Trang chủ Đời sống Hà Nội rộn ràng Đại lễ Vu Lan

Hà Nội rộn ràng Đại lễ Vu Lan

119

Ngày mai mới đến chính lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch) song, từ 1 tuần nay, không khí Vu Lan đã tràn ngập trong các gia đình, các ngôi chùa ở thủ đô Hà Nội. Năm nay, người Hà Nội đón Vu Lan có phần tiết kiệm hơn và xu hướng ăn cơm chay cũng ngày càng phổ biến trong dịp Lễ mang đậm màu sắc Phật giáo này.

 

Chùa Quán sứ – trụ sở của Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam ngày thường vốn đã đông đúc, song những ngày này, không khí tâm linh dường như bao phủ khắp các gian thờ. Tất cả đều lặng lẽ, tôn nghiêm. Ngôi chùa này cũng mới được tu sửa nên càng rộng rãi, khang trang. Từ ngày 12 – 14/7 (âm lịch), chùa Quán Sứ ngày nào cũng tổ chức khóa lễ Vu Lan và tổ chức cơm chay cho Phật tử. Tuy nhiên, nhà chùa đã hạn chế tối đa việc đốt vàng mã, gây lãng phí.

 

Ngoài việc làm cơm cúng gia tiên, cúng chúng sinh ở nhà, mọi người còn lên chùa cúng lễ Vu Lan

 

Bà Nguyễn Thị Lan, một phật tử của chùa Quán Sứ cho biết:“Năm nay các hòa thượng giáo huấn không nên đốt vàng mã nhiều nên nghi lễ nhẹ nhàng hơn mà vẫn thể hiện tâm linh trang nghiêm của Phật tử đến chùa. Chính vì vậy, Phật tử đến chùa với tư cách tôn nghiêm, trang trọng và đơn giản hơn.

 

Không chỉ có chùa Quán Sứ mà nhiều ngôi chùa khác ở Hà Nội trong dịp này cũng tổ chức khóa lễ Vua Lan và cơm chay như chùa Tảo Sách, Thiền viện Sùng Phúc, chùa Lý Triều Quốc Sư, chùa Bằng, chùa Đình Quán, chùa Đại Tứ Ân, chùa Thị Cấm, chùa Phúc Long, chùa Đồng Kỵ…

 

Từ những ngày đầu tháng cho tới Rằm tháng 7 âm lịch, nhiều chùa ở Hà Nội đã lên lịch làm cỗ chay mời Phật tử thập phương. Năm nay, xu hướng ăn chay ngày càng được ưa thích, nhiều người ăn chay vì tín ngưỡng, nhưng cũng có người ăn chay để thanh tịnh cơ thể, tốt cho sức khỏe. Vì vậy năm nay, các quán ăn chay tại Hà Nôi luôn tấp nập thực khách, kể cả du khách thập phương.

 

Bà Nguyễn Thùy Chi, phụ trách nhà hàng Bồ Đề Tâm ( Phố Nguyễn Khuyến) chia sẻ: “Trong tháng 7 Vu Lan này, nhà hàng Bồ Đề Tâm có tổ chức Buffet chay vào mùng 1, 14, 15 âm lịch và mời các quý thầy đến chia sẻ về ý nghĩa ngày lễ Vu Lan cùng lễ phóng sinh và thả đèn hoa đăng để mỗi chúng ta được hiểu thêm về đạo nghĩa cao đẹp, giúp tăng trưởng phúc đức cho mình cũng như những người thân yêu. Đây là hoạt động thường xuyên của nhà hàng Bồ Đề Tâm và được thực khách mong chờ”.

 

Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, Chủ trì chùa Bằng A, Hà Nội cho biết: Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn. Đó là một trong “Tứ trọng ân” mà mỗi người con đều không thể quên.

 

Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh: “Lễ Vu Lan trong Phật giáo thể hiện tính nhân bản của con người, hướng về  tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cầu nguyện cho người đã mất sinh vào cảnh giới lành của đức Phật. Đồng thời giáo dục truyền thống người Việt vì có ông bà mới có cha mẹ và có cha mẹ thì mới có mình. Mình muốn hiếu kính với bố mẹ thì phải hiếu kính ông bà, tổ tiên của mình”.

Năm nay, tuy người dân Hà Nội đón lễ Vu Lan trong tinh thần tiết kiệm hơn nhưng lễ Vu Lan đang trở về đúng ý nghĩa đích thực của nó. Sự rộn ràng của đại lễ Vu Lan nằm trong chính sự trang nghiêm, thành kính của con người nói chung và giới trẻ nói riêng về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp hơn.