Ngày 28 tháng 9 năm 2023 đánh đấu một chuỗi sự kiện hết sức quan trọng đối với Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo quốc tế – trực thuộc Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trung tâm đã đạt được thỏa thuận ký kết bản ghi nhớ về việc hợp tác triển khai hợp phần Phật tạng toàn dịch với dự án Kinh điển Phương Đông, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Đây là dấu mốc quan trọng trong bước chuyển mình sau bốn năm thành lập và triển khai hoạt động của Trung tâm. Bởi trong nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án Kinh điển phương Đông và Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế, thì nhiệm vụ phiên dịch bộ Đại tạng kinh là nhiệm vụ đặc biệt, mang nhiều thách thức, không chỉ là số lượng kinh sách đồ sộ, mà còn vì tính uyên áo, phức tạp của toàn bộ nền tư tưởng Phật giáo. Mục tiêu của Hợp phần Phật tạng toàn dịch là xuất bản được những dịch phẩm vừa đảm bảo tính hàn lâm, khoa học, trung thành với tinh thần chân chính của Phật giáo, khắc phục những hạn chế của các bản dịch cũ; vừa dễ hiểu, phù hợp với độc giả phổ thông.
Để đạt được mục tiêu đó, Trong những năm qua Trung tâm đã xây dựng được đội ngũ thành viên dịch thuật tiêu biểu thường xuyên tham gia hoạt động cùng Dự án và Trung tâm lên tới trên 100 nhân sự cơ hữu. Bên cạnh đó còn hàng trăm các cộng tác viên là các chuyên gia tham gia giảng dạy, thẩm định, hiệu đính, biên tập và các hoạt động hỗ trợ khác.
Tham gia Lễ Ký kết có TT.TS. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Trưởng ban Phật giáo quốc tế Trung ương GHPGVN; TT. Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Kinh tế tài chính Trung ương GHPGVN; cùng chư tôn đức trong Ban Lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế.
Đại diện phía ĐHQGHN có sự tham dự của PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN. Đại diện phía Viện Trần Nhân Tông có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; Chủ nhiệm Dự án Kinh điển phương Đông cùng toàn thể Ban Lãnh đạo, cán bộ của Viện và của Dự án. Cùng nhiều quan khách, các học giả, cơ quan báo chí trong nước và đại diện các nhà tài trợ…
Hòa cùng sự kiện kết giao lịch sử đó, lễ kỷ niệm 04 năm thành lập Trung tâm và ra mắt chính thức Nhà sách Phật giáo Vĩnh Nghiêm, nhà sách trực thuộc Trung tâm có đủ chức năng từ biên tập, in ấn và phát hành cũng được kết hợp tổ chức, nhằm đánh dấu và đảm bảo sự sẵn sàng cho một dự án với quy mô lớn và thời gian thực hiện có thể lên đến nhiều năm, thậm chí nhiều thế hệ. Với gần 150 đầu sách đã phát hành, Nhà sách Vĩnh Nghiêm hứa hẹn sẽ là nền tảng vững vàng không chỉ sẵn sàng đón nhận việc in ấn và phát hành những tác phẩm kinh điển của dự án trong thời gian tiếp tới, mà còn định hướng trở thành nhà sách hàng đầu trong lĩnh vực phát hành kinh sách Phật giáo tại Việt Nam.
Diệu Minh