Tham dự chứng minh buổi lễ có: HT.Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch TT HĐTS; HT.Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS; Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; HT.Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch HĐTS; TT.Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT.Thích Thọ Lạc – Ủy viên TT HĐTS; Trưởng ban Văn hóa TƯ; TT.Thích Thanh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng 1 TƯ; NT.Thích Đàm Lan – Ủy viên TT HĐTS, Phó ban TT Phân ban Ni giới TƯ; cùng chư Tôn đức giáo phẩm HĐTS, Tăng Ni các tự viện trong tỉnh và đông đảo Phật tử các nơi đồng về tham dự. Đặc biệt có sự quang lâm của Tăng đoàn Rinpoche Ấn Độ.
Đại diện các cấp chính quyền có: Ông Vũ Chiến Thắng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Thanh Tịnh – Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Bà Hà Thị Mỹ Dung – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh có Ông Võ Trọng Hải – Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Lê Ngọc Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hà Văn Trọng – Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; các ông bà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy – HĐND – UBND – qua các thời kỳ, đại diện các sở ban nghành, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đại diện Huyện ủy- UBND – UBMT TQ huyện Nghi Xuân; Thị trấn Xuân An, hơn 3 ngàn Phật tử, thiện nam tín nữ bà con nhân dân tham dự buổi lễ.
Phát biểu khai mạc, Đại đức Thích Viên Như – Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Nghi Xuân cho biết, chùa Thanh Lương trước đây với khuôn viên rộng lớn, trải qua nhiều biến cố và thời gian chùa bị hư hoại, đến năm 1990 được Phật tử và nhân dân địa phương khôi phục lại, năm 2007 chùa làm lễ bổ nhiệm trụ trì, năm 2008 đúc chuông, năm 2009 đúc 3 pho tượng Tam thế, năm 2010 tổ chức làm lễ phát mộc, năm 2012 động thổ tái thiết và xây dựng các hạng mục công trình cho đến nay đã hoàn thành để tổ chức buổi lễ khánh thành hôm nay.
Tại buổi lễ, Đại đức Thích Quảng Nguyên – Trụ trì chùa Thanh Lương có báo cáo tóm tắt công tác trùng tu xây dựng chùa trong thời gian qua.
Theo đó, qua các nguồn thông tin để lại, chùa Thanh Lương được xây dựng vào khoảng năm 1040. Lúc đó hoàng tử Lý Nhật Quang con trai thứ 8 của Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ) được cử vào trấn ải vùng Hoan Châu và phong cho ông Hiệu là Uy Minh Vương, Lý Nhật Quang đã cùng với các nhà sư xây dựng chùa Thanh Lương trên một gò đất cao tại làng Khải Mông sau đổi tên là làng An Hồng và nay là khối 11, thị Trấn Xuân An, cũng theo thông tin, ông Lý Nhật Quang đã đóng đồn điền doanh trại tại khu vực Xuân Giang, sau này xây dựng thành Đền Huyện thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Cũng có truyền tụng rằng, ông Lý Nhật Quang đã hai lần lập đàn cầu mưa tại đây, nghi lễ cầu mưa này được xuất phát từ vua cha là Lý Thái Tổ, sử sách ghi rằng, những năm hạn hán vua Lý Thái tổ đã lập đàn tế trời cầu mưa tại thành Thăng Long, do vậy mà Lý Nhật Quang đã noi gương vua cha lập đàn cầu mưa tại chùa Thanh Lương.
Với vị trí đắc địa bên cạnh dòng Sông Lam lịch sử, gần trục đường Quốc lộ thuận lợi về giao thông, nằm phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh thuộc quần thể khu di tích văn hóa Nguyễn Du, năm 2014 đến năm 2017 Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh đã chọn nơi đây tổ chức an cư kiết hạ cho Tăng ni toàn tỉnh, đặc biệt, năm 2017 Đại giới đàn Nghệ – Tĩnh cũng được tổ chức tại đây.
Báo cáo cho biết, chùa Thanh Lương trước đây có quy mô rộng lớn, do nhiều yếu tố khách quan chi phối chùa bị mai một hư hỏng hoàn toàn, từ những ngày đầu còn hoang sơ chùa Thanh Lương được Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh về thăm và cầu nguyện, với sự trợ giúp của các cấp chính quyền, nhân dân Phật tử, đặc biệt là Doanh nhân Phật tử Phạm Văn Thắng cũng như sự trợ duyên hùn phước của trên 200 gia đình Phật tử, trong đó có 24 tập thể cá nhân tiêu biểu đã tạo nên một quần thể tâm linh trang nghiêm tố hảo một nét kiến trúc văn hóa đậm đà sắc nét chùa Việt.
Chùa Thanh Lương hoàn thành với diện tích quy hoạch trên 5ha, kiểu hình chữ nhật, chính điện thiết kế theo hình chữ công, với 19 hạng mục công trình, tiêu biểu như: Chánh điện, Nhà tổ, Nhà thập bát La hán, Nhà Thánh mẫu; Nhà tăng, cổng Tam quan; Khu vườn tháp; Nhà thư viện; Nhà thuốc nam; Hồ tĩnh tâm…được thi công trong 12 năm, với tổng kinh phí xây dựng hơn 133 tỷ đồng trong đó có sự đóng góp nổi bật của Doanh nhân Phật tử Phạm Xuân Thắng, người con quê hương Nghi Xuân, bên cạnh sự phát tâm công đức góp duyên của một số doanh nghiệp, cá nhân tiêu biểu và bá tánh thập phương.
Tại buổi lễ BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh đã trao Bằng tuyên dương công đức cho Doanh nhân Phật tử Phạm Văn Thắng và tri ân các nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã phát tâm cúng dường trợ duyên cho chùa Thanh Lương trong thời gian qua. Dịp này, nhà chùa đã đón nhận nhiều lẵng hoa phần quà chúc mừng từ các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức.
Ban đạo từ tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Đức Thiện đã tán thán công đức Đại đức Thích Quảng Nguyên, chúc mừng Phật giáo Hà Tĩnh có một ngôi chùa trang nghiêm tố hảo đồng thời nhấn mạnh về nét văn hóa người Việt hàng ngàn năm, thông qua hình ảnh ngôi chùa và Đạo Phật, sự tương đồng và gắn kết đó đã tạo nên bề dày lịch sử hòa chung nếp sống bao đời nay.
Thượng tọa cho rằng, Hà Tĩnh nơi có bề dày về lịch sử Phật giáo, nơi mà Phật giáo từ Ấn Độ được du nhập vào Việt Nam. Nói đến lịch sử Phật giáo Việt Nam có bề dày lịch sử với hơn 2.000 năm thì lịch sử của Phật giáo Hà Tĩnh cũng có hơn 2000 năm, Hà Tĩnh chúng ta tự hào là mảnh đất có bề dày lịch sử truyền thống văn hóa truyền thống anh hùng cách mạng nhưng cũng là mảnh đất mà có bề dày lịch sử đối với Đạo pháp và Dân tộc, các ngôi chùa trên mảnh đất Hà Tĩnh xuất hiện nằm trong vùng Phật giáo từ rất sớm, lịch sử đã ghi nhận nơi đây là một trung tâm văn hóa, Cửa Sót là nơi Phật giáo theo các đoàn du thuyền du nhập vào Việt Nam.
Trải qua suốt chiều dài lịch sử đã có tới gần 500 ngôi chùa trên quê hương Hà Tĩnh những ngôi quốc tự, cổ tự là nơi gìn giữ truyền thống văn hóa của cha ông trong đó có ngôi chùa Thanh Lương, do biến thiên của thời gian do ảnh hưởng của chiến tranh các ngôi chùa theo quy luật vô thường và còn hiện diện chỉ là những di tích.
Dấu mốc vào năm 2004, với sự phát tâm to lớn của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã dấn thân về quê hương Hà Tĩnh, đem lòng từ bi phụng sự Phật pháp, phụng sự dân tộc của mình để khôi phục Phật giáo Hà Tĩnh. Dấu mốc lịch sử đó, mở đường cho một giai đoạn trùng tu tôn tạo các di tích các ngôi chùa trên quê hương trong đó có chùa Thanh Lương khang trang tố hảo như hôm nay.
Đạo từ của thượng tọa Tổng thư ký nhấn mạnh, tôn tạo xây dựng ngôi Tam bảo là phát tâm gìn giữ sự truyền trì mạng mạch chính pháp là công đức vô lượng, bởi ngôi chùa là nơi đem đến nguồn năng lượng dồi dào, mở ra con đường cho chúng ta đến với sự an lạc và giải thoát, đem đến cho chúng ta điểm tựa niềm tin vững chắc nhất trong hành trình của cuộc đời. Đức Phật dạy rằng, cuộc sống là vô thường mọi sự biến đổi trong cuộc sống nếu như chúng ta không có điểm tựa niềm tin thì chúng ta không thể có con đường vững chắc để đi đến sự hạnh phúc và an lạc, do đó công đức kiến tạo ngôi chùa chính là nơi mà chúng ta có niềm tin để gửi gắm, vì vậy lịch sử Phật giáo Việt Nam trải qua hơn 2.000 năm, ngôi chùa đã trở thành nơi che chở hồn của dân tộc là nơi mà gìn giữ truyền thống quý báu của cha ông, và hôm nay trùng tu tôn tạo ngôi chùa Thanh Lương chính là chúng ta gìn giữ kênh truyền thống văn hóa của dân tộc. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn. Khánh thành ngôi chùa ngày hôm nay chính là những việc làm thiết thực để gìn giữ và phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện tại.
Thượng tọa mong rằng, chùa Thanh Lương với tên gọi vô cùng ý nghĩa sẽ là địa chỉ tâm linh và một trong những trung tâm văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh, đem đến cho đồng bào Phật tử và bà con nhân dân thông qua các khóa tu học, đặc biệt là giới trẻ, với năng lượng tích cực và sức trẻ mang sức mạnh cho cuộc sống phấn đấu trở thành những người thiện lành, những công dân tốt là mái trường đạo đức dành cho các bạn trẻ và trở thành không gian gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc, để xây dựng Hà Tĩnh ngày một hội nhập và phát triển.
Thay mặt Trung ương giáo hội PGVN, Thượng tọa gửi lời tri ân tới sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh của cấp ủy chính quyền địa phương các cấp trong các Phật sự của Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh cũng như các hoạt động Phật sự của giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Phần cuối buổi lễ, Chư tôn đức niêm hương lễ Phật và cùng lãnh đạo chính quyền thả bóng bay, chim bồ câu cầu nguyện quốc thái dân an thế giới hòa bình, nhân dân an lạc.
Trước đó, tối ngày 25/03/2023 (4 tháng 2 nhuận, năm Quý Mão), chùa Thanh Lương đã tổ chức lễ an vị tôn tượng Phật, Bồ Tát, Hộ Pháp tại đại hùng bảo điện với sự quang lâm chứng minh gia trì của Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni.
Nguồn: Chùa Bằng