Trang chủ Blog chùa Hà Nội: TT. Chân Quang thuyết giảng tại chùa Tảo Sách

Hà Nội: TT. Chân Quang thuyết giảng tại chùa Tảo Sách

343

Được biết chùa Tảo Sách là một trong số những ngôi cổ tự khá hiếm hoi còn lại ở thủ đô, vừa giữ được vẻ cổ kính, u tịch, trang nghiêm của không gian Phật đài, vừa rất đẹp, cảnh sắc tốt tươi.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa minh chứng cho thấy sống trên đời này, tất cả chúng ta ai cũng muốn hết khổ, được vui. Nhưng có mấy ai hoàn toàn hết khổ để có được niềm vui vĩnh hằng, trường cửu.

Chúng ta biết, trong con người tồn tại hai bản năng: Bản năng sinh tồn và bản năng hưởng thụ.

Bản năng sinh tồn lệ thuộc vào không khí, nước, thức ăn…và vì bản năng sinh tồn nên con người rất ham sống sợ chết. Vì thế, để tồn tại con người phải làm đủ mọi cách kiếm sống, từ đó gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi.

Với bản năng hưởng thụ, con người luôn thích vui, sợ khổ. Vì thế, với việc kiếm sống quá khổ nên con người phải tìm đủ mọi cách để hưởng thụ những thành quả mà mình đã khổ công tìm kiếm.

Qua bài thuyết giảng, Thượng tọa đã phân tích rõ vì hai bản năng này mà con người mãi đi tìm, theo đuổi và làm nô lệ cho niềm vui. Do đó con người bất chấp tất cả, kể cả những điều gây ra tội lỗi, cũng chỉ để đi tìm niềm vui phục vụ cho bản năng hưởng thụ của mình.

Thế nào là khổ vui của thế gian? Con người cho là khổ khi gặp những bất như ý trong cuộc đời như ốm đau, nghèo khổ , thất bại…Cũng vậy, những điều đem đến cảm giác vui cho con người là sự thành công, giàu có, mạnh khỏe…Có thể nói rằng, mọi lạc thú trần gian chính từ sự ích kỷ của con người. Khi ta vui thì sẽ có người đau khổ; Khi ta thành công thì sẽ có người thất bại, tức là ta vui kéo theo sự đau khổ của người.

Thật sự, những lạc thú trần gian luôn làm cho ta bất an, đau khổ vì những trò vui ấy chỉ thoáng qua để rồi cuối cùng ta cứ mãi chìm trong trầm luân sinh tử. Đạo Phật xuất hiện để đem đến sự an vui cho con người. Đó là niềm vui cao vượt lên trên khổ vui thường tình. Niềm vui của sự an tĩnh, thanh tịnh, tịch diệt và siêu thoát. Và quả thật, không phải dễ có được niềm vui này. Đây là sự phân biệt giữa Phàm và Thánh. Phàm phu tìm niềm vui từ sự ích kỷ nên tâm rất loạn động bởi vì nó không thật vui. Người vượt khỏi cảm giác khổ vui của tâm mình là an vui, tâm an mới vui, giá trị ở chỗ họ biết kiềm chế chính mình, khước từ những lạc thú trần gian, đó mới là niềm vui của Thánh.

Bây giờ ta nói về nhân quả. Tất cả mọi người có niềm vui nhiều hay ít đều do phúc nghiệp từ đời trước. Phúc dẫn dắt cuộc đời ta cho ta cơ hội, cho ta sự chọn lựa, nhưng nếu ta tiêu thụ phúc nhiều quá sẽ đưa đến âm phúc, đó là lúc ta bắt đầu tạo tội.

Niềm vui còn là nơi tiêu thụ cái phúc, tuổi trẻ hiện nay đốt năng lượng nhiều nhất vào những trò vui thế gian, tức là đốt phúc và làm cho tương lai đất nước sụp đổ. Cho nên, tuổi trẻ phải đặt lên vai trách nhiệm của mình đối với đất nước, có như thế mới tạo được phúc cho chính mình và cho cả đất nước. Tức là, phải biết CỐNG HIẾN nhiều hơn THỤ HƯỞNG. Đó là ý nghĩa của cuộc sống, là không đi tìm sự nô lệ cho lạc thú, không làm thỏa mãn các khoái cảm mà phải biết dành hết năng lượng để sống yêu thương, phụng sự, cống hiến, tĩnh tu để tìm vô ngã.

Và chỉ những người có trí tuệ mới thấy được giá trị của hạnh phúc thật sự. Họ đi tìm vô ngã bằng sự tĩnh tu, bằng con đường Thiền định, vì chỉ có thiền định mới giúp họ thắng được bản năng hưởng thụ.

Đến đây, bài Pháp thoại kết thúc trong niềm hoan hỷ, an vui của những người con Phật và đã để lại trong lòng mỗi người mỗi cảm nhận khác nhau. Dư hương của bài Pháp còn vang vọng, có người như mới chợt phát hiện một điều gì đó thú vị quanh cuộc sống của mình./.

Dưới đây là một số hình ảnh được ghi nhận tại chùa Tảo Sách, đêm Pháp thoại của TT.Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang: