Buổi lễ đặt dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh, Đường chủ Hạ Trường PG tỉnh Hà Tĩnh; ngoài ra còn có sự hiện diện của chư Tôn đức Tăng Ni trong tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, cùng đông đảo nhân dân Phật tử xa gần.
Về phía chính quyền cấp tỉnh có: Ông Hoàng Trung Dũng – Ủy viên ban Chấp hành TW Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh; Ông Nguyễn Đình Dũng – Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; bà Nguyễn Như Ngọc – Phó chánh VP tỉnh ủy; Ông Trần Minh Kỳ – Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh; ông Hà Văn Thạch – Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng BTC tỉnh ủy; Ông Phan Quốc Khánh – Trưởng Ban Tôn giáo Tỉnh Hà Tĩnh; Ông Nguyễn Trung Hiếu – Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Chấp hành UBND thành phố Hà Tĩnh cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành tỉnh, thành phố và địa phương sở tại.
Mở đầu buổi lễ là nghi thức dâng hoa và dâng lục cúng cúng dàng Tam Bảo của các bạn Thanh thiếu niên Phật tử chùa Giai Lam (Hà Tĩnh).
Nhân dịp này, đại diện chính quyền các cấp cũng có những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng tới chư Tôn đức BTS Phật giáo tỉnh nhà nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu.
Tại đây, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã niệm hương phụng thỉnh Tam Bảo chứng minh, phụng thỉnh chư tôn hương linh trăm họ và anh hùng liệt sỹ tọa vị đàn tràng. Trong tinh thần tri ân và báo ân sâu sắc, Hòa thượng đã trang nghiêm thực hiện nghi thức dâng trà cúng dàng chư Phật, cúng chư vị lịch đại Tổ sư để tỏ lòng tri ân trong nhiều đời nhiều kiếp.
Tiếp đến, đại chúng đã cùng lắng đọng tâm tư nghe Sư Cô Thích Anh Nghiêm đọc bài cảm niệm vu lan, nói lên công đức sinh thành dưỡng dục to lớn của cha mẹ. Trong tiếng nhạc du dương réo rắt, từng kí ức thời ấu thơ bình yên hạnh phúc bên cha mẹ như tái hiện trong tâm khảm mỗi người qua bài cảm niệm, khiến không gian như trở nên trầm lắng, có những giọt lệ khẽ dâng trào nơi khóe mắt của những người con khi nhớ nghĩ về hai đấng sinh thành.
Tiếp đó, các bạn thanh thiếu niên Phật tử đã thực hiện nghi thức bông hồng cài áo để nhắc nhở mọi người về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, bông hồng màu vàng cho người xuất gia, màu đỏ cho những ai còn cha mẹ, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời.
Hoa hồng là biểu tượng của tình thương yêu, sự cao quý, nhớ ơn hai đấng sinh thành đã chắt chiu nuôi dưỡng để ta trưởng thành qua bao năm tháng, đó cũng là truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn…”, báo hiếu cha mẹ, báo ân thầy tổ là những nét đẹp tinh thần quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người, đặc biệt là với những người con Phật.
Sau mỗi mùa an cư kiết hạ kết thúc, Chư tôn đức Tăng ni thêm một tuổi đạo mới. Đây cũng là dịp để các học trò đệ tử bày tỏ lòng hiếu đạo đối với bậc Tôn sư – những bậc Thầy mô phạm đã dìu dắt, nâng đỡ và đưa giáo lý Phật đà truyền trao cho hàng hậu học. Đức Phật cũng từng dạy: “Tùy thuận thiện sự học đắc kiến hằng sa Phật”, Thầy tổ là bậc hướng đạo của chúng đệ tử, đã thay Đức Thế Tôn dạy dỗ, giúp hàng đệ tử không chỉ xuất gia mà cả tại gia được khai tâm mở trí, tiến tu đạo hạnh. Nhờ công đức giáo hóa của bậc Tôn sư, chúng đệ tử biết đường tà nẻo chính, để nghiêm thân tu học.
Với tinh thần đó, dịp này, hàng Phật tử đã thành kính thực hiện nghi thức dâng phẩm vật cúng dàng chư Tôn đức Tăng Ni; đồng thời trong niềm tri ân và báo ân, Đại đức Thích Quảng Nguyên đại diện cho hàng Pháp tử và Thượng tọa Thích Hạnh Nhẫn đại diện cho chư Tôn đức BTS Phật giáo tỉnh nhà đã dâng trà khánh tuế Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – vị Tôn sư của Phật giáo Hà Tĩnh nhằm bày tỏ tình cảm của mình trước vị thầy tôn kính, thể hiện tinh thần “Kính pháp tôn nhân – Tri ân bậc thầy”, đây cũng là một nét đẹp của những người con Phật xuất gia và tại gia.
Trong niềm tri ân và báo ân mùa vu lan báo hiếu, các bạn thanh thiếu niên trẻ tuổi – những chủ nhân tương lai của đất nước đã thành kính dâng lên các bà, các bác, các chú – là những người đáng tuổi cha, tuổi mẹ bằng những chén trà ấm nóng với trọn vẹn tấm lòng tri ân sâu sắc nhất. Đây là một nghi thức mang đậm nét văn hóa của Phật giáo.
Tứ ân cao cả, là điều mà mỗi người luôn phải khắc khi trong mỗi cuộc đời đã được thể hiện rõ nét trong giây phút dâng trà, tinh thần hiếu đạo biết tri ân và báo ân đối với tứ ân sẽ không chỉ được phát khởi vào ngày Vu lan Báo hiếu hay trong tháng 7 âm lịch mà cần được phát huy trong suốt cả cuộc đời của mỗi con người. Đó mới chính là tinh thần của người Việt, tinh thần của Phật giáo.
Cảm động trước lời nói, hành động và tấm lòng tứ chúng đệ tử, Hòa thượng đã ban lời đạo từ, cung kính nhắc lại những tấm gương hiếu hạnh từ Đức Phật cho tới các tiền nhân, chư vị lịch đại Tổ sư, để hàng Phật tử noi theo gương sáng người xưa mà tinh tiến tu học.
Mở đầu pháp thoại, Hòa thượng nhắc lại câu chuyện trong kinh “Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng”, Đức Phật quỳ lạy đống xương khô làm các vị Tôn giả ngạc nhiên và nghĩ rằng Đức Phật là bậc Đại đạo sư Thế tôn sao lại quỳ xuống lạy đống xương khô bên đường.
Từ ngạc nhiên đó, Đức Phật đã ân cần dạy cho Ngài A Nan và chúng ta một điều rằng, đống xương khô này có thể là cha là mẹ của ta trong nhiều đời nhiều kiếp mà ta phải chịu ơn, Đức Phật tôn trọng mẹ cha như vậy, không chỉ là cha mẹ hiện tiền mà cả cha mẹ từ nhiều kiếp trước, là bồ đề quyến thuộc.
Ngài là đấng Đại Từ Bi là bậc đại đạo sư là Đức Thế tôn nhưng công ơn cha mẹ không bao giờ quên. Cũng như hình ảnh Ngài về thăm phụ hoàng bưng bát cháo, khiêng kim quan cho phụ hoàng. Ngài dạy, cha mẹ trong nhà là Phật ở đời, cha mẹ còn là hạnh phúc nhất đời con, chính vì vậy mà hành động của Đức Phật đã cho chúng ta một tấm gương hiếu đạo vô cùng ý nghĩa.
Hòa thượng cũng nhắc lại một tấm gương cao cả đầy hiếu kính đời nhà Trần là Đức Tam tổ Huyền Quang, khi tuổi già Ngài trở về quê nhà thăm cha mẹ. Để phát khởi cho cha mẹ lòng kính tín với Tam Bảo, Ngài đã dựng chùa Ngọc Hoàng ở phía Tây nhà để cha mẹ tiện bề sớm tối lễ Phật nghe kinh.
Hay thời Phật giáo nhà Nguyễn – Cố đô Huế còn dấu ấn về câu chuyện ngôi chùa Từ Hiếu, với sự tích về Hòa thượng Nhất Định. Chuyện kể rằng, có lần mẹ già bị bệnh rất nặng, Ngài đã lập am trong rừng vừa tu hành, vừa hàng ngày lo thuốc thang cho mẹ nhưng bà vẫn không khỏi. Thầy thuốc khuyên Ngài dùng bằng động vật để chữa trị, Ngài nghĩ không dám để tạo tội cho người khác, thà rằng mình chịu tội mà phụng dưỡng được mẹ còn hơn để người khác chịu tội phục vụ mẹ mình. Vì vậy, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, cứ chiều chiều Hòa thượng xuống chợ mua thức ăn cho mẹ đem về hầu thân mẫu, nhờ đó mà mẹ Ngài qua được cơn hiểm nghèo, lần hồi bệnh tình thuyên giảm…
Cũng vì thường xuyên xuống chợ mua động vật mà bị người đời xì xào dị nghị thành mang tiếng này nọ, chê cười đi tu mà còn phạm giới. Không giải thích, không thanh minh, Ngài cứ mặc tình để họ mai mỉa, chấp nhận tai tiếng, một lòng chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ cho đến khi bình phục.
Cố đô Huế lúc đó, những lời dị nghị về một bậc tu hành nổi tiếng từ trước đến nay đến tai vua Tự Đức – một bậc vua anh minh cũng là vị vua hiếu kính trong 13 vua nhà Nguyễn. Vua đi thám thính xem sao và rất cảm phục trước tấm lòng của Hòa thượng Nhất Định tự tay nấu nướng chăm sóc cho mẹ ăn, phần thức ăn còn thừa Ngài cho động vật, còn Ngài vẫn rau dưa thanh đạm mỗi ngày. Sau này am Ngài ở trở thành ngôi chùa và được Vua ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự”.
Hay chuyện về Đức cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm An, hiện bút tích vẫn còn lưu tại chùa Bằng. Ngài viết Biên niên sử, trong đó Ngài ghi bằng chữ hán “Tâm An hoàn tục dưỡng mẫu”. Tức là Ngài không xuất gia nữa để trở về nuôi mẹ. Ba năm sau, Ngài lại nói “Tâm An thân mẫu từ trần”, rồi một đoạn nữa lại viết, “Tâm An tiếp tục xuất gia”. Ngài hy sinh cuộc đời xuất gia của mình không nỡ để cho mẹ ở nhà đau khổ, không người trông nom, không người phụng dưỡng, dù thân đang ở chùa mà vẫn dùng từ “hoàn tục”.
Hòa thượng Quảng Dung huynh đệ với Ngài cho biết, Ngài viết như vậy chứ Ngài vẫn ăn mặc hình dáng của người xuất gia, vẫn giữ giới nhưng ở nhà để trông nom nuôi mẹ và khi mẹ mất xong lo tang lễ về chùa để thụ giới.
Qua các câu chuyện tấm gương của Đức Phật, của các Thánh tăng, của các bậc Thánh Tổ, Hòa thượng muốn nhắc nhở cho tất cả Tăng ni hội chúng dù có thân xuất gia thì cũng không được coi thường cha mẹ, bởi cha mẹ sinh ra thân ta, Thầy tổ sinh ra giới pháp cho ta, hai đấng đó phải song toàn,“Sư trưởng giáo huấn tri ân, Phụ mẫu sinh thành tri đức”.
Sau cùng, Hòa thượng mong rằng đại chúng phải luôn nhớ nghĩ đến tứ trọng ân cao cả mà mỗi người con Phật luôn phải khắc ghi. Đặc biệt, trong mùa báo hiếu này, người xuất gia mang công đức tu tập của mình để hồi hướng cho cha mẹ, nếu cha mẹ còn hiện tại khuyên cha mẹ kính tín Tam bảo tu điều phúc, giữ nề nếp tốt đẹp của người Việt, truyền thống gia tộc. Cha mẹ qua đời cần đọc các bài sám để cho hương linh được nghe, từ đó tỏ ngộ mà giải thoát tiêu dao.
Sau lời đạo từ của Hòa thượng Trưởng BTS Phật giáo tỉnh, toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni cùng đại chúng đã thực hiện nghi thức cầu nguyện, đọc bài sám vu lan hồi hướng về tứ trọng ân.
Ban TTTT Hà Nội