Ngày 27/ 01/ 2007, tức 9/ 12/ Bính Tuất – Phật lịch 2550, tại thôn Trầm Thượng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, Lễ Khánh thành Đại hùng bảo điện chùa Trầm – Viên Chiếu tự đã được cử hành trọng thể.
Tham dự và chứng minh buổi Lễ có Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ – Phó Pháp chủ, Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây; Đại đức Thích Chiếu Tạng – Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện Tổ đình Trung Hậu; Đại đức Thích Thanh Ân – Trưởng ban Đại diện Phật giáo huyện Phú Xuyên, cùng chư Đại đức, Ni trưởng, Ni sư, Tăng Ni trong tỉnh Hà Tây và các tỉnh lân cận. Các vị đại diện Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận, các Đoàn thể nhân dân của các cấp xã, thôn cũng hoan hỉ tham dự, và sự có mặt của gần một nghìn Phật tử sở tại và thập phương.
Được biết, chùa Viên Chiếu là một trụ xứ Phật giáo có lịch sử từ lâu đời, cảnh quan tươi đẹp. Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có Pháp sư Nguyên Loan kế thế trụ trì tại đây.
Thời gian trôi đi, do chiến tranh và thời tiết, chùa Viên Chiếu đã bị tàn phá nghiêm trọng.
Pháp sư Nguyên Uẩn – người kế thế truyền đăng Sơn môn Đa Bảo, Sư Tổ của Hoà thượng Phổ Tuệ ngày nay – hồi đầu thế kỷ XX cũng đã lấy chùa này làm cơ sở để di chuyển Viên Minh tự – chùa Ráng từ bãi sông Hồng đang bị xói lở vào vị trí ngày nay. Trong 3 năm, từ năm Canh Tý 1900 đến năm Nhâm Dần 1903, thì hoàn thành. Từ đó mà ổn định nền tảng cho việc triển khai Phật sự nổi tiếng “Viên Minh Pháp hội”.
Đạo tràng “Viên Minh Pháp hội” tuy chính thức đặt tại chùa Ráng – Viên Minh tự nhưng rất có liên hệ với chùa Trầm – Viên Chiếu tự. Gần 100 Tăng Ni trong sơn môn pháp phái Đa Bảo đã được tập hợp để giảng dạy và tu học Phật Pháp, với mục đích được nêu ra là:
“Người xuất gia phải tìm nơi cao siêu, tâm hình khác tục, nối thịnh dòng dõi Phật, dẹp tan lũ ma quân, báo đáp bốn ơn, cứu giúp ba cõi. Muốn vậy cần phải: tròn việc rõ lý, tròn lý rõ tâm, tròn tâm tới đạo, rõ đạo thành công, tròn công lập đức, sáng đức thành người, đạo người viên mãn, thành Phật độ sinh. Viên Minh như thế, nên lập đạo tràng” (Lời Bạt của Phật Tổ Tam Kinh – HT. Thích Phổ Tuệ, 2006).
Hơn nữa trong thời gian này, Đạo tràng Viên Minh tự – chùa Ráng còn biên soạn kinh sách, khắc ván in. Hiện nay (2007) tại chùa Ráng, Hoà thượng Phổ Tuệ còn chủ quản tạng ván kinh điển: Kinh 42 chương, Kinh Phật Di giáo, Cảnh sách cú thích hai văn của tổ Quy Sơn (có phụ chú âm nghĩa chữ khó, lý sâu), Kinh Vô lượng nghĩa, Khởi tín luận, Lục trúc song, Sáng tác văn điệp Bồ đề, v.v.
Đạo tràng hoạt động trong 12 năm (1903 – 1915) thì mãn hội. Các Pháp tử, giới tử và thành viên Đạo tràng ra đi ứng cơ khắp nơi.
Hoà thượng Phổ Tuệ ngày nay là người kế thừa toàn bộ di sản và sứ mệnh của mạng mạch truyền thừa Đa Bảo – “Viên Minh Pháp hội” đó.
Thôn Trầm Thượng là một làng có dân Lương và dân Giáo cộng cư từ nhiều đời nay. Giáo dân theo Lễ tại một nhà thờ sở tại. Thời gian qua, chùa Viên Giác đổ nát là một điều mà nhân dân và chính quyền địa phương rất suy nghĩ.
Đáp ứng thỉnh cầu của nhân dân, Hoà thượng Phổ Tuệ đã nhận lời đứng ngôi Trụ trì và giao cho Đại đức Thanh Vịnh đứng ra chuẩn bị hưng công lại ngôi chùa. Ban đầu, căn cứ vào thực lực của địa phương: một miền quê dân ít, thuần nông, thu nhập còn rất thấp, dự kiến 2 năm thì hoàn thành. Về sau, nhờ ân đức của Hoà thượng, sau 5 tháng, ngôi Đại hùng bảo điện trang nghiêm, hoành tráng đã sừng sững hoàn thành. Thật mà như mơ. Thế là từ đây nhân dân, con cháu làng Trầm có nơi gửi gắm tâm hồn và di dưỡng tâm linh của mình.
Sau Lễ niệm Phật cầu gia hộ, khán chúng của buổi Lễ đã nghe phát biểu khai mạc, báo cáo xây dựng, lời tri ân và chương trình văn nghệ… của chính quyền và nhân dân địa phương.
Đặc biệt, gần một ngàn phật tử của buổi lễ đã được nghe Pháp từ của Đại Lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ trong gần nửa giờ. Được biết, sau Tết Bính Hợi này Ngài sẽ sang tuổi 92, lại vừa có kỳ họp dài ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh, tuy sức khoẻ có bị ảnh hưởng song Ngài vẫn nhanh nhẹn, sang sảng, dứt khoát. Trong thời Pháp có đoạn nói:
“Phật tử sống trong điều kiện Lương Giáo cộng cư cần ý thức rằng: đã là chúng sinh hữu tình, nhất là lại được làm giống người thì ai cũng có Phật tính. Do vậy đều là anh em, đều là đồng bào, cần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, phấn đấu xây dựng làng quê chung, phấn đấu cho được giàu sang cả về vật chất và tinh thần. Chúng ta có thể tin chắc rằng nếu Đức Phật và Đức Kitô sống trong một làng, một xóm thì các vị sẽ là những hàng xóm, láng giềng tốt của nhau. Vì sao? Vì các vị đều yêu hoà bình và mong mỏi mọi người an lạc hạnh phúc, từ bi, thánh thiện và có đức tin. Đâu đó trước đây có sự hiểu lầm này khác, dù sao cũng đã là quá khứ, là cái đã qua. Là Phật tử chân chính thì phải từ tâm vị tha, từ bi, hỉ xả.
Chùa to cảnh lớn được xây dựng, tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và công sức của thập phương tín thí. Tiền bạc đó là mồ hôi, công sức của nhân dân. Trong lúc trên thế giới này, gần hơn là trong làng này còn có nhiều người nghèo khổ đói rách; nhiều trẻ em thiếu sách vở, nhiều cụ già thiếu quần áo ấm, thiếu thuốc thang. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ.
Do vậy, các hoạt động Phật giáo, nhất là việc hưng công xây dựng không nên khoa trương trống rỗng, không nên để chùa chiền trở thành cái xác hình thức thì to mà không có hồn hay có mà ốm yếu bệnh hoạn. Chùa chiền cần được sử dụng như thế nào để có lợi lạc cho quảng đại nhân dân. Không theo đúng chính Pháp, không lợi lạc cho quảng đại sinh linh thì trở thành ma đạo. Khi đó chùa chiền trở thành nhà ma. Chính Pháp của chư Phật, chư Tổ bị phá hoại cũng từ đó.”
Đúng 10giờ 30 phút, Hoà thượng Thích Phổ Tuệ và các vị đại biểu tôn giáo, chính quyền, bô lão sở tại và đại biểu Phật tử thập phương đã cắt băng khánh thành và phóng sinh thả chim bồ câu cầu chúc cho hoà bình thế giới trong tiếng chuông trống bát nhã vang lừng.
Chúng tôi xin giới thiệu chùm ảnh trong Phật sự đó.