưa nay. Các chị đã đến đây mấy ngày nay để phục vụ chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này. Thật là cảm phục tầm lòng của các chị các em phục vụ hậu cần bao nhiêu chúng tôi lại cảm phục tấm lòng của các em thanh thiếu niên ở đây. Sau buổi biểu diễn văn nghệ do các Nghệ sĩ của Nghệ Tĩnh và TP. HCM biểu diễn đã là 22h30 vậy mà các em trong đội thanh niên Phật Tử của chùa nhanh chóng tiếp cận sân khấu tranh thủ tập múa, 23h, 23h30 các em mới nghỉ. Có một cô cư sĩ vừa là nhà báo, vừa là một nhà giáo lại có tài làm thơ từ Hà Nội vào tận đây kiêm luôn MC cho trương trình ca nhạc, quả thật là những tấm lòng vàng, những tấm lòng mang hạnh nguyện Bồ tát.
Về tham dự buổi lễ Trụ trì có tất cả các Phật tử ở ba miền đất nước. Đoàn Hà Nội với 38 người trong đó có gần 20 vị là y bác sĩ mang theo cả thuốc và dụng cụ khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho các Phật tử chùa Tượng Sơn. Thật đáng trân trọng biết bao nhiêu tấm lòng của các anh chị. Các anh chị đúng là những hậu duệ của đại Danh Y Hải Thượng Lãn Ông. Một điều hết sức thú vị và ý nghĩa, có lẽ cũng là một điều hết sức đặc biệt ở đoàn Y bác sĩ này, các chị còn chuẩn bị một bài hát tự các chị sáng tác và biểu diễn với bài “ Ơn Thầy” để chút nữa thôi các chị sẽ hát tặng Thầy ngay sau khi Thầy nhận quyết định Trụ trì.
Đoàn Sài Gòn với 55 người trong đó có 30 Vị là Hòa Thượng, Ni trưởng, Thượng Tọa, Đại Đức, Ni Sư cùng đoàn Phật tử TP-HCM về Tượng Sơn tham dự lễ bổ nhiệm Trụ Trì mang theo 39 thùng hàng bao gồm Kinh, sách, dĩa và quà tặng do chùa Giác Ngộ và Phật tử tp. HCM ấn tống và cúng dường. Có những Phật tử và Ni sư đã ra đây vài ngày trước để phục vụ cho công việc chuẩn bị. Còn rất nhiều những tấm lòng vàng, những tấm lòng bồ tát đã về đây để tận tâm phục vụ cho buổi lễ.
Người ơi! hãy đứng lại hai bên đường, hãy dừng lại ít phút cùng chắp tay như búp sen trước ngực. Nước sông ơi! hãy tạm dừng chảy ít phút thôi và chim ơi! hãy cất vang tiếng hót ca để làm thành bản hòa tấu chào đón và chiêm ngưỡng đoàn Thượng tọa, Đại Đức cùng các Phật tử trong bộ áo dài đồng phục cánh sen hay trong những bộ áo dài Việt đẹp nhất đang rước tôn tượng, cung Nghinh Chư Tôn đức quang lâm.
Đã bao lâu rồi, đã bao năm rồi, hay đây là lần đầu tiên? nơi đây được chứng kiến một lễ nghi, tôn nghiêm trang trọng nơi cửa Phật đến như vậy thưa ngoại “đây là lần đầu tiên cô ạ” một cụ năm nay 89 tuổi đã trả lời tôi như vậy “thế Ngoại có vui không? vui, vui lắm cô ơi”.
Chỉ mới có hai tháng 3 ngày thôi mà tại ngôi chùa này đã có 1200 phật tử được Qui y Tam bảo, hàng tuần được nghe giảng Pháp, mỗi tối về là tiếng kinh kệ với lời thuần Việt được vang lên. Chỉ chiều hôm trước thôi với 1000 em học sinh của ba trường tiểu học, trung học về đây nghe Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát nói chuyện, nhìn các em chăm chú nghe Giáo sư nói chuyện mà thấy được niềm khát khao học hỏi vươn lên mà lòng chúng tôi thấy vui. Tại buổi nói chuyện này 400 xuất học bổng cho các học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn đã được Thượng Tọa Thích Nhật Từ trực tiếp trao tặng.
Vài ngày trước gần 600 em thiếu nhi được thực tập một khóa học với chủ đề nghi thức chào hỏi, cách lậy Phật và học cách biết nói lời cám ơn và lời xin lỗi do Ni Sư Như Toại từ Sài Gòn ra hướng dẫn. Hàng tuần, hàng tháng vào các sáng chủ nhật các em lại được đến đây, trước tiên là được nghe những câu, những lời nói hay ý đẹp và các em sẽ được học chữ Hiếu, học chữ Từ, học chữ Nhẫn, học chữ Tâm và đọc những bài Kinh ngắn trong bản Kinh Phước Đức… các em được vui chơi, ca hát những bài hát ca ngợi về đức Phật, về quê hương đất nước. Vậy là các em ngay từ bây giờ đã bước đầu được biết đến Phật pháp, thế là các em đã có phước báu hơn cả ông bà cha mẹ rồi, thật là hạnh phúc. Nơi đây, ở bất kỳ thời đại nào, miền đất này cũng sản sinh ra bao danh tài hào kiệt cho đất nước. Chắc chắn khi lớn lên các em vừa được thừa hưởng suối nguồn tổ tiên cha ông để lại, vừa được dưỡng dục đạo đức của Đức Phật từ nhỏ, các em sẽ trở thành những người con sống trước hết có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội và biết đâu trong số 1000 em học sinh kia sẽ có em trở thành những nhân tài kiệt xuất làm dạng danh đất Việt như tổ tiên ông cha các em trên mảnh đất đắc địa nhân tài xứ Nghệ này.
Có một vị Hòa Thượng đã phát biểu “Thượng tọa Thích Nhật Từ là một viên ngọc sáng của Phật giáo nước nhà”.
Đúng thế! Thầy là một viên ngọc sáng, một người Thầy đi tiên phong trong việc nỗ lực hoằng pháp đưa Phật giáo Việt Nam từng bước quay trở lại với Đạo Phật gốc, trở về với Đức Phật lịch sử. Cũng vì là người đi tiên phong trong việc bài trừ mê tín trả về cho đạo Phật là một tôn giáo với cốt lõi của Tứ Diêụ Đế, của Bát chánh Đạo của triết lý định luật Nhân Quả mà trên con đường Thầy đi không phải là không có trở ngại, gian khổ, không phải một sớm một chiều mà có thể tháo bỏ được những tư tưởng mê tín đã bám xâu vào đạo Phật cả 1000 năm qua.
Thượng tọa là tác giả là dịch giả của rất nhiều cuốn sách về Phật học là chủ biên tập Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay và nhiều băng tân nhạc, cổ nhạc, thơ ca Phật giáo và gần 3000 bài pháp thoại đủ mọi chuyên đề. Thầy đã giảng dạy các lớp cao đẳng Phật học tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cần Thơ, lớp Cao cấp Giảng sư và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thượng tọa cũng là người đầu tiên đi vào trong các trại giam tại Thái Nguyên và Giồng Trôm giảng dậy. Với hơn 3000 bài Pháp thoại được giảng dậy khắp trong Nam ngoài Bắc và vượt qua biên giới Việt Nam tới Úc, Hoa Kỳ và Châu Âu.
Năm 2007-2008: Chủ nhiệm Ban thư ký quốc tế, đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vietnam). Năm 2009-2010: Thành viên biên soạn Bộ Kinh Điển Phật giáo chung của Ủy ban tổ chức quốc tế của đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc. Thượng tọa cũng là Thành viên Ban biên tập Đại Tạng kinh Việt Nam và TT cũng là một trong những người đầu tiên chủ trương đưa các bản dịch kinh điển sang thuần Việt.
Ngày 28/11/2010 tại Trường Đại học Mahamakut, về người ngoại quốc, TT. Thích Nhật Từ là người thứ 4 nhận tiến sĩ Phật học danh dự tại trường này. Đối với Phật giáo Việt Nam, TT. Thích Nhật Từ là người thứ sáu nhận bằng tiến sĩ danh dự từ Thái Lan và là người đầu tiên nhận tiến sĩ danh dự từ trường Mahamakut cho những người có công đóng góp cho phát triển Phật giáo thế giới và Phật giáo Thái Lan.
Vào tháng 12 năm 2012, Thầy Thích Nhật Từ chính thức được GHPGVN tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng tọa.
Thượng tọa cũng là nhà hoạt động xã hội, góp phần làm vơi đi nỗi khổ niềm đau, giúp người bị thiên tai, hỗ trợ người già và tàn tật, trẻ em mồ côi, mổ mắt từ thiện và các hoạt động xã hội khác…
Và hôm nay Thầy có mặt tại đây:
Thầy là Thầy của Nhân duyên
Đem ánh sáng Phật tới miền quê xa.
Thầy ơi! khi nhìn những nụ cười, những ánh mắt vui sướng của những người dân nơi đây, một huyện miền biên giới, từ trẻ thơ đến cụ già 89 tuổi sao chúng con thấy khóe mắt cay cay dâng trào một nỗi niềm vui sướng. Chúng con thật tự hào về Thầy, nhưng khi được nghe những lời Tách Bạch của Thầy khi nhận quyết định trụ trì chùa Tượng Sơn thì trách nhiệm nặng nề này lại làm cho những giây phút nghỉ ngủ của Thầy còn lại quá ít. Sáng Thầy ở Hà Tĩnh chiều về thành phố Thầy đã đi giảng bài, tối giảng Pháp, đêm về dịch kinh sách, viết bài… sáng sau Thầy đã có mặt tại ThaiLan để đi Ấn Độ hay sáng Thầy giảng cho khóa tu sinh viên tại chùa Hoằng Pháp thì đầu giờ chiều Thầy đã có mặt ở Hà Tĩnh, hay sáng ở TP-HCM chiều Thầy đã giảng Pháp tại Phan Thiết hay An Giang… và vài ngày tới Thầy lại có mặt ở một nơi rất xa tít tận vùng sâu của Quảng Trị.
Thầy ơi! Thầy khỏe, thật khỏe nhé! Để cho những miền quê hẻo lánh này được thường xuyên nghe những bài giảng của Thầy, được trực tiếp nhìn thấy Thầy và Thầy cũng nhớ còn rất nhiều bản kinh điển còn toàn từ Hán Việt đang rất cần có Thầy chuyển sang thuần Việt. Còn có bao nhiêu Tăng Ni sinh đang chờ thầy giảng những bài ngôn ngữ Phật học khó và khô khan đấy, Những chữ nghĩa trong các bản Kinh Trung Bộ, Kinh Tăng Chi Bộ, rất khó nhưng mà không thể không học.
Còn có bao nhiêu sinh viên, thanh niên khắp mọi miền đất nước muốn được nghe các bài giảng của Thầy về kỹ năng sống đời thường, về áp lực thi cử, về đứng dậy sau vấp ngã, về tình yêu hôn nhân và hạnh phúc về ước mơ làm giầu chân chính…
Còn có bao nhiêu các gia đình trên mọi miền đất nước muốn được nghe Thầy giảng về bảy loại vợ và bảy loại chồng mà Đức Phật đã nói để cho hạnh phúc gia đình được đong đầy, để cho những đứa con sống trong một gia đình trọn vẹn có cha có mẹ…
Còn có bao nhiêu tù nhân, những tay hảo hán giang hồ, hay những tử tù rất cần được nghe những bài giảng hay những hướng dẫn tập Thiền của Thầy để khơi dậy trong sâu thẳm nơi đầy bóng tối ấy sống dậy niềm tin hay một chút lòng từ còn sót lại để đứng dậy làm lại từ đầu, để khi hết hạn tù họ sẽ hòa nhập với cuộc sống, không tái phạm vào những sai lầm để làm khổ đau cho gia đình và bản thân, cho xã hội.
Còn có hàng vạn người đang xì xụp cầu xin Đức Phật cho con được tiền tài, bổng lộc, chức tước danh vọng, hạnh phúc xin cho con được giải thoát, cho con được siêu sanh tịnh độ, … trong khi bản thân còn tham sân si đầy mình hay chưa bao giờ làm được điều gì để tích phước… Chúng con đang rất cần Người mang những lời dậy của Đức Phật đến hướng dẫn cho chúng con thoát ra khỏi u mê mà chúng con đã bị đắm chìm hàng ngàn năm qua. Chúng con vui buồn hay đau khổ gì cũng cứ nghĩ đến Đức Phật cầu xin là được tai qua, nạn khỏi hay xin gì được lấy. Không được thì chúng con nghĩ là mình chưa thành tâm hay chán nản“ Phật không thiêng” thế là không thèm đến chùa nữa. Có khi chúng con cứ ngỡ đi chùa mấy chục năm rồi là mình đã quá tinh tấn, sáng sáng tối ngày không lúc nào không niệm Phật nhưng thực ra miệng niệm nhưng tâm thì lại không lấy Đức Phật để làm tấm gương soi để học tập và làm theo. Có khi chúng con mới chỉ làm được một hạt cát công đức thôi thì đã khoe khoang với thiên hạ là ta đã tinh tấn hay cúng vào chùa vài đồng bạc lẻ nhưng phải có Thầy biết, phải đưa trực tiếp cho Thầy mới được. Đến tượng Phật chúng con cũng ép nhận đầy tiền thật. Còn tiền Vàng mã chúng con đốt nóng cả sân chùa, hay trước cửa chùa rượu bia, máu thịt động vật tuôn chảy đầy vào cái nghĩa trang bao tử của chúng con nhưng lại cứ mong khi chết đi thì được ban hộ niệm, niệm Phật cho siêu sanh tịnh độ, hay cầu xin gì được lấy.
Có khi chúng con không tài, không đức lại cứ muốn được làm quan, nên bằng mọi giá tranh giành bằng được tờ giấy được cho là đóng Ấn vua ban hay xì xụp lậy Phật cho con được thăng quan tiến chức, cho con tiền vô như nước tiền ra nhỏ giọt, hay vạn sự như ý… càng nghĩ chúng con càng vô minh quá phải không Thầy?
Giờ đây, chúng con đã được Thầy hướng dẫn đi theo chánh Pháp chúng con xin được:
“ Con xin nương tựa Phật,
Bậc Phước chí Viên Thành
Cầu tất cả chúng sanh
Giác ngộ phát tâm lành.
***
Con xin nương tựa Pháp,
Nguồn tuệ giác từ bi
Cầu tất cả chúng sanh
Hiểu đạo rõ nguồn tâm.
***
Con xin nương tựa Tăng
Đoàn thể sống an vui
Cầu tất cả chúng sanh
Hòa hợp thương mến nhau.
***
Bước đường hoằng Pháp của Thầy còn rất dài thênh thang và rộng mở nhưng trên con đường Thầy đi khô
ng phải không có đá, sỏi hay những hố sâu, gò nổi gập ghềnh … nhưng chúng con tin rằng với tài đức và tâm huyết tròn đầy cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới của Thầy, cộng với Trời Đất vạn vật và lòng người đang reo ca chúc mừng, ủng hộ Thầy và theo Thầy trên khắp mọi miền đất nước. Thầy sẽ mãi mãi là một viên ngọc ngày càng sáng cho Phật giáo nước nhà.
Buổi lễ vừa kết thúc viên mãn thì trời bắt đầu mưa giăng nhẹ hạt ai cũng bảo thật tuyệt vời. Đúng là lòng người, Trời Đất vạn vật như đang reo ca đón Thầy về.
Sài Gòn tháng 3 năm 2013
Giác Hạnh Hoa