Mở đầu bài thuyết giảng, Thượng Tọa đã nói rõ ý niệm về “Cái đạo” qua một vài ví dụ như Đạo làm con; Đạo vợ chồng; Đạo thầy trò; Đạo làm quan…Mỗi lĩnh vực đều có “Cái đạo” riêng. Và hôm nay, Thượng Tọa tiếp tục nội dung này với chủ đề ĐẠO LÀM DÂN.
Đạo làm dân là sao? Tức là người dân không chỉ sống và làm việc theo pháp luật, không đơn giản như vậy, mà còn phải nâng cấp cao lên, ý thức phải cao hơn, phải gửi gấm vào trong cuộc sống một lý tưởng lớn, thể hiện tinh tế qua từng lời nói, từng hành động, từng cử chỉ nhỏ nhặt của mình. Nếu nhiều người có Đạo làm dân thì chắc chắn đất nước ta sẽ có nhiều thay đổi lớn. Bởi vì, một khi người dân có tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc cao thì sẽ tạo nên những thành tựu cho đất nước.
Đạo làm dân chỉ yêu cầu ta làm những việc bình thường nhưng ta buộc mình phải có Ý THỨC LỚN. Và chính ý thức này đưa ta về một cõi khác, một nhân quả khác.
Người hiểu Đạo làm dân sẽ là người như thế nào?
Một người tu sĩ bình thường vẫn ráng tu cho đúng thôi, như vậy là họ đã có ý thức lớn thì dù chưa đắc đạo họ vẫn vượt thoát được chính mình.
Một người Phật tử dù làm tất cả mà phủi tay như không làm gì cả, nghĩa là họ làm mà không chấp công. Những người này trái tim họ lớn ra, trí tuệ càng mở rộng, và chắc chắn theo nhân quả họ sẽ thành Phật.
Một người công dân không chấp nhận cuộc sống tầm thường mà hình thành trong tâm một lý tưởng sống cao xa, biết tự đặt lên vai mình trách nhiệm, bổn phận đối với đất nước.
Hiểu Đạo làm dân, họ mới hiểu được những ân nghĩa, nợ nần rất nhiều với đất nước mà họ đã được cưu mang. Hiểu Đạo làm dân, họ mới biết yêu văn hóa làng quê, yêu quý tổ tiên, những lời dạy của ông bà cha mẹ. Hiểu Đạo làm dân, họ mới phải thay đổi chính mình, tu dưỡng chính mình và hoàn thiện chính mình từng ngày.
Đạo làm dân là ta làm những việc dù rất nhỏ bé trong cuộc đời này nhưng Ý THỨC ta rất lớn. Ý thức lớn sẽ tạo nên Quả phúc lớn vô cùng. Người có Đạo làm dân lớn sẽ tạo được rất nhiều phúc. Người mà luôn có ước mơ làm được điều gì đó để có thể cống hiến nhiều nhất cho con người, cho cuộc đời này, họ chỉ biết cống hiến, biết hy sinh quyền lợi riêng tư, thì đây chính là người có ý thức rất lớn vì họ đã bẻ ngược lại tâm lý thông thường của con người là chỉ thụ hưởng mà thôi. Và tất nhiên, quả phúc mà họ được hưởng cũng rất lớn, khó thể tính kể.
Trường hợp này, hiểu Đạo làm dân, ta không cho phép quy luật tự nhiên hưởng thụ chiếm lĩnh tâm mình. Ta không được sống tầm thường, sống hưởng thụ mà phải sống với một ý thức rất lớn trong đất nước đang yên bình êm ấm này, và phải làm sao cho đất nước vững mạnh để có thể yêu thương và giúp đỡ các nước khác.
Một yếu tố khác của Đạo làm dân là lòng trung thành. Ta phải trung thành đối với đất nước, vì đó là cội nguồn quốc tổ đã cho ta những cảm xúc dạt dào. Ta phải trung thành với lịch sử hào hùng qua bao triều đại của dân tộc để biết ơn những người đi trước. Ta phải trung thành với nhân dân, những đồng bào chung quanh ta; và ta phải trung thành với những người lãnh đạo đất nước, vì dân biết tôn kính, kính trọng người lãnh đạo thì đất nước mới có nề nếp, ổn định, và mới có thể vượt lên được.
Thêm một điều nữa là, sống trên đời này con người ta có nhiều trách nhiệm cùng lúc, nên phải biết cân bằng trách nhiệm để mọi trách nhiệm đều được hoàn thành tốt đẹp.
Kết thúc bài thuyết giảng, Thượng tọa nhắc lại những tính chất cơ bản của Đạo làm dân là:
– Phải có ý thức lớn trong từng công việc nhỏ;
– Biết cống hiến nhiều hơn thụ hưởng;
– Có lòng trung thành;
– Biết cân bằng trách nhiệm;
– Cố gắng tìm hiểu luật pháp để không vi phạm;
– Và điều cuối cùng là nguyện sống với ý thức sống có ích suốt đời./.
Dưới đây là một số hình ảnh về toàn cảnh buổi thuyết Pháp của TT.Thích Chân Quang tại chùa Vân Hồ – TP.Hà Nội: